PHAN THU HIỀN (*)
Báo cáo này khái quát tình hình nghiên cứu yếu tố nội và ngoại sinh trong quá trình hình thành, phát triển “văn học mới” Korea. Trong tình hình “văn học mới” Korea hầu như chưa được tìm hiểu sâu sắc, có hệ thống ở Việt Nam, một cái nhìn khái quát như vậy có thể cần thiết để nhận diện những khía cạnh cơ bản về nội dung cũng như cách tiếp cận vấn đề, từ đó có thể tiếp tục suy ngẫm phương hướng nghiên cứu “văn học mới” Việt Nam nói riêng, “văn học mới” khu vực Đông Á nói chung.
* *
*
“Văn học mới” (sin munhak – new literature) có lẽ không phải một thuật ngữ theo nghĩa nghiêm ngặt mà chỉ là một khái niệm công cụ. Khi sử dụng khái niệm này, các học giả Korea đề cập không phải một nền hay một giai đoạn văn học được xác định chặt chẽ mà đúng hơn là tổng thể của “thơ mới” (sinchesi – new-style poems), “tiểu thuyết mới” (sin seol – new novel) xuất hiện từ khoảng đầu thế kỷ XX đánh dấu bình minh của văn học hiện đại Korea trong sự giao lưu với Phương Tây. “Thơ mới”, theo đa số các nhà nghiên cứu, hình thành và phát triển trong khoảng từ 1908 đến những năm 1920. “Tiểu thuyết mới”, hay đúng hơn, “văn xuôi mới” (new fiction) ra đời từ những năm 1900 và đạt đến đỉnh cao trong những năm 1930 [Peter H.Lee 2003: 339, 392].“Mới” trong “thơ mới” và “tiểu thuyết mới” “không phải thuật ngữ thể loại mà đơn giản chỉ xác định những tác phẩm thơ, tiểu thuyết khác với thơ, tiểu thuyết truyền thống” [Peter H.Lee 2003: 339]. Cũng thuộc cùng trường nghĩa này là khái niệm “văn hóa mới” (sin munhwa – new culture) như hệ thống những giá trị văn hóa cách tân so với cổ truyền, trên cơ sở tích hợp truyền thống Phương Đông và những tinh hoa hiện đại Phương Tây. “Văn hóa mới” không chỉ là bối cảnh ra đời mà còn chi phối nội dung, hình thức thể hiện của “văn học mới”. “Văn hóa mới” đồng thời chính là khí quyển của quá trình sáng tạo, lưu hành, tiếp nhận “văn học mới”.
Qua lịch sử nghiên cứu những yếu tố nội và ngoại sinh trong quá trình hình thành, phát triển “văn học mới” Korea có thể thấy nổi bật ba phối cảnh cơ bản. Thứ nhất, trong phối cảnh ảnh hưởng ngoại lai, các học giả xác định những tác động của tư tưởng, văn chương thế giới, đặc biệt là Phương Tây, quyết định sự đổi mới văn học Korea. Thứ hai, từ phối cảnh nội bộ nền văn học Korea, quá trình hình thành “văn học mới” được xem xét như sự kế thừa, phát triển những mầm mống “hiện đại” trong thành tựu văn học quá khứ các giai đoạn trước đó. Thứ ba, nhìn “văn học mới” Korea trong quan hệ với “văn học mới” các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, các học giả đã từ phối cảnh văn hóa-văn học Đông Á cố gắng soi sáng vận động của văn học Korea bằng quy luật chung của cả khu vực.
1. Từ phối cảnh ảnh hưởng văn học thế giới, đặc biệt là văn học Phương Tây
Nghiên cứu sự hình thành và phát triển “văn học mới”, giới học giả Korea thời kỳ đầu (từ những năm 1950) tập trung chú ý vào những yếu tố cách tân và tìm ở đó những dấu ấn ảnh hưởng Phương Tây. Hướng nghiên cứu này được kế tiếp liên tục đến nay, trước sau vẫn là quan trọng với khối lượng công trình phong phú nhất.
Ảnh hưởng tư tưởng, văn chương Phương Tây đến Korea không phải trực tiếp mà chủ yếu là truyền thừa từ Nhật Bản, qua các bản dịch văn học Phương Tây do người Korea chuyển ngữ lại từ bản dịch tiếng Nhật. Con đường gián tiếp hơn là qua các tác phẩm “văn học mới” Nhật Bản chịu ảnh hưởng Phương Tây. “Văn học mới” Trung Quốc chịu ảnh hưởng Phương Tây cũng tác động đến “văn học mới” Korea nhưng với khuôn khổ giới hạn hơn nhiều. Sở dĩ như vậy là vì từ thập niên cuối thế kỷ XIX, Korea ngày càng có những trao đổi mạnh mẽ với Nhật, rồi bị Nhật cai trị trong hơn nửa thế kỷ. Thời kỳ Khai sáng Korea diễn ra dưới những trương lực căng thẳng khi Nhật Bản với tư cách kẻ thù xâm lược đồng thời lại cũng là mẫu mực về tấm gương Phương Tây hóa thành công rực rỡ, do đó trở thành người thầy vô cùng uy tín của Korea. Nửa thế kỷ sau khi thanh niên Nhật vượt biển sang châu Âu du học, những người trẻ tuổi Korea đi du học ở Nhật. Dòng chảy truyền thống của du học Trung Hoa suy giảm đến mức có thể nói hầu như không đáng kể. Cũng có những trí thức trẻ Korea du học Phương Tây nhưng số này không nhiều.
