Nguyễn Phương Khánh
(Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng)
TÓM TẮT
Cho đến thời điểm gần đây nhất, khái niệm “văn học Nhật Bản” gần như chỉ dành cho những tác phẩm được sáng tác và xuất bản trên đất Nhật, bởi người Nhật thuần chủng. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển xã hội và bối cảnh toàn cầu hóa, biên giới văn chương cũng được xét lại. Văn học di dân Nhật Bản dần có một vị trí nhất định trong dòng chảy văn chương Phù Tang. Cũng giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Á, văn học hải ngoại Nhật thể hiện sự hòa nhập Đông – Tây và những tâm hồn tha hương luôn hoài vọng những giá trị truyền thống của dân tộc. Murakami Haruki là một hiện tượng nổi bật trong nền văn học Nhật Bản đương đại, là một nhà văn Nhật giữa thời đại toàn cầu hóa với những tác phẩm thể hiện rõ tính chất “giải lãnh thổ” văn chương. Có thể nói, hiện tượng Murakami Haruki đã bộc lộ một tiếng nói khác của văn học di dân Nhật Bản và mang tới nhiều triển vọng mới cho văn học hậu hiện đại trong quá trình biến dịch không ngừng của nó.
TỪ KHÓA: văn học di dân, toàn cầu hóa, giải lãnh thổ hóa, Murakami Haruki, văn hóa đại chúng