Đạo Phật và một số tác phẩm của R.Tagore

 

           Bài viết phân tích sự ngưỡng mộ bộc lộ mạnh mẽ trong cả cuộc đời lẫn tác phẩm của Tagore đối với tầm vĩ đại của Đức Phật và văn hoá Phật giáo. Những bài ca, bài thơ, vở kịch của ông thường mang âm hưởng ca ngợi những giá trị vĩnh cửu về đạo đức và tính nhân văn của Đạo Phật cho đến nay vẫn chưa có ai có thể so sánh nổi tại Ấn Độ. Lòng yêu mến và sự quan tâm sâu sắc của Tagore đối với sự phục hưng của văn hoá Đạo Phật tại Ấn Độ cũng có thể coi như một lời tuyên bố của ông đối với tôn giáo này.

 

Nhiều nhà nghiên cứu coi Tagore như người đã giương cao ngọn đuốc của Đạo Phật và mang cảm hứng mới về sự kết hợp hài hoà giữa thông điệp của Đạo Phật về sự bác ái, từ bi hỉ xả với những nguyên tắc của đức vua Asoka. Nhưng trong khi những thông điệp của Asoka và Đức Phật ít khi vượt ra ngoài biên giới của Ấn Độ khi họ còn sống thì Tagore đã đi vòng quanh thế giới với thông điệp về tình yêu và sự thân thiện hoà bình. Vì thế, bài viết cố gắng làm rõ phần nào sự đóng góp của tư tưởng Phật giáo đối với việc hình thành tư tưởng của Tagore và tác phẩm của ông.

 

 

Nội dung

R. Tagore sinh trưởng trong một gia đình có tư tưởng tự do. Ông nội của Tagore là ông hoàng Dwarkanath Tagore đã từng đi Anh để xem xét và nghiên cứu những vấn đề xã hội trong giai đoạn đó. Ông hoàng cũng là một người bạn của Raja Ram Mohan Roy. Cha ông, Maharsi Devendranath Tagore, đã rời bỏ những tục lệ chính thống của Hindu giáo và chấp nhận tôn giáo của những người Brahmo dựa trên giáo lý Upanishads. Các anh trai của Tagore như Satyendranath và Jyotirindranath Tagore đều là những nhà cải cách xã hội nổi tiếng. Đương nhiên là Tagore đã hấp thụ những tư tưởng tự do này và phát triển tầm nhìn rộng rãi của mình về thế giới bên ngoài.

Trong suốt hai thập kỷ cuối thế kỷ XIX, R. Tagore đã lôi cuốn các học giả của Ấn Độ vào những cuộc tranh luận nhằm chứng tỏ sự vô nghĩa của những lễ nghi và tập tục trong xã hội Hindu giáo. Pandit Shashadhar Tarkachuramani và Shri Chandranath Basu là những người nổi tiếng nhất trong các học giả này. Họ cố gắng chứng minh rằng mọi tập tục xã hội và tôn giáo của đạo Hindu đều dựa trên những nền tảng khoa học cơ bản nhất của sự hiểu biết trong tác phẩm cổ đại Rishis. Nếu như có bất cứ phát minh khoa học nào mới tại phương Tây thì họ lại vội chứng minh rằng những người Hindu đã biết điều đó từ rất lâu rồi. Tagore đã cay đắng châm biếm sự trống rỗng cũng như thói không khoan dung của nhân dân mình qua tác phẩm của ông.

1. Nền tảng tư tưởng của Tagore

  Tagore sinh ra trong một thời kỳ có ít nhất là ba phong trào chính trị xã hội đã đưa lại cho xã hội Ấn Độ những trào lưu và khuynh hướng mới. Một trong ba phong trào đó là phong trào mang tính tôn giáo với những tư tưởng cấp tiến do Raja Ram Mohun Roy đứng đầu. Phong trào thứ hai là phong trào mang tính văn học do Bankim Chandra Chatterjee khởi xướng và phong trào thứ ba là phong trào mang tính chất chính trị xã hội của rất nhiều những người mong muốn đi tìm tiếng nói cá nhân của mình.

  Trong ba phong trào đó, phong trào thứ nhất đã ảnh hưởng đến tư tưởng của Tagore nhiều nhất. Mục đích của nó là đem lại một cuộc cách mạng về văn hoá và xã hội mới. Phương tiện của nó chính là Brahmo Samaj, trong đó, cha của Tagore, ông Maharashi Devendranath, chính là một thành viên. Chính ông đã lãnh đạo phong trào này trong nhiều thập kỷ. Đây là một cuộc cách mạng của những con người là những nhà khoa học, những trí thức mới kết hợp với truyền thống tinh hoa của Hindu giáo. Trong trường hợp của Tagore thì cần phải kể thêm đến những ảnh hưởng của Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa và những tư tưởng cấp tiến của châu Âu mà ông nhận được. ở đây, chúng tôi chỉ xin chú ý đến Đạo Phật.