1.1. Ảnh hưởng của văn học Phương Tây
1.1.1. Đối với “thơ mới”
Bài thơ “Từ Biển đến chú bé” của Ch’oe Nam-son đăng trên tạp chí Sonyon tháng 11 năm 1908 thường được xem như tác phẩm “thơ mới” đầu tiên ở Korea[1]. Khá nhiều công trình nghiên cứu đã xem tác phẩm này như sự giới thiệu lần đầu tiên trong thơ ca Korea những cách tân, cả nội dung lẫn hình thức, dưới ảnh hưởng Phương Tây: sự sử dụng những dấu câu; khổ thơ với những dòng dài ngắn khác nhau; lối vắt dòng khiến khổ thơ chứ không phải dòng thơ trở thành đơn vị mang nghĩa trọn vẹn; sự phá vỡ vần luật truyền thống tìm kiếm những nhịp điệu năng động hơn; sự xuất hiện một số điển cố, ẩn dụ Trung Hoa viết bằng chữ Hán giữa ngôn từ tiếng Korea trần tục thuần khiết (tạo hiệu quả nhấn mạnh như những chữ Latinate nổi bật giữa tiếng Anh); những hình tượng mới vốn không hề quen thuộc trong văn học cổ điển Trung Hoa cũng như Korea (“biển” và “trẻ thơ”); giọng thơ kêu gọi sôi nổi hướng tới tỉnh thức quần chúng; những tư tưởng mới về thế giới, về văn minh, về Phương Tây hóa…
Từ năm 1918 đến những năm 1920, thơ Verlaine, Gourmont, Fyodor Sologub, Samain, Beaudelaire, Yeats… được dịch, đăng báo, xuất bản kèm những bài viết của nhà thơ-dịch giả Kim Ok giới thiệu thơ tự do (vers libre) cùng nguyên lý khơi gợi gián tiếp, bí huyền của chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Với ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng Pháp, quan trọng nhất là Verlaine và Beaudelaire (nổi tiếng với thuyết “tương giao các cảm giác”), các nhà thơ Korea thời kỳ này (Kim Ok, Jeong Ji-yong…) từ chối kiểu thơ ca chính trị, công cộng, giáo huấn chuyển sang sùng mộ lối thơ cá nhân, theo đuổi những xung động riêng tư tự do, phóng khoáng, không giới hạn; hòa trộn âm nhạc và hình ảnh tạo nên vẻ đẹp mà buồn mới lạ, gợi cảm; thể hiện khao khát cái tuyệt đối, khao khát thoát khỏi thực tại[2]… “Nhịp thơ dựa trên nhịp trái tim tác giả và thơ ca mang giá trị tuyệt đối của linh hồn thi nhân”[3].
Khi nỗ lực thể hiện khát khao thoát khỏi thực tại tầm thường nhạt nhẽo, buông mình theo những tình cảm mãnh liệt không giới hạn, các nhà thơ Korea thời kỳ này (Chu Yo-han, Hong Say-ong, Pak Chong-hwa, Yi Sang-hwa…) cũng kết hợp chủ nghĩa tượng trưng Pháp với chủ nghĩa lãng mạn. Có hẳn một trường phái thơ lãng mạn Korea (nhóm Paekjo – Sóng trắng). Trong thơ ca của họ ta gặp “nhiều từ vựng, hình tượng hấp dẫn vốn quen thuộc của các nhà thơ biểu trưng Pháp” (giấc mộng, ngày mai, niềm say mê, nước mắt, vẻ đẹp, sự vĩnh cửu, nỗi thống khổ, nỗi buồn chán, quan tài, ngôi mộ, ảo ảnh…) [Peter H.Lee (edited) 2003: 345]. Ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn Đức cũng đậm nét với những dấu ấn của Goethe, Schiller, Heine, anh em Grim[4]…
1.1.2. Đối với “tiểu thuyết mới” / “văn xuôi mới”
Có ý kiến xem Yi In-jik là nhà văn mở đầu “tiểu thuyết mới” Korea nhưng phần đông giới nghiên cứu nhất trí rằng vinh quang ấy thực sự thuộc về Yi Kwang-su. Những tác phẩm tiêu biểu của Yi Kwang-su (Vô tình - 1917, Đất đai - 1932) thể hiện hai đặc điểm cốt lõi của “văn học mới”: nhấn mạnh ý nghĩa văn chương khai sáng và nỗ lực tích hợp khẩu ngữ với ngôn từ văn chương (“onmunilchi”- ngôn văn nhất trí). Chịu ảnh hưởng Tolstoy sâu sắc đến mức nguyện trở thành “Tolstoy của Korea”, Yi Kwang-su tâm huyết với tư tưởng của nhà văn Nga vĩ đại rằng nguyên nhân những thống khổ của con người không ở những điều kiện bên ngoài mà trong chính bản thân anh ta, do đó, xã hội cần những tiểu thuyết gia-sư phụ (“guru novelist”) với tác phẩm hướng dẫn đạo đức, thổi bùng nhiệt tình chính trị. Tuy những khái niệm Freud đi vào tác phẩm của ông còn khá thô vụng, ngây thơ, Yi Kang-su đã đánh dấu sự bừng nở ý thức về cái tôi cá nhân trong “tiểu thuyết mới” Korea qua đề tài về tình yêu tự do, khát khao tình dục [The Korean Culture and Arts Foundation 1996: 326-328]. Những dấu ấn của Đỏ và đen (Stendhal), Bà Bovary (Flaubert), trong Vô tình, Đất đai của Yi Kwang-su, theo học giả Choi Won-sik, là không hề ngẫu nhiên [Korean National Commision for UNESCO (edited) 2003: 39]. Chủ nghĩa Bovary còn tiếp tục thu hút nhiều nhà văn Korea và đặc biệt sâu đậm trong Bakjeonghwa của Yi Hae-jo – “tác phẩm đạt đến đỉnh cao về tính hiện đại trong “tiểu thuyết mới” Korea” – dẫu rằng văn học Korea đến thời hiện đại nhìn chung vẫn ngượng ngập, lúng túng, khó khăn khi thể hiện đề tài ái dục.
