Hội thảo: Nhạy cảm giới trong văn học (Gender sensitivity in Literature)

Ngày 5/12/2013, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã tổ chức tại Hà Nội hội thảo mang chủ đề “Nhạy cảm giới trong văn học”. Trong hơn 80 người tham dự hội thảo có nhiều giảng viên văn học ở các trường trung học, cao đẳng và đại học, học sinh phổ thông cùng các chuyên gia về giới và các tổ chức phi chính phủ, đại diện Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Đại diện CSAGA cho biết hội thảo là một trong 16 hoạt động chung tay phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, nhân ngày quốc tế phòng chống bạo lực gia đình 25/11.
Đưa nhạy cảm giới vào giảng dạy văn học là một mục  tiêu mà CSAGA theo đuổi từ năn 2007. Trong thời gian qua, CSAGA đã phối hợp với các trường trung học nhằm xây dựng ngôi trường thân thiện, hướng đến việc xây dựng một xã hội không bạo lực, không kỳ thị.

Hội thảo đã được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú và sinh động,  đã nghe ba tham luận quan trọng:

  • Giới, bình đảng giới và vấn đề bạo lực gia đình ở Việt Nam do chị Phạm Phương Lê, chuyên viên của CSAGA trình bày;
  • Kinh nghiệm lồng ghép giới vào giảng dạy văn học do thầy Trịnh Minh Hương, phó khoa Ngữ văn trường Đại học Quảng Nam trình bày;
  • Vấn đề giới trong các tác phẩm văn học hệ trung học phổ thông do chị Tuyết Minh, tiến sĩ Xã hội học trình bày.

Xen kẽ giữa các tham luận là hai trích đoạn phim được trình chiếu: “Quyền lực bị đánh cắp”, “Và nến đã thắp” và bài hát “ Chung tay” của chiến dịch “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
Kết thúc hội thảo là một cuộc đối thoại về “Tìm kiếm giải pháp tăng cường nhạy cảm giới trong giảng dạy, nghiên cứu văn học tại trường phổ thông trung học và khoa Ngữ văn các trường đại học sư phạm”.
Ban tổ chức đã thông báo cuộc thi tìm kiếm ý tưởng về “Tăng cường nhạy cảm giới trong giảng dạy môn Ngữ văn”.

Những nội dung và ý tưởng được trình bày đã khơi nguồn cho các cuộc thảo luận sôi nổi và phong phú tại hội trường.

Thầy Trịnh Minh Hương đã trình bày một trường hợp phân tích giới trong khi giảng dạy tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Chuyên gia tư vấn về giới Phạm Thu Hiền ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho biết với sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha, chị đã cùng làm việc với Đại học Quảng Nam trong 7, 8 tháng về dự án lồng ghép giới trong giảng dạy các môn học, và bài giảng của thầy Hương là một trong những kết quả của dự án này.

Nhạy cảm giới hay không nhạy cảm giới?

