Ý nghĩa khai phá của các công trình nghiên cứu văn học – văn hóa dân gian của Giáo sư Đinh Gia Khánh

Lịch sử ngành nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian Việt Nam so với thế giới hãy còn non trẻ nhưng cũng đã đi được một chặng đường hơn nửa thế kỷ. Trong quá trình phát triển của mình, hai chuyên ngành này từ lúc là một sau được tách thành hai đều gắn với tên tuổi của một con người, đó là vị giáo sư đầu ngành văn học/văn hóa dân gian Việt Nam: Đinh Gia Khánh. Trước tác phong phú của ông có thể được chia thành 3 mảng: a) các công trình nghiên cứu văn học dân gian; b) các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian; c) các công trình dịch thuật, khảo cứu văn bản, giới thiệu tư liệu.

Trong khuôn khổ của bài viết, tôi không thể đề cập đến tất cả các công trình nghiên cứu của 3 mảng tài liệu trên mà chỉ giới hạn việc trình bày trong các cuốn sách mà tôi cho là tiêu biểu của giáo sư trong sự nghiệp nghiên cứu của mình. Việc khảo sát các công trình trong khuôn khổ bài viết nhằm trình bày hiểu biết của tôi về 3 thành công đặc sắc, có giá trị mở đường của giáo sư Đinh Gia Khánh đối với sư phát triển chuyên ngành văn học/văn hóa dân gian là: a) việc viết lịch sử văn học dân gian Việt Nam, b) việc nghiên cứu thể loại văn học dân gian Việt Nam và c) việc đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam.

1.      Một cách dựng khung lịch sử văn học dân gian Việt Nam

Viết lịch sử văn học bao giờ cũng khó, viết lịch sử văn học dân gian lại càng khó khăn hơn. “Văn chương tự cổ vô bằng cớ”, văn học dân gian lại càng đúng với câu nói này. Trong cuốn Lịch sử văn học dân gian Việt Nam, ở phần Việc sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam, ông đảm nhận các giai đoạn từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XIX, giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến năm 1945; ở phần Sơ lược lịch sử văn học dân gian Việt Nam, ông đảm nhận các giai đoạn trước thế kỷ X đến thế kỷ XIX – những giai đoạn mà tính “vô bằng cớ” của văn học dân gian được nhân lên nhiều lần vì cả lý do chưa có thư tịch (trước thế kỷ X) lẫn việc thất truyền tư liệu (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX) ở nước ta. Để giải quyết vấn đề này, giáo sư Đinh Gia Khánh đã chọn một cách làm hết sức khôn ngoan, dựa trên sở trường của mình là “dựng” lại lịch sử văn học dân gian qua các chứng cớ từ nguồn thư tịch trung đại theo dòng thời gian; và từ mốc thời gian của các thư tịch đó mà hình dung ra sự vận động của các loại hình diễn xướng của văn học dân gian.

a) Khung lịch sử văn học dân gian qua các mốc thư tịch

Với tính chất đặc biệt của các thư tịch thời trung đại, dù là văn bản chức năng hay tác phẩm văn học đều hàm chứa nhiều tư liệu quý giá của văn học dân gian. Các thư tịch ông dựa vào đều là những thư tịch quan trọng, vừa với tư cách là những thư tịch có giá trị về nội dung, vừa là những thư tịch đã được khảo cứu về mặt văn bản học (mà khảo cứu văn bản học lại là một mặt mạnh khác của giáo sư Đinh Gia Khánh đã làm nên tên tuổi của ông) như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Thiên Nam ngữ lục, Truyền kỳ tân phả, Công dư tiệp ký, Lan trì kiến văn lụcvà nhiều thư tịch nở rộ vào thế kỷ XVIII, XIX. Việc giới thiệu nguồn văn học dân gian từ kho thư tịch thời trung đại thực ra đã được thực hiện bởi các tác giả Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957). Tuy nhiên, phải nói rằng, các thư tịch trong phần viết của Giáo sư Đinh Gia Khánh trong Lịch sử văn học dân gian phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình hơn hẳn. Và điều quan trọng là nhiều trong số các thư tịch trên đến với bản đọc qua việc dịch và khảo cứu văn bản của ông do đó, sức thuyết phục được tăng lên rất nhiều.

