Đề tài “phản địa đàng” trong văn học và điện ảnh Hàn Quốc

Hội thảo khoa học quốc tế “Văn học và điện ảnh Việt Nam, Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa”

Tác giả: Nguyễn Phương Khánh 
TS., Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

TÓM TẮT

Chủ đề phản địa đàng (Dystopia) trong văn học và điện ảnh thế giới cũng không còn xa lạ, không chỉ mới bắt đầu gần đây trong đời sống nghệ thuật nhân loại. Dẫu cái tên của nó có thể ra đời gắn với phát biểu của John Stuart Mill - một nhà triết học, kinh tế chính trị người Anh - từ thế kỷ XIX, hoặc liên quan đến tác phẩm nổi tiếng Utopia của Thomas Moore thời Phục Hưng Anh, thì các vấn đề trăn trở về một xã hội suy tàn và thảm hoạ gần như đã trở thành một đề tài hấp dẫn, khởi nguồn như một diễn dịch trừu tượng về sự phản kháng nhà nước, chống cự các thiết chế xã hội mang tính quyền lực hoặc khắc hoạ các bản án vô hình phi lý thắt chặt số phận cá nhân. Kể cả chuyện những người khổng lồ Gargantua và Pantagruel đến các truyện Gothic u ám của Tây Âu, kịch phi lý, các truyện trinh thám mô tả quá trình thực thi pháp luật hay các các dạng tiểu thuyết sci-fi (khoa học giả tưởng) về thời tận thế và hậu tận thế…, tất cả - ở một góc nhìn nào đó - đều có cảm hứng từ một hiện thực “phản địa đàng”, một thế giới-không-như-là-mơ. Nhưng có lẽ, phải đến thế kỷ XX, thời kỳ của nghệ thuật tiên phong avant-garde, của xã hội kỹ trị, tiêu dùng và sự khủng hoảng của các thiết chế xã hội, cuộc xâm chiếm của máy móc công nghệ, sự huỷ diệt tàn phá của các thảm hoạ thiên nhiên và đại hoạ do con người gây ra, văn chương cùng điện ảnh thế giới mới thực sự chú ý, khai thác mãnh liệt cảm hứng từ dystopia, tạo ra một “hệ sinh thái” mới có thể phản biện lại các định kiến về nghệ thuật thứ hạng (vốn xem kiểu truyện trinh thám, giả tưởng, kinh dị, hành động… không phải là văn chương hàn lâm, tương tự, các bộ phim giải trí thuần tuý thường gắn với các chủ đề có tính giật gân). Văn học và điện ảnh phương Tây gần như đi đầu trong việc xây dựng các thế giới nghệ thuật mô tả xã hội biến loạn, tàn bạo, đen tối, các câu chuyện giả tưởng có phần phóng đại về các thảm hoạ, huỷ diệt, tận thế. Ở phương Đông, đáng chú ý là sự trỗi dậy của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, sự xâm chiếm màn ảnh và kệ sách ở  các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, là các tác phẩm đến từ xứ sở kim chi. Trong đó, đáng chú ý, có thể nói, đánh dấu sự khác biệt và chứng tỏ khả năng áp sát nhanh chóng các xu hướng nghệ thuật toàn cầu của Hàn Quốc, là các tác phẩm văn học và điện ảnh xoay quanh chủ đề dịch bệnh, thảm hoạ, tận thế…, một kiểu dystopia hậu hiện đại. Rõ ràng, đây không chỉ là câu chuyện của việc sáng tạo “hợp thời” mà hơn thế, nó còn đưa đến một cuộc đeo đuổi các diễn ngôn khác nhau, một khát vọng diễn giải bộ mặt đời sống nhân loại trong thế kỷ XXI và bản chất thực sự của các tác phẩm nghệ thuật cũng như thị hiếu của công chúng là gì trong bối cảnh của “địa đàng không thể thiếu khẩu trang”.

Từ khóa: Phản địa đàng, thảm họa, hậu hiện đại, thị hiếu.

Danh mục website