Tư tưởng Nho giáo trong hương ước chữ Hán Triều Tiên, tham chiếu với hương ước Việt Nam

Tóm tắt

         Văn bản hương ước Triều Tiên được viết bằng chữ Hán trải dài năm thế kỷ, từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX, trong đó chủ yếu dựa vào hương ước của Chu Tử thời Nam Tống để biên soạn lại cho phù hợp với thực tế xã hội Triều Tiên. Tư tưởng Nho giáo đã xuyên suốt toàn bộ nội dung hương ước Triều Tiên do các trí thức Nho học đề xướng. Họ tiếp thu và phát triển tư tưởng Nho giáo theo cách dân tộc hóa, coi trọng tình cảm gia đình, yêu kính cha mẹ, thương yêu anh em, nhân hậu với người thân, quý trọng tình bằng hữu (friendship), hoà mục (peace) với xóm làng, trọng nghĩa lý, cứu giúp người trong khó khăn hoạn nạn, ứng xử đúng với vị trí của mình nơi hương đảng (village). Nhưng bên cạnh đó, tư tưởng Nho giáo cũng gây ra không ít những phiền hà cho cộng đồng. Trong khi xác lập những mối quan hệ và thế đối xử trong cộng đồng, hương ước thực chất chỉ nghiêng về quyền lợi của tầng lớp có quyền thế trong vùng, và nhằm duy trì quyền lợi cho tầng lớp này là chủ yếu.

Confucianism in Korean commune contract and in comparision with Vietnam one                                                    

         Abstract

         The Korean commune contract was written in Chinese characters during the span of five centuries, from the fifteenth to the early twentieth century, modified from commune contract of Chu Hsi during the Southern Song dynasty to better reflect the reality of Korean society. Confucianism was present throughout the entire content of Korean village conventions initiated by Confucian intellectuals. They had acquired and developed Confucianism in a nationalistic way that values the love for family, the respect for parents, the kindness for loved ones, the appreciation for friendship, the peace with neighborhood, the consideration for righteousness, the help for people in need, and the proper behaviors corresponding to one’s position in the village. However, Confucianism also caused many troubles to the community. While establishing the relationship and the interaction in the community, commune contract in fact was in favor of the interests of the upper-class with more power in the region, and mostly aiming at maintaining the interest of this class.

***

Trước hết chúng tôi xin giải thích về cách gọi Triều Tiên. Như chúng ta đều biết, bán đảo Triều Tiên hiện nay bao gồm hai quốc gia độc lập là Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ở phía bắc và Hàn Quốc ở phía nam.Sự phân chia này xảy ra sau cuộc chiến tranh Nam Bắc Triều năm 1953 và tồn tại cho đến ngày nay. Toàn bộ hương ước mà chúng tôi khảo cứu đều dựa trên nguồn tư liệu là bộ sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư 朝 鮮 時 代 社 會 史 研 究 史 料 叢 書 được xuất bản tại Seoul, Hàn Quốc  năm 1986 [1]. Bộ sách này tập hợp toàn bộ số văn bản hương ước của xã hội Triều Tiên (Cho son) từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX, tên gọi Triều Tiên được dùng thống nhất trong văn bản cho cả hai miền Nam Bắc Triều. Vì thế trong bài viết này chúng tôi gọi là Triều Tiên thay cho Hàn Quốc vì số văn bản hương ước được tập hợp bao gồm tất cả trên bán đảo Triều Tiên từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX.

Đề cập đến Hương ước Triều Tiên chúng tôi muốn đề cập không chỉ những văn bản thuộc phạm vi Hàn Quốc hiện nay mà là toàn bộ văn bản Hương ước của Triều Tiên bao gồm cả hai miền Nam Bắc Triều. Sở dĩ chúng tôi trình bày như vậy vì tất cả văn bản hương ước Triều Tiên trong bộ sưu tập Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư có  cả văn bản của vùng  thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

    Hương ước Triều Tiên phản ánh khá đa dạng các điều lệ, giao ước trong đời sống cộng đồng làng xã, nhưng đậm nét nhất là dấu ấn của tư tưởng Nho giáo. Tư tưởng đó xuyên suốt toàn bộ những quy định hành vi ứng xử đối với gia đình, bạn bè,  cộng đồng, hương đảng. Nếu so sánh điều này với Việt Nam thì sẽ có sự khác biệt tương đối rõ. Văn bản hương ước Việt Nam cũng có chuyển tải tư tưởng Nho giáo nhưng không sâu đậm, không nhất quán. Ngay trong khái niệm cùng dùng danh từ hương ước 鄉 約  chữ Hán để chỉ những văn bản mang tính lệ tục trong sinh hoạt làng xã nhưng nội hàm của hương ước dùng trong văn bản hương ước của Triều Tiên và Việt Nam rất khác nhau.