  Với giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1945, bằng vốn ngoại ngữ vững chắc của mình, giáo sư Đinh Gia Khánh đã đọc trực tiếp vào các sách của các tác giả là quan cai trị và đặc biệt là các nhà nghiên cứu người Pháp  mà hầu hết các tên tuổi của họ chỉ mới được giới nghiên cứu đông đảo biết đến sau công trình của ông hàng mấy chục năm. Bằng việc tham khảo nguồn tài liệu phong phú, bằng khiếu cảm nhận tinh tế của người có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành, giáo sư Đinh Gia Khánh đã chỉ ra những vấn đề lớn của đời sống văn học và văn hóa dân gian thông qua các ví dụ nhỏ, rất dễ bị bỏ qua. Chẳng hạn, nói về âm mưu tinh vi của chính quyền thực dân Pháp trong việc sử dụng các học giả can thiệp vào văn hóa dân gian của các dân tộc để thay đổi nhận thức của họ, Giáo sư đã dẫn ra 2 ví dụ về việc chỉnh sửa 2 loại tác phẩm tiêu biểu, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần và đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là sử thi và luật tục. Về sử thi, giáo sư chỉ ra việc Jacques Dournes chỉnh sửa sử thi người Xrê, nhóm có dân số đông nhất của dân tộc Cơ Ho ở Lâm Đồng. Ở đoạn kết của sử thi này, người anh hùng Xơrơđen – con của Mặt Trời – sau khi làm nên các chiến thắng lẫy lừng đúng với tầm vóc của một nhân vật sử thi đã chọn con đường sống với người da trắng “cưới con gái người da trắng làm vợ và ở lại nước họ mãi cho đến nay, cũng chẳng biết là miền nào trong nước ấy” (Lịch sử văn học dân gian, 1997, tr.73). Giáo sư nhận xét: “Hệ thống trường ca của người Xrê vốn có từ lâu đời, trước khi người Xrê tiếp xúc với thực dân Pháp. Do đó, tất nhiên không thể có chuyện Xơrơđen, vị thần thủy tổ của dân tộc Xrê đi với người da trắng như được chép ở đoạn văn trên. Đây là một đoạn tác giả bịa đặt ra để chia rẽ người Xrê với người Kinh và người Mạ và tuyên truyền cho sự gắn bó của người Xrê với người Pháp. Chắc chắn giám mục Đuốcnơ sau khi bịa đặt như vậy đã cố tình làm cho đoạn lời ca trên được truyền miệng rộng rãi trong nhân dân Xrê cùng với toàn bộ hệ thống trường ca cố hữu của nhân dân Xrê” (LSVHDG, 1997, tr.73). Phần trích dẫn và lời bình của giáo sư Đinh Gia Khánh đã gợi mở rất nhiều vấn đề lí luận trong nghiên cứu văn hóa và quản lý văn hóa. Về nghiên cứu văn hóa, đoạn viết này gợi ra vấn đề là: nhà nghiên cứu cần có những tài liệu điều tra, điễn dã để biết được sản phẩm văn hóa thực sự trong đời sống cộng đồng, từ đó chỉ ra sự biến đổi, sự lắp ghép, sự thêm bớt cố ý của người biên soạn. Về quản lý văn hóa, đoạn trích ngắn này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa và chính trị-xã hội. Văn hóa có một sức mạnh mềm lớn lao, nếu biết sử dụng văn hóa như một công cụ thì sẽ đạt được những bình ổn xã hội và phục vụ tốt các mục đích chính trị. Đó là bài học thấm thía mà các nhà quản lý văn hóa của ta đã nhiều khi chưa thực sự chú ý, trong khi, chính quyền cai trị thực dân lại ý thức rất rõ sức mạnh mềm này. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa lý luận, đoạn trích còn có một ý nghĩa thực tiễn là đã khẳng định có sử thi của các nhánh người Cơ Ho (ít nhất là người Xrê) ở Lâm Đồng, chứ không phải là hoàn toàn không có sử thi ở Lâm Đồng như kết luận lâu nay của giới nghiên cứu, sưu tầm sử thi. Chỉ có điều, đã có sự đứt đoạn, do đó, sử thi của họ có thể đã không còn được phổ biến trong cộng đồng nhưng chắc chắn còn được bảo lưu đâu đó trong lòng người hoặc trong sách vở (như cuốn Những bài hát cổ của miền núi mà Dournes công bố năm 1948 mà giáo sư Đinh Gia Khánh nhắc đến trong phần viết này). Và thực tế này đặt ra cho các nhà nghiên cứu nhiệm vụ phải tìm lại bằng được các áng sử thi của người Cơ Ho để bổ sung cho bức tranh đa sắc màu của sử thi dân tộc Tây Nguyên vốn mới chỉ được biết đến bởi các dân tộc tiêu biểu của 4 tỉnh: Đắk Lắk với sử thi của người Ê Đê, Đắk Nông với sử thi của người Mơ Nông, Gia Lai với sử thi của người Ba Na, Kon Tum với sử thi của người của người Xê Đăng và người Gia Rai.

Về việc sửa luật tục của người Ê Đê, giáo sư đã trích dẫn ví dụ về việc Sabachie bổ sung chi tiết cấm tiếp người lạ và giúp tù nhân vượt ngục. “Kẻ nào cho người lại ở trong nhà, kẻ nào giấu tù nhân vượt ngục là phạm tội. Kẻ nào đem thức ăn cho tù nhân vượt ngục lẩn trốn trong rừng, ngoài ruộng thì kẻ ấy có tội.”. Về vấn đề này, giáo sư phân tích: “Vùng Tây Nguyên có những nhà ngục lớn giam chiến sĩ cách mạng ở Kông Tum, Ban Mê Thuột…Từ năm 1941 đến năm 1945, nhiều chiến sĩ đã tìm cách vượt ngục để hoạt động trong cao trào cách mạng đang dâng lên khi ấy. Vì vậy, năm 1943, Xabachie bèn bịa đặt ra điều khoản trên mà đem gài vào luật tục truyền thống của người Ê Đê nhằm phá cơ sở quần chúng của cách mạng và tạo điều kiện cô lập, bao vây, truy nã những người vượt ngục” (LSVHDG, 1997, tr.74). Từ cách tiếp cận bối cảnh chính trị-xã hội, sự phân tích của giáo sư Đinh Gia Khánh đã chỉ cho nhà nghiên cứu thấy rõ những biến đổi văn hóa do tác động của chính trị hay nói cách khác là mối quan hệ khăng khít giữa chính trị và văn hóa-xã hội mà nhà nghiên cứu luôn phải ý thức trong nghiên cứu của mình.

