Trưa qua, 4-8, Hội thảo khoa học (HTKH) chủ đề “Phật giáo và văn học Bình Định: Thành tựu và giá trị” đã chính thức khép lại, được đánh giá thành công tốt đẹp. Lễ bế mạc được diễn ra tại Trường Trung cấp Phật học Bình Định (xã Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định), sau các phiên thảo luận cuối cùng vào sáng cùng ngày.
Quang cảnh buổi bế mạc
Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của HT.Thích Nguyên Phước, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định, Trưởng ban Chỉ đạo HTKH lần này; TT.Thích Đồng Tịnh, Phó BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Định; HT.Thích Hạnh Bình, GĐ Trung tâm Hán Việt - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; TT.Thích Quảng Hòa, UVTT Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN; ĐĐ.Thích Đồng Thành, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Định, Hiệu trưởng Trường TCPH Bình Định, Trưởng BTC HTKH lần này; cùng chư tôn đức đại diện các tự viện trong tỉnh và chư tôn đức đại diện Phật giáo các tỉnh lân cận.
Về phía đại diện Trường Đại học KH-XH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM (đơn vị đồng tổ chức) có sự tham dự của Hiệu trưởng trường, PGS.TS.Ngô Thị Phương Lan; GS.TS.Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng trường; PGS.TS.Nguyễn Công Lý, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS.Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Việt Nam học.
Chư tôn đức chứng minh lễ bế mạc
Mở đầu phiên bế mạc, đại diện của bốn diễn đàn thảo luận lần lượt phát biểu tổng kết phiên thảo luận tại diễn đàn của mình. Theo đó, tại tiểu ban 1 “Phật giáo và danh Tăng Bình Định”, với 16 báo cáo đã được đưa ra trong 4 phiên hội thảo, tập trung xoay quanh các chủ đề chính: danh Tăng (8 vị Tăng và 2 vị Ni), đặc biệt, sau quá trình thảo luận và phản biện, đã phần nào xác định được niên đại khả tín của Tổ sư Nguyên Thiều và vai trò độ chúng của Tổ sư; dòng Thiền; Phật giáo Bình Định và phong trào chấn hưng.
Tại tiểu ban 2 “Danh lam cổ tự và Di sản Hán Nôm Bình Định”, xuyên suốt 4 phiên hội thảo có 19 báo cáo được công bố và thảo luận. Theo ĐĐ.Thích Nhuận Huệ - Ban Thư ký tiểu ban 2 cho biết, tại các phiên thảo luận đã có những chia sẻ, trao đổi học thuật rất chân tình và nghiêm túc, nhiều báo cáo góp phần cung cấp tư liệu khoa học mới cho Phật giáo Bình Định nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Tiểu ban 3 “Văn học Phật giáo Bình Định”, có 15 báo cáo trên tổng số 20 báo cáo được nêu ra tại các phiên thảo luận, xoay quanh các chủ đề như: cảm quan Phật giáo qua một số tác phẩm văn học, tư tưởng Thiền trong thơ Đào Tấn… đã đem lại những trao đổi học thuật rất thú vị và sâu sắc.
Với chủ đề “Văn học Bình Định”, tiểu ban 4 có 14 báo cáo được trình bày và thảo luận. Sau nhiều giờ làm việc, đại diện tiểu ban 4, TS.Phan Mạnh Hùng cho biết: “Nhìn chung các bài viết đều có giá trị về việc khắc họa sâu sắc, mới mẻ nhiều tư liệu quý, những phát hiện mới về sự nghiệp, đặc điểm cũng như đóng góp của những thi văn tài đất Bình Định. Các phương diện lý luận được đặt ra rất thú vị, gợi mở nhiều hướng tiếp cận và nghiên cứu khác”.
ĐĐ.Thích Đồng Thành phát biểu báo cáo tổng kết
Thay mặt Ban Tổ chức HTKH, ĐĐ.Thích Đồng Thành phát biểu: “Có thể khẳng định Hội thảo được tổ chức rất thành công, và thành công ngoài sức tưởng tượng của Ban Tổ chức. Có được thành công này là nhờ sự chỉ đạo của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh cùng Ban Giám hiệu Trường Đại học KH-XH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM và những đóng góp nhiệt tình của tất cả các nhà khoa học, của những Phật tử hữu duyên”.