Không chỉ riêng Stendhal, Flaubert mà chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên Pháp nói chung (Maupassant, Goncourt, Zola, Daudet…) ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối với “văn xuôi mới” Korea [5], hướng các nhà văn đi sâu khai thác những đề tài về cuộc sống thường nhật, phân tích tính cách và số phận cá nhân trong bối cảnh lịch sử-xã hội. Trường hợp tiêu biểu thể hiện ảnh hưởng Zola qua sự thể hiện những khía cạnh tăm tối của đời sống trong tác phẩm Con ếch xanh nơi phòng thí nghiệm (Yeom Sang-seop) được nhiều học giả nghiên cứu chi tiết.
Bên cạnh chủ nghĩa hiện thực Pháp, các nhà văn hiện thực Korea, tiêu biểu như Hyon Chin-gon, Yeom Sang-seop còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực Đức qua Thomas Mann[6]. Tương tự như Gia đình Buddenbrooks của Thomas Mann, Ba thế hệ của Yeom Sang-seop cũng là tiểu thuyết trường thiên về sự thịnh suy của ba thế hệ một gia đình trong những biến thiên lịch sử.
Những nhà văn Nga có vai trò quan trọng đối với Korea bao gồm Tolstoy, Turgenev, Chekhov, Dostoievsky, Gorky trong đó, Turgenev và Gorky là nguồn ảnh hưởng chủ yếu cho “tiểu thuyết mới” Korea theo khuynh hướng vô sản những năm 1920[7].
Từ những năm 1920, hàng loạt tiểu thuyết gia Anh-Mỹ (James Joyce, Mansfield, Singe, Lawrence, Poe, O.Henry, Jack London, Henry Van Dyke…) được dịch, xuất bản ở Korea. Poe và những nhà văn Mỹ được xem như ngọn nguồn cho sự ra đời truyện ngắn hiện đại Korea. Ảnh hưởng từ văn học Anh-Mỹ góp phần vun bồi cho chủ nghĩa hiện đại nở rộ trong “văn xuôi mới” Korea những năm 1930[8]. Thủ pháp Dòng ý thức trong Ulysses của James Joyce ảnh hưởng đến nhiều tiểu thuyết của Yi Sang[9] và cũng in dấu trong tác phẩm Một ngày trong đời nhà văn Kubo của Pak T’ae-won. Pak T’ae-won trở thành người chủ xướng “tiểu thuyết về thế giới nội tâm của con người”. Những tiểu thuyết trữ tình với triết lý phản kháng đô thị, quay trở về thiên nhiên, đắm say ái dục của Yi Hyo-seok cho thấy ảnh hưởng của Mansfield, Singe, Lawrence[10] [The Korean Culture and Arts Foundation 1996: 417].
1.1.3. Đối với lý luận văn học “mới”
Tư tưởng triết mỹ cuả các trào lưu văn học Phương Tây được nhiều nhà văn, dịch giả giới thiệu vào Korea đã làm thay đổi căn bản quan niệm văn chương cũng như thi pháp truyền thống. Tác động đặc biệt sâu sắc đến lý luận văn học “mới” Korea là lý luận văn học Anh-Mỹ với Eliot, Richards, Babbit, Pound, Hulme[11]…
1.2. Ảnh hưởng của văn học Nhật Bản
1.2.1. Đối với “thơ mới”
Nghiên cứu của Choe Chang-ho, Seo Dong-ik, Kim Yeong-mo, Yang Jae-yeon khẳng định rằng: “Thơ mới” Korea học theo “thơ mới” Nhật Bản[12].
1.2.2. Đối với “tiểu thuyết mới” / “văn xuôi mới”
Những tác phẩm của Yi In-jik (Những giọt lệ máu - 1906, Núi Chim Trĩ - 1908) mà như đã nói ở trên, đôi khi được xem như khởi đầu của “tiểu thuyết mới” Korea, thì theo các học giả Baek Cheol, Yi Ga-hyeong, Kim Sang-seon, cũng lấy tiểu thuyết chính trị Nhật Bản làm mẫu mực[13].
Quan hệ giữa nhiều “tiểu thuyết mới” Korea với nguồn ảnh hưởng từ “tiểu thuyết mới” Nhật Bản đã được khảo sát[14]. Thí dụ, giữa Chiaksan (Núi Chim Trĩ) của Yi In-jik và Hototogisu (Chim cu cu) trong văn học Nhật; giữa Hyeol-ui nu (Những giọt lệ máu) của Yi In-jik và Chi no namida (Những giọt lệ máu) trong văn học Nhật… Trong tiểu thuyết Samdae (Ba thế hệ) của Yeom Sang-seop, Kim Seong-hyeon cảm nhận ảnh hưởng của hàng loạt tác phẩm Nhật Bản [Hakai (Lời răn dạy bị vi phạm), Haru (Mùa xuân), Ie (Gia đình) của Shimazaki Toson; Futom (Tấm chăn), Sei (Đời), Inaka kyosi (Thầy giáo làng) của Tayama Katai]. Những “tiểu thuyết mới” Nhật Bản kể trên xuất bản trước các tác phẩm Korea liên quan chừng 30 - 70 năm, được xem là “nguồn phát” ảnh hưởng đến các nhà văn Korea du học tại Nhật khoảng đầu thế kỷ XX[15]. Và bằng chứng cho ảnh hưởng là những tương đồng trong đề tài, tính cách nhân vật, hệ tư tưởng, nhân sinh quan, khí quyển, hình thức, phong cách, lối trần thuật khách quan, sự lược bỏ những miêu tả khát khao tình dục.
Theo Lee Hai-soon, về cơ bản “Korea nhập khẩu không phải những tiểu thuyết Nhật Bản hiện đại đã sở hữu đầy đủ hình thức và nội dung Phương Tây mà là những tiểu thuyết Nhật chưa thuần thục của giai đoạn đầu thời Meiji” [Korean National Commision for UNESCO (edited) 2003: 394].
