Tùy Dượng Đế diễm sử qua bản dịch nghiêm túc và tài hoa của học giả Nguyễn Khuê

 

 

( Đọc Tùy Dượng Đế diễm sử, Tề Đông Dã Nhân sáng tác, Nguyễn Khuê dịch, NXB. Phương Đông, TP.HCM, 2010)

Tùy Dượng Đế diễm sử (cũng có thể đọc là Tùy Dạng Đế) của Tề Đông Dã Nhân là một bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc thời Minh Thanh cùng với những Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Hồng lâu mộng, Tùy Đường diễn nghĩa…Trong khi ở Việt Nam những bộ tiểu thuyết kể trên cùng với hàng trăm bộ tiểu thuyết khác đã được dịch ra tiếng Việt qua ngòi bút dịch thuật của Nguyễn Chánh Sắt, Lương Khắc Ninh, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Phan Kế Bính, Bùi Kỷ…thì không hiểu vì lý do gì mà Tùy Dượng Đế diễm sử lại chưa hề được dịch. Tùy Dượng Đế diễm sử là tiểu thuyết lịch sử kể về cuộc đời của một ông vua “phong lưu thiên cổ”: Tùy Dượng Đế - hoàng đế thứ hai của nhà Tùy (581-618), con trai của Tùy Văn Đế (người có công chấm dứt thời Nam Bắc triều, thống nhất Trung Hoa). Dưới vẻ ngoài là người cần kiệm, ham sách vở, biết hiếu kính, Dượng Đế đã che giấu được con người thực của mình – một kẻ bất nhân, bất hiếu, hám quyền và háo sắc. Y giết cha, giết anh để giành ngôi báu, tư thông với cung phi của vua cha khi cha mình còn đang nằm trên giường bệnh. Khi đã lên đến đỉnh cao của quyền lực, Tùy Dượng Đế ra tay sát hại công thần, dùng bọn gian nịnh, vắt kiệt sức dân để phục vụ cho cuộc sống xa hoa, phung phí của kho mà đắm chìm trong tửu sắc…Kết cục cuộc đời Tùy Dượng Đế là một sự “quả báo nhãn tiền”: y bị giết bởi chính bề tôi của mình. Câu chuyện về Tùy Dượng Đế là tấm gương chung cho những ai đang nắm quyền lực hiểu rằng: “Phồn hoa không phải là cảnh thụ hưởng được mãi, quốc gia chẳng phải là chốn hành lạc” (tr.35). Trước nay người đọc đã khá quen thuộc với “chính sử”, “dã sử”, “ngoại sử”…nhưng dường như chưa quen với “diễm sử”. Diễm sử như cách giải thích của chính tác giả là câu chuyện “kỳ diễm”: “Dượng Đế là ông vua phong lưu thiên cổ, nhất cử nhất động của ông, không việc gì mà không vui tai vui mắt, được người ta cho là kỳ diễm, nên gọi sách này là diễm sử” (Phàm lệ, tr.20). Mặc dù nói vậy, diễm sử thực chất là tiểu thuyết lịch sử có tính chất “diễm tình”, “sắc tình”. Cuốn tiểu thuyết này từng bị xếp vào loại “cấm hủy tiểu thuyết” cùng với những Kim Bình Mai, Tiễn Đăng tân thoại, Thủy hử, Hồng lâu mộng…, nhưng nó vẫn sống, vẫn được yêu thích, lưu truyền và ảnh hưởng rất lớn đến văn học đời sau. Trịnh Chấn Đạt nhà phê bình đời Thanh từng chỉ ra: “Hơn nửa đầu bộ Tùy Đường diễn nghĩa chịu ảnh hưởng kết cấu và cách miêu tả của Tùy Dượng Đế diễm sử và Hồng lâu mộng. Cũng nhờ có sự khai mở, định hình của Diễm sử mà có được bộ đại trước tác này”.

Trước nay nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê từng được biết đến như một giáo sư khả kính, một học giả uyên thâm với các công trình Tâm trạng Tương An Quận Vương qua thi ca của ông, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân Am thi tập…lần này độc giả lại biết đến ông như một dịch giả nghiêm túc và tài hoa. Bộ sách được dịch một cách trau chuốt, đọc hấp dẫn từ đầu đến cuối. Hàng trăm bài thơ từ bài từ được dịch một cách công phu và tài hoa. Bộ sách thực sự là một món quà tinh thần bổ ích, lý thú cho người đọc. Riêng đối với dịch giả, bộ sách này còn gắn với một tâm sự riêng của ông với GS. Bửu Cầm – vị “ân sư” của ông: gần 40 năm trước ông được GS. Bửu Cầm tặng cho bộ sách này, ông thầm hứa là sẽ dịch, nhưng rồi bận rộn công việc, cho đến khi GS. Bửu Cầm già yếu rồi ông mới dịch xong, và đến nay GS. Bửu Cầm đã từ trần rồi bộ sách mới ra mắt công chúng. Một cuốn sách mà đi gần hết một cuộc đời! 

 

Danh mục website