2. Bản chất tôn giáo theo quan điểm của Tagore

  Tagore nói: “ Theo khí chất của riêng tôi, tôi không thể nào chấp nhận một cách thụ động bất kỳ một sự giảng dạy về tôn giáo nào chỉ dựa trên lý lẽ rằng tất cả những người quanh tôi tin rằng nó là đúng”. Ông cũng nhận xét: “ Chúng ta nên nhớ rằng tôn giáo và các tổ chức tôn giáo khác nhau như lửa và tàn tro. Khi tôn giáo phải tìm đường đi qua các tổ chức tôn giáo thì cũng giống như dòng sông bị tắc nghẽn bởi các đụn cát chắn ngang, dòng chảy bị nghẽn lại và chẳng mấy chốc chỉ còn là sa mạc[1]. Ông còn nói: “Trong các tôn giáo chính thống, tất cả các câu hỏi đều được trả lời, tất cả sự hoài nghi phải tìm ra sự cứu rỗi. Nhưng tôn giáo của một nhà thơ thì khác, nó giống như bầu khí quyển bao quanh quả Đất nơi ánh sáng và bóng tối chơi trò đuổi bắt...Nó không bao giờ dẫn bất kỳ ai tới bất kỳ đâu vĩnh cửu hay tới bất kỳ một kết luận tuyệt đối chắc chắn nào. Nó hé mở cho người ta những vầng sáng không bao giờ cạn kiệt và không có một bức tường nào có thể bao quanh nó hoàn toàn[2]. Qua những điều mà ông bày tỏ, chúng ta có thể thấy rằng Tagore có những quan điểm của riêng mình về vấn đề tôn giáo.

Tôn giáo không phải là sự ẩn dật

  Theo Tagore, tôn giáo không phải là cách để người ta lẩn trốn khỏi thế giới đời thường. Ông viết: “Một số người coi mục đích của tôn giáo là đi tìm một nơi mà người ta có thể thở ra một hơi thư giãn, tránh khỏi những bổn phận của cuộc sống. Đó chính là những thầy tu khổ hạnh. Điều đó thật là xa lạ đối với tôi[3].

Tagore không đả kích các thầy tu khổ hạnh, ông chỉ không tin rằng sự giải thoát có thể xảy ra với chính ông thông qua sự hành xác và hy sinh quên mình. “Sự giải thoát không đến với tôi dưới hình ảnh của sự hy sinh quên mình. Tôi cảm thấy vòng ôm của tự do trong hàng ngàn tia sáng... Không, tôi không bao giờ đóng chặt những cảm giác của mình. Niềm vui sướng tột cùng của việc ngắm nhìn, lắng nghe hay động chạm sẽ đem đến cho bạn niềm vui sống[4]. Đối với Tagore, con người cần phải thu được và cảm thấy sức thu hút của mọi vật và điều này chỉ có thể xảy ra khi anh ta hiến dâng toàn bộ sức lực của mình cho những bổn phận và trách nhiệm đối với thế giới này.

  Chính vì vậy mà đối với Tagore, tôn giáo cũng giống như thứ tình cảm khi người ta nhớ nhà. Người sùng đạo đang trên con đường thiêng liêng trở về ngôi nhà vĩnh cửu của mình, giống như bầy sếu nhớ nhà bay ngày bay đêm để trở về nơi quê hương yêu dấu.  Trong Gitanjali- Thơ Dâng, Tagore đã viết với tất cả sự nhiệt tình:

  Không còn phải trôi từ bến này sang bến khác với chiếc thuyền tôi nay đã bão vùi gió dập...

  Giờ đây, tôi đang háo hức để chết trong sự bất tử”...

Cốt lõi của tôn giáo

Tagore nói: “Từ sanskrit Dharma luôn luôn được dịch ra tiếng Anh với nghĩa là tôn giáo thực ra có một ý nghĩa rất sâu sác trong ngôn ngữ của chúng ta. Dharma là bản chất bên trong của sự vật, là sự thật hàm chứa của  tất cả mọi điều. Dharma là mục đích tối thượng mà chúng ta đang vươn tới[5]. Chính từ nghĩa mà người ta dịch từ này thành “tôn giáo” thay cho “điều cốt yếu của vạn vật”. Tagore lại xác định rõ: “Trong ngôn ngữ của chúng ta, tôn giáo có một ý nghĩa cơ bản. Nước chảy chính là đặc điểm của nước, sự bập bùng của ngọn lửa nằm trong đặc điểm của ngọn lửa. Giống như vậy, tôn giáo hay điều cốt yếu của con người là sự thật bên trong của anh ta[6]. Nhận định này của Tagore về tôn giáo đáng được chúng ta xem xét kỹ hơn.

Dấu hiệu của tôn giáo

Tôn giáo liên quan đến những khái niêm nằm bên ngoài. Con người không thoả mãn với hiện tại của mình nhưng lại có khả năng để vượt khỏi chính mình vươn đến những  tôn giáo cao hơn. Chân lý chứa đựng bên trong con người thúc đẩy anh ta vượt ra khỏi chính mình. Tagore nói:

Dù có nhận thức hay vô thức, chúng ta mang trong mình cảm giác về Chân lý lớn hơn vẻ bên ngoài của nó bởi vì cuộc sống của chúng ta đang phải đối mặt với cái vô hạn và nó đang trong sự chuyển động. Cảm hứng của nó do đó vô hạn, vượt ra khỏi những thành tựu mà con người đạt được[7].