1.2.3. Đối với lý luận văn học “mới”
Trên cơ sở tiếp thu tư tưởng của những nhà lý luận văn học “mới” Nhật Bản (Tsubouchi Shoyo, Nishi Amane, Takayama Chokyo), Yi Kwang-su đã đặt những viên gạch nền móng cho lý luận văn học “mới” Korea khác hẳn với lý luận truyền thống chịu ảnh hưởng Trung Hoa. Trong bài báo quan trọng “Văn học là gì?”, Yi Kwang-su đã lần đầu tiên mang vào Korea thuật ngữ “văn học” (munhak) chuyển ngữ lại thuật ngữ “văn học” (bungaku) mà Nhật Bản đã dịch từ “literature” của Phương Tây.
1.3. Ảnh hưởng của những nền văn học khác ở châu Á
“Văn học mới” Trung Quốc chịu ảnh hưởng Phương Tây cũng tác động đến “văn học mới” Korea nhưng với khuôn khổ khá giới hạn (hầu như chỉ nổi bật hiện tượng Lương Khải Siêu, Hồ Thích)[16].
Trong nền văn học của châu lục đầu thế kỷ XX, có sức thu hút đặc biệt là Rabindranath Tagore, người đã tổng hợp trong thiên tài của mình sức mạnh truyền thống Phương Đông và tinh hoa hiện đại Phương Tây trở thành “ngôi sao sáng Phục hưng Ấn Độ”, nhà thơ châu Á đầu tiên nhận giải thưởng Nobel vào năm 1913. Chủ nghĩa nhân văn mơ mộng của Tagore được sùng mộ và ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ “mới” Korea[17].
* Tóm lại, ảnh hưởng của tư tưởng, văn chương Phương Tây – cả trực tiếp lẫn gián tiếp – đã là động lực cơ bản cho quá trình hình thành và phát triển “văn học mới” Korea. Những ảnh hưởng Phương Tây tác động mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện đến sự biến đổi cốt lõi từ tư tưởng triết mỹ, đề tài, nguồn cảm hứng, thế giới hình tượng đến thể loại, thi pháp khiến “văn học mới” xuất hiện như sự phủ định biện chứng đối với văn học truyền thống.
Trong phối cảnh nghiên cứu này, các học giả chủ yếu sử dụng so sánh ảnh hưởng. Tuy nhiên, liên hệ cần phải được phân biệt với ảnh hưởng, sự tương đồng giữa các tác phẩm chưa hẳn nhất thiết là kết quả của ảnh hưởng. Không ít những nghiên cứu chưa thật sự thuyết phục bởi thiếu bằng chứng vững chắc. Ấy là chưa nói đến độ chính xác của kết luận về tầm mức ảnh hưởng. Khi văn học Korea, nhìn chung, tiếp thu ảnh hưởng Phương Tây một cách gián tiếp, so sánh ảnh hưởng ở đây còn đòi hỏi sự đối chiếu kỹ lưỡng (không phải luôn luôn dễ dàng thực hiện) giữa tác phẩm nguyên gốc (Phương Tây) với các bản dịch (qua tiếng Nhật) và dịch lại (từ tiếng Nhật sang tiếng Korea). Thêm nữa, khó có thể xem ngọn nguồn một tác phẩm nhất định như tổng số các ảnh hưởng nước ngoài theo cách mà các học giả đã phân tích, chẳng hạn, đủ loại dấu ấn đa dạng từ Thomas Mann (văn học Đức), Turgeniev (văn học Nga), William Faulkner (văn học Mỹ) đến Shimazaki Toson, Tayama Katai (văn học Nhật)... trong tác phẩm Ba thế hệ của Yeom Sang-seop. Nói cách khác, mấu chốt vấn đề là ở chỗ từ phối cảnh nghiên cứu yếu tố ngoại sinh, các học giả không hiếm khi chưa quan tâm đầy đủ đến tính chỉnh thể của văn học Korea cũng như sự tiếp biến chủ động, sáng tạo của nó đối với những ảnh hưởng nước ngoài.
2. Từ phối cảnh truyền thống văn học Korea
Những năm 1970 đánh dấu một bước ngoặt (có thể xem như một thời Phục hưng) trong lý luận phê bình Korea với sự chuyển mạnh từ quan điểm về những lực bên ngoài dẫn dắt nền văn học dân tộc sang quan điểm về sự phát triển nội tại của nó.
Cũng xuất phát từ những yếu tố cách tân trong “văn học mới”, nhưng thay vì đi tìm nguồn gốc ở ảnh hưởng nước ngoài, các học giả quay về dân tộc, chứng minh một sự kế thừa, tiếp nối những thành tựu truyền thống.
Trong “thơ mới”, Chu Yo-han thường được xem như người mở đầu cho thơ văn xuôi, một hình thức thơ xuất hiện dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu tượng trong thơ Pháp và “thơ mới” Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Kim Yong-jik khẳng định giọng thơ tự sự Chu Yo-han mang hơi hướng phong cách nhà thơ Mỹ Whitman [The Korean Culture and Arts Foundation 1996: 118]. Tuy nhiên, theo Yi Hye-sun[18], Lee Hai-soon[19], sự hình thành thơ văn xuôi ở Korea không thể chỉ do những ảnh hưởng bên ngoài. Bởi vì trong văn học dân tộc đã có xu hướng chuyển những bài thơ và những bài ca vào hình thức văn xuôi từ các triều vua Yeongjo và Jeongjo. Bên cạnh đó là truyền thống của pansori (hình thức bài ca kể chuyện dài hơi) và truyền thống của thể thơ tự sự saseol sijo (còn gọi là chang sijo, tức “sijo trường thi”, hình thành trên cơ sở “khâu chặt với nhau” các bài sijo) xuất hiện từ thế kỷ XVIII. Với việc thêm hơn hai tiết nhịp vào mỗi dòng (ngoại trừ tiết nhịp đầu dòng thứ ba) của sijo cổ điển, saseol sijo đã biến bài ca ba dòng trong sijo cổ điển thành bài ca ba khổ. Như vậy, không chờ đến khi nhập khẩu kỹ thuật vắt dòng của thơ Phương Tây, từ saseol sijo, khổ đã thay cho dòng trở thành đơn vị hạt nhân của thơ, nhịp thơ trở nên năng động, phóng khoáng hơn.