Qua đó, ĐĐ.Thích Đồng Thành chia sẻ, tuy không thể đòi hỏi trong một HTKH có thể giải quyết rốt ráo tất cả những vấn đề, những nội dung mà BTC nêu ra trong thư mời viết bài, nhưng BTC luôn trân trọng và ghi nhận những giá trị khoa học đã đạt được qua các tham luận đã báo cáo tại các tiểu ban và in trong hai tập kỷ yếu, cùng những ý kiến đóng góp của đại biểu qua các phiên thảo luận.
Những gì chưa được tìm hiểu tại Hội thảo này, theo Đại đức, rồi đây sẽ được tiếp tục nghiên cứu. Bởi mục đích của HTKH lần này là tiền đề, là nền tảng để tiếp theo, Trường Trung cấp Phật học Bình Định cùng Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Khoa Văn học của Trường Đại học KH-XH&NV TP.HCM sẽ tiến hành biên soạn hai công trình khoa học với quy mô lớn đó là bộ Phật giáo Bình Định: quá trình truyền thừa và phát triển, đây chính là bộ lịch sử Phật giáo của tỉnh nhà, mà ý đồ là có thể vươn tới cội nguồn của Phật giáo tại vùng đất này khi còn là vương quốc của Champa, có như thế mới thấy hết quá trình diễn tiến cùng quy luật sinh thành và phát triển của Phật giáo Bình Định từ khởi thủy cho đến nay.
PGS.TS.Đoàn Lê Giang phát biểu cảm tạ
Phát biểu lời cảm tạ, PGS.TS.Đoàn Lê Giang nhận định: “Đến nay, HTKH đã chính thức khép lại, trong 2 ngày tiếp theo đây, Hội thảo sẽ bước vào giai đoạn II, HTKH thực địa, bằng cách khảo sát thực địa bằng việc tham quan hơn 10 ngôi danh lam cổ tự tại tỉnh nhà. Không gì khác hơn là sự tri ân đến BTC, các đại biểu là thiện tri thức, học giả, nổi tiếng cả nước cung cấp nhiều bài tham luận vô cùng giá trị cho hội thảo, góp phần tạo nên sự thành công tốt đẹp của HTKH lần này”.
Được biết, trong chiều ngày 4 đến 5-8, HTKT tổ chức tham quan các địa điểm danh lam cổ tự như tổ đình Thập Tháp (thị xã An Nhơn), chùa Nhạn Sơn (thị xã An Nhơn), chùa Thiên Hưng, Thích Ca Phật đài, tu viện Thiên Hưng, chùa Linh Phong, tổ đình Tịnh Lâm, tổ đình Minh Tịnh, khu lưu niệm Hàn Mạc Tử và kết thúc tại tổ đình Long Khánh.
