"Lữ khách u buồn", nhà nghiên cứu Nhật Chiêu gọi Kawabata Yasunari như thế trong hội thảo quốc tế về nhà văn này diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.
Sáng 27.3, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Q.1, TP. HCM), được sự tài trợ của quỹ Japan Foundation, Khoa Văn học đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế mang tên Kawabata Yasunari: Từ Nhật Bản đến Việt Nam, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, học giả, các bạn sinh viên tham dự.
Chân dung văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari năm 1969
KARSH.ORG
Năm 2022 đánh dấu 50 năm ngày mất của nhà văn lớn đến từ xứ sở mặt trời mọc là Kawabata Yasunari (1899-1972). Ông đoạt giải Nobel Văn chương năm 1968, là nhà văn Nhật Bản đầu tiên vinh dự nhận được giải thưởng này. Văn nghiệp của ông rực rỡ, chứa đựng nhiều khía cạnh quan trọng của mỹ học Nhật Bản, nhất là một Nhật Bản truyền thống.
Những quyển tiểu thuyết quan trọng bậc nhất trong cuộc đời của tác giả này bao gồm: Xứ tuyết, Cố đô Kyoto, Ngàn cánh hạc, Đẹp và buồn, Người đẹp ngủ mê...
Hội thảo khoa học quốc tế Kawabata Yasunari: Từ Nhật Bản đến Việt Nam có nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia tham dự TRƯỜNG ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM |
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu phát biểu tại hội thảo TRƯỜNG ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM |
Hội thảo quốc tế Kawabata Yasunari: Từ Nhật Bản đến Việt Nam có GS danh dự Mitsumasa Tamura đến từ Đại học Shizuoka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Kawabata Yasunari phát biểu qua màn hình trực tuyến. Theo GS Mitsumasa Tamura, sau khi Kawabata Yasunari đoạt Nobel Văn chương, phương Tây biết nhiều hơn về văn học cận hiện đại xứ Phù Tang. Thế giới bắt đầu chú trọng hơn về chân dung cũng như mỹ học Nhật Bản trong sáng tác của ông. Ở Việt Nam, cũng từ sau sự kiện trên, hàng loạt tác phẩm của văn hào này đã được dịch và giới thiệu đến độc giả trong nước.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhớ lại, ông lớn lên cùng với thế giới văn chương "trong sáng và tuyệt đẹp" của Kawabata Yasunari và gọi nhà văn này là một "lữ khách u buồn", đồng thời chỉ ra rằng, một trong những điều thú vị nơi sáng tác của Kawabata Yasunari là "phát kiến" cái đẹp. Phát kiến, theo lý giải của ông, nghiêng về sự khám phá, bảo vệ, trân trọng cái đẹp hiện hữu vốn mong manh. Ông nhấn mạnh: "Nhà văn Fyodor Dostoevsky nói rằng cái đẹp cứu vớt con người. Ở Kawabata Yasunari nói ngược lại nhưng tinh thần thì như nhau: con người cứu vớt cái đẹp - bằng cách phát kiến ra cái đẹp, cứu cái đẹp ra khỏi cái dung tục, tầm thường".
Hội thảo còn có triển lãm mang tên Hành trình Xuân Thu: Tiếp nhận Kawabata Yasunari ở Việt Nam. Một trong những bản dịch đầu tiên của nhà văn này ở Việt Nam là bản trích dịch tiểu thuyết Xứ tuyết của dịch giả Vũ Thư Thanh năm 1969 THẾ SANG |
Nhiều bản dịch tác phẩm của Kawabata Yasunari được giới thiệu tại triển lãm, trong ảnh là quyển Cố đô Kyoto của dịch giả Thái Văn Hiếu THẾ SANG |
Các tác phẩm được trưng bày theo diễn tiến thời gian để khách tham dự hội thảo dễ quan sát TRƯỜNG ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM |
Bản dịch diễn văn nhận giải Nobel Văn chương mang tên Nhật Bản, Xứ đẹp và Tôi của Kawabata Yasunari được giới thiệu tại triển lãm THẾ SANG |
Hội thảo có nhiều bạn sinh viên đến tham dự TRƯỜNG ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM |
Hội thảo bao gồm phiên toàn thể và 4 tiểu ban. Phiên toàn thể trình bày những vấn đề chung nhất về chân dung, văn nghiệp và sức ảnh hưởng của Kawabata Yasunari. 4 tiểu ban đi sâu hơn vào các khía cạnh sáng tác, thẩm mỹ của nhà văn này, rất thú vị vì cung cấp thêm những góc nhìn mới về văn hào Nhật Bản.
Đông Phong
Nguồn: Thanh niên, ngày 27.03.2022