Về ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu tượng, chủ nghĩa lãng mạn Pháp, nhiều học giả đồng tình với Peter H. Lee[20], Daniel A. Kinster[21] rằng với thi nhân Korea, những tuyên ngôn nghệ thuật của Mallarmé (“Công việc của nhà thơ là gợi nên đối tượng hơn là gọi tên chúng”), Verlaine (“Không khi nào là Màu, luôn luôn là Sắc. Sắc luôn là tối cao”), Baudelaire (“Mùi hương, âm thanh, màu sắc tương giao”)… thật ra không hoàn toàn mới mẻ. Trong truyền thống văn học Đông Á nói chung, Korea nói riêng, phẩm chất khơi gợi của thơ ca luôn được nhấn mạnh; ảnh hưởng Phật giáo, Đạo giáo đã mang đến cảm thức sâu sắc về sự hợp nhất, những hòa điệu, tương giao huyền diệu giữa vạn vật, giữa con người và vũ trụ… Truyền thống văn học ấy từ xưa đã giàu có những biểu tượng, những hệ biểu tượng. Sự tôn vinh năng lực âm nhạc trong thơ cũng không xa lạ đối với văn học Phương Đông mà thi và ca vốn chung cội gốc, càng không xa lạ với dân tộc Korea đặc biệt yêu ca hát. Điểm mới khác biệt lớn nhất văn học Pháp mang đến, theo Peter H. Lee, có lẽ là ở “sự nhấn mạnh mà Poe, Beaudelaire, Mallarmé đã đặt trên năng lực trí tuệ trong quá trình sáng tạo”. Mà về điểm này, phần đông các nhà lý luận, các thi nhân Korea dường như ít chia sẻ trong quan niệm cũng như thực hành. Kim Ok chẳng hạn, “nhất trí với quan điểm về nhà thơ như một người thợ thủ công, một nghệ sĩ tự giác nhưng thêm vào rằng anh ta phải tìm được phương tiện phù hợp để thể hiện tính đa cảm Korea, cái tình (jeong) trong văn hóa Korea” [Peter H.Lee (edited) 2003:343].
Ngay cả ý thức về cái tôi cá nhân, sự thể hiện khát khao nhân bản trong tình yêu tự do, đam mê tình dục, theo các học giả, cũng đã hình thành và phát triển từ văn học thời Choson. Từ khoảng thế kỷ XVI, trong thơ kỹ nữ (kisaeng) như một dòng thơ bên lề, Hwang Chin-i[22], So Ch’un-p’ung, Mae Ch’ang, Hong Nang, Myong-ok đã tự hát lên tiếng của trái tim người phụ nữ yêu đương. Cuối thời Choson, thơ saseol sijo ra đời, hướng tiêu cự tới những khía cạnh trần tục trong cuộc sống thường nhật giới bình dân đô thị, “tôn vinh quyền tự do sống, tự do yêu, quyền tự do bộc lộ tình yêu” [Peter H.Lee (edited) 2003:227]. Cũng cuối thời Choson, tiểu thuyết pansori (pansori novel), nảy sinh trên cơ sở của pansori như một hình thức truyện kể đại chúng, tập trung thể hiện cuộc sống người bình dân, phê phán xã hội giả dối, bất công. Truyện Xuân Hương (Chunhyangjeon), tiểu thuyết pansori nổi tiếng nhất, đã ngợi ca đức hạnh cùng sự kiên cường của cô ca kỹ - trinh nữ Xuân Hương đấu tranh cho quyền tự do làm người, tự do ái dục[23]. So với những tiểu thuyết pansori mạnh mẽ, táo bạo, “tự do vượt thoát những kiềm tỏa tâm lý về tình dục” như Chunhyangjeon, Byeongangsoe taryeong, theo Choi Won-shik, “tiểu thuyết mới” / “văn xuôi mới” Korea chẳng những không đi xa hơn mà “tỏ ra là một bước thoái bộ”.
Trên cơ sở chứng minh văn học cuối thời Choson đã mang nhiều đặc điểm giá trị của tính hiện đại, Jeong Byeong-uk, Kim Yun-sik[24], Kim Hyeon khẳng định điểm khởi đầu văn học hiện đại Korea phải được tính từ thế kỷ XVIII, nghĩa là chừng hai thế kỷ trước khi có sự xâm nhập đáng kể của ảnh hưởng Phương Tây.
* Tóm lại, từ phối cảnh truyền thống văn học dân tộc, chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh lịch đại nội bộ văn học Korea, các học giả phản đối quan điểm xem “văn học mới” Korea như một sản phẩm lai tạo cấy ghép, như bản sao hay biến thể của những nền văn học nước ngoài. Đúng hơn, “văn học mới” Korea hình thành trong lòng văn học dân tộc theo quy luật vận động nội tại của nó, kế thừa, phát triển di sản truyền thống trong bối cảnh hiện đại, xúc tiến những đặc tính riêng biệt, độc đáo Korea. Phần đông các tác giả của hướng tiếp cận này là những nhà nghiên cứu trẻ, công trình của họ thể hiện niềm tự hào dân tộc và được đón nhận nhiệt tình trong cảm hứng của chủ nghĩa yêu nước.