Nhận định này của Tagore về khả năng vượt ra ngoài giới hạn của con người chính là nhân tố chủ yếu trong cảm hứng mang tính tôn giáo của ông. Người ta không thể nhận ra được toàn bộ sự tồn tại của mình qua những giới hạn của sự tồn tại của chính mình mà là qua vị trí của anh ta trong sự vô hạn. Tagore viết:

“... Con người cần phải biết rằng dù anh ta nỗ lực đến đâu thì anh ta cũng không thể nào tạo ra mật ong mà chỉ quanh quẩn bên trong cái tổ của chính mình. Mọi nguyên liệu để tạo ra nguồn cung cấp cho anh ta chính là ở bên ngoài những bức tường nhà anh ta[8].

Khi một con người đánh mất tầm nhìn về cái bên ngoài và không nghe thấy tiếng gọi của tinh thần vĩnh cửu, anh ta đang đứng trên bờ vực thẳm của sự xuống cấp.

Tôn giáo cũng mang tính nhân văn ở bên trong của nó. Tôn giáo chính là sự bộc lộ phương diện nội tâm chủ yếu của con người. Đây chính là phương diện nhân văn tạo nên nền tảng của tôn giáo. Tagore viết: “Chính là nhờ phương diện nhân văn của chân lý này mà tất cả những nhân cách vĩ đại đã tạo nên chính chúng và mang tới cho các đồng bào của họ tính nhân văn dù họ có nhân danh của các tôn giáo khác nhau[9].

Tôn giáo cũng chính là sự chấp nhận về tinh thần. Tagore đã nhận xét rằng tôn giáo là chân lý về mặt tinh thần. Vậy tinh thần chính là cốt lõi của tôn giáo. Tôn giáo của con người, theo như Tagore, đã làm cho anh ta thức tỉnh, nhận thức về một cái gì chung nhất bên ngoài vũ trụ bé nhỏ của mình. Nó dẫn anh ta đến việc đặt niềm tin vào một trật tự tinh thần.

Một vài đặc tính khác của tôn giáo qua cách nhìn của Tagore

Một nhận xét quan trọng của Tagore về tôn giáo là đặc tính đạo đức và mỹ học của nó. Đối với Tagore, nghệ thuật và tôn giáo có một mối quan hệ không thể tách rời. Ông gọi tôn giáo của mình là tôn giáo của nhà thơ. Cuộc sống về tôn giáo và cuộc sống về thơ ca của ông đã hoà quyện nhuần nhuyễn với nhau.

Về một phương diện đặc biệt nào đó, tôn giáo của Tagore mang tính nhân văn sâu sắc. Mục đích của thứ tôn giáo này theo như chính Tagore xác định là khơi dậy và đề cao sự thánh thiện bên trong bản chất của con người.

Mục đích của tôn giáo theo Tagore là để mở cánh cửa vào bên trong thế giới nội tâm của con người. Điều này chứng tỏ rằng trong quan niệm về tôn giáo của mình, Tagore đặc biệt quan tâm đến con người. Điều này hoàn toàn đúng cả về quan điểm mang tính trừu tượng lẫn thực tiễn. Từ quan điểm thực tiễn, tình yêu đã trở thành một phương tiện tôn giáo và thứ tình yêu ấy cần phải tìm ra sự đồng điệu với mọi vật. Chính ở phương diện này mà Tagore nói “Tôn giáo của tôi là tôn giáo của con người”.

Theo Tagore, tinh thần là yếu tố thống trị của tôn giáo. Tôn giáo khiến cho con người nhận thức được mối đồng cảm từ hiện thực cuộc sống xung quanh bên ngoài sự tồn tại của mình.

Có hai yếu tố chính trong tôn giáo: thứ nhất là cốt lõi của nó và thứ hai là sự bộc lộ của nó trong cuộc sống và sự tồn tại. Yếu tố đầu mang ý nghĩa tinh thần trong khi yếu tố thứ hai mang phương diện xã hội và đạo đức.

Tagore cho rằng tôn giáo chủ yếu quan tâm đến cuộc sống nội tâm của các cá nhân. Về cơ bản nó chính là sự tồn tại dựa trên chủ quan của con người và vì thế tôn giáo chính là sự bộc lộ bản chất thực sự của con người. Tôn giáo, do đó, được Tagore coi như một động lực khiến cho tính cách tồn tại, biến đổi và phát triển. Chính trên những ý tưỏng này về tôn giáo mà Tagore đã coi chủ nghĩa nhân đạo là tôn giáo của mình. Theo ông, tôn giáo không thể mang tính chất xa lánh trần tục, ghét đời và ẩn dật tuyệt đối. Cuộc sống tôn giáo của con người nghĩa là sự đối mặt thường xuyên liên tục đối với những khó khăn, thách thức, những hạnh phúc và đau khổ của chính họ.

Từ sự phân tích ở trên, chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về những ảnh hưởng của Phật giáo đối với Tagore và tác phẩm của ông.

