Góc nhìn về du lịch Việt Nam của một người Mỹ

TÓM TẮT

Ghi nhận những ấn tượng và cảm xúc của du khách nước ngoài khi đến Việt Nam là một trong những công việc quan trọng và cần thiết để có thể phát triển dịch vụ du lịch tốt hơn. Thông qua tiếp xúc với Donna Smith một du khách đến từ Mỹ và các bạn bè của cô, bài viết này giới thiệu một góc nhìn của du khách nước ngoài đối với du lịch Việt Nam, đồng thời qua đó, đặt ra những vấn đề mà du lịch Việt Nam cần phải chú ý phát triển.

*

Dẫn nhập

Quảng bá du lịch là một trong những hoạt động quan trọng nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế. Ngành du lịch muốn phát triển phải chú trọng rất nhiều vào hoạt động quảng bá du lịch này. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, có thể thấy rằng, quảng bá du lịch không đúng cách thì sẽ dẫn đến những ấn tượng không tốt. Du lịch Việt Nam đôi khi tạo nên những ấn tượng không tốt về tình trạng chặt chém du khách hay người ăn xin gây phiền nhiễu. Báo chí trong và ngoài nước cũng rất nhiều khi làm cho cảm giác lo lắng này tăng lên. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch và cảm thấy hài lòng. Donna Smith và các bạn bè của cô, những học viên cao học chuyên ngành Marketing ở đại học South Florida đã thực sự thay đổi cảm giác của mình khi đặt chân tới Việt Nam. Họ chia sẻ rằng những ấn tượng từ những bài báo đã từng được đọc ở Mỹ có làm cho họ lo lắng trước khi đến Việt Nam, nhưng những trải nghiệm thực tế về văn hóa và con người ở đây đã làm họ thay đổi. Donna Smith mong muốn được kể câu chuyện của mình cho tác giả cũng như những bạn đọc khác để mang đến một góc nhìn riêng về du lịch Việt Nam. Cô hy vọng rằng du lịch Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn từ những thế mạnh sẵn có của mình, và hình ảnh Việt Nam sẽ trở nên gần gũi hơn với bạn bè quốc tế.

Cuộc phỏng vấn được tác giả thực hiện vào buổi chiều 25.7.2013 tại khách Sạn Viễn Đông, Bến Thành Tourist, số 275A Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TPHCM. Tác giả đã được trò chuyện với Donna Smith hết sức cởi mở. Cùng với các bạn bè của cô đến từ đại học South Florida, câu chuyện của Donna thật là một trải nghiệm thú vị về du lịch Việt Nam.

1. Từ câu chuyện của Donna Smith

Khi chưa đến Việt Nam, tôi cũng như nhiều người Mỹ khác khi đọc các tạp chí thường cảm thấy hoang mang khi nghĩ về du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành học về Marketing, tôi và các bạn của tôi được phân công sang Việt Nam khảo sát thị trường. Và vì thế, tôi đã tìm hiểu thông tin về du lịch Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến đi của mình.

Tôi có nghe một số người Mỹ đến Việt Nam theo diện du lịch tự do, họ đi theo các chương trình quảng cáo tìm được trên mạng và cũng có người nói về du lịch Việt Nam có những vấn đề thế này thế kia, nhất là về vấn đề chặt chém hoặc dọa nạt người nước ngoài khi bán hàng. Họ phải mua hàng với giá cao, khi đã hỏi thì bị bắt buộc phải mua món hàng đó. Điều này khiến du khách cảm thấy rất khó chịu vì ở những nước khác không có như vậy. Tuy vậy, trường của chúng tôi mỗi năm đều có sinh viên qua Việt Nam thực tập tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, nhờ thế tôi cũng đã được các bạn thuộc các khóa trước tư vấn về phương thức du lịch và đời sống ở Việt Nam. Chúng tôi được biết đường Phạm Ngũ Lão ở thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài. Các bạn cũng cho biết là khi đến khách sạn thì có thể nhờ khách sạn giới thiệu các công ty du lịch để có thể tham khảo. Khi nghe từ hai phía mỗi người một ý kiến tôi cũng khá hoang mang khi chuẩn bị bước chân đến Việt Nam. Tất nhiên, tôi cũng tham khảo thêm nhiều thông tin trên mạng để chuẩn bị cho chuyến đi của mình.