Tuy nhiên, nếu chỉ nghiên cứu từ phối cảnh nội bộ nền văn học dân tộc, không tham chiếu, sẽ khó nhận diện đúng ngay cả đặc điểm độc đáo cùng quy luật vận động riêng, cũng khó thấy được điểm bất túc của nó. Chẳng hạn, đúng là văn học Korea thế kỷ XVIII đã có những yếu tố hiện đại nhưng thực chất di sản hiện đại ấy còn rất mỏng manh, nghèo nàn. Mặc dù thoải mái hơn, saseol sijo không tự giải phóng được khỏi tổ chức nhịp theo quy chuẩn vì vẫn duy trì cấu trúc ba dòng, vẫn cố định tiết nhịp đầu tiên trong dòng thứ ba của sijo cổ điển. Saseol sijo có biến tấu sijo cổ điển, nhưng khoảng cách ấy không thấm tháp gì so với thay đổi về bản chất từ thơ cũ đến thơ mới. Tương tự như vậy, trong văn học Korea có những tiểu thuyết pansori thể hiện sự bừng tỉnh ý thức về quyền sống, quyền hạnh phúc của con người cá nhân nhưng không hề một tác phẩm nào có thể đạt đến tầm mức sâu sắc, triệt để trong ý nghĩa phản-tinh thần trung cổ (anti-medidieval), giải cấu trúc truyện kể trung cổ (deconstruction of romance), xứng đáng khai sinh cho văn xuôi hiện đại như Mười ngày (Boccaccio) hay Don Quixote (Cervantes).
Hai phối cảnh nghiên cứu trên đây có phương hướng gần như tương phản. Phối cảnh thứ nhất hướng ngoại, đồng nhất hoàn toàn hiện đại hóa với Phương Tây hóa, nhấn mạnh giá trị “văn học mới” Korea qua những cách tân Phương Tây hóa. Phối cảnh thứ hai hướng nội, say sưa với đặc tính truyền thống dân tộc trong “văn học mới” Korea đến có phần lãng mạn hóa sự phủ định cái hiện đại Phương Tây.
Phương hướng có vẻ ngược nhau nhưng hai phối cảnh nghiên cứu trên, thực chất, lại đồng quy ở chỗ đều lấy văn học Korea làm trung tâm, làm điểm gốc của góc nhìn.
3. Từ phối cảnh văn hóa - văn học khu vực Đông Á
Choi Won-shik là học giả tiên phong và đóng góp nhiều nhất trong phối cảnh nghiên cứu thứ ba bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 1980[25]. Theo Choi Won-shik, từ điểm cực đoan của phối cảnh nghiên cứu thứ nhất qua điểm cực đoan của phối cảnh nghiên cứu thứ hai, có lẽ giống như từ slogan của Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc: “Trắng là Đẹp, Đen là Xấu” sang slogan phản kháng của Phong trào các trí thức da đen: “Đen là Đẹp, Trắng là Xấu”. Rốt cuộc, “cả hai cực đoan đều không biện chứng”. Và, Choi Won-shik nhấn mạnh, “chúng ta cần tìm kiếm một phối cảnh quốc tế. Chúng ta cần xem xét sự hữu dụng của phối cảnh Đông Á, bao gồm sự hiểu biết đồng thời Korea, Trung Quốc và Nhật Bản, nếu muốn làm sáng tỏ những vấn đề văn học cả tiền hiện đại lẫn hiện đại của Korea” [26]. [Korean National Commision for UNESCO (edited) 2003: 42].
Choi Won-shik đã nghiên cứu văn học Đông Á như một hệ thống trong đó văn học Korea chỉ là một bộ phận. Đối với khu vực này, “văn học mới” như điểm khởi đầu của văn học hiện đại ra đời trong bối cảnh sụp đổ của thế giới Trung Hoa trung tâm truyền thống.
Đó là cả một quá trình lâu dài đã bắt đầu từ nhà Minh, khởi sự chặng đường suy tàn của chế độ phong kiến Trung Hoa. Đặc biệt là thời điểm chuyển từ nhà Minh sang nhà Thanh. “Khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh, chiếm lấy Trung Hoa, nhà Thanh đã từ bỏ cách cắt nghĩa của Mông Cổ về Trung Hoa trên nền tảng chủng tộc và tuyên bố rằng bất kỳ ai kế thừa truyền thống văn hóa Trung Hoa đều có thể thành người Trung Hoa. Nói cách khác, sự kết thúc của nhà Minh có thể so sánh với sự kết thúc đế quốc La Mã”. Từ đây, Korea, Nhật Bản, Việt Nam đều phát triển ý thức rằng các nước này trở thành những “tiểu Trung Hoa”[27]. [Korean National Commision for UNESCO (edited) 2003: 43].
Trên cơ sở tư tưởng giải trung tâm Trung Hoa này, xu hướng quay lưng với tiếng Hán để tìm về sáng tác trong ngôn ngữ dân tộc ngày càng trở thành trào lưu tự giác trong cả khu vực Đông Á. Ở Korea, Kim Man-jung từng thẳng thắn phê phán: “Chúng ta đã bỏ chính tiếng mẹ đẻ của mình để sáng tác văn chương bằng ngôn ngữ ngoại quốc. Thậm chí dù ngôn ngữ bản địa của chúng ta có hoàn toàn tương thích gần gũi với ngoại ngữ ấy đi nữa thì chúng ta vẫn chỉ là những con vẹt nhai lại họ mà thôi”. Kim kêu gọi văn nhân học từ lời ăn tiếng nói của “những người tiều phu đốn củi, những người phụ nữ trò chuyện bên giếng làng”. [Peter H.Lee (edited) 2003: 326]. Tuyên ngôn nổi tiếng này của Kim Man-jung có thể so sánh với bài viết của Dante – “Sự hùng biện của văn học bản ngữ”. Đến Cải cách 1894, hệ thống khoa cử theo khuôn mẫu Trung Hoa ở Korea chính thức bị bãi bỏ, cùng với nó, tiếng Hán cũng chấm dứt vị trí thống lĩnh suốt ngàn năm như ngôn ngữ của giới quý tộc, giới trí thức tinh hoa và ngôn ngữ Korea trở thành công cụ trong thi tuyển quan chức. Như vậy, có thể thấy, sự giải cấu trúc tiếng Hán với tư cách ngôn ngữ văn chương chính thống, cổ điển trong văn học Đông Á suốt thời trung đại là dấu hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng của tính hiện đại.