Tất nhiên, cũng có thể thấy những hạn chế mang tính lịch sử trong các phần viết về lịch sử văn học dân gian của ông như nhận định một chiều về “tính bịa đặt, mê tín trong những truyện thần linh ma quái” (LSVHDG, 1997, tr.59) mà ngày nay, nhân học đã chỉ ra nhiều chiều cạnh phong phú của đời sống tâm linh người dân với nhiều nhận định ít mang tính áp đặt hơn.

b) Sự phát triển của các loại hình diễn xướng văn học dân gian

Một điểm nổi bật làm nên tính khai phá trong phần viết về lịch sử văn học dân gian trong công trình của giáo sư Đinh Gia Khánh là việc khảo sát lịch sử văn học dân gian qua các loại hình diễn xướng. Phải nói rằng, đây là một điểm mạnh trong nghiên cứu lịch sử văn học của ông.

Chúng ta biết rằng, việc nghiên cứu văn học dân gian trên thế giới thường được bắt đầu bằng việc nghiên cứu bộ phận ngôn từ một cách độc lập. Ở châu Âu, các trường phái nghiên cứu folklore nổi tiếng như trường phái cấu trúc (mà đại diện tiêu biểu là các công trình của V. IA. Propp: Hình thái học truyện cổ tích), trường phái địa lý – lịch sử Phần Lan (mà đại diện là công trình Danh mục các thể loại truyện cổ tích (Verzeichnis der Märchentypen) của A. Aarne) mà S. Thompson đã kế thừa và phát triển trường phái nó ở Hoa Kỳ (với 3 công trình tiêu biểu: 1) The Type of the Folktale – A Classification and Bibliography, 2) Motif- index of Folk- Literature, A Classification of Narrative Elements in Folk- Tale, Ballads, Myths, Fables, Medieval, Romances, Exempla, Local Legends và 3) The Folktale) đều triển khai nghiên cứu trên một khối tài liệu folklore ngôn từ được sưu tầm và đã được xuất bản.

Ở Hoa Kỳ, định hướng thiên về nghiên cứu ngữ văn dân gian trên Tạp chí Folklore Hoa Kỳ (Journal of American Folklore) được thành lập vào năm 1889 (gắn liền với vai trò của vị chủ tịch Hội Folklore Hoa Kỳ (American Folklore Society) đầu tiên, giáo sư dạy văn học tại trường đại học Harvard là Francis James Child (1825-1896) chỉ thay đổi dần dà hàng mấy chục năm sau khi Franz Boas, Chủ tịch Hội Nhân học Hoa Kỳ và học trò của ông nắm giữ vị trí Tổng biên tập vào các năm 1908-1939. Trong thời gian hơn 30 năm, việc nghiên cứu folklore Hoa Kỳ chuyển dần sang định hướng điều tra nhân học đời sống folklore sinh động của người da đỏ châu Mỹ thay cho việc chỉ khảo sát vốn văn học dân gian đã định hình thành văn bản của người da trắng di cư. Tuy nhiên, khuynh hướng này lại đảo chiều khi vị trí Chủ tịch Hội Folklore Hoa Kỳ lại được chuyển sang cho nhà nghiên cứu “phi-nhân học” (non-anthropologist: thuật ngữ chỉ các nhà nghiên cứu folklore theo hướng ngữ văn vào thời đó) Stith Thompson (1885-1976), giáo sư tiếng Anh của trường đại học Indiana, người chịu ảnh hưởng sâu sắc của trường phái địa lí – lịch sử Phần Lan (đã nói ở trên). Và xu hướng nghiên cứu folklore từ góc độ ngôn từ chỉ thực sự thay đổi ở Hoa Kỳ vào nửa sau thế kỷ XX với việc chuyển hướng sang nghiên cứu “folklore trong bối cảnh” (folklore in context) mà đại diện tiêu biểu là Richard M. Dorson với bài viết năm 1959 và một số bài viết của những tác giả khác sau đó đăng ở Tạp chí Folklore Hoa Kỳ[1]. Và cũng phải đến thập niên 70 của thế kỷ XX thì xu hướng nghiên cứu folklore trong diễn xướng mới được khởi xướng và từ đây việc nghiên cứu folklore mới thực sự tiệm cận với các trường phái nghiên cứu nhân học. Đại diện mở đường của xu hướng này là R. Bauman với công trình Verbal Art as Performance (Nghệ thuật ngôn từ với tư cách là một loại hình diễn xướng)[1] và rất nhiều tác giả sau đó tán đồng và phát triển quan điểm nghiên cứu này, đến mức khuynh hướng nghiên cứu văn học dân gian diễn xướng đã trở thành chủ đạo của nghiên cứu folklore trên thế giới đến nay.

Một sự trình bày dài dòng như vậy để thấy rằng, việc nghiên cứu lịch sử văn học dân gian từ góc độ các hình thức diễn xướng của giáo sư Đinh Gia Khánh là một sự tiếp cận và hội nhập thực sự với các xu hướng nghiên cứu trên thế giới. Nhìn lại các công trình nghiên cứu trong nước về lịch sử văn học dân gian trước Đinh Gia Khánh ta có thể thấy, chưa có công trình nào sử dụng cách tiếp cận này. Các tác giả Nguyễn Đổng Chi (Việt Nam cổ văn học sử, 1942), nhóm Lê Quý Đôn (Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam), nhóm Văn Tân (Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam) đều đề cập đến văn học dân gian trên một mặt phẳng tĩnh với các văn bản được sưu tập và in ấn. Như vậy, so với tình hình nghiên cứu trong nước, công trình của giáo sư Đinh Gia Khánh tiếp cận văn học dân gian từ góc độ diễn xướng là một đột phá, còn so với sự phát triển của các lí thuyết về nghiên cứu folklore trên thế giới, các công trình của ông là hết sức cập nhật.