3. Tagore và Đức Phật

Những ví dụ về sự thành tâm của Tagore đối với Đức Phật có thể tìm thấy trong nhiều tác phẩm của ông. Ông viết:

Tư liệu về những dấu vết  của tư tưởng và văn hoá Ấn Độ in dấu trong văn học Phật giáo đã khiến việc hiểu biết về toàn bộ lịch sử Ấn Độ trở nên một nhiệm vụ không thể làm tròn nếu chúng ta thiếu sự gần gũi và hiểu biết chúng. Nếu đã hiểu rõ như vậy thì sao chúng ta lại không thể có những người trẻ tuổi tận tâm dâng hiến cho việc phục hiện lại di sản Phật giáo và coi đó là sứ mệnh của mình trong cuộc sống hay sao?”[10]

Vào thời gian đó, Tagore đã giới thiệu Phật giáo trong một khoá học đặc biệt cho sinh viên của ông tại Santiniketan. Để mở rộng kiến thức về Phật giáo, ông đã ủy nhiệm Giáo sư Nitai Benode Goswami tới Ceylon, pháo đài của Đạo Phật. Trung tâm nghiên cứu Phật giáo do Tagore xây dựng nên ở Santiniketan ngày nay là một trong những nơi có những chuyên đề về Đạo Phật tuyệt vời nhất thế giới.

Edward Thompson đã từng nói: “Ông [Rabindranath Tagore] thờ Đạo Phật nhiều hơn là có cảm tình với vài giáo phái của đạo Bà-la-môn- thứ tôn giáo vốn thịnh hành nhất tại mảnh đất Bengal quê hương ông[11].

Trong buổi lễ khánh thành việc tái tạo tu viện Mulagandhakuti Vihara tại tháp lớn Sarnath, nơi đức Phật lần đầu tiên công bố giáo lý của Ngài, Tagore ngày đó 26 tuổi xuất thần đưa ra lời cầu nguyện bằng một bài thơ:

Nguyện cầu xin Ðấng Chí tôn, một lần nữa giáng xuống nơi đây uy danh của Ngài,
Uy danh đã làm cho đất sanh thành của Ngài (đất Ấn Ðộ) thành nơi chiêm ngưỡng của bao nhiêu giải đất gần và xa!
Xin ánh sáng giác ngộ của Ngài dưới cây bồ đề lại sáng chói niềm toàn vẹn,
Ðẩy xa âm u ngu muội;
Và cầu xin đêm tối chấm dứt, để kỷ nguyên của Ngài lại rực rỡ trên đất Ấn Ðộ
[12].
Thông điệp về tinh yêu thương của Đức Phật trong một thế giới “điên cuồng của sự căm ghét” đã chinh phục khối óc và trái tim của Tagore:

Mọi sinh linh khẩn cầu xin Ðức Thế Tôn lại giáng xuống trần!
Ngài, đấng vô lượng thọ, vô đẳng luân
Xin xót thương ban niềm hy vọng muôn đời,
Xin tưới xuống mật ngọt vô lượng tỏa ra
từng cánh trên đài sen sáng chói!
Thanh thản làm sao, bao la làm sao
là đức từ bi vô lượng, là lòng hỷ xả không bờ
của đấng Thế Tôn.
Xin giang tay xóa bỏ mọi tục lụy
trên cõi ta bà này
[13]

Vào ngày 8/5/1935, Tagore nhận lời mời của Hội Maha Bodhi Society đến chủ tọa  ngày Phật đản sinh- Buddha Purnima Day, ông nói:

"Ngày trăng tròn visakha hôm nay, tôi được đến đây thành tâm thiết lễ Ðản Sanh của đấng Chí Tôn. Tôi xin cúi đầu thi lễ trước Đức Phật mà từ đáy lòng tôi hiểu Ngài là con người cao cả nhất trong mọi tầng lớp người đã sinh ra trong cõi đất này. Ðây là dịp cho tôi chứng minh được lòng tôn kính của tôi đối với Đức Phật, đây là cơ hội hãn hữu đối với tôi. Tôi xin thành kính thi lễ kính Đức Phật mà mỗi ngày tự trong thâm tâm tôi vẫn thành kính chiêm ngưỡng"[14]

Giáo sư Krishna Kripalani tác giả bộ tiểu sử bằng tiếng Anh được xem là xác thực nhất của Tagore viết là Tagore vô cùng kiêu ngạo, suốt đời ông chưa hề quỳ lạy một người hay hình tượng nào. Thế nhưng Tagore nuôi lòng kính trọng sâu sắc với Đức Phật ở Bồ đề Đạo tràng Bod Gaya, Saranath, và những nơi thiêng liêng khác của Đạo Phật. Ông bày tỏ điều đó với những tình cảm sâu sắc: “"Tôi là một đệ tử của Ðức Phật, quy y vì trí tuệ của Ngài. Thế nhưng mỗi khi tôi đến những nơi có xá lợi của Ngài, tôi vô cùng xúc động vì cảm thấy được gần gũi Ngài"[15]. Khi đề cập đến chuyến đi của Tagore đến thăm Đức Phật ở Bồ đề Đạo tràng Bod Gaya, ông Krishna Kripalani viết: “Chỉ một lần trong đời, Rabindranath kể lại rằng ông thấy muốn quỳ lạy một thần tượng, đó là khi ông thấy Đức Phật ở Bồ đề Đạo tràng Bod Gaya”. [16]  Thông qua ngòi bút của Tagore, lòng kính trọng của ông đối với Đức Phật (được coi là biểu tượng sống của văn hoá Ấn Độ) càng tăng lên khi ông chứng kiến ảnh hưởng của Ngài tại Java, Bali, Xiêm (tên cũ của Thái Lan), Miến Điện, Nhật bản, Trung Hoa và các nơi khác vẫn muôn năm bất diệt, không hề bị thời gian làm cho lu mờ. Nhân dịp  đến thăm ngôi đền nổi tiếng Borobudur tại Java, ông viết:

