Nakagawa Shigemi (*)
Ngày nay, trên thế giới có khoảng bao nhiêu người học tiếng Nhật, đọc văn học Nhật Bản bằng tiếng Nhật? Có bao nhiêu người sử dụng sách tiếng Nhật để nghiên cứu những vấn đề văn hoá liên quan đến Nhật Bản? Có lẽ chuyện những nhà nghiên cứu Nhật Bản có liên quan đến những cuốn sách về văn hoá, văn học Nhật Bản tỏ ra thờ ơ một cách bất ngờ với vấn đề này là do từ trong vô thức, họ tin rằng tiếng Nhật, người Nhật và văn hoá Nhật được gắn bó chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, ở nhiều trường đại học hiện nay, hẳn là không hiếm cảnh tượng các lưu học sinh ngoại quốc đến từ nhiều nước đọc những tác phẩm văn học bằng tiếng Nhật ở ngay ghế bên cạnh, và cũng không ít sinh viên người Nhật học văn học Nhật Bản ở nước ngoài. Mặc dù vậy, vì sao Nhật Bản vẫn suy nghĩ theo nếp cũ rằng nước Nhật là trung tâm của hoạt động nghiên cứu văn hoá Nhật Bản? Tất nhiên, nếu nghĩ rằng văn học Nhật Bản là những cuốn sách được viết bằng tiếng Nhật gắn liền với vùng đất có tên là Nhật Bản thì đương nhiên có thể nói nước Nhật chiếm ưu thế về số người nghiên cứu cũng như số lượng độc giả, và nếu phán đoán dựa trên số lượng thì Nhật Bản có môi trường nghiên cứu trọng điểm so với thế giới.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc suy nghĩ rằng Nhật Bản là dòng chủ lưu trong nghiên cứu văn học Nhật Bản. Trước hết, không có sự phân biệt chủ lưu hay không chủ lưu trong nghiên cứu văn hoá, văn học, không nhất thiết phải đề cao việc nghiên cứu cục bộ giống như tinh thần của thuyết Nhật Bản luận, và cũng không cần phải cố chấp vào vấn đề nghiên cứu văn học một cách phức tạp giống như quay trở về với những lý luận văn học đã trở thành kinh điển. Tôi muốn thử nghĩ về khả năng nghiên cứu văn hoá, văn học Nhật Bản từ quan điểm như vậy.
1.Trái với quan niệm rằng nền văn học của một nước nào đó sẽ được đặt tên kèm với quốc hiệu là “văn học….”, rằng nước đó sở hữu, riêng có nền văn học đó, đặc biệt trong những năm gần đây có khuynh hướng nhìn nhận lại vấn đề từ những thành quả của văn hoá học, khu vực học hay lý thuyết hậu thực dân đã phát triển trong nghiên cứu. Trong nghiên cứu văn học cũng có chuyện đặt vấn đề lại về tính rõ ràng của khái niệm văn học Nhật Bản. Chẳng hạn như vào lúc nào đó đã xuất hiện vấn đề văn học ở Nhật của Hàn Quốc- Triều Tiên, văn học viết bằng tiếng Nhật bởi những nhà văn của các nước bị đô hộ được xuất bản đa số ở Đông Nam Á, Trung Quốc hay bán đảo Triều Tiên, hoặc văn học bằng tiếng Nhật của người nước ngoài như Ian Hideo Levy liệu có thể được gọi một cách đơn giản là văn học Nhật Bản theo khái niệm đã xác định từ trước đến nay hay không. Theo Kawamura Minato, sự đề xướng cách gọi “văn học tiếng Nhật” là một kiến giải thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này. Điều đó cho thấy do những phức tạp về các bối cảnh chính trị, lịch sử, văn hoá nên không thể gọi một cách đơn giản là văn học Nhật Bản được, và cũng phản ánh một cách thực tế ý thức về sự bất ổn của khái niệm.