1. Đối với xã hội Triều Tiên thời kỳ Trung Cận đại, hương 鄉 là một đơn vị  tương đương với cấp Quận 郡, Huyện 縣 , có lúc còn có thể sánh ngang với một tỉnh 省. Dưới Hương là Diện 面, tương đương với cấp Xã 社; dưới Diện là Lý 里 tương đương với Thôn 村 của Việt Nam. Trong khi đó ở Việt Nam khái niệm Hương 鄉 chỉ bao gồm một hoặc vài xã như hiện nay, có những nơi chỉ tương đương với Thôn.Vì khái niệm về Hương ở Triều Tiên lớn hơn gấp nhiều lần so với Việt Nam nên nội hàm của Hương ước cũng khác nhiều so với Việt Nam. Khái niệm  về Hương ước 鄉 約 của Triều Tiên do đó rộng hơn rất nhiều so với khái niệm Hương ước của Việt Nam.

Theo từ điển Từ Hải : Hương [鄉] là một khái niệm rộng của đơn vị hành chính, Hương có thể có từ một vạn hai ngàn năm trăm (125.000) gia đình, phạm vi nhỏ nhất của Hương cũng gồm 10 Lý [里] tức 10 xóm nhỏ.  

    Ở Việt Nam hương ước  áp dụng cho mọi thành viên trong làng xã, hương ước là những quy định, điều lệ, cam kết của cả làng xã, bắt buộc các thành viên cùng sống trong cộng đồng đó phải chấp hành.Còn ở Triều Tiên không hoàn toàn như vậy.Trong rất nhiều văn bản hương ước của Triều Tiên đã cho thấy có sự tách bạch giữa hươngước. Ước 約 là những quy định,qui ước của một tập thể số đông mà những người sống trong Hương, Diện hoặc Lý có thể tham gia.Có những người sống trong Hương nhưng không tham gia vào Ước hoặc không được mời tham gia vào Ước, khi họ tham gia Ước mà không tuân thủ những quy định chung thì họ có thể bị đuổi ra khỏi Ước chứ không phải đuổi ra khỏi hương.Và như vậy thì Ước là giao kèo, cam kết của số đông những người có vị thế, có học  và người dân cùng sống trong một vùng tương đối rộng như hương và dưới hương là Diện, dưới Diện là Lý.Gắn liền với ước là các chức quan như: Ước chính, Đô Ước chính, Phó Ước chính.  Ước không chỉ có trong Hương mà còn có cả ở Diện và Lý.

   Ở Việt Nam, bên cạnh tên gọi hương ước còn có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Tục lệ 俗例, Hương lệ 鄉 例, Điều lệ 條 例, Khoán ước 券 約, Điều ước 條 約...nhưng đều bao gồm các quy định, quy ước của một làng hoặc một xã.

Do khái niệm Hương ở Triều Tiên xưa rộng như thế nên những quy định, quy ước dành cho cộng đồng trong cùng một khu vực dân cư rộng lớn ngang với cấp quận, huyện của Việt Nam. Vì vậy mặc dù cùng chung tên gọi là Hương ước nhưng về ý nghĩa, phạm vi sử dụng thì Hương ước Triều Tiên có nội hàm rộng hơn rất nhiều. Chẳng hạn Hương ước Tây Nguyên 西 原 鄉 約 là văn bản dùng cho  25 Diện [ 面] , mỗi Diện tương đương với một hoặc hai ba xã. Hoặc như Hương ước tiết mục 鄉 約 節目 của phủ Thuận Hưng là văn bản cho cả một vùng rộng lớn tương đương một Quận, gồm rất nhiều Diện  .