Đi sâu vào thuật ngữ, “diễn xướng” ở đây phải được hiểu là văn học dân gian là một bộ phận không tách rời của một môi trường sống cụ thể bao gồm: người diễn xướng (hay còn gọi là nghệ nhân dân gian), người nghe/xem, thời gian diễn xướng, không gian diễn xướng, trang phục, đạo cụ, âm nhạc, cách thức thể hiện…Và như vậy, cái môi trường tổng thể này chỉ có thể có được khi nhà nghiên cứu có sự quan sát tham dự. Vậy, sẽ là một thách thức với người viết lịch sử văn học dân gian từ góc nhìn các loại hình diễn xướng cách hàng ngàn năm, mà cụ thể ở đây, trong phần viết Sơ lược lịch sử văn học dân gian Việt Nam, giáo sư Đinh Gia Khánh đảm nhận viết về giai đoạn trước thế kỷ X cho đến thế kỷ XIX. Chúng ta sẽ thử tìm hiểu xem ông đã vượt qua điều đó bằng cách nào.

Trước hết, giáo sư đã dựng lại bối cảnh chính trị-kinh tế-xã hội là nền tảng hình thành nên bức khảm văn hóa dân tộc mà trên đó, tâm tư, tình cảm, khát vọng, phong tục, tập quán…của người dân đã đan dệt vào. Để viết được phần này, ông đã phải vận dụng một kiến thức liên ngành sâu rộng: sử học, khảo cổ học, văn hóa học, dân tộc học, ngôn ngữ học, văn học dân gian. Mỗi một giai đoạn với biết bao biến cố lịch sử, với nhiều biến động xã hội, với nhiều biến đổi về văn hóa đã được trình bày một cách cô đúc và sinh động trong các trang viết của ông. Từ đây, người đọc được trang bị một nền kiến thức nền tảng để có thể hình dung được vấn đề chính mà ông muốn thể hiện.

Tiếp theo, giáo sư tập trung vào việc trình bày các hình thức diễn xướng tiêu biểu của từng giai đoạn. Đó có thể là “hình thức diễn xướng sử thi của người Lạc Việt” mà trong đó hệ thống thần thoại (nay đã thất truyền) được thể hiện và lưu giữ. Suy luận mang tính lí thuyết của ông đã được hỗ trợ bởi các bằng chứng từ các hình vẽ trên trống đồng và các lễ hội đậm chất sử thi vẫn còn được tổ chức cho đến những năm trước 1945. Đó lại có thể là các hình thức thờ cúng hoặc các lời ca điệu múa (mà ông gọi là “những cuộc diễn xướng ở miếu đền”) ca ngợi các vị anh hùng dân tộc như Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu…Đó còn có thể là các nghi thức cúng tế Trời (đàn Nam Giao), tế thần Đất và thần Nông (đàn Xã Tắc), cầu mưa cầu tạnh của các triều vua, các trò diễn trong triều ngoài nội (yến tiệc và ca vũ trong thành thời Lý, thời Trần; quan nhạc và dân nhạc thời Lê; hát Xuân Phả, hát Ải Lao, hát Rô, hát Chèo Tàu…). Những nghi thức và trò diễn này được giáo sư miêu tả và phân tích một cách sinh động thông qua các chứng cớ thư tịch (các bộ sử: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục; các bộ sưu tập truyện: Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái; văn bia: bia Sùng Thiện Diên Linh ) và thông qua việc giải mã các trầm tích văn hóa trong truyền thuyết và lễ hội dân gian còn đến ngày nay.

Bên cạnh đó, ông còn đặt các tác phẩm văn học dân gian trong mối giao lưu văn hóa với Trung Quốc và Ấn Độ và mối ảnh hưởng qua lại với văn học viết để thấy rõ hơn các chiều tương tác đã hình thành nên những tác phẩm văn học dân gian như chúng ta biết đến hôm nay.

Có thể nói, việc đặt văn học dân gian vào trong mối quan hệ phức hợp với các yếu tố của một bối cảnh (context) và rộng hơn là với các yếu tố trong hoạt động diễn xướng (performance) là cách thể hiện một cách sinh động nhất tính nguyên hợp của văn học dân gian – một thuật ngữ thể hiện quan niệm đúng đắn về bản chất của văn học dân gian đã gắn với tên tuổi của ông. Với cách tiếp cận này, giáo sư Đinh Gia Khánh đã thể hiện sự vượt trội của mình trong việc nhận thức về bản chất văn học dân gian cũng như sự thành công trong việc nắm bắt và hình dung được lịch sử của văn học dân gian vốn như một dòng chảy miên viễn trong thời gian.

Tất nhiên, cũng có thể nhận ra ở những trang viết này điểm hạn chế của quan niệm phản ảnh luận nhìn nhận mối quan hệ đường thẳng từ đời sống lịch sử-xã hội đến các tác phẩm văn học dân gian[1] mà trên thực tế, mối quan hệ này không đơn giản và rõ ràng đến thế. Tuy nhiên, đây cũng là một hạn chế của nhận thức lý luận của một thời đại, thậm chí hiện vẫn còn tồn tại ở một số công trình tận đầu thế kỷ XXI, sau công trình của giáo sư Đinh Gia Khánh gần một nửa thế kỷ.