Khi bước chân đến Việt Nam, tôi và bạn bè của mình đã dần có cách nghĩ nghĩ khác về Việt Nam. Đầu tiên chúng tôi được công ty du lịch đưa đi tham quan Bảo Tàng Việt Nam. Ở đây, chúng tôi thực sự ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam, những con người vô cùng dũng cảm và hy sinh trong chiến tranh - cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát do chiến tranh gây ra, trong đó có cả việc nhiều người, nhiều vùng đất bị nhiễm chất độc màu da cam. Đất nước Việt Nam tuy chưa phát triển mạnh nhưng tôi thật sự khâm phục tinh thần của người Việt Nam.

 Đến Việt Nam tôi đã cố gắng chụp thật nhiều hình ảnh để đem về cho bố tôi xem. Ông cũng từng là một người lính. Tôi cũng trông thấy người dân đi xe máy trên đường, trông thấy những đường dây điện chằng chịt và cũng trông thấy có rất nhiều trẻ em nghèo khổ phải đi ăn xin. Tuy nhiên, tôi không coi thường họ. Tôi đã từng đi du lịch nhiều nước trên thế giới và ở đâu cũng có người này người kia, không phải ai cũng giàu có, bất kỳ ở nước nào cũng có người ăn xin. Ở Việt Nam cũng có người giàu người nghèo. Nhưng ở Việt Nam tôi chưa bao giờ thấy người nào dùng súng hoặc lấy dao ra để uy hiếp đòi tiền cả. Những người ăn xin chỉ có ngồi im, đưa ra cái nón hoặc cái túi, ai thích cho thì bỏ tiền vào đó.

Tôi thiết nghĩ trong cuộc sống này ai cũng muốn mình được ấm no và hạnh phúc. Có lẽ, mình may mắn có cuộc sống được đầy đủ hơn họ. Trước hoàn cảnh đó tôi thấy cảm thương, họ xin tiền chỉ vì nghèo khổ. Còn đối với chúng tôi số tiền đó cũng không nhiều. Chúng tôi có thể không uống một ly nước hoặc không ăn một tô phở là đã có thể giúp họ được một bữa cơm. Và tôi đã bố thí cho những người ăn xin mặc dù chính tôi cũng chưa biết giá trị số tiền mình bỏ ra đó đối với người Việt Nam là như thế nào. Nhưng tôi nhìn được trên nét mặt của họ niềm vui và họ đã cúi đầu cảm ơn. Bản thân tôi vì vậy cũng thấy vui. Những người ăn xin trên đường phố có chạy theo để xin tiền nhưng khi những người phiên dịch Việt Nam nói gì đó với họ thì họ liền không đi theo nữa. Có lẽ tôi nghĩ khác với những người Mỹ trước đây từng đến Việt Nam, bởi nếu ai cũng nghĩ vậy thì liệu có ai sẽ giúp đỡ ai khi chúng ta gặp khó khăn. Người ta đến bước đường cùng mới phải đi xin tiền chứ không ai muốn cuộc sống của mình bị coi thường phải không. Tôi không cảm thấy coi thường họ, tôi cảm thông cho những người như vậy. Tôi cảm thấy họ được hạnh phúc vì có người chia sẻ, tôi cảm thấy được hạnh phúc của họ.

 Trong tâm tôi người Việt Nam rất dũng cảm, hiếu khách, sống rất gần gũi, tiếp đãi khách rất thân thiện. Tôi rất yêu thích sự chất phác và lòng mến khách. Từ đó, tôi cảm thấy con người và con người dễ gần nhau hơn. Tôi vô cùng thương mến người Việt Nam, tôi muốn nói đây là sự thực.

Tôi cảm thấy nền ẩm thực Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Các món ăn được chế biến cầu kì và nguyên liệu nấu ăn đều còn tươi sống. Ở Mỹ, đa số thực phẩm đều được mua về từ siêu thị, còn ở Việt Nam thì tôi được ăn quả hái trực tiếp từ trên cây xuống, cá mới bắt từ sông lên. Tôi cảm thấy rất thích thú khi được trải nghiệm qua cảm giác tự tay hái trái cây và chuẩn bị bữa ăn cho mình.

 

(Donna Smith và bạn bè ở trường Đại học South Florida trong buổi phỏng vấn tại TPHCM – tác giả ngồi ngoài cùng bên phải)

2. Và cảm nhận của các bạn đồng hành

Cũng giống như Donna Smith, những người bạn đồng hành của cô cũng muốn chia sẻ thêm những ấn tượng và những trải nghiệm mà họ có được khi đến Việt Nam.