Văn học Đông Á từ đầu thế kỷ XVII đã có những tác phẩm lớn tiên báo sự khủng hoảng không cứu vãn nổi trong giai tầng thống trị. Đối với Korea, điển hình là kiệt tác Cửu vân mộng của Kim Man-jung (1637-1692) thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ những quy chuẩn hệ tư tưởng và đạo đức Nho giáo. Văn học Đông Á thế kỷ XVIII-XIX tiếp nối với những tác phẩm mang đậm chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, đấu tranh cho quyền sống, quyền hạnh phúc của những con người bị áp bức trong chế độ phong kiến. Truyện Xuân Hương thuộc về những tác phẩm như vậy[28]. Tuy nhiên, trong khi ở những tác phẩm văn học Phương Tây có đề tài khá tương đồng như The Rape of Lucrece (Shakespeare, 1564-1616), Emilia Galotti (Lessing, 1729-1781), The Barber of Seville và The Marriage of Figaro (Beaumarchai, 1732-1799) đã xuất hiện “những hình tượng điển hình cho giai cấp tư sản đêm trước Cách mạng”, thì những tác phẩm kiểu Truyện Xuân Hương trong văn học Đông Á vẫn dừng lại ở “giải pháp của đề tài quý tộc phong kiến theo phong cách truyện trung đại”[29].
Sự hình thành “văn học mới” Đông Á thường không trực tiếp liên quan với phong trào yếu ớt của giai cấp tư sản ở các nước này nhìn chung hình thành chậm và chưa trưởng thành chín chắn, chưa trở thành lực lượng lãnh đạo tập trung được quần chúng nhân dân. Cải cách 1894 ở Korea vì vậy chưa thể trở thành điểm khởi đầu cho “văn học mới”.
Cú hích hệ trọng cho sự xuất hiện “văn học mới” Đông Á lại thường gắn chặt với nhu cầu cấp thiết chống ngoại xâm. Đối với Korea, đó là giai đoạn 1905-1910. Sau khi Nga thất trận trước Nhật năm 1905, Korea thuộc quyền bảo hộ của Nhật và đến 1910 thì bị Nhật thôn tính hoàn toàn. Phong trào Khai sáng Yêu nước đã thống nhất cả dân tộc đấu tranh giành độc lập. Korea nỗ lực học tập kinh nghiệm hiện đại hóa theo kiểu mẫu Phương Tây của Nhật Bản để có thể đương đầu trong cuộc đấu tranh sinh tử. Chính từ giai đoạn này đã xuất hiện tập trung số lượng lớn những tác phẩm văn học phát triển về chất lên một cấp độ mới, chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ phạm trù truyền thống trong ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cổ điển sang phạm trù hiện đại dưới ảnh hưởng văn minh Phương Tây.
*Tóm lại, vượt trên điểm nhìn dân tộc của hai hướng tiếp cận trước, hướng nghiên cứu thứ ba xem xét vấn đề từ phối cảnh quốc tế, và nhất là từ phối cảnh khu vực Đông Á. Các học giả cũng sử dụng phương pháp so sánh xuyên văn hóa (giữa Korea và các nước khác ở Đông Á; giữa Korea nói riêng, Đông Á nói chung và Phương Tây), nhưng không phải so sánh ảnh hưởng mà là so sánh song song, qua đó soi sáng sự hình thành, phát triển “văn học mới” Korea từ quy luật chung của toàn khu vực thể hiện nét đặc thù so với tiến trình vận động của văn học hiện đại Phương Tây.
* *
*
Như vậy, mỗi phối cảnh nghiên cứu có thế mạnh đồng thời có hạn chế riêng. Tích hợp lại, cả ba có thể bổ sung cho nhau làm sáng tỏ những khía cạnh đa dạng, phức tạp của quan hệ giữa những yếu tố nội và ngoại sinh trong quá trình hình thành, phát triển “văn học mới” Korea.
Khái quát ba phối cảnh nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa cung cấp hiểu biết về “văn học mới” Korea vẫn khá xa lạ ở Việt Nam mà còn giúp thức nhận sâu sắc một số vấn đề lịch sử văn học hiện đại Đông Á và hơn nữa, đóng góp những tiền đề lý thuyết, phương pháp luận trong tiếp cận “văn học mới” ở Đông Á nói chung.
Có khá nhiều tương đồng quan trọng giữa Korea và Việt Nam về các yếu tố nội sinh, ngoại sinh trong quá trình hình thành, phát triển cũng như đề tài, chủ đề, thi pháp của “văn học mới”. Từ những phối cảnh nghiên cứu Korea, vì vậy, có thể gợi ý những vận dụng trong nghiên cứu Việt Nam. Chúng ta vẫn còn thiếu những nghiên cứu so sánh chuyên sâu, nhất là những so sánh song song đặt “văn học mới” Việt Nam trong phối cảnh khu vực.
Tp Hồ Chí Minh, tháng 1 năm 2010
P.T.H
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU
1. In-sob Zong 1984: A Guide to Korean Literature. Hollym International Corp.
2. Kichung kim 1996: An Introdution to Classical Korean Literature From Hyangga to P’ansori. An East Gate Book. M.E.Sharpe, InC; Armond, New York; London, England.
3. Kim Dong Uk 1980: History of Korean Literature. The Centre for East Asian Cultural Studies. Tokyo.
4. Korean National Commision for UNESCO (edited) 2003: Korean Literature: Its Classical Heritage and Modern Breakthroughs. Hollym. Elizabeth, NJ-Seoul.
5. Korean National Commision for UNESCO (edited) 2003: Korean Anthropology: Contemporary Korean Culture in Flux. Hollym. Elizabeth.