2.      Nghiên cứu về thể loại

a)     Nhóm thể loại và đặc điểm thể loại văn học dân gian

Một vấn đề quan trọng của ngành nghiên cứu văn học dân gian là việc phân chia thể loại và nhận diện đặc trưng thể loại. Trong buổi đầu nghiên cứu văn học dân gian, các nhà nghiên cứu thường vận dụng cách phân chia của văn học viết theo quan điểm của Aristote để phân chia văn học dân gian thành 3 loại: tự sự (tương ứng với truyện dân gian), trữ tình (tương ứng với ca dao, dân ca), kịch (tương ứng với sân khấu dân gian: chèo, tuồng). Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã nhìn thấy sự vênh lệch giữa văn học dân gian với văn học viết ở chỗ, 3 loại này chưa bao trùm được toàn bộ các sáng tác nghệ thuật ngôn từ dân gian. Cụ thể là các thể loại: tục ngữ, câu đố khó mà xếp vào một trong 3 loại trên. Để khắc phục tình trạng này, ngoài 3 loại quen thuộc (tự sự dân gian, trữ tình dân gian, sân khấu dân gian), các tác giả Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên đã xếp tục ngữ, câu đố vào một loại riêng biệt của văn học dân gian là loại: “Lời ăn tiếng nói của nhân dân”. Sự phân loại này đã thể hiện việc bám sát vào đặc trưng “tự phát, truyền miệng” của văn học dân gian trong so sánh với văn học viết (nghệ thuật có ý thức, được in ấn) của hai giáo sư đầu ngành văn học dân gian. Và kế thừa luận điểm của 2 giáo sư, ta có thể thấy sự phân loại trong các công trình của các tác giả sau ông như: Cao Huy Đỉnh (1974)[1], Hoàng Tiến Tựu (1990)[1].

Trong công trình Lịch sử văn học dân gian Việt Nam, giáo sư Đinh Gia Khánh phụ trách phần viết về Các thể loại tự sự Sân khấu dân gian. Bài viết của chúng tôi chỉ bàn về phần viết Các thể loại tự sự dân gian của ông.

Về các thể loại tự sự dân gian, đóng góp lớn nhất của giáo sư Đinh Gia Khánh là phần viết về bối cảnh xã hội mà thể loại nảy sinh. Ở đây, bằng kiến thức liên ngành, từ hiểu biết sâu rộng về bối cảnh lịch sử-xã hội, giáo sư đã chỉ cho người đọc thấy mối liên hệ sâu xa giữa các thể loại tự sự dân gian như là một sự giải tỏa của người dân trước các bức xúc của đời sống xã hội; qua đó, người đọc có thể thấy rằng, sự xuất hiện hay tàn lụi của một thể loại văn học dân gian không phải ngẫu nhiên mà trái lại, mang trong mình nó những đòi hỏi tất yếu từ khách quan cuộc sống cũng như chủ quan của người sáng tác. Dù rằng, những triển khai sâu của giáo sư trong khi phân tích thể loại đã bộc lộ những hạn chế nhất định mà đến nay, giới nghiên cứu văn học dân gian trong nước đã vượt qua (chẳng hạn, việc phân chia các tiểu loại truyện cổ tích, việc phủ nhận sự tồn tại của thể loại truyền thuyết, việc đồng nhất truyện cổ tích lịch sử với truyền thuyết, việc tách bạch nội dung và nghệ thuật trong thụ cảm giá trị của các thể loại tự sự dân gian, việc chưa chỉ ra sự giao thoa của các thể loại tự sự dân gian trong từng đơn vị truyện do tính tự phát và tính truyền miệng của văn học dân gian, việc chịu ảnh hưởng sâu sắc của lý thuyết phản ánh cho rằng tác phẩm tự sự dân gian là sự phản ánh cuộc sống và thời đại, việc coi văn bản tác phẩm văn học dân gian được cố định hóa như những thực thể tác phẩm độc lập và cố định…) nhưng đặt các công trình của ông vào thời điểm ông viết (1962), thì công trình này đã thể hiện sự vượt trội so với các công trình về lịch sử văn học dân gian đi trước ở việc bao quát các thể loại, ở sự phong phú của tài liệu, ở sự phân tích các “căn rễ xã hội” của chính các thể loại đó. Tập trung nghiên cứu đặc trưng thể loại, coi đây là những đơn vị chứa đựng đặc điểm và tính chất của văn học dân gian – đây được coi là những thành công mang tính khai phá của ông.

b)     Triển khai nghiên cứu thể loại thông qua một trường hợp

Trước Đinh Gia Khánh, đã có một số tác giả nghiên cứu về thể loại văn học dân gian, cụ thể là: Nguyễn Đổng Chi với Lược khảo về thần thoại Việt Nam - một chuyên khảo có giá trị đặt nền móng cho việc nghiên cứu thể loại này mà hơn 70 năm qua, chưa có một công trình chuyên khảo thứ hai nào tiếp bước. Hoặc Vũ Ngọc Phan có Truyện cổ tích Việt Nam nhưng đó chỉ mới là bài viết mở đầu trong một tuyển tập các truyện cổ tích. Nhưng, với công trình Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, ngay từ năm 1968, giáo sư Đinh Gia Khánh thực sự đã làm một cuộc cách mạng khi đặt vấn đề nghiên cứu thể loại qua một truyện tiêu biểu, điều mà cho đến nay, phương pháp này được biết đến rộng rãi trong nghiên cứu khoa học xã hội trên toàn thế giới với tên gọi “nghiên cứu trường hợp” (case study). Sau Đinh Gia Khánh, trong giới nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, không nhiều người đi theo cách nghiên cứu trường hợp này, ta có thể kể đến là: Cao Huy Đỉnh với Người anh hùng làng Gióng, Đặng Văn Lung với Giông bão Loa Thành, Nguyễn Bích Hà với Thạch Sanh…Vì thế, càng có cơ sở để công nhận tính khai phá của giáo sư đối với một hướng nghiên cứu mà cho đến sau đó gần nửa thế kỷ vẫn là một xu hướng được cộng đồng khoa học quốc tế sử dụng rộng rãi.