Ngược lại, ở đây cũng nảy sinh vấn đề rằng những nhà văn (đã từng dùng tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ) sáng tác ở nước ngoài, như Ishiguro Kazuo, Tawada Yoko, Mori Kyoko thì sao, hay tiểu thuyết, thơ viết về Nhật Bản của những tác giả “gốc Nhật” (những người có nguồn gốc là người Nhật nhưng không dùng tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ) như Gene Oishi, Kerri Sakamoto, Joy Kogawa, Lydia Minatoya thì được quy định như thế nào. Vấn đề là có thể gọi những tác phẩm của họ đã được viết bằng tiếng nước ngoài là văn học của nước sử dụng ngôn ngữ đó hay không. Có cách phân biệt tác phẩm viết ở Bắc Mỹ của những tác giả gốc châu Á là văn học Mỹ gốc châu Á (Asia American Literature) nhưng từ này theo tôi thì chưa thật sự phù hợp. Đặc biệt khi đọc những tác phẩm về sự lai căng của những người gốc Nhật thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba thì có cảm giác rằng không thể nghi ngờ về trách nhiệm của người Mỹ đã đặt ra tên gọi đó). Vả chăng, sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp độc giả quốc tế của Murakami Haruki phụ thuộc phần lớn vào việc dịch tác phẩm sang tiếng Anh, và điều đó cũng có ảnh hưởng khi dịch sang một ngôn ngữ khác. Nhiều trường hợp dịch lại tác phẩm từ bản tiếng Anh thay vì dịch trực tiếp từ tiếng Nhật có yêu cầu của bản thân tác giả Murakami đã chứng minh rằng ở đây không có sự gắn kết giữa văn học Nhật Bản và tiếng Nhật.
Tóm lại, tất nhiên đây là vấn đề những cuốn sách viết về Nhật Bản không chỉ là sách viết bằng tiếng Nhật, còn tiếng Nhật thì nhất định không chỉ là ngôn ngữ diễn đạt của người Nhật, rồi văn học viết bằng tiếng nước ngoài không hẳn là văn học của đất nước sử dụng ngôn ngữ đó. Những tác phẩm đó tự thân chúng không thể hoà nhập vào dòng văn học Nhật Bản từ trước đến nay (văn học của người Nhật viết bằng tiếng Nhật), và tương tự cũng không thể gộp vào văn học nước ngoài được. Càng nỗ lực xác lập khái niệm văn học Nhật Bản, càng thấy rõ chủ trương phi thực tế của các quốc gia dân tộc hiện đại về việc thống nhất quốc gia và ngôn ngữ, và băn khoăn về cơ chế yêu cầu phân biệt giữa chính thống và phi chính thống. Đây rõ ràng là vấn đề hết sức quan trọng đối với chúng tôi là những người nghiên cứu văn học hiện đại Nhật Bản (từ này nếu suy nghĩ kỹ thì cũng là một từ có vấn đề). Tư tưởng “văn học dân tộc” là rất cứng nhắc.
Trong hoàn cảnh đó, những khuynh hướng như bỏ qua việc xác lập khái niệm văn học Nhật Bản và chỉ gọi là “văn học”, hay cho rằng văn học mang tính quốc tế và do đó vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia dân tộc, hoặc cho rằng nghiên cứu văn học từ bây giờ phải hướng đến nghiên cứu “văn học thế giới” đều khiến tôi mơ hồ cảm thấy sự nguy hiểm vì rơi vào tình huống của Aporia (Hy Lạp cổ đại). Bởi vì nếu gác lại vấn đề căn bản rằng tự thân cái khuôn khổ gọi văn học là do ai xác định và thừa nhận, tôi biết vẫn có sự phản đối nếu không cân nhắc đến những vấn đề mang tính nền tảng như chính trị, lịch sử, xã hội trong đất nước có tên là “Nhật Bản” được đặt ra trong tác phẩm mà tuỳ tiện gọi là văn học hay văn học thế giới và khép vào “phạm trù mang tính mỹ học”. Có lẽ gốc rễ của những vấn đề như thế này là chuyện nên xem xét lại khái niệm vẫn được gọi là văn học Nhật Bản theo hướng nào.
