Những kỳ nữ trong thơ văn Đông Á


Những kỳ nữ trong thơ ca Đông Á (Trung Quốc-Nhật Bản-Korea-Việt Nam), Phan Thị Thu Hiền (chủ biên), Nguyễn Thị Bích Hải, Đoàn Lê Giang, Đoàn Thị Thu Vân,   NXB. Văn hoá văn nghệ, TP.HCM, 2014.
 
Sách này như một bộ tranh tứ bình thể hiện chân dung bốn kỳ nữ lừng danh trong văn chương Đông Á qua những đường nét, màu sắc thơ ca của chính họ: Tiết Đào, Ono no Komachi, Hwang Jin Yi, Hồ Xuân Hương. 

Mà kỳ nữ, các nàng là ai? 

            Tiết Đào là một trong hai nhà thơ nữ nổi tiếng nhất đời Đường, Trung Quốc. Ono no Komachi là một trong Lục ca tiên thời Heian, Nhật Bản. Hwang Jin Yi được tôn xưng là “Thi tiên” của Korea thời Choseon. Hồ Xuân Hương lừng danh “Bà Chúa Thơ Nôm” của Việt Nam, hậu kỳ trung đại[1]. Không chỉ sáng chói trong thời họ sống, các nàng thuộc về những nhà thơ nữ vĩ đại nhất mọi thời đại của dân tộc mình.

            Về nhan sắc, thực sự nổi danh chắc chỉ có Ono no Komachi, người đã trở thành biểu tượng vẻ đẹp người nữ muôn đời của xứ sở Phù Tang, dù các nàng kia, qua giai thoại cũng như qua thơ ca của những văn nhân mê đắm họ, ở những mức độ khác nhau, đều là những giai nhân.        

Hơn rất nhiều so với vẻ đẹp nhan sắc, họ nổi danh về cuộc sống tình ái, hay ít nhất là những quan hệ lứa đôi hết mực phóng khoáng. Tiết Đào, Hwang Jin Yi thực sự là kỹ nữ / nghệ nữ. Với hai nàng còn lại, không có bằng chứng về tư cách nghề nghiệp như vậy, tuy nhiên, phong vị “lá gió cành chim” có lẽ chẳng phải không phảng phất trong giai thoại trăm đêm cùng những bài thơ gợi cảm của Ono no Komachi hay trong bài từ “Xuân Đình Lan điệu” nồng nã của Hồ Xuân Hương.

Tiết Đào (768 – 831), Ono no Komachi (825 – 900), về cơ bản, sống vào thời hoàng kim của chế độ phong kiến trong khi đến Hwang Jin Yi (1506 – 1544), Hồ Xuân Hương (cuối tk XVIII – đầu tk XIX), chế độ phong kiến có những chuyển biến quan trọng hoặc đã đi đến chặng cuối suy tàn. Cùng trong bối cảnh khu vực   văn hóa Nho giáo, tuy nhiên, thời Đường của Tiết Đào hài hòa “Tam giáo đồng nguyên”, thời Heian của Ono no Komachi tương đối dịu dàng với Phật giáo thống lĩnh, trong khi đó, thời Choseon của Hwang Jin Yi lại là Tống Nho ngự trị, hậu kỳ trung đại của Hồ Xuân Hương thì đã bắt đầu những ảnh hưởng văn hóa thị dân trong lòng xã hội phong kiến già nua. Trong tương quan bốn nước, có thể nói Tống Nho Korea cứng rắn, nghiêm ngặt nhất (“đến mức làm sửng sốt cả những môn đệ của Khổng tử”), còn Nho giáo Việt Nam trên nền tảng cơ tầng văn hóa bản địa Đông Nam Á nhìn chung dân chủ, bình đẳng hơn. 