Con người hôm nay không còn chút yên vui,
trái tim khô cạn,
rong ruổi chạy theo bả lợi quyền trước mặt,
lợi quyền mà khi buông tay không còn chút ý nghĩa gì.
Ðã đến lúc ta phải suy tư tự tại
trú chân giữa cơn lốc vũ bão,
để nhận chân đức từ bi vô lượng
là ý nghĩa tận cùng của tự do
Và nguyện cầu: Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh... [17]

Khi Tagore đi du lịch qua Xiêm- Thái Lan ngày nay với tư cách “một người hành hương”, ông bày tỏ sự  sung sướng khi nhìn thấy hình ảnh của văn hóa văn minh Phật giáo. Ông viết: “Nếu ta muốn biết sự hùng mạnh thực sự của Ấn Độ thì nên ra nước ngoài. Hình ảnh của Ấn Độ như chúng ta thấy ở đây thật quả dữ dội; một dạng thức khác biệt và cũng hào nhoáng hơn của một Ấn Độ vĩnh cửu mà chúng ta chỉ có thể tìm thấy từ bên ngoài[18].

4. Đạo Phật trong một số tác phẩm của Tagore

  Tagore có một tình yêu và lòng ngưỡng mộ thực sự đối với Đức Phật và Đạo Phật. Ông coi Đức Phật là “Con người vĩ đại nhất đã từng sinh ra trên Trái Đất”. Sự ngưỡng mộ về tầm vĩ đại của Đức Phật và sự vĩ đại của văn hoá Phật giáo đã được bộc lộ mạnh mẽ trong cả cuộc đời lẫn tác phẩm của Tagore. Những bài ca, bài thơ, vở kịch của ông thường mang âm hưởng ca ngợi những giá trị vĩnh cửu về đạo đức và tính nhân văn của Đạo Phật cho đến nay vẫn chưa có ai có thể so  sánh nổi tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, lòng yêu mến và sự quan tâm sâu sắc của Tagore đối với sự phục hưng của văn hoá Đạo Phật tại Ấn Độ cũng có thể coi như một lời tuyên bố của ông đối với Phật giáo. Nhiều nhà nghiên cứu đã coi Tagore như một người đã giương cao ngọn đuốc của Đạo Phật và mang cảm hứng mới về sự kết hợp hài hoà giữa thông điệp của Đạo Phật về sự bác ái, từ bi hỉ xả với những nguyên tắc của đức vua Asoka. Nhưng trong khi những thông điệp của Asoka và Đức Phật ít khi vượt ra ngoài biên giới của Ấn Độ khi họ còn sống thì Tagore đã đi vòng quanh thế giới với thông điệp về tình yêu và sự thân thiện hoà bình.

  Không ai ở Ấn Độ có thể miêu tả các chủ đề về Phật giáo đẹp đẽ và phong phú hơn Tagore. Những vở kịch và các vở vũ kịch của ông như Natir Puja-Sự thờ phụng của cô vũ nữ Chandalika đã được công diễn và ca ngợi cả trong Ấn Độ và nước ngoài. Những bài thơ và các câu chuyện kể của ông về chủ đề Phật giáo đã làm giàu có thêm di sản văn học quí báu của Ấn Độ. Các bài ca tuyệt vời của Tagore khi ca ngợi Đức Phật cũng vượt trội tất cả những bài ca đã từng được sáng tác về giai điệu và lòng sùng kính. Có thể nói, không ai có thể so sánh với Tagore về việc sáng tác và ca ngợi Phật giáo trong văn học và nghệ thuật đương đại tại Ấn Độ.

  Tagore đã từng kể rằng nhà thơ đã cảm thấy một lòng ngưỡng mộ và cảm hứng cao độ khi ông lần đầu tiên tiếp xúc với các câu chuyện Phật giáo qua tác phẩm Sanskrit Buddhist Literature of Nepal-Văn học Phật giáo của Nepal (năm 1882) của tác giả Rajendralal Mitra, một người đi tiên phong về nghiên cứu Phật giáo ở Bengal. Có thể nói rằng các bài thơ và câu chuyện kể của ông về Phật giáo đã dựa trên cảm hứng của các câu chuyện được sưu tập trong cuốn sách này. Tuy nhiên, Tagore đã đưa ý nghĩa xã hội và nghệ thuật cũng như tư tưởng của các câu chuyện này lên một tầm cao mới.

  Trong các tác phẩm của mình, Tagore đã trung thành thuật lại và mô tả chính xác thời kỳ Phật giáo và hơi thở của thời đại. Ông tôn vinh những giá trị vĩnh cửu của Đạo Phật lên trên tất cả những vấn đề phức tạp và xung đột của thời đại. Có thể kể ra những tác phẩm được coi là có giá trị hàng đầu của Tagore như Malini, Natir Puja-Sự thờ phụng của cô vũ nữ Chandalika đều được dựa trên chủ đề về Phật giáo. Ông đã dám đặt những giá trị nhân bản của Phật giáo lên trên những rào cản về tôn giáo và đẳng cấp của Hindu giáo trong các tác phẩm này. Chính những giá trị nhân bản này giải thích vì sao các lý tưởng của Phật giáo nhiều khi lôi cuốn ông hơn những nghi lễ và luật lệ hà khắc của Hindu giáo.