Quan niệm đơn giản rằng “văn học của người Nhật viết bằng tiếng Nhật” không còn thông dụng nữa, đồng thời, những phát biểu mang tính văn học chủ nghĩa giản đơn như “văn học là văn học, không liên quan đến vấn đề dân tộc hay quốc gia” hiện nay cũng tỏ ra bất ổn. Tôi nghĩ rằng ngược lại cần phải lần tìm phương hướng mới xuất phát từ bản thân tính rõ ràng của cách gọi “văn học Nhật Bản” từ trước đến nay. Từ đó đặt ra câu hỏi là dựa vào bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội nào và theo cấu trúc nào mà có sự phân biệt giữa các loại sách được chính thống hoá và những sách bị chối bỏ hoặc thiếu quan tâm. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu phải giải quyết như thế nào trong trường hợp bị đặt câu hỏi rằng về việc liên hệ giữa ý thức về đối tượng cá biệt và cấu trúc về ý thức đó như thế nào, hoặc là tìm được ở đâu những nhận thức quy phạm mà dường như không làm nảy sinh ý thức về sự liên hệ đến cấu trúc.
óm lại, cần phải làm sáng tỏ luận điểm về việc làm thế nào để hình thành trong tưởng tượng sự cân bằng mong manh giữa ý thức về “cái tôi” là độc giả hay tác giả với “Nhật Bản” như là một địa điểm hiện tại, và “văn học” như là không gian suy tưởng về tính cố hữu của “cái tôi”. Chính vì thế lập trường cơ bản của tôi là bám chắc vào cụm từ “văn học Nhật Bản” để thử triển khai, xoay chuyển vấn đề đó.
2. Để bước vào chuyện thử nghiệm này, có rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, những việc này một người không đảm đương nổi. Cần phải xác định lại tình huống nghiên cứu đã được chi tiết hoá, hình dung về cách thích nghi với sự thể hiện phong phú. Tôi nghĩ rằng cần phải xác định “nghiên cứu chi tiết” tuyệt nhiên không phải là sự phê bình mang tính phủ định mà hơn thế, mục tiêu đặt ra ở đây không thể đạt được nếu không đặt cơ sở trên sự tích luỹ mang tính văn hiến học có chuyên môn cao. Việc nghiên cứu trở nên khả thi chính là nhờ sự tích luỹ như vậy. Vấn đề là không thể lúc nào cũng dồn chung vào một chỗ những tác phẩm được viết ra khi những tích luỹ đó trở thành “phương pháp nghiên cứu” tự cấp tự túc, hay khi cách gọi chung chung “phương pháp nghiên cứu” đã “sử dụng” “thâu tóm” những điều đó một cách đơn giản, hoặc gộp chung những tác phẩm dựa trên việc tái sản xuất nối tiếp những lời bình luận kèm theo sách như là sự hiển hiên. Văn học từ trước đến nay phát huy phong phú tính văn học trong thử nghiệm phân chia điều đó thành nhiều cách diễn đạt. Cách dung nạp đồng thời những hướng trái ngược nhau giữa quan điểm chuyên môn và sự quan sát chi tiết là tính dung hợp. Sự thành công của những nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao tất nhiên là thành tích của từng cá nhân. Đương nhiên là xuất phát từ trách nhiệm cá nhân mà người ta giữ gìn uy tín trong khi viết.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là sự xung đột, va chạm phát sinh khi những điều đó tiếp xúc với nhau chẳng phải đã làm “phát triển” bản thân các tác phẩm hay sao. Chẳng phải là sự nỗ lực tạo mối liên hệ, giao thoa nhiều cách đọc hiểu được thực hiện bởi nhà nghiên cứu, sự giải phóng ra thế giới bên ngoài “sự sống” của con người và “tình cảm” bị nén vào trong sách đã khai mở khả năng vốn có ở chính tác phẩm hay sao? Và khi điều đó đã trở thành “thực thể sống” hoà lẫn vào trong mỗi cá nhân, có lẽ sẽ hình thành cách đọc hiểu không cần xem lại vấn đề cơ bản là những ý thức, nhận thức, kiến giải khác ấy vì sao lại sinh ra. Đó không phải là điều chợt nhớ ra, càng không phải là kiểu giải thích mới có vẻ khoa trương, mà vốn là chuyện nhìn nhận lại “vấn đề chung” của con người mà các tác phẩm nói đến trong môi trường văn học.