   2. Hương ước Triều Tiên được hình thành do các nhà trí thức của Triều Tiên biên soạn. Đây là những nhà khoa bảng, uyên thâm về Nho học, có uy tín trong nhân dân. Dựa trên bản hương ước Chu Tử tăng tổn Lã thị hương ước của Chu Tử - một nhà tư tưởng thời Nam Tống mà các nhà trí thức Triều Tiên đã biên soạn lại hương ước cho phù hợp với thực tiễn xã hội Triều Tiên. Văn  bản Hương ước của Chu Tử được du nhập vào Triều Tiên ở giai đoạn đầu thời kỳ Cho son triều Vua Trung Tông1.   Sự tiếp nhận hương ước của Chu Tử được bắt đầu từ việc nho sinh Kim Nhân Phạm ở Hàm Dương tỉnh Kyongsang tấu trình xin áp dụng hương ước để giáo hóa phong tục vào tháng 6 năm Trung Tông 12(1517). Tháng 6  năm Trung Tông 13(1518)3 bản Chu Tử tăng tổn Lã thị hương ước ngạn giải  của tác giả Kim An Quốc được in ấn rộng rãi đề nghị áp dụng cho 8 đạo trong toàn quốc. Tháng 6 năm Trung Tông 14(1519) nhằm ngăn chặn sự lưu truyền các tệ nạn  tại Kinh đô và các địa phương nên Huấn đạo Nhân Đồng là Ân Sâm đã chủ trương dùng hương ước. Việc thực hiện và phổ biến  hương ước trong thời kỳ Trung Tông có khuynh hướng lấy hương ước của Chu Tử làm nguyên mẫu và đến giữa thế kỷ XVI đã cải biên nó cho phù hợp với xã hội Triều Tiên.Các nhà nho đã biên soạn ra các hương ước cho phù hợp với tinh thần thực tế của đất nước, họ đã chú ý đến việc ổn định đời sống cho dân nghèo, đưa vào trong hương ước phương thức hoạt động của Khế là một hình thức vốn được tạo ra và tiến hành tự phát ở các làng quê. Hai học giả tiêu biểu cho việc biên sọan và phổ biến hương ước của thời kỳ này là Thoái Khê Lý Hoàng (Toegye I Hwang) và Lật Cốc Lý Nhĩ (Yulgok I I).Thông qua hai học giả Thoaí Khê và Lật Cốc, hương ước không chỉ được phổ cập rộng rãi mà còn mang màu sắc Triều Tiên rõ rệt. Hương ước do hai học giả này đưa ra vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVI có ảnh hưởng đa dạng đến các địa phương và thúc đẩy sự hình thành hương ước mang đặc tính Cho son(Triều Tiên).Nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành hương ước Cho son là Lật Cốc, vì những đóng góp của ông cho xã hội nên hình ảnh của ông được in trên đồng tiền 5 ngàn won hiện nay.

Nếu so sánh với các văn bản hương ước chữ Hán của Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy không có một tác giả cụ thể nào soạn thảo văn bản mà đó là một tập thể quan viên sắc mục nơi làng xã cùng họp bàn định ra các điều lệ. Văn bản hương ước Việt Nam tuy cũng là sản phẩm của Nho giáo, do những người học chữ Nho ghi chép, cố định văn bản nhưng họ không phải là tác giả cụ thể. Để soạn ra một văn bản hương ước ở Việt Nam phải có cả một lớp lang quan viên, hương lão, sắc mục địa phương cùng ngồi họp bàn định. Những người này không phải đều biết chữ Hán, vì thế họ ít chịu sự chi phối bởi quan điểm của Nho giáo. Do vậy tư tưởng Nho giáo trong văn bản hương ước Việt Nam không sâu nặng như hương ước Triều Tiên. Khác với Triều Tiên, văn bản hương ước Việt Nam được hình thành dựa trên nhu cầu tự quản của làng xã, không dựa vào văn bản Lam Điền Lã thị hương ước thời Bắc Tống hoặc bản Chu Tử tăng tổn Lã thị hương ước thời Nam Tống. Các văn bản hương ước Triều Tiên được hình thành từ văn bản Chu Tử tăng tổn Lã thị hương ước bởi các trí thức Nho học nên tư tưởng Nho giáo đã in dấu ấn rất sâu sắc trong toàn bộ nội dung.

3. Chữ Hán chính là công cụ để truyền tải tư tưởng Nho giáo, đưa tư tưởng Nho giáo du nhập vào các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Văn bản hương ước của Triều Tiên được viết bằng chữ Hán, do các trí thức Nho học biên soạn, lấy tư tưởng Nho giáo để quy chuẩn các điều lệ, hành vi ứng xử. Chính vì vậy hương ước Triều Tiên là một loại hình văn bản chuyển tải rất nhiều tư tưởng Nho giáo và điều này vẫn còn ảnh hưởng rất rộng rãi trong cuộc sống của người Hàn Quốc đương đại.