  Malini (1896) được viết dựa trên một truyền thuyết của Mahavastu được kết hợp với một câu chuyện mà Tagore đã nằm mơ thấy khi ông còn ở London. Nhà thơ mơ thấy cảnh tượng về sự phản bội giữa hai người bạn nổi dậy chống lại chế độ hà khắc đương thời và cuối cùng đều bị nhà vua đương quyền dẹp tan. Những người nổi loạn bị bắt và bị dẫn tới trước mặt nhà vua. Trước khi bị xử tội, người bị phản bội yêu cầu nhà vua cho gặp người bạn của mình. Người bạn được dẫn đến và người bị phản bội đã đánh anh ta đến chết bằng cái xích tay của mình.

  Theo câu chuyện đã diễn ra trong thực tế lịch sử, Mahavastu Avadana Malini, công chúa xứ Varanasi bị lưu đầy khỏi đất nước vì những người Bàlamôn không bằng lòng với việc nàng cải sang Đạo Phật. Lòng sùng kính và đức hy sinh của nàng đã khiến đức vua và các hoàng tử cũng như các quan đại thần cảm phục và tất cả đã cải sang Đạo Phật. Tuy nhiên, Tagore đã xử lý đề tài này theo một hướng khác và tạo ra thêm hai nhân vật là Supria và Kshemankar. Kshemankar tượng trưng cho lòng thù hận của những người Bàlamôn không chịu từ bỏ những quyền lợi và luật lệ của mình dưới triều vua mới nên đã ngấm ngầm hợp tác với quân đội nước ngoài để lật đổ đức vua nhưng bị Supria phát giác. Kshemankar bị bắt giữ và đem ra xử tội nhưng Supria và Malini đã xin đức vua tha tội cho anh ta. Tuy nhiên, lòng thù hận đã khiến Kshemankar mờ mắt, anh ta đã đâm Supria tới chết. Malini đã xin đức vua một lần nữa tha tội cho Kshemankar và ngất đi vì đau đớn trước cái chết của người yêu.

  Trong vở kịch này, Tagore đã đặt sự khoan dung và tình thương yêu con người của Đạo Phật lên trên lòng hận thù và sự lạnh lùng đố kỵ của Hindu giáo.

  Vở Raja- Đức vua (năm 1910) được dựa trên cơ sở của truyền thuyết về Kusa trong cuốn Mahavastu Avadana. Công chúa Sudarshana rời bỏ chồng vì anh ta có vẻ ngoài xấu xí và trở thành mồi ngon của bảy vì vua khác. Cuối cùng, nàng được chính người chồng xấu xí của mình là Kusa cứu. Từ một câu chuyện mang tính truyền thuyết, Tagore đã đưa câu chuyện lên một tầm cao mới về tư tưởng, mang tính biểu tượng là con người cần phải vươn tới cái Tuyệt đối, vượt qua sự tầm thường nhỏ nhặt của cuộc sống đời thường để đi sâu vào bản chất của tâm hồn con người. Công chúa Sudarshana cuối cùng đã từ bỏ lòng kiêu hãnh về sắc đẹp bề ngoài và hoàn toàn bị phẩm chất cao đẹp của chồng mình chinh phục.

  Naja Puja (năm 1926) hay Sự thờ phụng của cô vũ nữ cùng với bài thơ Pujarini (năm 1899) được dựa trên truyền thuyết Avadanasataka. Vở kịch được Tagore viết nhân ngày sinh của chính ông. Đây là vở kịch hay nhất của Tagore dựa trên chủ đề về Đạo Phật và cũng là một trong những vở kịch hay nhất được viết bằng tiếng Bengali.

  Đức Phật từng ngồi dưới một gốc cây asoka trong khu vườn toà lâu đài của đức vua Bimbisar, xứ Magadha và giảng đạo. Tại địa điểm đó, sau này vì vua sùng đạo đã xây một ban thờ và cứ vào đêm trăng tròn hàng tháng, ông lại mời các vũ nữ đẹp nhất giỏi nhất tới múa để tỏ lòng thành kính. Sau khi con trai của vua Bimbisar lên ngôi, anh ta bèn ra lệnh cấm tất cả những nghi lễ thờ cúng đó vì anh ta không tin vào Đạo Phật, nếu ai không tuân theo sẽ bị tử hình. Thế nhưng vào ngày trăng tròn tháng đó, cô vũ nữ Srimati đã bất chấp tất cả, hiến dâng mạng sống của mình để bày tỏ lòng sùng kính với Đức Phật.