Một trong những thử nghiệm đó là câu hỏi về chuyện ai đọc và nghiên cứu “văn học Nhật Bản” đã nhắc đến trong phần mở đầu. Hiện nay, ở nhiều trường đại học trên thế giới có các khoa, ngành nghiên cứu châu Á, trong đó có thể nói là luôn có bộ môn “Tiếng Nhật”, “Văn học Nhật Bản”. Và sinh viên từ những nơi đó đến Nhật học về văn học Nhật Bản. Điều đó thường được giải thích là kết quả của sự công nhận quốc tế kèm theo sự phát triển kinh tế của Nhật Bản, nhưng không thể quên rằng không ít trường hợp xuất phát từ các nước phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai như là việc nghiên cứu “thế lực ngoại quốc đối địch”. Việc tìm hiểu để biết về “địch thủ khó hiểu” thực ra đã trở thành việc phân tích về Nhật Bản như một “cấu trúc văn hoá khác biệt”, hay chuyển biến thành sự quan tâm về “biểu hiện hậu hiện đại” từ Nhật Bản với tư cách là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ cao nói theo cách của Edward Wadie Said chính xác là “sự thể hiện bằng hình ảnh chuyện phương Đông vượt qua phương Tây” (“Đông Phương học”), và trong việc nghiên cứu văn học Nhật Bản trên thế giới hiện nay đang có những biến đổi lớn lao.
Một trong những điều đó là cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng người học tiếng Nhật nhờ sự lưu hành và thẩm thấu văn hoá đại chúng Nhật Bản. Theo điều tra của Quỹ giao lưu văn hoá quốc tế năm 2006 về số lượng người liên quan đến văn hoá, văn học Nhật Bản, tiếng Nhật của trường đại học hay các cơ quan hàn lâm thì số người học tiếng Nhật nhiều nhất là Hàn Quốc: khoảng 910.000 người, vị trí thứ hai là Trung Quốc với khoảng 680.000 người (23%), vị trí thứ ba là Úc với khoảng 370.000 người (12,3%), Vị trí thứ 4 thuộc về Indonesia (với 273.000 người), không thay đổi so với lần điều tra trước đó. Trong số những nước có số lượng người học tiếng Nhật trên 10.000 người thì Indonesia có tỉ lệ tăng cao nhất, trong 3 năm số người học tiếng Nhật đã tăng lên 3,2 lần. Và ở Việt Nam thì số người học tiếng Nhật là khoảng 30.000 người, trong 4 năm gần đây đã tăng lên khoảng 12.000 người. Đặc biệt ở miền Bắc sự gia tăng số người học tiếng Nhật rất đáng chú ý, ở Hà Nội năm 2008 số người dự thi năng lực Nhật ngữ lên đến khoảng 2,3 lần so với 2 năm trước đó. Hiện nay, ở những thành phố nhỏ hơn như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Đồng Nai, Cần Thơ cũng tổ chức dạy tiếng Nhật. Và, vào tháng 3 năm 2008 Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản thuộc Quỹ giao lưu văn hoá quốc tế được thành lập, triển khai việc giao lưu văn hoá với tư cách là trung tâm hỗ trợ cho lĩnh vực giảng dạy tiếng Nhật (Trang chủ của website Quỹ giao lưu văn hoá quốc tế
http://www.jpf.go.jp/j/japanese/survey/country/2009/vietnam.html).