Nhân bài giảng điển hình của thầy Hương, cuộc thảo luận đã tập trung vào các quan điểm phân tích tác phẩm này của Nguyễn Minh Châu. Qua lăng kính giới, các giảng viên đã phân tích tình trạng bạo hành của người chồng đối với vợ và sự cam chịu của người vợ trong một cuộc sống lầm than, người vợ đã chấp nhận tình trạng khốn khổ của mình để cho con có cha, để cho gia đình có người đàn ông. Suy nghĩ này còn khá phổ biến trong những người phụ nữ bị bạo lực, họ không tự nhận thức là phải chống lại nạn bạo hành mà họ là nạn nhân, và đây là yếu tố góp phần làm cho nạn bạo hành phụ nữ vẫn tồn tại dai dẳng. Một giảng viên đã có lý khi cho rằng bạo lực xuất phát từ sự mông muội về nhận thức của cả người chồng lẫn người vợ trong truyện của Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên, một giảng viên dạy văn ở trường Cao đẳng Hà Nội đã có ý kiến khác. Giảng viên ấy cho rằng người đàn bà trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” không nhẫn nhục mà là một người có bản lĩnh, đã lựa chọn chịu đòn để có chồng, để có tình yêu, có hạnh phúc. Một nhà nghiên cứu ở Viện Văn học không đồng tình với ý kiến vừa nêu. Chi ấy cho rằng qua mô tả của Nguyễn Minh Châu về người chồng vũ phu “…nom lão như một con gấu đi tìm nguồn nước uống,…” đã lột tả được sự thú hóa con người. Chị ấy cũng bác bỏ lập luận về “bản lĩnh” của người vợ, không hề có sự hy sinh vì tình yêu ở đây, mà chỉ là chuyện làm ăn, dựa dẫm vào nhau. Chị cho rằng văn chương có sứ mệnh hướng đến giáo dục lòng nhân ái, các giá trị nhân bản.  Tham luận của chị Tuyết Minh còn cho thấy sự thiếu nhạy cảm giới được thể hiện qua phần bình luận tác phẩm này trong sách giảng văn dành cho giáo viên. Sách ca ngợi sự chịu đựng của người vợ bị bạo hành mà không bình luận gì thêm về tình trạng đáng phẫn nộ của bạo hành phụ nữ.


Hiện trạng các quan điểm về giới trong sách giáo khoa môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông

Chị Tuyết Minh đã cùng với các chuyên viên của CSAGA thực hiện một nghiên cứu phân tích các quan điểm giới trong sách dành cho học sinh và sách dành cho giáo viên môn Ngữ văn của bậc trung học phổ thông. Sau đây là những nhận định của chị.

Phần lớn các tác giả được lựa chọn để đưa vào sách giáo khoa là nam giới. Mặc dù có một thực tế là số lượng nhà văn nam nhiều hơn nữ, nhưng có lẽ những người lựa chọn chưa quan tâm đầy đủ đến sự cân bằng giới khi tuyển chọn tác giả, do đó những nhu cầu, mong muốn của nữ tác giả bị bỏ qua.

Sách đã có những nội dung mang tính nhạy cảm giới như bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương hay “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải trong đó nhà văn đã mô tả vai trò quyết định của chị Hiền trong gia đình. Tuy nhiên, chị Minh cũng không rõ là người biên soạn vô tình hay cố ý do nhạy cảm giới khi chọn lựa các tác phẩm.

Nhận định chung là nữ giới trong các sách giáo khoa thường được mô tả như như những người bị động, bất hạnh, bị áp bức, bế tắc trong cuộc sống. Sách dành cho giáo viên chưa có lồng ghép giới, chưa  có nhạy cảm giới. Giáo viên có khi cũng vô tình rơi vào xu hướng tăng cường định kiến giới gây thiệt thòi cho phụ nữ, ví dụ như khi phân tích nội dung các câu ca dao. Sách dành cho giáo viên cũng chỉ dừng lại ở chỗ tái hiện nội dung tác phẩm, không phân tích, bình luận sâu hơn, và thường chấp nhận những khuôn mẫu giới đầy định kiến như một điều tự nhiên.

Nhiều ý kiến đã đồng tình rằng một trong những nguyên nhân của sự thiếu nhạy cảm giới trong giảng dạy văn học là giáo viên chưa được trang bị kiến thức về giới và bình đẳng giới nên không nhìn nhận các vấn đề giới theo chiều hướng tiến bộ.

Cần làm gì để tăng cường nhạy cảm giới trong giảng dạy văn học?

Các giảng viên văn học và những người tham dự đều đồng tình là cần lồng ghép giới vào giảng dạy văn học vì bản thân các tác phẩm văn học đã chứa đựng chiều kích giới. Tuy nhiên, các giảng viên lưu ý rằng lồng ghép giới không được làm lu mờ những bình luận có tính văn học của các tác phẩm. Nhiều giảng viên lo lắng là với thời lượng giảng các tác phẩm rất hạn chế thì làm thế nào để chuyển tải nội dung phân tích giới. Về vấn đề này, các giảng viên đã có kinh nghiệm áp dụng phân tích giới cho rằng việc phân tích qua lăng kính giới không chiếm thêm nhiều thời giờ mà còn làm phong phú thêm cách hiểu tác phẩm.