Tư tưởng Nho giáo được phản ánh trong hương ước Triều Tiên biểu hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, quan hệ vợ chồng, anh em, quan hệ với bạn bè người thân. Bên cạnh đó việc ứng xử với nhau trong cộng đồng dân cư cũng là vấn đề được đặt ra trong hương ước Triều Tiên. Trong các mối quan hệ này, quan hệ và trách nhiệm đối với cha mẹ là cao nhất. Con không được bất hiếu với cha mẹ, nếu như vi phạm phải chịu hình phạt cao nhất. Bản Mật Dương hương ước soạn năm 1648 đã ghi: Làm con  cốt ở sự thành thật, thành thật là cái gốc của sự hiếu kính. Khi cha mẹ còn sống phải có trách nhiệm phụng dưỡng chu đáo, khi cha mẹ qua đời phải lo tang tế theo đúng lễ tục. Cha mẹ là đấng tối thượng buộc những người làm con phải luôn ghi nhớ để chăm sóc và phụng dưỡng suốt đời. Ý thức này khiến cho con người sống nhân bản hơn, có giá trị giáo dục cao hơn. Tư tưởng Nho giáo còn thể hiện ở tinh thần trọng xỉ, kính trọng người cao tuổi  và quyền uy cao nhất thuộc về bậc trưởng thượng. “Tôn kính trưởng thượng” - tôn trọng và kính nể bậc trên, người cao tuổi là điều được nhắc đến trong tất cả các văn bản hương ước Triều Tiên... Người ít tuổi phải phục tùng nghe lời người cao tuổi hơn mình. Đây là mô hình xã hội cũng như trật tự gia đình theo đẳng cấp, lớp lang. Theo đó, người dưới không được có ý định phản kháng người trên, nếu có điều đó xảy ra thì dù đúng sai thế nào kẻ dưới cũng bị trừng phạt nặng hơn. Tục trọng xỉ là một trong những điều được nhắc nhiều nhất trong hương ước Triều Tiên. Bất kỳ văn bản hương ước nào cũng đều đặt vấn đề này rất nghiêm túc. Người cao tuổi nếu có bị mắc lỗi lầm thì không bị trách phạt mà con cháu hoặc người hầu hạ phải chịu phạt thay. Điều này ngày nay chúng ta cho là sự vô lý, nhưng lại có phần nào đó thể hiện sự nhân đạo. Đó là sự ưu ái nâng đỡ đối với người cao tuổi, họ là người được hưởng tuổi trời, chỉ điều đó thôi cũng xứng đáng nhận được sự khoan giảm với tội lỗi. Cũng theo ý thức hệ Nho giáo thì người đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp mà không bị xã hội lên án. Duy trì trật tự gia đình với nhiều vợ là bổn phận và trách nhiệm của người đàn ông, miễn sao họ không để xảy ra tình trạng lộn xộn trong gia đình, giữa các bà vợ với nhau. Hương ước  An Đông  và Hương ước Mật Dương quy định “ lấy lễ để đối xử với thê thiếp”,1 còn hương ước Lễ An lại ghi tôị “sơ bạc với vợ chính” được xếp vào Trung tội tức là Tội loại vừa phải, thường thường bậc trung 2. Cũng tội sơ bạc chính thê , Hương ước Tây Nguyên lại cho ghi vào Ác tịch   (Sổ ghi những điều ác) để răn dạy và trừng phạt tuỳ theo mức độ nặng nhẹ 3.