 Sống trong xã hội phong kiến, dù hoàn cảnh thời đại, gia đình, tư chất cá nhân khác nhau, cả bốn nàng, đều là những người phụ nữ “ra ngoài khuôn phép”, đi ngược lại quy chuẩn chung, thậm chí, đều ít nhiều “phản nghịch”. Người phụ nữ thời phong kiến tuân thủ tam tòng, không ra khỏi cửa nhà, còn các nàng lại tự do nơi không gian xã hội, tự do giao tiếp với những người đàn ông. Những phụ nữ bình thường chỉ được dạy Công - Dung - Ngôn - Hạnh, không được khuyến khích nâng cao học vấn cũng như bị cấm đoán đối với các nghệ thuật (mà theo định kiến) có thể làm người ta xa rời phép tắc đạo đức, còn các nàng lại có cơ hội trau dồi và thể hiện tài năng rực rỡ Cầm - Kỳ - Thi - Họa… Những phụ nữ bình thường cam chịu thân phận thụ động, thấp kém trước người đàn ông, còn các nàng, dù ở bậc thang xã hội hèn mạt nhất nhưng lại quan hệ thân mật, xướng họa thơ ca, trao đổi thư từ, tri âm tri kỷ với những nho sĩ quý tộc thượng lưu, thậm chí, những học giả, văn nhân nổi tiếng nhất đương thời. Những phụ nữ bình thường chấp nhận hôn nhân như con đường của bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ, còn các nàng, trong khi thường không có một mái ấm gia đình trọn vẹn, lâu bền, thậm chí, không chồng, không con, cô lẻ nhưng lại chiếm lĩnh tình yêu của những người đàn ông hào hoa nhất, những khoảnh khắc đắm say lãng mạn, thăng hoa nhất.

Ở các nước Đông Á phong kiến, văn chương, nhất là văn chương chữ Hán, thuộc độc quyền đàn ông. Người phụ nữ bị đẩy ra “bên lề”, bị biến thành “vô hình”, “vô thanh”. Tiết Đào, Ono no Komachi, Hwang Jin Yi, Hồ Xuân Hương, qua thơ ca, giành lấy quyền “tự hát” những nỗi niềm cá nhân, giành lấy quyền cất lên tiếng nói của giới mình, đối thoại và phản kháng với giọng thống lĩnh nam giới.          

Rốt cuộc, kỳ nữ, họ là ai?

Được say đắm do Nhan sắc, Yêu đương, họ là Đàn bà.

            Tài và Tình nâng họ thành Giai nhân tri âm tri kỷ với bậc Tài tử. 

            Mọi truân chuyên kiếp Hồng nhan không làm gục ngã được họ, chỉ khiến họ trở về với bản chất cùng kiệt cũng là năng lực nguyên sơ của Nữ tính, bé nhỏ mà lớn lao, yếu đuối và mạnh mẽ, ngây thơ và minh triết, tận hiến, nỗ lực hết mình cho hạnh phúc và những giá trị nhân bản. 

            Không chịu tuân theo chuẩn mực và định kiến thế gian, họ trở thành Nàng tiên thắp sáng chiều kích huyền diệu của một xã hội, một cuộc sống xứng đáng với Con Người mà người nữ bình thường trong đời thường nhật không từng biết, không từng tưởng tới. Không có phép màu, họ dệt ánh sáng bằng những giấc mộng, những giọt lệ từ sâu thẳm thân phận và tâm hồn mình. Rồi biến mất, họ để lại món quà tặng Tiên tri: tương lai nhân loại là ở phụ nữ, phụ nữ đồng nghĩa với tình yêu như sức mạnh vĩ đại của vũ trụ[2].      

Tiết Đào, Ono no Komachi, Hwang Jin Yi, Hồ Xuân Hương          

Bốn nàng kỳ nữ nhất mực Đàn bà, nhất mực Giai nhân, nhất mực Hồng nhan, nhất mực Nàng tiên ấy! 

sẽ thầm thĩ với bạn đọc qua cuốn sách này tiếng con tim của họ, những tiếng thầm đã đi qua suốt mấy trăm năm, suốt cả ngàn năm.  

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh đã giúp đỡ cho cuốn sách được ra mắt bạn đọc.

Mặc dù đã rất cố gắng, công trình của chúng tôi hẳn là khó tránh khỏi những điểm bất toàn, kính mong được quý vị học giả cùng quý bạn đọc chỉ giáo.

 

Tp. Hồ Chí Minh, 19 tháng 2 năm 2014

Thay mặt nhóm nghiên cứu, dịch giả

PHAN THỊ THU HIỀN 



[1] Trình tự các kỳ nữ xuất hiện trong sách này là theo niên đại.

[2] “Phụ nữ là tương lai của loài người” (L. Aragon). [Jean Chevalier, Alain Gheebrant 1997: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, tr. 707].  

Danh mục website