Micheal nói, tôi rất ấn tượng với cảnh sắc miệt vườn cây ăn trái, vì ở Mỹ tôi không có cơ hội trực tiếp trèo lên cây hái quả và ăn trực tiếp như ở đây. Tôi đã đi rất nhiều nơi, những nơi phát triển về kinh tế với những đô thị cao chọc trời và tôi cảm thấy không có gì là thú vị nữa. Hòa mình vào tự nhiên nơi đây là một trải nghiệm tuyệt vời.

Tony cho biết, tôi được thưởng thức nghệ thuật dân gian Việt Nam như chèo, ca trù,… tuy ngôn ngữ khác biệt khiến tôi không hiểu được ý nghĩa bài hát nhưng mang lại cho tôi một cảm giác rất lạ với những âm thanh từ nhạc cụ mộc mạc, chân quê.

Tommy chia sẻ, tôi đam mê những cảnh sắc thiên nhiên, nhất là những di tích lịch sử với vẻ tự nhiên, cổ kính. Đến Việt Nam, từ Bắc chí Nam tôi được tham quan rất nhiều di tích với nhiều nét kiến trúc khác biệt. Có nhiều dấu ấn ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa khác nhau khiến chuyến đi của tôi thêm phần thú vị và tôi cảm nhận Việt Nam thật phong phú về văn hóa tộc người.

Jennifer nói, tôi đến địa đạo Củ Chi và rất bất ngờ về quy mô đồ sộ và sự kì công của địa đạo. Tôi rất cảm động và khâm phục người Việt Nam trong chiến tranh, chỉ với phương tiện thô sơ nhưng lại thắng được vũ khí hiện đại.

Donna Smith cũng nói thêm rằng trước khi sang Việt Nam tôi rất lo lắng vì được đọc rất nhiều thông tin không hay, đắn đo mãi rồi cuối cùng tôi cũng quyết định đi. Sang đây, tôi ấn tượng với việc được đi xe máy vì cảm giác được ngắm nhìn mọi người xung quanh mình và có được một tầm nhìn rộng, bao quát cảnh vật xung quanh. Tôi cũng rất thích Nha Trang, ở đây tôi được tắm bùn – một hình thức spa mà lần đầu tôi được thử nghiệm.

3. Nghĩ về du lịch Việt Nam

Mặc dù đây chỉ là một cuộc phỏng vấn nhỏ đối với một nhóm du khách đến từ Mỹ nhưng, tác giả bài viết cũng cảm thấy rằng có thể từ đó sẽ mang lại nhiều gợi ý hay cho du lịch Việt Nam, để từ đó thu hút nhiều hơn nữa lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.

Mỗi quốc gia dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng làm nên những nét đặc trưng cho mỗi dân tộc. Ở Việt Nam chính là ca vọng cổ, hát văn, hát bội, hát quan họ, là văn hóa làng xã, múa rối nước... Đó mới chính là những điều thú vị mà du khách nước ngoài muốn tìm hiểu và khám phá. Vì ở nước họ, dù có rất nhiều tài liệu, tranh ảnh về Việt Nam nhưng không thể nào cụ thể và sinh động bằng một chuyến du lịch thực tế. Và mặc dù, họ chỉ hiểu đại khái nội dung lời ca câu hát thông qua phiên dịch nhưng cảm nhận về âm nhạc là không có biên giới. Họ thích thú khi được khám phá những nhạc cụ dân tộc chỉ có ở Việt Nam cùng với cách tạo ra những giai điệu mà họ không thể tìm thấy nơi đâu ngoài đất nước này. Du lịch Việt Nam cần phát huy thế mạnh văn hóa truyền thống giàu bản sắc để mang lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách nước. Du khách nhớ tới Việt Nam với hình ảnh tốt đẹp thì chắc chắn gia đình, bè bạn của họ cũng sẽ biết tới Việt Nam đẹp đẽ đó. Đây chính là một cách quảng bá tốt cho du lịch. Còn nếu chúng ta làm việc không tốt, tạo ấn tượng xấu cho du khách thì chắc chắn họ cũng sẽ mang những điều không tốt ấy về với những người quen của mình. Dù là du khách trong nước hay ngoài nước, khi cảm thấy chuyến du lịch suôn sẻ, đem lại cảm giác vui vẻ, thoải mái thì chắc chắn họ sẽ muốn quay trở lại lần nữa.