   Tư tưởng Nho giáo đề cập trong Hương ước Triều Tiên còn dạy dân có tính trung tín, đôn hậu với bạn bè người thân, cư xử với nhau có tình nghĩa trước sau. Quan điểm Trung, Hiếu, Lễ, Trí, Tín của Nho giáo Trung Hoa khi chuyển sang Triều Tiên được các học giả thể hiện trong hương ước  với mức độ và phạm vi có sự khác biệt. Nếu theo các nhà Nho Trung Hoa, cách ứng xử của một bậc chính nhân quân tử phải  trung thành với Vua trước tiên, sau đó mới là có hiếu với cha mẹ, tiếp sau nữa mới là có Lễ nghĩa, có sự sáng suốt (Trí) và có độ tin cậy (Tín). Quan điểm này khi thể hiện trong hương ước Triều Tiên đã có sự hoán đổi vị trí. Sự trung thành với nhà Vua  được nhắc đến thông qua việc cư xử có hiếu với cha mẹ, đồng thời “ hiếu là để thờ Vua” [2] và phải cẩn trọng với tô thuế ở cuối trong tất cả những điều cần làm. Cẩn trọng với tô thuế đồng nghĩa với việc có nghĩa vụ với Nhà nước, đó cũng là sự trung thành với quốc gia. Các học giả Triều Tiên đã đưa đạo Hiếu với Cha Mẹ lên hàng đầu, tiếp theo là sự trung thực, tin cậy khi đối xử với bạn bè, người thân, sau đó mới là lễ nghi khi giao tiếp. Sự trung thành với quốc gia dường như không được coi là điểm mấu chốt để nêu bật trong Hương ước. Theo quan điểm của các học giả Triều Tiên, khi gia đình và đạo đức gia đình được chấn chỉnh và phát huy sẽ khiến cho phong tục được trở nên tốt đẹp; như thế cũng sẽ góp phần làm ổn định xã hội. Trong lời tựa cho Hương ước Tây Nguyên, tác giả đã viết: Hương ước đã có từ lâu lắm rồi. Người trong một Hương [Huyện] thì khi khó khăn phải giúp đỡ lẫn nhau, khi có bệnh tật phải cứu giúp nhau, khi có việc phải ra ngoài thì phải hỗ trợ nâng đỡ nhau. Vả lại, khiến cho con em chịu sự giáo dục của gia đình, của trường làng, trường huyện, để đôn đốc nâng cao ý nghĩa của hiếu đễ, [khiến cho] thịnh trị đến ba đời, phong tục đẹp, thuần lương cũng từ đó mà ra 4. Tác giả cũng cho biết, ông vốn là người theo đạo Nho, có ý muốn giáo hoá cho dân thành mỹ tục, trong lòn luôn đau đáu khôn nguôi. Tác giả còn nói rõ việc biên soạn Hương ước của ông là tham khảo ý kiến của các phụ lão trong Hương, tham khảo Hương ước cũ do hai người trong ấp [làng] đã biên soạn, lại thêm xem xét Lam Điền Lã thị hương ước mà giản lược bớt đi để từ đó đặt ra những điều ước mơí. Tác giả của Lễ An hương lập ước điều cũng viết trong bài tựa của Hương ước như sau: Bậc đại phu trong làng lấy đức để hành đạo, làm kẻ sĩ tất phải tu chính trong gia đình, làm rạng rỡ nơi làng xóm, sau đó có thể chấn hưng được quốc gia. Đạo gốc của người Hiếu Đễ Trung Tín rất lớn mà thi hành công việc thật cho gia đình và làng xóm đều ở trên đất này... Huống chi, thời gian làng theo hương tục đã xa, cái tốt cái xấu có thể xen nhau, cái mạnh cái yếu có thể hoà nhau khiến cho Hiếu Đễ Trung Tín có thể chậm, có thể không thi hành, thậm chí có thể khiến cho cái xấu, cái ác có thể quay về. Như thế thật là đại hoạ cho nền Vương chính 5. Như vậy, những nhà Nho Triều Tiên đã mang tư tưởng Nho giáo của Trung Hoa để áp dụng vào việc dạy cho dân có những phong tục đẹp theo quan điểm của của họ. Nho giáo được coi là một chuẩn mực để định ra những giá trị đạo đức và các hành vi ứng xử cho dân. Nhưng tiêu chí Trung Quân - tức là trung thành với Vua đã bị đẩy xuống hàng thứ sau tiêu chí Hiếu Đễ với cha mẹ anh em. Nền tảng của Nho giáo Triều Tiên được phản ánh qua hương ước lấy đạo Hiếu làm trọng. Từ đạo Hiếu Đễ sẽ chi phối các mối quan hệ ứng xử khác. Muốn có được các tiêu chuẩn về Hiếu Đễ Trung Tín của Nho giáo thì cần phải tôn trọng kẻ sĩ và gia tộc của kẻ sĩ. Trong hương ước Lễ An có một điều quy định “ Kẻ thứ nhân mà lăng miệt gia tộc kẻ sĩ thì sẽ bị cáo quan trị tội” [3]. Tương tự như vậy trong Hương ước Quang Châu  cũng có một số điều quy định liên quan đến uy tín của kẻ sĩ và gia tộc kẻ sĩ như: Kẻ nào không có liêm sỉ để huỷ hoại phong thái kẻ sĩ, hoặc một người nào đó có tín nhiệm trong hương thôn mà lăng miệt gia tộc kẻ sĩ thì sẽ bị tâu lên quan cứ y theo luật mà trị tội 2. Những điều quy định trên chứng tỏ các nhà Nho Triều Tiên bấy giờ đang cổ suý cho Nho giáo và những gia tộc có người  học hành tử tế. Những gia tộc có nhiều thế hệ theo con đường học hành thi cử mới được coi là gia tộc kẻ sĩ và họ đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt làng xã. Kẻ sĩ và gia tộc kẻ sĩ được coi trọng trong hương thôn như thế nên họ cũng phải chịu sự ước thúc của hương ước. Bàn Khê hương ước đã quy định như sau: Thường kẻ ở hàng kẻ sĩ mà sợ sự kiểm thúc từ chối không chịu gia nhập vào Ước thì báo quan truất khỏi hương.  Một trong những tiêu chí để được gọi là người Thiện trong hương ước Tây Nguyên là phải: có khả năng lấy đạo Nho để gìn giữ bản thân bên cạnh các yêu cầu khác. Chính vì tôn trọng những người có học nên tiêu chuẩn để chọn người đảm trách công việc trong làng xã luôn lấy những người có học có đức. Hương ước Hải Châu đã ghi: Chọn một người có đức, có tuổi, có học thuật làm Đô ước chính [người đứng đầu trong Hương], chọn 2 người trong Hương thay phiên nhau làm Phó; làm Trực Nguyệt [phó phụ trách về sự vụ, thông tin, thư ký] tất yếu phải có nô bộc để sai khiến, làm  Ty hoá [phó phụ trách về kinh tế, tài chính] nhất định phải là Nho sinh ở trường làng 3. Điều này cho thấy Nho giáo đã có vị trí trong hương thôn Triều Tiên bấy giờ. Chính Nho học đã tạo ra một lớp trí thức được đánh giá cao trong xã hội Triều Tiên thời Trung Cận đại với bằng chứng là quan văn bao giờ cũng được đánh giá cao hơn quan võ. Vì thế nếu một cá nhân nào đó trong hương đi thi và đỗ Tiến sĩ được cả hương làm đại lễ, đỗ Cử nhân được làm Trung lễ để đón tiếp. Sự kiện thi đỗ được coi trọng hơn là được thăng chức, điều này đã được ghi trong Hương ước Hải Châu như sau: Nếu như đỗ Tiến sĩ cập đệ thì làm đại lễ, đỗ Cử nhân thì làm trung lễ. Còn lại  các loại lễ như lễ đội mũ cho con trai, lễ thăng quan chức lên một bậc đều làm tiểu lễ... tặng vật cho người đỗ Tiến sĩ là 5 sấp vải bông, đỗ Cử nhân tặng 3 sấp vải bông 4.