Nhiều vấn đề còn cần tiếp tục được nghiên cứu Qua các tham luận được chọn lọc in trong hai tập kỷ yếu, có thể thấy HTKH Phật giáo và Văn học Bình Định đã nhận được nhiều bài viết có giá trị và chất lượng khoa học, có đóng góp mới. Tuy vậy, hiện vẫn còn bỏ ngỏ một số vấn đề: Ở tiểu ban Phật giáo và danh Tăng Bình Định, Hội thảo đã có nhiều bài viết có đóng góp như nhìn Phật giáo Bình Định trong mối giao lưu tiếp biến văn hóa giữa ba cộng đồng cư dân Việt - Chăm - Hoa, hay dấu ấn Phật giáo trong kiến trúc Champa. Ở nội dung này, chưa có bài nghiên cứu chuyên sâu để chỉ ra ảnh hưởng của Phật giáo Champa trước đó đối với Phật giáo Đại Việt từ các thế kỷ XVI, XVII trở về sau; hay nói cách khác, Phật giáo Đại Việt thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã kế thừa và ảnh hưởng của Phật giáo nơi vùng đất này dưới vương triều Champa như thế nào. Và chúng ta cũng chưa có bài giới thiệu khái quát về quá trình phát triển của Phật giáo Bình Định từ trước đến nay. Vấn đề về mối quan hệ này, Ban tổ chức có đặt bài cho hai chuyên gia ở Hà Nội, từng sống và làm việc tại Ấn Độ hàng chục năm, dù được đồng ý nhưng cuối cùng vẫn không nhận được bài. Về các Thiền phái, một số bài viết về sự truyền thừa Thiền phái Lâm Tế ở Bình Định với vai trò của Tổ Nguyên Thiều, thì Phật giáo nơi đây còn có sự truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán và Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Dù những bài này được khảo cứu hết sức công phu về lịch sử nhưng có lẽ cũng cần làm rõ vai trò và những đóng góp của hai chi phái Thiền này đối với Phật giáo Bình Định. Đặc biệt, nếu trước đây Phật giáo Bình Định từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII hầu như là chịu ảnh hưởng Phật giáo Hoa Nam Trung Quốc thông qua ngài Nguyên Thiều và vài vị khác thì đến nửa đầu thế kỷ XVIII với vai trò của Tổ Liễu Quán với chi phái Thiền do ngài sáng lập đã Việt hóa Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung, Phật giáo Bình Định nói riêng, bởi đây là Thiền phái mang đậm phong cách văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đồng thời cũng cần tìm hiểu để làm rõ thêm những nét đặc sắc trong văn hóa Phật giáo Bình Định qua các lĩnh vực như kiến trúc chùa tháp, cách bài trí nơi chánh điện không gian thiêng liêng, nghi thức hành lễ với tang nhịp trống kèn trong cách tán tụng diễn xướng có khác với nghi thức hành lễ trong văn hóa Phật giáo đất kinh kỳ cố đô Huế, hay trên đất Bắc như thế nào… Về chư Tổ và các vị danh Tăng, Hội thảo đã có nhiều bài khảo cứu công phu về lai lịch, hành trạng đạo nghiệp của Tổ Nguyên Thiều, Tổ Phước Huệ, và các vị: Mật Hoằng, Liên Tôn, Huệ Đăng, Tâm Đạt, Phổ Tuệ, Trí Độ, Huệ Pháp, Thọ Sơn. Tuy vậy vẫn còn nhiều vị cao Tăng chưa được tìm hiểu như: Trí Hải Bích Liên, Kế Châu, Tịnh Giác Thiện Trì, Giác Tánh, Minh Tịnh,... Về phong trào Chấn hưng Phật giáo, về giáo dục Phật giáo, về Ni đoàn cũng là mối quan tâm tại HTKH này với ba bài khảo cứu có giá trị. Cũng xin nói thêm, Giáo hội Phật giáo Bình Định không chỉ có hệ phái Bắc tông mà còn có hệ phái Nam tông Kinh và hệ phái Khất sĩ. Tuy hai hệ phái này chỉ mới được truyền thừa nơi đây không lâu và cũng chưa phát triển là bao, nhưng ít nhiều cũng có dấu ấn riêng, có đóng góp phần nào cho Giáo hội tỉnh nhà, vậy mà không có bài nghiên cứu nào về hai hệ phái này, nhất là hệ phái Phật giáo Khất sĩ. Đây là một thiếu sót đáng tiếc. Tiểu ban Danh lam cổ tự và Di sản Hán Nôm Bình Định, như trong báo cáo đề dẫn được Ban tổ chức điểm qua tại