Việc phát triển hoạt động giảng dạy tiếng Nhật ở châu Á như vậy được xem là một hiện tượng gắn liền với sự tiến triển về giao lưu kinh tế, giao lưu văn hoá, mặt khác không thể phủ nhận thực tế là sự kết nối lẫn nhau trong khu vực văn hoá chữ Hán đã mang lại ảnh hưởng đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu gắn với việc giảng dạy tiếng Nhật ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan là sự phổ biến cách vận dụng chữ Hán để hiểu tiếng Nhật. Trong nền giáo dục thời kỳ sau chiến tranh, như trường hợp Hàn Quốc vì đã chuyển từ việc dùng chữ Hán sang dùng chữ Hangul nên chữ Hán là văn tự ghi ý đã hỗ trợ rất nhiều trong học tập. Tôi cho rằng điều đó cũng giống như ở Việt Nam là một nước đã chuyển sang dùng hệ chữ Latin thì có lẽ chữ Hán còn có vai trò tái hiện ký ức dân tộc. Không chỉ là sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, cũng giống như văn học bằng tiếng Nhật, điều đó cũng được thể hiện qua sự hình thành nhận thức văn hoá độc lập được nuôi dưỡng từ sự tích luỹ của lịch sử ngôn ngữ được bảo tồn ở mỗi quốc gia qua việc khắc sâu ký ức lịch sử mỗi vùng được gìn giữ nhờ cùng sử dụng chữ Hán. Với ý nghĩa đó, có thể nói là khu vực văn hoá chữ Hán vừa có sự giống nhau về cơ bản nhưng đồng thời lại tạo ra những cấu trúc văn hoá độc lập ở mỗi quốc gia. Điều đó chứa đựng nhiều ý tưởng về khai thác những khả năng từ nay về sau của ngôn ngữ và văn học.
Văn học không thể biểu đạt được nếu thiếu sự cảm biết về bối cảnh văn hoá- lịch sử thông qua con người sống ở nơi đó, hoặc không thông qua bối cảnh lịch sử- văn hoá mà bản thân trải nghiệm. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Tôi nghĩ điều quan trọng là những gì được hình thành dần dần trong quá trình lặp lại sự do dự và trăn trở, và chỉ có thực tiễn tư duy vượt qua khó khăn để hướng đến sự cao cả mới tháo gỡ được những ràng buộc khó chịu trong sự tồn tại của con người. Chữ Hán là văn tự tượng hình, điều đó đã trở thành nhân tố tuyệt vời trong việc lưu giữ những ký ức thị giác. Trong suy nghĩ về sự giống nhau về mặt thị giác của văn tự và sự hình thành các nền văn hoá khác nhau, chữ Hán được xem như nguồn gốc của việc tìm kiếm đến cùng sự giống và khác nhau của mỗi nước thể hiện trong đó, kiểm tra những mâu thuẫn, xung đột nảy sinh ở đó, tìm ra “điều gì đó” có diện mạo mơ hồ là điều gì theo cách hiểu tương đối. Một cách tự nhiên, “sự đau khổ” để hiểu điều đó cùng tồn tại với “khoái cảm” thấu hiểu chúng.
Suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu văn hoá- văn học Nhật Bản ở châu Á là chia sẻ một cách sâu sắc “sự đau khổ” này. Chính sách thực dân tiến hành trong chiến tranh đế quốc chủ nghĩa của Nhật Bản, hay tham vọng thuộc địa hoá dưới cái tên “Thuyết Nam tiến” thật ra cần phải được những người có lỗi nhìn nhận với thái độ tự giác. Tuy nhiên, nếu có những điều được mở ra nhờ chia sẻ “sự đau khổ” này, thì điều đó phải mang tính tích cực. Việc chúng ta đọc và nghiên cứu “cùng văn bản” cho phép chúng ta trao đổi mục đích cụ thể và cách cảm nhận về những điều giống nhau theo những hướng khác nhau. Lực hướng tâm như vậy trong văn học vượt qua không gian và thời gian mang đến với những nơi cùng chia sẻ một câu chuyện. Chữ Hán giúp mở rộng tối đa khả năng đó. Đó không chỉ là sự nhận thức hiện tại, mà còn mang lại ký ức về vùng đất và những con người. Có lẽ chính vì vậy mà chúng ta cần phải coi trọng sự tồn tại của chữ Hán.