Vì coi trọng những quy định về lễ nghi trong các sinh hoạt cộng đồng nên trong hương ước Triều Tiên đã đặt ra rất nhiều điều xung quanh việc đối đãi bằng lễ nghi. Đấy cũng là một vấn đề quan trọng của Nho giáo. Chính Nho giáo đã đặt ra những quy chuẩn về lễ nghi trong giao tiếp ứng xử của con người. Từ việc hiếu, hỷ, tang, tế đều nhất thiết phải tuân thủ theo một số những quy ước nhất định. Tính chất lễ tục vì thế rất đậm trong hương ứoc Triều Tiên. Bàn về việc thi hành Lễ, trong Hương ẩm hành lễ độc ước lục đã ghi: ... có lễ là để chấn phát đạo Nho trong làng, vì thế mới bàn về lễ Hương ẩm, hương ước. Tuân theo lễ hương ẩm, hương ước là quốc triều được giáo hoá, có thể ban hành rộng khắp, phong tục của xóm làng cơ hồ được đầy đặn, đôn hậu hơn...5 Như vậy, thi hành lễ nghi để chấn hưng và phát triển xã hội theo mô hình Nho giáo. Việc tiếp thu, chịu sự tác động của tư tưởng Nho giáo đã khiến cho xã hội Triều Tiên giai đoạn Trung cận đại đã đi theo khuôn mẫu do các trí thức Nho học đề xướng. Các lễ nghi được quy định trong hương ước Triều Tiên bao gồm từ cách ứng xử đối với cha mẹ, anh em thân tộc, vợ chồng, quan hệ nam nữ, bằng hữu, hương đảng đến việc đọc các bản cáo văn khi cúng tế, việc chắp tay khi bái lạy, việc xin mời nghênh rước và tống tiễn các bậc Tiên sư, Tiên Thánh, việc đưa quà biếu tặng khi có tin vui hoặc tin buồn. Tất cả đều phải tuân theo lễ.  Bản An Đông hương ước soạn năm 1602 đã quy định như sau: Thờ cha mẹ phải hết sức hiếu thuận, dạy dỗ con em phải hợp nghĩa, tôn kính các bậc trưởng thượng, hòa mục với hàng xóm láng giềng, yêu thương anh em, lấy lễ đối đãi với thê thiếp... ngay cả người trẻ tuổi gặp mặt người già, người lớn tuổi hơn mình thì việc hành lễ phải kính cẩn.