phiên khai mạc, HTKH đã có nhiều bài viết về nội dung này, chẳng hạn, các ngôi tổ đình Nhạn Sơn, Long Khánh, Thập Tháp, Phổ Quang, Tịnh Lâm, Thiên Bình, Gia Khánh, thì hiện vẫn còn nhiều ngôi danh lam cổ tự, tổ đình chưa được giới thiệu tại Hội thảo mà những nơi này trước đây đã được triều đình ban sắc tứ và nhà nước hiện nay công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia như các ngôi Minh Tịnh, Tăng Quang, Sơn Long, Thiên Đức, Thiên Long, Thiên Hưng, và chùa Tỉnh Hội Phật giáo là nơi diễn ra phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bình Định hồi nửa đầu thế kỷ XX, là thành viên trực thuộc An Nam Phật học hội của Trung kỳ. Còn về di sản Hán Nôm có thể thấy có nhiều bài giới thiệu tư liệu Hán Nôm ở Bình Định hoặc viết về Bình Định như: Quy chế Thiền đường; Mộc bản chùa Thập Tháp; Dòng Thiền Lâm Tế ở Bình Định qua tư liệu Hán Nôm; Bài Chí trên chuông của Quốc sư Phước Huệ; Bi ký tháp mộ về ngài Minh Trí Thiện An; Sự tích Hòn Vọng Phu; Thơ Phan Thanh Giản viết ở Bình Định; Thơ Nguyễn Thuật viết về Bình Định và Đào Tấn; Nghiên cứu về thơ Đào Tấn; Phật giáo Bình Định qua chính sử triều Nguyễn và qua tư liệu Hán Nôm; Chuông Phật giáo dưới triều Tây Sơn... Nhìn chung, có thể thấy số lượng bài nghiên cứu tương đối phong phú và công phu, nhưng xét đến cùng vẫn chưa khai thác và giới thiệu được đầy đủ những di sản Hán Nôm hiện còn của vùng đất võ trời văn này. Tiểu ban Văn học Phật giáo Bình Định đã tìm hiểu cảm quan Thiền Phật trong sáng tác của các tác giả Đào Duy Từ, Đào Tấn, Thiền sư Chân Đạo Chính Thống, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê, nhóm Bàn thành tứ hữu, nhóm Trường thơ Loạn, Phạm Hổ, Mang Viên Long,… Bấy nhiêu đó cũng có thể khắc họa diện mạo văn học Phật giáo một vùng đất. Nhưng thực tế là Hội thảo hôm nay vẫn chưa giới thiệu giá trị tư tưởng và giá trị văn chương của những văn bản bi ký, minh văn, hoành phi câu đối hiện còn tại các danh lam cổ tự, các mộ tháp; di sản văn học của chư Tổ. Đặc biệt là thi kệ, ngữ lục của ngài Nguyên Thiều, Liễu Quán, Phước Huệ, Kế Châu và của các vị cao Tăng khác, mà theo Ban tổ chức đây là một thiếu sót không nên có. Nội dung vừa nêu, ngay từ đầu, Ban tổ chức HTKH có hướng đến, có chọn mặt gởi vàng khi đặt bài, nhưng đáng tiếc là vì nhiều lý do khác nhau, các nhà nghiên cứu không gởi bài, vì thế đây là món nợ của Hội thảo đối với Giáo hội và Trường Trung cấp Phật học Bình Định. Tiểu ban Văn học Bình Định thì số lượng bài nghiên cứu phong phú hơn, đa dạng hơn, nhiều tác giả tác phẩm của văn học Bình Định được giới thiệu tại Hội thảo này với rất nhiều bài viết công phu và có giá trị, nhưng xét đến cùng vẫn chưa có một nghiên cứu khái quát về văn học Bình Định từ lúc mở cõi cho đến nay với các giai đoạn sinh thành và phát triển của chúng, hoặc giới thiệu khái quát về thành tựu của văn học Bình Định đương đại tức từ sau năm 1975 đến nay. Việc này, Ban Tổ chức có gợi ý và đặt bài với các nhà nghiên cứu ở Khoa Ngữ văn Đại học Quy Nhơn và với vài vị từng là lãnh đạo của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà nhưng có lẽ vì các vị bận bịu đa đoan nên không thấy bài gởi đến. Về những gì chưa làm được tại HTKH này, hy vọng trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ quan tâm tìm hiểu kỹ và sâu hơn, để chúng ta có một diện mạo đầy đủ về Phật giáo Bình Định, Di sản Hán Nôm Bình Định, Văn học Phật giáo và Văn học Bình Định ĐĐ.Thích Đồng Thành, |
Nguồn: https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2018/08/05/7F70D8/