Đi sâu vào giá trị của công trình này, càng thấy rõ hơn tính khai phá của giáo sư Đinh Gia Khánh. Trong chuyên khảo, giáo sư đã sử dụng lý thuyết nghiên cứu truyện cổ tích nổi tiếng thế giới, đó là lý thuyết type và motif của các nhà lịch sử-địa lý Phần Lan (còn gọi là “trường phái Phần Lan”). Ông đã thể hiện sự nghiêm túc, kỹ lưỡng của mình trong việc tiếp cận tài liệu gốc của trường phái Phần Lan[1] cũng như việc bao quát một nguồn tài liệu hết sức phong phú về type truyện Tấm Cám ở Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, ông còn bao quát cả những truyện kể kiểu Tấm Cám mà trong đó, nhân vật Tấm được đồng nhất với Ỷ Lan nguyên phi trong các thần tích – một kiểu “lịch sử hóa” mang đậm tính Việt Nam. Những khác biệt tinh tế này từ các dị bản truyện kể sẽ cho ta hiểu quan điểm của người kể chuyện cũng như những vấn đề đang ám ảnh người kể chuyện hoặc môi trường lưu truyền mà câu chuyện được kể lại. Từ sự phân tích kỹ lưỡng các dị bản Tấm Cám từ góc độ type, giáo sư đã xác định 2 loại type truyện Tấm Cám trên thế giới: a) type truyện châu Âu kết thúc ở đám cưới cô Lọ Lem với hoàng tử, b) type truyện châu Á có thêm một đoạn dài về cuộc đời thăng trầm của nhân vật chính và lí giải nó từ góc độ văn hóa của các dân tộc này.

Sau khi khảo sát type truyện (mà ông băn khoăn gọi tên nó là type truyện con côi hay truyện dì ghẻ con chồng), giáo sư đã đi sâu phân tích các motif. Đây có thể nói là lần đầu tiên trong nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, motif truyện kể được phân tích một cách thấu đáo. Các motif chiếc giày, miếng trầu, lễ hội, vật báu đã được phân tích để thấy các yếu tố của bản sắc văn hóa đã tác động như thế nào đến việc hình thành và kể một câu chuyện cổ tích. Các công trình tiếp bước ông đã lí giải cặn kẽ hơn những motif này từ góc độ dân tộc học, văn hóa học, tuy nhiên, những vấn đề ông đặt ra cách đây gần một nửa thế kỷ đã cho thấy sự mẫn cảm khoa học, sự lao động nghiêm túc để tập hợp được một khối lượng lớn các dị bản; và từ đó, ông đã soi tỏ khối tư liệu đồ sộ bằng một lí thuyết còn quá mới mẻ so với giới nghiên cứu Việt Nam bấy giờ.

Trung thành với lý thuyết phản ánh, nhấn mạnh ý nghĩa đấu tranh giai cấp qua các hình tượng văn học dân gian đã bộc lộ ở đây một số hạn chế của giáo sư (mâu thuẫn trong gia đình thể hiện mâu thuẫn trong xã hội, việc coi việc chết đi sống lại của Tấm là sự thể hiện cho chân lý có áp bức có đấu tranh – mà về vấn đề này, giáo sư Chu Xuân Diên sau này đã có một bài viết lí giải nó không phải từ nhãn quan đấu tranh xã hội mà từ quan điểm dân tộc học đã vượt xa cách lí giải của giáo sư Đinh Gia Khánh trong công trình này). Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một tất yếu của sự phát triển, nhưng sự phát triển này càng chứng tỏ sự đúng đắn của những khởi đầu mà ông có công dựng nên.

3.      Khai mở con đường đi vào nghiên cứu văn hóa dân gian

Một điểm nhấn mang ý nghĩa khai phá hết sức quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của giáo sư Đinh Gia Khánh là việc khai mở con đường đi vào nghiên cứu văn hóa dân gian mà về điều này, giáo sư Nguyễn Xuân Kính đã nhận định “Đinh Gia Khánh thực sự là người đặt nền móng cho khoa nghiên cứu văn hóa dân gian”.[1]

a) Xác lập nền tảng và định hướng nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam

Với tư cách là Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, giáo sư Đinh Gia Khánh nhận một sứ mệnh quan trọng là định hướng cho một ngành nghiên cứu mới ở Việt Nam. Và ông đã thực hiện xuất sắc trọng trách này. Từ khi Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian chính thức được thành lập năm 1983 (từ tổ chức tiền thân là Ban Văn hóa dân gian được thành lập năm 1979), giáo sư Đinh Gia Khánh đã công bố nhiều bài viết để định hình khoa nghiên cứu mới mẻ này ở Việt Nam và định hướng nghiên cứu cho một tổ chức mới. Hàng chục bài viết của ông trên chính Tạp chí chuyên ngành của cơ quan, Tạp chí Văn hóa dân gian, thực sự là những viên gạch đầu tiên trên con đường mới này. Kết quả của công cuộc mở đường này là một công trình có ý  nghĩa quan trọng đối với ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, cuốn Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian[1], được ra đời năm 1989 – 10 năm sau khi Ban Văn hóa dân gian được thành lập, 6 năm sau khi Viện Văn hóa dân gian được chính thức thành lập.  