  Có rất nhiều ví dụ về lòng hy sinh trong lịch sử Ấn Độ vì những mục đích thiêng liêng cao quí nhưng hình ảnh hiếm thấy của cô vũ nữ xinh đẹp đã dám xả thân vì niềm tin của mình đã khơi dậy trí tưởng tượng của Tagore đã khiến cho ông sáng tác ra một trong những kiệt tác. Không chỉ câu chuyện về đức hy sinh của cô vũ nữ, nền tảng về tôn giáo xã hội và chính trị của câu chuyện xảy ra trong giai đoạn ra đời của Đạo Phật cũng được nhà thơ phản ánh rất sinh động. Điều này đã khiến cho vở kịch trở nên một kiệt tác, trở thành một biểu tượng cho tình yêu và lòng ngưỡng mộ của Tagore đối với Đạo Phật.

  Chandalika (năm 1933) cũng được dựa trên câu chuyện mang tính truyền thuyết về Sardulkarna-Avadana. sau này, Tagore đã chuyển nó thành một vở vũ kịch cùng tên năm 1938.

  Một lần trên đường từ Jetavana về, Vihar Bhishu Ananda cảm thấy khát và xin nước từ một cô gái đẳng cấp thấp hèn tên là Prakriti. Lúc đầu, cô gái không dám cho nước vì cô chỉ là một người cùng đinh trong xã hội, Ananda thuyết phục cô rằng “Xin cô đừng tự coi rẻ mình như vậy vì tự coi rẻ còn tội lỗi hơn cả tự sát... Tất cả mọi thứ nước đều có thể làm cho người ta đã khát và sự trao cho người khác một thứ gì như vậy thật là một cử chỉ tinh khiết[19]. Thế là Prakriti bèn sung sướng mời Ananda uống nước với lòng biết ơn và sự tự tôn về nhân phẩm của mình. Nàng tìm kiếm sự giúp đỡ của mẹ mình và bùa ngải để đạt được tình yêu của Ananda nhưng khi Ananda được đưa đến trước nàng trong tình trạng đờ đẫn mê man thì nàng tự căm ghét mình và cầu xin mẹ lấy lại phép thuật của bùa ngải, quì xuống chân Ananda trong tình yêu và sự hối lỗi. Trong câu chuyện ban đầu, Ananda được phép lạ của Đức Phật cứu giúp nhưng trong vở kịch của mình, Tagore đã để cho nhân vật Prakriti tự nhận ra lỗi lầm của mình, một kết thúc mang tính nhân văn và tự nhiên hơn.

  Sự nguyền rủa của Tagore đối với hệ thống đẳng cấp và tình thương của ông đối với những người cùng đinh trong xã hội vốn có gốc rễ sâu xa trong xã hội Ấn Độ thể hiện rất rõ trong vở kịch này. Tagore không bao giờ ủng hộ bất kỳ một hình thức nào của sự nô lệ dù là trong tôn giáo, chính trị hay xã hội. Khi mẹ của  Prakriti an ủi nàng rằng “Chúng ta là nô lệ ngay từ khi ra đời”, cô gái phản kháng “Xin đừng sai lầm bằng cách tự hạ thấp mình như vậy, mẹ ơi! Một công chúa có thể bị bắt làm nô lệ, một người Bàlamôn có thể lâm vào cảnh cùng đinh nhưng con là Prakriti, không phải là nô lệ cũng chẳng phải là kẻ cùng đinh khốn khổ![20] Chính Đạo Phật đã giữ gìn nhân phẩm của con người và giải phóng con người thậm chí dù người đó ở đẳng cấp thấp nhất. Đây chính là một trong những lý do mà Tagore luôn bị Đạo Phật lôi cuốn.

  Phật giáo cũng như là những văn bản của Upanishads đã lôi cuốn sự quan tâm của Tagore. Các nghi lễ cũng như những hình ảnh và các tính cách trừu tượng là sự quan tâm hàng đầu của những ý tưởng tôn giáo trong Kinh Veda. Những mối quan hệ giữa con người và con người, những cảm xúc có tính con người có tầm quan trọng ít hơn trong tác phẩm này. Tất cả những gì vĩ đại được bộc lộ nơi con người như lòng tốt, lòng hy sinh đều nhuốm màu thần thánh bởi vì ở đây, thần thánh và chúa trời được đặt ở vị trí cao hơn con người. Ngược lại, trong Đạo Phật, mối quan hệ và tình cảm của con người được đặt cao hơn những nghi lễ thần thánh. Mục đích của Đạo Phật là đánh thức sức mạnh của cái thiện, lòng thương yêu, sự hy sinh và sự nhiệt tình nằm sâu trong trái tim con người. Tagore nói :

  Ở Ấn Độ, Đức Phật là con người chiến thắng. Ngài đã xoá bỏ tất cả những ngăn cách về đẳng cấp, giải phóng con người khỏi những sự giả dối của những nghi lễ và xoá bỏ hình ảnh của thánh thần khỏi tầm nhìn của con người. Ngài đã thuyết giảng về sức mạnh nội tâm của con người. Bằng sự hy sinh và dâng hiến, Ngài đã tôn vinh trí tuệ, sức mạnh và lòng nhiệt tình nằm trong trái tim của con người. Con người không còn là một sinh vật yếu đuối đáng thương, phụ thuộc vào lòng thương hại của các vị thánh thần mà là Chủ nhân của chính mình[21].