Và khi gặp những người tôn quý, các bậc trưởng thượng thì phải xuống ngựa, đứng nép vào một lề đường, nhường chỗ cho họ đi qua rồi mới được ngẩng lên đi tiếp. Hoặc khi được mời đến làm khách của một gia chủ nào đó thì cách thức nghênh tiếp, rót rượu ra sao,khách đứng ở đâu,chủ đứng ở đâu...Những quy định này quả thật rất nặng nề, cứng nhắc, phiền phức và có phần xa lạ với hương ước Việt Nam. Nhưng trong tất cả các văn bản hương ước Triều Tiên đều ghi rất cụ thể những quy định về  lễ nghi giao tiếp như vậy.

   Tóm lại, tư tưởng Nho giáo đã giữ vai trò quan trọng trong việc định hình nhân cách cho người dân, từ nhân cách đối với gia đình đến nhân cách ứng xử trong xã hội. Tư tưởng Nho giáo được các nhà Nho Triều Tiên tiếp thu và phát triển theo xu hướng dân tộc, coi trọng tình cảm gia đình, yêu kính cha mẹ, thương yêu anh em, nhân hậu với người thân, quý trọng tình bằng hữu, hoà mục với xóm làng, trọng nghĩa lý, biết cứu giúp người trong khó khăn hoạn nạn, ứng xử đúng với vị trí của mình nơi hương đảng. Nhưng tư tưởng Nho giáo cũng gây ra không ít những điều phiền hà trong khi xác lập những mối quan hệ trong cộng đồng  mà quyền lợi thực chất chỉ nghiêng về tầng lớp có quyền thế ở trong vùng, và để bảo vệ duy trì quyền lợi cho tầng lớp này là chính.



[1] Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư ´ quyển 1, do hai tác giả Kim Nhân Kiệt và Hàn Tướng Quyền biên soạn, Bảo Cảnh Văn Hoá xã phát hành vào tháng 10 năm 1986 tại Seoul, Hàn Quốc

1 Dn li theo lời giới thiệu trong sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư,  quyển 1, Bảo Cảnh Văn hóa xã, Korea, xuất bản 1986, , trang 2

3 Về thời điểm in và phổ biến bản Chu Tử tăng tổn Lã thị hương ước ngạn giải do Kim An Quốc tiến hành có 2 mốc thời gian không trùng khớp. Nếu căn cứ theo sách Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư thì đó là năm 1517, còn theo bài phát biểu của GS GS Lee Geun Myung (đã dẫn ở trên thì đó là năm 1518. Tôi căn cứ theo bộ sách hương ước của Triều Tiên.

1 Sdd, Mật Dương hương ước, trang 53

2 Sdd, trang 25

3 Sdd, trang 17

[2] Sdd, Mật Dương hương ước, trang 59

4 Sdd, Tây Nguyên hương ước, trang 27

5 Sdd, Lễ An lập ước điều, trang 24

[3] Sdd, Lễ An lập ước điều, trang 24

2 Sdd, Quang Châu hương ước điều mục,  trang 2

3 Sdd, Hải Châu hương ước, trang 30

4 Sdd, Hải Châu hương ước, trang 31  

5 Xem Triều Tiên thời đại xã hội sử nghiên cứu sử liệu tùng thư, tập 3, Hương ẩm hành lễ độc ước lục, trang 289

 Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam - Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.

Danh mục website