Cuối cùng, tôi muốn kết thúc bài viết với một đề xuất nhỏ. Ở Nhật Bản hiện nay, bị vướng vào những rắc rối thuộc về “xu thế của thời đại” như hiện tượng thiếu trẻ em, sự suy thoái của văn học, cải cách giáo dục, chấn chỉnh đại học..v..v., các cơ quan hàn lâm như trường đại học xem tình huống, hoàn cảnh trước mắt như là điều hiển nhiên. Những điều có thể thấy trong cải cách hành chính ở đại học là sự tiến đến chủ nghĩa tư bản không giới hạn, sự du nhập thái quá những nguyên lý cạnh tranh, và thiên kiến rõ rệt đối với ngành khoa học nhân văn. Điều đó đã đè nén một cách khủng khiếp tính nhân văn đã được nuôi dưỡng trong sự tích tụ lớn lao mang tính văn hiến học và được chứng minh trong nghiên cứu văn học Nhật Bản, và có lẽ sẽ dẫn đến tình trạng thực hiện tham vọng quốc gia muốn xoá đi những ghi chép phủ nhận tình cảm con người và cắt đứt sự truyền đạt nối tiếp đó. Dù là vô ý thức cũng không được góp phần làm nên tình trạng như vậy.
Nghiên cứu văn học Nhật Bản là để chống lại điều đó. Những người đọc cùng một văn bản bám vào bối cảnh về thời gian và không gian, dân tộc và quốc gia đã được ăn sâu vào từng nước, đồng thời tìm hiểu cặn kẽ những rắc rối, xung đột phát sinh ở đó, hơn nữa tính dung hợp sẽ thể hiện trong quá trình tiếp tục duy trì tư tưởng đối thoại. Tính dung hợp không phải là sự thoả hiệp, trung hoà hay sự quen thuộc, mà là sự tìm kiếm khả năng của “một điều gì khác” bây giờ vẫn chưa biết. Nói cụ thể, đó là sự hoạt tính hoá những nghiên cứu chung mang tính quốc tế liên quan đến lý luận nghiên cứu văn hoá- văn học Nhật Bản. Tôi cho rằng chỉ với việc tiến hành hoạt động điều tra nghiên cứu mang tính thực tiễn rất cao dựa trên nền tảng của từng bối cảnh mang tính học thuật để biết được hệ thống trao đổi, tương quan với nhau ở khu vực nào đó có hoạt động hay không, thì chúng ta mới xác định được tính thực tế của việc nghiên cứu Nhật Bản vừa dễ dàng vừa khó nhọc. Rốt cuộc, đó là vấn đề văn học tạo ra sự tiếp xúc, trao đổi giữa như thế nào giữa sự quan tâm về “bản thân” và sự quan tâm về “người khác”. Trong sự quan tâm đó những cuốn sách văn học bắt đầu được hình thành. Hơn nữa nó còn kết nối những nghiên cứu Nhật Bản ở châu Á có sự tồn tại độc lập của chữ Hán ở các nơi. Giá trị của di sản này là ở chỗ phát triển rõ rệt trí tưởng tượng. Nghiên cứu Nhật Bản ở châu Á hiện nay đã vượt qua phương pháp tạo ra nền tảng học thuật ở phương Tây, và bao hàm cả dự đoán có thể về việc hình thành một hệ thống mới. Tôi muốn tin rằng những ký ức của lịch sử được tái hiện trong quá trình gắn bó với nhau và trao đổi qua lại là khả năng vô tận của khu vực văn hoá chữ Hán ở châu Á đang hướng đến tương lai.
---------------------
Ghi chú: bài viết này là bản gốc của bài “Đọc cùng văn bản” (“Văn học Nhật Bản hiện đại tập 68, tháng 5/2003). Không cho phép in lại tuỳ tiện.
* GS, Đại học Ritsumeikan, Kyoto, Nhật Bản
Bạn có thể quan tâm: