Thơ về đạo của Phạm Thiên Thư

   (Hà Minh Châu, Tạp chí Văn hóa & Du lịch , số 18 (72), tháng 7.2014)

TÓM TẮT

Là nhà thơ thi hoá kinh Phật đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, Phạm Thiên Thư được coi là người mở đường cho thể loại thơ thi hoá kinh Phật. Chuyển ý kinh sang thơ, Phạm Thiên Thư đã chuyển tải tinh thần Phật pháp bằng khả năng sáng tạo của một nhà thơ Việt Nam thấm nhuần truyền thống, đạo lí người Việt và sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ Việt. Thơ về đạo của ông vì vậy không chỉ phản ánh tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống, văn hoá người Việt, mà còn là một đóng góp có ý nghĩa cho văn học hiện đại Việt Nam.

                                                          

1.      Mở đầu

Xuất gia năm 24 tuổi, náu mình nơi cửa Phật đằng đẵng mười năm trời rồi lại hoàn tục mưu sinh và tiếp tục làm thơ - đó là những bước ngoặt lớn, những ngã rẽ bất ngờ mang dấu ấn riêng trong cuộc đời Phạm Kim Long (tên thật của Phạm Thiên Thư) và làm nên tên tuổi nhà thơ Phạm Thiên Thư.

Là nhà thơ và vốn dĩ cũng đã từng là nhà sư, Phạm Thiên Thư sáng tác thơ và cả thi hoá kinh Phật. Thơ đạo của ông thuần tuý là thơ chuyển ý kinh Phật, thơ về đạo của một người tu Phật. Thơ về đạo của Phạm Thiên Thư phản ánh tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống, văn hoá người Việt.

2. Nét đặc sắc trong thơ về Đạo của Phạm Thiên Thư  

2.1. Thi hoá kinh Phật - cơ duyên hi hữu

Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV từng ghi dấu ấn nhiều thiền sư làm thơ bày tỏ cảm xúc trước vẻ đẹp của vạn vật, con người, cuộc sống hoặc thuyết giảng triết lí thiền qua cái đẹp từ thế giới tự nhiên và con người… như Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Chiếu, Không Lộ, Quảng Nghiêm, Huyền Quang… Tuy nhiên, chưa thiền sư nào dùng thơ chuyển ý kinh Phật.

Đầu những năm bảy mươi của thế kỉ XX, kinh Phật lần đầu được thi hoá qua tác phẩm Kinh Ngọc - Qua suối mây hồng (Kinh Kim Cương), Kinh Hiền - Hội Hoa Đàm (Kinh Hiền Ngu), Kinh Thơ - Suối nguồn vi diệu (Kinh Pháp Cú). Tác giả của các thi phẩm này, nhà sư - nhà thơ Phạm Thiên Thư, khi ấy được xem là người có ý tưởng độc đáo, táo bạo, có biệt tài trong việc thi hoá kinh Phật. Trong Lời giới thiệu quyển Kinh Ngọc - Qua suối mây hồng năm 1970, Hoà thượng Thích Minh Châu cho rằng Phạm Thiên Thư là người “có sáng kiến và can đảm thi hoá Kinh Kim Cương để cúng dường Chánh pháp” [6, tr.5]. Theo Vũ Tài Lục thì Phạm Thiên Thư đã “táo bạo xông xáo vào Kinh Kim Cương”, đã “dám chuyển cả ý nghĩa bộ kinh này thành thơ rồi đặt cho một cái tên rất hay, rất thơ…” [6, tr.85].

Thơ chuyển ý kinh của Phạm Thiên Thư là kết quả của mối hạnh ngộ giữa một tu sĩ làm thơ với tư tưởng, giáo lí Phật giáo. Đó còn là một cơ duyên hi hữu. Bởi lẽ, sự đời đẩy đưa đã khiến ông chọn cõi tu và nhờ tu hành ở chùa, được học ở Viện Đại học Vạn Hạnh (viện đại học tư thục ở Sài Gòn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập năm 1964) nên ông thông thuộc kiến thức Phật học, thông hiểu triết lí Phật giáo, nghiên cứu thiền. Cũng bởi lẽ Phạm Thiên Thư có năng khiếu thơ nên dẫu không trọn kiếp tu hành nhưng với tâm nguyện và tâm huyết của mình, ông đã thi hoá nhiều bộ kinh.

Thi hoá kinh Phật, trước hết, nhà thơ khởi tâm nguyện cúng dường và dâng thơ làm phẩm vật: “Nguyện - cúng dường kính tặng thơ hoa - trải tam thế mộng một toà sắc hương - kiếp sau làm chim trong sương - về bay hoá độ mười phương trời vàng” [6, tr.8]. Thi hoá kinh Phật, ông cũng thành tâm truyền bá tư tưởng Phật giáo, mong muốn nhiều người được giác ngộ, thức tỉnh để làm điều nghĩa, hướng đến cuộc sống an lạc, thiện lành. Và ông coi đó là một trong những bổn phận của một phật tử:

“Tặng trùng hoa giọt ngọc

Nào bằng thơ đại bi

Tiếng chuông vàng thức chúng

Cõi mộng thoảng tơ Sương”(1)

Từ duyên lành hiếm hoi với đạo Phật và Phật học, từ tâm đạo vững vàng với phát nguyện thiết tha đáng trân trọng và từ cảm xúc sâu xa, bay bổng kết hợp với nghệ thuật thi ca, các tác phẩm thi hoá kinh Phật của Phạm Thiên Thư ra đời.

Viết lại kinh Phật bằng thể thơ theo cách riêng, tác phẩm của ông có ý nghĩa tạo nên một hướng mới trong văn học Phật giáo. Hoà thượng Thích Tâm Giác khẳng định: “Phạm Thiên Thư đã mở ra một trang sử mới cho nền văn học Phật giáo Việt Nam trong việc thi hoá kinh Phật và mang giáo nghĩa giải thoát vào thi ca Dân Tộc” [5, tr.11]. Những tác phẩm ấy, theo Hoà thượng Thích Thanh Kiểm, “còn là một viên gạch quan trọng góp phần xây đắp vào nền văn học Phật giáo thế giới và Dân Tộc ngày thêm phong phú” [5, tr.17].

Nối tiếp Phạm Thiên Thư, sau này, Giới Lạc Mai Lạc Hồng đã chuyển bản dịch Trung Bộ Kinh của hoà thượng Thích Minh Châu sang thể thơ song thất lục bát; nhà thơ Vũ Anh Sương thi hoá Kinh Pháp Hoa, Pháp Cú, Kim Cương; dịch giả - văn sĩ Thái Bá Tân thi hoá Kinh Hiền Ngu bằng nhiều bài thơ và truyện thơ về Phật Thích Ca, những lời dạy của Phật,…

2.2. Thế giới kinh Phật thấm đẫm hồn dân tộc

Vốn có đời sống tín ngưỡng dân gian đa dạng, Việt Nam tiếp nhận thêm một số tôn giáo từ bên ngoài vào khiến đời sống tâm linh của người dân khá phong phú. Tín ngưỡng tôn giáo nói chung, tín ngưỡng Phật giáo nói riêng, là lĩnh vực đặc biệt trong đời sống tâm linh người Việt.

Trong các tôn giáo du nhập vào Việt Nam và có ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân (Nho, Phật, Lão, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Gia tô giáo…), Phật giáo được truyền vào Việt Nam rất sớm (khoảng thế kỉ III TCN) và đã trở thành tín ngưỡng tôn giáo của nhiều người Việt, trở thành quốc giáo của Đại Việt từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV. Theo Vũ Ngọc Khánh, đạo Phật “gây được nhiều ảnh hưởng trong nông dân, đi sâu và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của con người trong công xã” [2, tr.159]. Điều này có thể được lí giải theo quan điểm của Nguyễn Khắc Thuần: “Điều dễ nhận là giáo lí nhà Phật có rất nhiều điểm tương đồng với đạo lí sống cổ truyền của nhân dân ta” [3, tr.253]. Tư tưởng của đạo Phật gần gũi với tâm thức duy tình của người Việt, gần gũi với bản tính nhân hậu, ôn hoà của người dân về quan niệm sống “từ bi hỉ xả”, Phật giáo đã tồn tại bền lâu trong đời sống của quần chúng nhân dân qua bao thế kỉ.

Những năm tu hành, tiếp cận tư tưởng nhà Phật và triết lí Phật giáo, Phạm Thiên Thư “ngộ ra kinh Phật”, “ngộ ra chính mình và cuộc sống”. Với những bộ kinh mà ông thấy “nhập”, “thấm ý”, ông quyết định chuyển thể từ kinh sang thơ theo kinh nghiệm của cá nhân. Trả lời Nguyễn Đức Vân về điều này, ông cho biết: “Khi chuyển thể kinh Phật, phải trải nghiệm cuộc đời trước đã, sau đó nói lại bằng ngôn ngữ trần gian”. Nhà thơ cũng nêu quan điểm riêng: “Tôi nghĩ thi hoá kinh, điều cốt tử là làm sao giữ lại những gì tinh tuý nhất, thú vị nhất của kinh. Vì thế tôi đã không ngần ngại biến ngôn ngữ nhà Phật thành ngôn ngữ trần gian để mang ý vị “chân kinh” đến với mọi người bằng một hình thức dung dị nhất, nên thơ nhất” [7].

Xuất phát từ quan điểm trên, thơ chuyển ý kinh của nhà thơ vừa huyễn hoặc vừa đậm đà hương sắc trần gian. Đó là hương sắc Việt với cảm xúc, tâm hồn Việt, ngôn ngữ Việt, cách nói Việt…

Về thể thơ, không theo thể loại của nguyên tác hoặc bản dịch Hán ngữ hay Quốc ngữ, Phạm Thiên Thư sử dụng các thể thơ Việt để thi hoá kinh. Thể thơ năm chữ gần gũi với vè, đồng dao và thể kệ được ông chọn để diễn ý Kinh Kim Cương và Kinh Pháp Cú. Với những câu thơ linh hoạt tận dụng đặc điểm không bị gò bó về niêm luật của thể thơ này, nhà thơ đã chuyển những bài kinh quan trọng nhưng khó hiểu hết các ý của Phật giáo thành những tập thơ giàu hình ảnh, đa dạng nhịp điệu với những phân tích và diễn giải dễ nắm bắt. Thể thơ lục bát của dân tộc được nhà thơ tận dụng để thi hoá Kinh Hiền Ngu với mười hai ngàn câu thơ, kể lại những truyện cổ Phật giáo về lẽ luân hồi, báo ứng diễn ra trong đời sống nhân sinh. Thơ kinh của nhà thơ vì vậy là thơ dân tộc giàu nhạc điệu, nhịp nhàng, uyển chuyển và dễ đọc, dễ nghe, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của phật tử.

Tư tưởng, triết lí của kinh dẫn dắt ý tưởng nhưng cảm xúc, tâm hồn chi phối hình ảnh, lời thơ. Đó là cảm xúc của một nhà thơ Việt đã từng gắn bó với đền chùa thanh tịch, hoà mình với cảnh vật thiên nhiên bao la. Thế nên, dẫu trung thành với những địa danh trong các bản kinh như thành Xá Vệ, La Nại, Tỳ La Vệ, La Duyệt, xóm Bình Đông, châu Diêm Phù Đề,… nhưng với những địa phương không gọi tên cụ thể, nhà thơ hầu như thay bằng những cảnh sắc bình dị, nên thơ của núi non, làng mạc, ruộng vườn Việt Nam.

Không gian xuất hiện của các nhân vật - dù là đức Phật, Bồ Tát hay chúng sanh - là không gian của cảnh thiên nhiên tươi đẹp, quen thuộc và bình dị, gần gũi. Người công đức dày lâu xuất hiện giữa cảnh “bướm theo mấy luống hoa vờn/ đồi thông xa vọng tiếng đờn nao nao” (Kinh Hiền). Người được giác ngộ, khi lắng sạch ưu phiền, qua cơn sầu miên mịt mờ, đi giữa không gian “cành đào rung nhẹ phiến tơ; cánh chuồn theo gió cũng hờ hững bay” (Kinh Hiền). Một vị vua cùng đoàn tuỳ tùng sau khi “tỉnh thức trần sa”, phát lời thệ, cúng dường đại lễ quy y thì trở về trong cảnh “lúa xanh ngăn ngắt đồng quê/ tiếng ai gọi nghé trên đê vọng dài” (Kinh Hiền). Cảnh xuất hiện con cá ba đầu mắc lưới - mà vốn kiếp cá là quả báo từ thói tham, sân, si, giỏi lừa bịp, gây chuyện nhiễu nhương của một chàng trai - là cảnh sông nước, ruộng đồng nên thơ, ấm áp:

“Đồng xa gờn gợn lúa vàng,

Trời cao lãng đãng đôi hàng cò bay.

Bãi sông đang họp dân chài,

Chênh vênh đôi cánh buồm dài gió nghiêng.

Lưới tung lấp lánh mây viền,

Như sen lá úp xuống miền nước xuôi”

(Kinh Hiền)

Cảm xúc sung sướng, bay bổng của người đọc trước thiên nhiên đất nước, quê hương được khơi gợi từ những không gian ấy. 

Về mặt lịch sử, thời Lý - Trần, Phật giáo được mở rộng tới các làng quê; chùa chiền hầu như được xây dựng ở những nơi núi cao, nhiều cảnh đẹp. Người vãn cảnh chùa, những môn đồ của Phật giáo, những người dựa vào thế giới tâm linh vẫn tin rằng chùa càng ở nơi cao, ẩn mình giữa thế giới tự nhiên, thanh vắng thì càng linh thiêng, thoát tục; ý nguyện và tâm nguyện của người cầu xin càng có cơ may được thấu hiểu. Và vì thế, không gian được miêu tả trong thơ kinh cũng là không gian tồn tại của chùa chiền ở Việt Nam.

Tư tưởng Phật giáo mong muốn con người hướng thiện, sống “từ bi hỉ xả”; nếu đã trót làm điều xấu, điều ác thì được giác ngộ, thức tỉnh để làm điều nghĩa, điều thiện. Với ý nghĩa ấy, cảnh bình dị, yên ả, thơ mộng trong thơ kinh của Phạm Thiên Thư còn báo hiệu cho sự xuất hiện những điều lành, điều tốt: người xấu được giác ngộ, khai tâm; người nhận ra lẽ báo ứng biết sống tích đức; loài vật đã chịu hình phạt sẽ được siêu sanh…

Đặc biệt, trong các tác phẩm thi hoá kinh của Phạm Thiên Thư, đức Phật Thích ca Mâu ni - một nhân vật lịch sử đã trở thành nhân vật huyền thoại, một bậc giác ngộ được tôn là Đức Thế Tôn trong đời sống tâm linh của phật tử, người có khả năng hoá độ chúng sinh - đã trở nên gần gũi, hoà nhập với cuộc sống trần thế, với người trần gian. Phật trở thành hiện thân của cái đẹp, gắn với cái đẹp của thiên nhiên, hơn nữa là thiên nhiên của đất trời Việt Nam từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng thấy. Phật ở nơi “nhà tranh đôi nếp thoảng hơi tịnh trầm”. Bên Phật, ngoài những người theo Phật, người muốn nghe thuyết pháp, muốn được hoá độ, còn là hoa man mác, giậu tường vi, là “liễu la đà nắng bay”, là bướm chập chờn, là tiếng chim vi vút:

“Chim vi vút hót trong sương,

Hoa man mác nở bên đường mát tươi.

Hương bay mấy dặm tơ trời,

Nhà tranh đôi nếp thoảng hơi tịnh trầm”

(Kinh Hiền)

Phật đi giảng đạo cho Phật tử khắp nơi nên luôn hiện hữu và “rất đời” qua những liên tưởng hồn nhiên và rất duyên của nhà thơ:

“Cánh châu chấu biếc bên ngoài,

Nhảy vào tay Phật quơ vài sợi râu”

(Kinh Hiền)

Giáo lí của Phật giáo, những lời thuyết pháp của đức Phật vì vậy dễ đến gần với quần chúng, thâm nhập vào đời sống tinh thần của con người, đặc biệt là  người Việt mộ đạo hoặc sống theo triết lí nhà Phật.

Chuyển ý kinh sang thơ, không phải bao giờ ngôn ngữ trong thơ kinh của Phạm Thiên Thư cũng dễ hiểu bởi để giữ được “thâm ý”, “tinh tuý” của kinh, ông vẫn phải giữ lại những ý lời, thuật ngữ của nhà Phật. Trong Kinh Ngọc - Kinh Kim Cương - Qua suối mây hồng, nếu không là người trong đạo, nếu không được giải thích, khó mà hiểu được hết ý nghĩa của những “vô dư, niết bàn, ngã, pháp, mê, ngộ, thượng thừa…”. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng không gian đậm hồn quê, hầu như Phạm Thiên Thư đã Việt hoá thuần thục các bản kinh văn xuôi vốn khó hiểu. Những từ láy thuần Việt, cách nói đảo ngữ, các thủ pháp so sánh, nhân hoá… được nhà thơ tận dụng để miêu tả, diễn giải đã làm sáng rõ ý nghĩa và giá trị của kinh. Cúng dường Phật có “Trùng trùng mây mây biếc/ Hoa trải cúng dường hoa” (Kinh Ngọc). Lời Phật dạy “Pháp thân phi tướng” được diễn ý bằng hiện tượng tự nhiên: “Vàng vàng hoa mướp nở/ Mang mang hạt bụi rơi” (Kinh Ngọc). Tiếng hát của chàng trai Hằng Gia thích nghe thuyết pháp khiến thiên nhiên xao động: “Lơ thơ hoa rụng, la đà sóng vang” (Kinh Hiền). Tiễn Lý Thiện Nhân “theo dấu Phật Đà tịnh tu”, cha mẹ hoan hỉ và sương, suối vui mừng: “Suối mừng cất tiếng nao nao/ Sương mừng sương rớt hạt nào long lanh” (Kinh Hiền). Cảm xúc của nhà thơ trước tinh thần người xưa học đạo và hình ảnh đức Phật ngồi thuyết pháp trong kinh Kim Cương đã làm nên những hình ảnh đẹp với sự liên tưởng thú vị: tiếng suối rơi, mây toả hương, cõi ngọc nở sao:

“Giữa thềm hoa tịch mặc

Thoảng tiếng suối thần rơi

Vô ngàn, vô ngàn năm

Mây hương một lần toả

Vô ngàn, vô ngàn năm

Cõi ngọc nở sao lạ.”

(Kinh Ngọc)

Hồn dân tộc trong thơ kinh của Phạm Thiên Thư còn là sự khai thác và vận dụng thuần thục lời, điệu, ý tưởng từ các thể loại văn vần trong văn học dân gian người Việt. Đất lành chim đậu, Mưa thuận gió hoà, Nước chảy đá mòn, Buồn trông con nhện giăng tơ, Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ...  những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ quen thuộc phản ánh cuộc sống lao động, tâm hồn của người bình dân ấy đã đi vào trong thơ kinh nhẹ nhàng và nhuần nhuỵ. Trong Kinh Hiền - Hội Hoa đàm có nhiều câu như thế: “Luống khoai, ao cá, vườn cây/ Đất lành chim đậu, tháng ngày thong dong” hay: “Mưa hoà, gió thuận, lòng người hoan ca” hoặc: “Máu xưa góp chảy đá mòn/ Lệ xưa đọng lại nay còn sóng lay, Sớm chiều ra ngẩn vào ngơ, Lòng đôi cửa tục, cửa thiền/ Ai xuôi con nhện giăng thêm tơ vò”.

Đặc biệt, câu hát than thân đầy cay đắng, xót xa của người phụ nữ bất hạnh, bị coi rẻ trong ca dao - dân ca đã được vận dụng, trở thành lời than thân của thiếu nữ khuê các Ánh Ngọc với chú tiểu Tâm Mai:

“Thân em như giải lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Bây giờ mình gặp nhau đây,

Phận hồng xin cậy lòng thầy từ bi”

(Kinh Hiền)

Phạm Thiên Thư sáng tác tập truyện thơ lục bát Hậu Kiều – Đoạn trường vô thanh năm 1969 - tác phẩm viết tiếp Truyện Kiều của Nguyễn Du được cho là thành công nhất. Tuy nhiên, chẳng phải đến Đoạn trường vô thanh, ông mới học tập nhà thơ của dân tộc vận dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao vào trong thơ. Với các tác phẩm thơ chuyển ý kinh, ông đã chú tâm Việt hoá với sự vận dụng lời ăn tiếng nói trong dân gian, sử dụng các hình ảnh sinh động, các biện pháp tu từ liên tưởng đến các sự vật, sự việc quen thuộc trong đời sống để ý kinh dễ tiếp nhận, đến gần với người đọc.

2.3. Những bài học về đạo làm người

Mục đích của kinh Phật là nêu triết lí và bài học cụ thể về cuộc sống, đời người theo quan niệm, tư tưởng Phật giáo, nhằm giáo huấn con người về cách xử thế, sống đúng đạo làm người, tránh làm điều ác, luôn hướng thiện và sống tốt đẹp để được tĩnh tâm, an lạc. Do vậy, sự thần diệu của kinh sẽ đến khi con người tụng và thấm nhuần tư tưởng của kinh, thực thi những giáo lí trong kinh và trút bỏ được những tham, sân, si:

“Chính pháp như bè ngọc

Phương tiện vượt sông mê”

(Kinh Ngọc)

Kinh Kim Cương là một trong những bài kinh căn bản quan trọng của Phật giáo. Với những ý nghĩa thâm sâu, kinh đóng vai trò khai ngộ đối với người tu học Thiền và là “gươm báu cắt đứt phiền não”(2) đối với phật tử. Kinh Pháp Cú là bản kinh ghi lại những lời Phật dạy về đạo lí sống trong sáng, nhân đức, cao thượng… giúp con người “khám phá sự thật cho chính mình”. Kinh Hiền Ngu kể về các tiền kiếp của Đức Phật Như Lai giúp phật tử hiểu rõ về đức Phật, về những kiếp nạn, lẽ luân hồi, báo ứng…

Thi hoá các kinh Phật trên, Kinh Ngọc, Kinh Thơ, Kinh Hiền của Phạm Thiên Thư đã chuyển ý trung thực những yếu pháp của giáo lí Phật giáo, truyện tích nhà Phật đầy ắp những yếu tố thuộc về tâm linh từ các bản kinh dịch văn xuôi bằng chữ Quốc ngữ. Chuyển ý các bản kinh, các tác phẩm của nhà thơ không những chuyển tải những giá trị cốt lõi về tư tưởng, triết lí mà còn làm sáng tỏ giáo lí của Phật giáo bằng hiểu biết và cảm xúc của nhà thơ.

Nêu quan niệm về người thiện, người ác gắn liền với những phúc tội cũng là cách thơ đạo của Phạm Thiên Thư đưa ra tình huống cụ thể để con người lựa chọn cách sống, quyết định cho mình một hình hài, nhân cách để tồn tại trong thế giới nhân sinh “bốn bề thiên hạ lao xao”:

“Thiện nhân: sinh hoá cõi lành,

Ác nhân: địa ngục quẩn quanh dãi dầu”

(Kinh Hiền)

Khẳng định sự hiện diện tất yếu của luật nhân quả, thơ đạo giúp con người suy ngẫm, ý thức về lẽ luân hồi, báo ứng trong đời người và trong kiếp làm người:

“Kẻ ác hại người hiền

Như tung cát ngược gió

Bụi hồng quấn thân mình

Rõ: “Nhân nào quả đó”

(Kinh Thơ)

Từ các câu chuyện về tiền kiếp của đức Phật: khi là người, khi là vật; khi là vua chúa, khi là hạng cùng đinh; luôn bố thí cứu giúp người cùng khổ, sẵn sàng hi sinh thân mạng... , thơ kinh nêu những bài học sống động về lẽ sống và những việc nên làm để tích đức cho mình và cho con cháu đời sau. Sống lương thiện, vì người, cầu hạnh phúc cho muôn loài sẽ có “niềm an lạc tuyệt vời”. Sống tu thân, làm phước thì “nghiệp đức tụ trăm sông”. Các truyện tích đồng thời cũng là những lời nhắc nhở, khuyên răn cụ thể về những điều không nên làm. Sống tham lam, tàn ác, tìm an lạc trên khổ đau của người khác sẽ chịu nhiều hình phạt:

“Kẻ bức bách người hiền

Lập tức chịu khổ báo

Tiền tài một sớm tan

Thân danh bị huỷ hoại

Hoặc tán loạn ý tâm

Hoặc bệnh nặng hành hạ

Hoặc lao lí tù gông

Hoặc người vu trọng tội

Hoặc quyến thuộc chia lìa

Hoặc nhà tan cửa nát

Hết nạn lửa nạn binh

Chết lại sa địa ngục

Ác quỷ luôn hành hình”

(Kinh Thơ)

Tuy nhiên, kinh cũng nêu lời thuyết pháp của đức Phật dẫn dắt người xấu, người ác quay trở lại con đường hiền lương: làm điều xấu, điều ác mà biết hổ thẹn, biết ăn năn sám hối sẽ “diệt tan mầm thống khổ”.

Theo ý kinh, trong cuộc sống, việc ác thì dễ làm, việc thiện thì “khó như gieo hạt”. Do vậy, để làm điều thiện, tích được thiện nghiệp, con người phải công phu tu tập, diệt tham, sân, si.

Có thể nói, thơ chuyển ý kinh của Phạm Thiên Thư là một thế giới thơ mang nhiều yếu tố duy tâm thuộc về văn hoá tâm linh nhưng cung cấp cho người Việt những chân lí sống sâu sắc, phong phú để vận dụng vào đời sống. Đồng thời, thơ góp phần thanh lọc tâm hồn, giúp người theo đạo sống an lạc, vô vi, hướng đến những điều tốt đẹp.

Thi hoá kinh, Phạm Thiên Thư đã thể hiện ý tưởng và việc làm đáng trân trọng, giúp cho đời sống tâm linh của con người thêm phong phú.

Một trong những đặc trưng bản sắc dân tộc của nhân dân ta là lòng nhân ái, trọng nghĩa tình. Điều này cũng gần với quan niệm sống “từ bi hỉ xả” trong giáo lí của Phật Đà. Do vậy, giáo lí nhà Phật trong kinh trở nên gần gũi với người Việt. Mặt khác, nhờ ngôn ngữ trần gian, ngôn ngữ thơ của Phạm Thiên Thư, triết lí sâu xa của kinh Phật trở nên sáng rõ, dễ tiếp cận, dễ nhớ.

3.      Kết luận

Phạm Thiên Thư là người đầu tiên thi hoá kinh Phật và là người mở đường cho thể loại này phát triển. Thơ đạo của Phạm Thiên Thư là thơ chuyển ý, lời của kinh Phật bao gồm những tư tưởng, triết lí và những truyện tích sang các thể thơ dân tộc. Chuyển ý kinh sang thơ, Phạm Thiên Thư không chỉ chuyển tải tinh thần Phật pháp mà sáng tạo lại theo hiểu biết, cảm xúc và tinh thần của một nhà thơ Việt Nam. Thơ đạo của ông vì vậy thấm đẫm hồn dân tộc từ việc sử dụng các yếu tố thể loại, ngôn ngữ, hình ảnh, ý tưởng đến những bài học về đạo làm người gần gũi với truyền thống, đạo lí người Việt.

Đạo thi là một đóng góp có ý nghĩa của Phạm Thiên Thư cho văn học hiện đại Việt Nam.

 

Chú thích:

(1) Trích từ bài thơ Ngợi kinh Kim Cang tinh yếu do Phạm Thiên Thư viết tặng Vũ Anh Sương khi nhà thơ này sáng tác Kim Cang tinh yếu (2008), thi hoá Kinh Kim Cang. Hai câu đầu và hai câu sau cũng chính là các câu nằm ở các mục khác nhau trong Kinh ngọc - Kinh Kim Cương - Qua suối mây hồng của Phạm Thiên Thư.

(2) Ý từ tác phẩm Kim Cương - gươm báu cắt đứt phiền não - Thích Nhất Hạnh dịch và chú giải, Nxb Thời đại, 2011.

 

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Duy, Phạm Thiên Thư (1971), 10 bài đạo ca, Nxb Văn Sử học, Sài Gòn.

2. Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Nguyễn Khắc Thuần (2010), Tiến trình văn hoá Việt Nam - từ khởi thuỷ đến thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Phạm Thiên Thư (2006), Kinh Thơ – Suối nguồn vi diệu, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

5. Phạm Thiên Thư (2012), Kinh Hiền – Hội Hoa Đàm, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

6. Phạm Thiên Thư (2012), Kinh Ngọc – Kinh Kim cương – Qua suối mây hồng, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

7. Nguyễn Đức Vân (2012), Nhà thơ Phạm Thiên Thư: Đằng sau mỗi bản kinh là một cõi mênh mông, Tạp chí Văn hoá Phật giáo, số 21.

 

 

 

Danh mục website