Trong công trình này, các khái niệm hết sức cơ bản về văn hóa dân gian đã được xác lập: nội hàm khái niệm văn hóa và văn hóa dân gian (folklore và folk culture), các bộ phận hợp thành của văn hóa dân gian (nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật ngữ văn dân gian), môi trường sống của văn hóa dân gian, các vấn đề lớn của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian (lịch sử folklore, lý luận folklore, phương pháp luận folklore, việc khảo sát, điền dã để thu thập tư liệu). Những vấn đề mà giáo sư Đinh Gia Khánh xác lập trong cuốn sách có nhan đề bình dị này chính là những vấn đề căn cốt nhất của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian và vì vậy, tính định hướng của ông đối với ngành cho đến nay vẫn còn giá trị.

Để có được sự chuyển hướng mau lẹ từ việc nghiên cứu văn học dân gian sang nghiên cứu văn hóa dân gian, giáo sư Đinh Gia Khánh đã gặp nhiều thuận lợi từ chính tư chất và khả năng nghiên cứu của ông. Như trên đã nói, ngay từ khi nghiên cứu văn học dân gian, giáo sư đã nhìn thấy văn học dân gian không chỉ là một bộ phận độc lập mà chính là một bộ phận hợp thành và có mối quan hệ hết sức hữu cơ với các bộ phận khác của một tổng thể lớn hơn. Vì thế, khi viết lịch sử văn học dân gian, ông đã tập trung vào một vấn đề rất khó đó là các hình thái diễn xướng dân gian trong lịch sử thông qua thư tịch, trò diễn, lễ hội được ghi chép và đang tồn tại đến ngày nay. Và “cái tổng thể” mà ông nhìn thấy hàng vài chục năm trước đó đã trở nên định hình và được định danh là “văn hóa dân gian”. Với giới nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, công trình của giáo sư Đinh Gia Khánh có ý nghĩa mở đường, nhưng với ông, đó chính là kết quả tích lũy, nghiền ngẫm nhiều năm; và với sự mẫn cảm khoa học ngay trong những công trình nghiên cứu đầu tiên, ông đã định hướng cho chính bản thân mình một lối đi đúng để rồi sau nhiều năm, nó có ý nghĩa dẫn dắt cho cả một ngành nghiên cứu.

Sự đúng đắn của việc mở đường của ông qua công trình này còn được củng cố bởi sự cập nhật thông tin về chuyên ngành của các kết quả nghiên cứu quốc tế vốn là một sở trường của giáo sư Đinh Gia Khánh. Sự tinh tường trong định hướng được dựa trên sự cập nhật và chắt lọc kết quả nghiên cứu về mặt lí thuyết của thế giới và sự bao quát một khối lượng lớn tài liệu văn hóa dân gian Việt Nam đã giúp ông mở ra một con đường đúng, mà đến nay, sau gần ¼ thế kỷ, đọc lại những công trình nghiên cứu của ông, càng thấm thía vị trí không thể thay thế của giáo sư Đinh Gia Khánh trong những bước đường đầu tiên của ngành nghiên cứu non trẻ này ở Việt Nam vào thời điểm đó.

b)     Khẳng định tính chất Đông Nam Á và tính Đông Á của văn hóa Việt Nam

Một vấn đề hết sức quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam là nhận diện tính chất bản địa đồng nghĩa với việc nhận thức về bản sắc văn hóa Việt Nam. Đã có biết bao công trình nghiên cứu về vấn đề này, nhưng vào thời điểm năm 2013 nhìn lại thì có thể nói rằng, khó có cách tiếp cận nào đúng đắn hơn việc nhìn văn hóa Việt Nam trong chính cơ tầng văn hóa Đông Nam Á được bồi đắp bởi ảnh hưởng của văn hóa Đông Á – mà giáo sư Đinh Gia Khánh đã đặt vấn đề cách đây đúng 20 năm trong cuốn Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á[1].

Cũng vẫn sử dụng sở trường cập nhật các kết quả nghiên cứu của thế giới và bao quát nguồn tài liệu liên ngành phong phú của Việt Nam (khảo cổ học, nhân chủng  học, ngôn ngữ học, sử học, địa lý học, văn hóa học, văn học dân gian), giáo sư Đinh Gia Khánh đã khẳng định cơ tầng văn hóa Đông Nam Á được hình thành từ thời tiền sử đã in đậm và được bảo lưu trong nền văn hóa dân gian, tạo thành “lớp” bản địa của văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, từ việc khảo cứu các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, giáo sư cũng đã chỉ ra “lớp” Đông Á được hình thành trong nền văn hóa Việt Nam do ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Một kết quả đáng ghi nhận của giáo sư Đinh Gia Khánh trong công trình này là: từ việc khảo sát, phân tích những điểm tương đồng giữa văn hóa dân gian Việt Nam với văn hóa dân gian các nước Đông Nam Á và việc khảo sát, phân tích các nét đặc thù của văn hóa dân gian Việt Nam, ông đã chỉ ra rằng, chính lớp văn hóa bản địa được bảo lưu qua bao thăng trầm lịch sử đã cứu nền văn hóa dân tộc khỏi sự đồng hóa bởi những áp lực mạnh mẽ của hai nền văn hóa lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Đồng thời, chính lớp văn hóa bản địa đó đã tạo cho văn hóa Việt Nam một tư thế linh hoạt có thể vừa tiếp biến, vừa thích nghi với các giá trị của các nền văn hóa khác mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Đó là giá trị lớn của công trình Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, cái mà sau này nhiều nhà nghiên cứu gọi là quá trình “giải Ấn, giải Hoa” hay cái mà ngày nay chúng ta nói là “hòa nhập nhưng không hòa tan” trong xu thế hội nhập quốc tế của quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay.