Báo chí và các phương tiện truyền thông không nên đưa những thông tin tiêu cực, thiếu tính xác thực về du lịch Việt Nam hoặc mang tính chất giật gân, câu kéo độc giả. Vì những người thường đi du lịch sẽ biết là ở nhiều nơi có những trường hợp ăn xin, mua hàng giá cao,... nhưng họ sẽ không cảm thấy phiền lòng nếu sự việc không quá đáng. Nếu báo chí chỉ đưa tin một chiều thì những du khách chưa từng đến Việt Nam sẽ tin vào những thông tin về tệ nạn ở Việt Nam, và như vậy họ sẽ không dám mạo hiểm đi du lịch ở nơi không an toàn.

Chúng ta phải thừa nhận là du lịch của chúng ta chưa thực sự tiếp cận được với khách nước ngoài. Đó là do điều kiện sống trong nước còn chưa cao, trình độ người dân còn thấp nên gây ra nhiều tệ nạn. Nếu như du khách đi tới các nước trong khu vực như: Singapore, Indonesia,... thì họ dễ dàng tiếp cận được người dân bản xứ vì ngôn ngữ chính thức thứ hai là tiếng Anh. Còn ở Việt Nam, số người biết tiếng Anh còn ít, du khách đến Việt Nam nếu không tham gia một tour du lịch thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Việc chặt chém khi bán hàng cho du khách cũng là một thói quen xấu của tiểu thương, không chỉ đối với du khách nước ngoài mà còn đối với chính người Việt Nam. Người Việt Nam chưa có ý thức về việc tạo nên uy tín cho thương hiệu du lịch quốc gia. Một khi chất lượng và uy tín được khẳng định thì sẽ có sức lan tỏa trên thế giới. Khi nhắc tới công nghệ ta sẽ nghĩ tới Nhật Bản, nhắc tới giáo dục ta nghĩ tới Mỹ, nhắc tới ẩm thực ta nghĩ tới Trung Quốc,... Những thương hiệu quốc gia đó được mọi người nhớ tới bởi chất lượng của họ đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa. Việt Nam cũng nên lấy đó làm bài học cho mình.

Đâu đâu trên đất nước Việt Nam cũng có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với bản sắc văn hóa đa dạng từ các dân tộc anh em. Du lịch Việt Nam cần phải phát huy thế mạnh về đa dạng văn hóa này để du khách cảm thấy du lịch ở Việt Nam lúc nào cũng mới mẻ, cũng có nhiều điều để khám phá. Du lịch Việt Nam cần khai thác những nét đẹp văn hóa dân tộc chứ không nên giữ mãi ở dạng tiềm ẩn. Để thu hút khách du lịch thì phải đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với du khách. Người làm du lịch cũng cần phải tìm hiểu thị hiếu của du khách thông qua phỏng vấn những du khách đã đến Việt Nam. Đồng thời, cũng phải nghiên cứu cảm nhận của du khách khi đến với châu Á, để biết được những điều đã thu hút họ ở những vùng đất đó. Từ đó có thể rút ra được bài học kinh nghiệm cho du lịch Việt Nam.

Kết luận

Phát triển du lịch cũng là một trong những phương cách để mở ra cơ hội đầu tư từ nước ngoài cho kinh tế Việt Nam. Vì khi du khách tới Việt Nam, họ sẽ hiểu được đất nước, con người và cả những tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Không những thế, bản thân du lịch là ngành công nghiệp không khói bụi, là nguồn thu ngoại tệ đáng kể của nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore,... Du lịch Việt Nam cũng cần phải phát triển được như vậy. Khảo sát những góp ý, cảm nhận của du khách khi đến Việt Nam để đề ra những loại hình dịch vụ, những tour du lịch đáp ứng được nhu cầu của du khách là hết sức cần thiết. Điều đó cũng góp phần làm cho du lịch Việt Nam phát triển hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Cường Hiền (1994), Nghệ thuật hướng dẫn du lịch, Nxb Văn hoá, Hà Nội.
  2. Đinh Trung Kiên (2001), Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
  3. Nguyễn Văn Lưu (2003), Thị trường du lịch, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
  4. Nguyễn Bích San (chủ biên) (2000), Cẩm nang hướng dẫn du lịch, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội
  5. Nguyễn Minh Tuệ (chủ biên) (1996), Địa lý du lịch, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

AN AMERICAN’S LOOK ON VIETNAMESE TOURISM

Abstract

Studying the impression and emotion of foreign tourists on their trips in Vietnam is extremely helpful for improving tourism services. By discussing with Donna Smith, an American tourist, and her friends, this article introduces a foreigner’s look on Vietnamese tourism, from which some matters about Vietnamese tourism will be brought on the table for improvement.

 

 

Danh mục website