Kết luận           

Tagore nói: “Đối với tôi, những lời văn của Upanishads và việc giảng giải của Đức Phật đều là những kiệt tác về tinh thần và do đó, chúng mang đặc tính quan trọng khó mà kể hết. Và tôi đã sử dụng chúng, cả trong cuộc sống riêng của mình lẫn trong việc thuyết giảng văn học nghệ thuật... và cũng giống như những người khác, tôi đang chờ đợi sự khẳng định của những nguyên lý đó, cùng với lời chứng của chính tôi[22].

  Tagore nhìn nhận Đạo Phật với cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Song qua phân tích các tác phẩm của Tagore, ta có thể thấy tính cách của Đức Phật đặc biệt lôi cuốn ông. Bên cạnh đó, việc Đạo Phật ghét cay ghét đắng các nghi thức tôn giáo và hạt nhân cơ bản của nó về lòng vị tha “thương người như thể thương thân” là hai nhân tố chính khiến Tagore yêu mến tôn giáo này vì trong nhân sinh quan của ông, đây là hai yếu tố không thể thiếu của một con người có hiểu biết và có nhân cách.

Tài liệu tham khảo

1.      Agarwala, R.S., Aesthetic Consciousness of Tagore, Santiniketan, 1996.

2.      Chakraverty, Bishweshwar, Tagore, The Dramatist, A Critical Study, B.R. Publishing Corporation, Delhi, 2000.

3.      Kripalani, Krishna, Rabindranath Tagore: A Biography, New York, 1962.

4.      Lago, Mary, Rabindranath Tagore, Twayne Publishers, A division of G.K. Hall & Co., Boston, America.

5.      Naravane, V.S., An Introduction to Rabindranath Tagore, Madras: Macmillan, 1977.

6.      Sahitya Akademi, Rabindranath Tagore: A Centenary Volume, Delhi, 1961.

7.      Thompson, E.J., Rabindranath Tagore: His Life and Works, Calcutta, Y.M.C.A. Phublishing Huose, 1921.

8.      Visva Bharathi Quarterly, April 1943.

C¸c t¸c phÈm cña Tagore ®­îc trÝch dÉn

            Nh÷ng t¸c phÈm nµy sau nµy ®· ®­îc xuÊt b¶n l¹i t¹i Ên §é t¹i nhµ xuÊt b¶n Rupa,7/6, Ansari Road, Daryagani, New Delhi vµ Sahitya Academi, Rabindra Bhavan, 35, Ferozeshah Road, New Delhi.

9.      Collected Poems and Plays, New York, 1961.

10.  Collected Poems and Plays of Tagore, London, Macmillan, 1936.

11.  Creative Unity, New York, 1922.

12.  Gitanjali (Song-Offerings), London, The India Society, 1912, Macmillan, 1913.

13.  Personality, London, 1917.

14.  Sacrifice and Other Plays, New York, 1917.

15.   Sadhana, The Realisation of Life, New York, 1913.

16.  The Cycle of Spring, New York, 1917

17.   The Religion of Man, New York, 1931 and London, Macmillan, 1931.

18.  Three Plays, Marjorie Sykes, trans. Bombay: Oxford University Press, 1950.

19.  Towards Universal Man, Bhabani Bhattacharya, trans. and ed., New York, Asian Publshing House, 1961.

20.              vµ c¸c t¸c phÈm trÝch ra trong tËp The English Writings of Rabindranath Tagore, 1996, tËp I, II, III  do Sisir Kumar Das biªn so¹n, Sahitya Academi Edition, New Delhi, India.



[1] R.Tagore, The Religion of Man, London. Macmillan, 1931 (lần in thứ tư, 1953),

[2] R.Tagore, The Religion of Man, London. Macmillan, 1931 (lần in thứ tư, 1953), trang 17

[3] R.Tagore, The Religion of Man, London. Macmillan, 1931 (lần in thứ tư, 1953), trang 23

[4] Sách đã dẫn, trang 45

[5] R.Tagore, A Tagore Testament, phần Indu Dutta, trang 37

[6] R. Tagore, Sadhana, trang 52

[7] Như trên, trang 10

[8] Tagore, Personality, trang 65

[9] Tagore, Personality, trang 76

[10] Edward Thompson, dạy môn văn chương Bengali tại Bengal và Oxford, tác giả cuốn sách Rabindranath Tagore: His Life and Work (Calcutta, 1921)

[11] Tập thơ Parisesh viết bằng tiếng Pali năm 1887, dịch ra Anh ngữ và xuất bản tại London năm 1932.

[12] Parisesh, poem 37.

[13] Natir Puja, poem 84.

[14] Trích trong sách Samalochana, 1888

[15] Trích trong sách Samalochana, 1888

[16] Theo báo Visva Bharathi Quarterly, April 1943.

[17] Xem Borobudur, Parisesh,1932.

[18] Theo báo Visva Bharathi Quarterly, April 1943.

[19] Source: Rabindra-Rachanabali (Complete Works of Tagore—Bengali), translated by Bhaswati Ghosh.

 

[20] Source: Rabindra-Rachanabali (Complete Works of Tagore—Bengali), translated by Bhaswati Ghosh.

[21] R.Tagore, Sadhana, viii

[22] Source: Rabindra-Rachanabali (Complete Works of Tagore—Bengali), translated by Bhaswati Ghosh.

 

PGS. TS. Đỗ Thu Hà

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Danh mục website