Hiên nay các giảng viên văn học chưa được trang bị kiến thức về giới, do đó mọi người đều thấy cần tăng cường các lớp tập huấn về giới cho giảng viên. Chuyên viên Phạm Thu Hiền cho biết sau 8 tháng làm việc với các giảng viên trường Đại học Quảng Nam, những kiến thức về giới của các giảng viên đã được tăng cường và đã có những kết quả khả quan trong những bài giảng có lồng ghép phân tích giới. Do đó, chị Hiền cho rằng việc lồng ghép giới vào các bài giảng văn học là hoàn toàn khả thi với những lớp tập huấn về giới cho giáo viên. Ngoài ra, hành lang pháp lý của Việt Nam rất thuận lợi với các luật và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã được phê chuẩn.

Trước mắt, cần tăng cường nhạy cảm giới trong các câu hỏi mà giáo viên đặt ra cho học sinh phân tích. Về lâu dài, cần cân bằng hơn tiếng nói của nam và nữ tác giả trong chương trình giảng dạy văn học. Nên cân nhắc đưa vào chương trình các tác phẩm có sự xuất hiện của nam và nữ một cách đa dạng hơn, chứ không chỉ là hình ảnh những ngưới phụ nữ bất hạnh, chịu đựng. Chú ý đưa nhạy cảm giới vào các đề thi.

Các em học sinh nghĩ gì về nhạy cảm giới và vai trò giới nói chung?

Hội thảo đã nghe được tiếng nói của các học sinh, tuy không nhiều nhưng là những ý kiến rất xác đáng và bổ ích.

Trước tiên là cách hiểu về cụm từ “nhạy cảm giới”. Ngôn ngữ của báo chí, truyền thông tác động rất mạnh đến người đọc, mà nội dung của cụm từ này trong truyền thông làm cho các em hiểu đó là những vấn đề tế nhị, “khó nói” của nam và nữ chủ yếu trong lãnh vực tình dục. Một giáo viên cũng cho rằng cần làm rõ nội dung của thuật ngữ “nhạy cảm giới” vì hiện nay có khá nhiều ngộ nhận  về thuật ngữ này. Do đó cần truyền đạt đến công chúng nội dung khoa học của thuật ngữ nhạy cảm giới mà các chuyên gia trong lãnh vực giới thường sử dụng, được hiểu là sự hạy bén nắm bắt những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ xã hội giữa nam giới và nữ giới.

Các em nghĩ rằng những quan niệm về giới, vai trò giới, bình đẳng giới của các em được hình thành qua những hành vi và sự giáo dục của thầy cô. Nhưng hiên nay có tình trạng là có khi thầy cô chưa có nhận thức về giới nên đã giáo dục các em theo những khuôn mẫu có định kiến giới, ví dụ không muốn nữ sinh cắt tóc ngắn hoặc có những hành vi mạnh dạn. Do đó, các em nghĩ rằng nâng cao kiến thức và nhận thức về giới cho giáo viên là rất cần thiết.

Một em khác có thắc mắc về sự lan truyền bạo lực gia đình. Thống kê chỉ nêu ra tỷ lệ trẻ em trai bị ảnh hưởng và có hành vi bạo lực khi trưởng thành nếu em đã chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình. Vậy các em gái  có bị ảnh hưởng không và bị ảnh hưởng như thế nào, có khả năng sẽ gây bạo lực khi các em lớn lên không?

Kết thúc hội thảo, chị Vân Anh, giám đốc CSAGA, cho biết sẽ tập hợp tất cả các ý kiến, làm báo cáo gửi đến các cơ quan hữu quan vì CSAGA có ít nhiều kinh nghiệm về vận động chính sách.

Tường thuật: Thái Thị Ngọc Dư

 Nguồn: http://gas.hoasen.edu.vn/vi/gas-page/hoi-thao-nhay-cam-gioi-trong-van-hoc-gender-sensitivity-literature# 

Danh mục website