Nếu như công trình Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á đặt văn hóa Việt Nam trong không gian để nhận diện bản sắc của văn hóa Việt Nam trong khu vực thì công trình Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam[1] lại đặt văn hóa dân gian Việt Nam trong khung thời gian để nhìn nhận sức sống của văn hóa dân gian trong trường kỳ lịch sử dân tộc. Trong công trình này, giáo sư Đinh Gia Khánh đã khảo cứu biểu hiện của văn hóa dân gian ở hương ước, hội làng, tín ngưỡng và giá trị của chúng trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Gần 20 năm đã trôi qua từ khi cuốn sách này được công bố, có thể nói các nghiên cứu về hương ước và hội làng của công trình này đã đạt được nhiều kết quả mới; tuy nhiên, có thể nói, vào thời điểm đó, những nghiên cứu về làng, về bản sắc văn hóa và việc đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc trong văn hóa dân gian vẫn là một hướng nghiên cứu mới. Từ khía cạnh này, công trình có giá trị đặt nền móng cho việc nghiên cứu của các tác giả đi sau ông.

Tuy nhiên, trong công trình này, hướng nghiên cứu mang tính gợi mở và có giá trị hơn cả là hướng “nghiên cứu phát triển”, một hướng nghiên cứu đang trở nên rất thịnh hành trên thế giới hiện nay. Mối quan tâm chính của nghiên cứu phát triển là đặt sự vật, hiện tượng, đối tượng nghiên cứu trong quá trình phát triển; mà cụ thể ở đây là sự phát huy các giá trị truyền thống trong môi trường làng của bối cảnh đổi mới; đó là vấn đề truyền thống và cách tân; đó là những thách thức của sự phát triển đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà văn hóa dân gian có vai trò quan trọng; đó còn là việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại hóa…Những vấn đề mà ông nêu ra cách đây 20 năm hiện đang trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay: vấn đề biến đổi văn hóa, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, những thách thức của quá trình hiện đại hóa đối với văn hóa dân tộc…Chính vì vậy, dù các vấn đề nghiên cứu cụ thể đã bị các công trình đi sau vượt qua nhưng tính mẫn cảm của ông trong việc đặt vấn đề, trong việc định hướng nghiên cứu vẫn còn giá trị đến nhiều năm sau.

***

Để kết thúc bài viết này, xin nói thêm một kỷ niệm nhỏ của tôi trong quá trình công tác, đó là một cơ hội được làm việc với Giáo sư Đinh Gia Khánh. Năm 1992, Phòng văn học dân gian và văn học các dân tộc thiểu số phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa dân gian tổ chức Hội thảo khoa học về Liễu Hạnh. Một số bài tham luận được chọn lọc để in thành một số chuyên đề trên Tạp chí Văn học. Giáo sư Phong Lê đã nhờ Giáo sư Đinh Gia Khánh thẩm định nội dung của số Tạp chí này. Là người trong Ban Tổ chức Hội thảo và được phân công tập hợp tham luận, tôi may mắn có được một cơ hội làm việc với giáo sư Đinh Gia Khánh nhiệm vụ nặng về hành chính là mang các bài được chọn đăng đến nhà Giáo sư Đinh Gia Khánh (lúc đó ở Khu tập thể Đại học Bách khoa) để giáo sư có ý kiến và chuyển yêu cầu của giáo sư đến các tác giả bài viết. Chỉ làm công việc hành chính đó thôi nhưng khi đến nhà giáo sư, tôi đã được nghe ông giảng giải về việc tại sao lại chọn bài này, bỏ bài kia; tại sao lại cắt phần này, để phần kia của các bài viết…Thông qua các câu chuyện, càng thấy ông có một am hiểu sâu và rộng như thế nào đến văn học và tín ngưỡng dân gian, cẩn trọng và kỹ lưỡng đến thế nào đối với những chuyện bếp núc của việc viết lách. Những buổi làm việc đó trở thành các bài giảng có tính nhập môn đối với một nhà nghiên cứu trẻ như tôi (lúc đó), và là những bài học có ý nghĩa quan trọng không thể nào quên đối với tôi trong suốt hơn 20 năm tham gia vào nghề nghiên cứu này. Tôi kể lại kỷ niệm này như một nén hương thể hiện lòng cảm tạ của tôi đối với một vị giáo sư đáng kính trong ngành nghiên cứu văn học/văn hóa dân gian Việt Nam./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan (1957), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, H.

Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, 1942,

Nhóm Lê Quý Đôn (1957),  Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam

Đinh Gia Khánh (1962, 1971, 1997), Lịch sử văn học dân gian Việt Nam

Đinh Gia Khánh (1989), Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian

Đinh Gia Khánh (1993), Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á

Đinh Gia Khánh (1995), Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.

 Nguyễn Xuân Kính (1995), Nhà nghiên cứu văn học dân gian Đinh Gia Khánh và việc đặt nền móng cho khoa nghiên cứu văn hóa dân gian, In trong Các tác gia nghiên cứu văn hóa dân gian (Nguyễn Xuân Kính chủ biên, Nxb. KHXH., H., 1995, tr. 95-124)

Cao Huy Đỉnh (1974) Tìm hiểu tiến trình của văn học dân gian Việt Nam, Nxb. KHXH

Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục, H.

Richard M. Dorson (1959), “A Theory for American Folklore”, Journal of American Folklore, 62, p.2103

Dan Ben-Amos (1971), Toward to Definition of Folklore in Context, The Journal of American Folklore © 1971 American Folklore Society

 Nguồn:  Copyright © 2012-2013 - PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Danh mục website