6. Park Gil Soo 1988: The anthology of Korean Poems throughout 2000 years. The Literature and Life Co., Seoul.
7. Peter H.Lee 1966: Korean Literature: Toipcs and themes. The University of Arizona Press.
8. Peter H.Lee (edited) 2003: A History of Korean Literature. Cambridge University Press.
9. The Korean Culture and Arts Foundation 1996: Who’s who in Korean Literature. Hollym.
10.
* PGS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ĐHQG TP. HCM
[1] Lúc đầu Ch’oe Nam-son chỉ ghi đơn giản là “thơ”, về sau ông dán nhãn “thơ mới”, “thơ phong cách mới” (sinchesi).
[2] Kim Hak-dong: Nghiên cứu so sánh văn học Korea. Seoul, 1972.
[3] Ho Byeong Yoon: Chủ nghĩa tượng trưng Pháp và thơ ca hiện đại Korea. State Univesit of New York, 1986.
[4] Yi Yu-yeong, Kim Hak-dong, Yi Jae-son: Nghiên cứu so sánh văn học Korea và văn học Đức. Tập 1. Seoul: Sam Young Sa, 1976.
[5] Choe Seong-min: “Ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên Pháp trong văn học hiện đại Korea”. Nonchong, 5 (1965).
[6] Yi Yu-yeong và…: Sđd
[7] Jang Sa-seon: “Nghiên cứu so sánh văn học vô sản Korea I”. Gwanak eomun yeongu. ĐH Quốc gia Seoul, 1981.
[8] Kim Hyeon-sil: Nghiên cứu những tiểu thuyết Mỹ được dịch trong những năm 1920 – Từ phối cảnh sự tiếp biến ảnh hưởng của chúng trong văn học Korea. Ewha Woman Uiversity, 1980.
[9] Yu Seong-ha: Kỹ thuật tiểu thuyết Yi Sang. Keimyung University, 1981.
[10] Jeong Han-mo: “Ảnh hưởng của văn học nước ngoài trong tác phẩm Yi Hyo-seok”. Gugeo gungmunhak 20 (1959)
[11] Yi Chang-bae: “Ảnh hưởng của thơ ca Anh-Mỹ đối với thơ ca hiện đại Korea”. A Ministry of Education Academic Report, 14 (1968).
[12] Choe Chang-ho, Seo Dong-ik, Kim Yeong-mo, Yang Jae-yeon: “Tìm hiểu sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài ở Korea” – Humanities 7 (1976)
[13] Baek Cheol, Yi Ga-hyeong, Kim Sang-seon: “Tìm hiểu ảnh hưởng văn học nước ngoài trong Văn học Mới Korea – từ những năm 1890 đến những năm 1910” – Language and Literature 4 (1971).
[14] Yi Jae-su: Nghiên cứu tiểu thuyết Korea. Seoul, 1969; Kim Seong-hyeon: “Ảnh hưởng của văn học nước ngoài trong tiểu thuyết Ba thế hệ”. Hyeondae munhak 9.1 (January 1963).
[15] Chẳng hạn Yeom Sang-seop sinh năm 1897, đến Nhật năm 1911, học ở Đại học Tổng hợp Keio.
[16] Yi Jae-seon: “Quá trình hình thành những quan điểm tiểu thuyết thời Khai sáng và Lương Khải Siêu” – Yeongnamdae nonmunjip 2 (1968); Yi Seok-ho: “Ảnh hưởng của Hồ Thích đối với văn học hiện đại Korea” – Yeonse nonchong 12 (1975); Yi Myeong-jae: “Ảnh hưởng của Lương Khải Siêu đối với văn học hiện đại Korea” – Jungangdae nonmunjip 24 (1980).
[17] Kim Yong-jik: “Ảnh hưởng của R.Tagore đối với văn học hiện đại Ấn Độ”. Asea yeongu, 14.1 (1971).
[18] Yi Hye-sun: “Nghiên cứu ảnh hưởng”. Văn học so sánh – Lý luận và phương pháp. Seoul: Chungang Publishing Co. 1981.
[19] Lee Hai-soon: “Văn học Korea và những nền văn học liên quan”. Korea Journal, tập 22, 10 (1982).
[20] Peter H.Lee: A History of Korean Literature. Cambridge University Press. 2003
[21] Daniel A. Kinster: “The Early Poetry of Jeong Ji-yong”. Korea Journal. tập 30, 2 (1990)
[22] Hwang Chin-i có thể so sánh với Hồ Xuân Hương của Việt Nam.
[23] Cho Dong-il: “Bản chất chung của Pansori”. Korea Journal. Tập 26, 4 (1986).
[24] Kim Yun-sik: Lịch sử những tư tưởng về văn học hiện đại Korea. Hangilsa, 1984; Kim Yun-sik và những người khác: Lịch sử văn học Korea hiện đại. Hyeondae munhac, 1990.
[25] Choi Won-shik: Văn học Đông Á trong giai đoạn chuyển đổi. Inha University, 1985; Về lịch sử của tiểu thuyết hiện đại Korea. Seoul: Changhi Publishers, 1986. “Khảo sát lại thời điểm 1894”. Changjhak-gwa bipyeong, Mùa xuân, 1994. “Suy ngẫm lại về tính hiện đại của văn học Korea”. Korea Journal, tập 35, 4 (1995); Vì một đối thoại hiệu quả. Inha University, 1997.
[26] Choi Won-shik: “Suy ngẫm lại về tính hiện đại của văn học Korea”. Korea Journal, tập 35, 4 (1995).
[27] Choi Won-shik: Sđd.
[28] Các học giả Yang Soo Bae, Đặng Thanh Lê đã nghiên cứu so sánh Truyện Xuân Hương (Hàn Quốc) và Truyện Kiều (Việt Nam).
[29] Choi Won-shik: Sđd.