"Thiên táng" dưới góc nhìn văn hóa

Hà Minh Châu*

 Là nhà báo,người dẫn chương trình của đài phát thanh trước khi trở thành  nhà văn, Hân Nhiên (sinh năm 1958) bắt đầu sáng tác khá muộn và sáng tác không nhiều nhưng được đánh giá là một trong số những nhà văn nữ thành công nhất của văn học Trung Quốc đương đại. Đề tài nổi bật trong sáng tác của bà là phụ nữ, trẻ em và đất nước Trung Hoa. Thiên táng(2004), cuốn sách thứ hai của bà, được ấp ủ suốt mười năm đằng đẵng từ câu chuyện đầy ám ảnh về người phụ nữ Trung Quốc gian truân đi tìm chồng ở Tây Tạng. Dưới góc nhìn văn hoá, Thiên táng không chỉ là câu chuyện về tình yêu, về niềm tin và nghị lực của con người, mà còn chứa đựng những điều lạ lùng, kì bí về đất nước, con người, tôn giáo, phong tục,… trên xứ sở thảo nguyên Tây Tạng–vùng đất thánh của những người giàu đức tin và hướng thượng.

1.      Du cư – lối sống an nhiên giữa cao nguyên bao la, khí hậu khắc nghiệt

Với địa thế núi non chót vót, hiểm trở; với những đầu non tuyết lạnh; những thạch động hoang vu; thảo nguyên mênh mông, xứ sở Tây Tạng lạ thường dường như sống cách biệt với thế giới bên ngoài, trở thành một cảnh giới siêu linh ảo huyền. Chính những điều đó cùng với nền văn hoá đặc biệt đã khiến Tây Tạng bao đời nay vẫn luôn có sức hấp dẫn lạ thường với bao người – từ khách hành hương đến khách du lịch hay thám hiểm. Alexandra David-Néel – nữ thám hiểm, nhà văn người Pháp chuyên viết về Phật giáo và triết học phương Đông -khẳng định: “Không lời nào có thể diễn tả hết được vẻ tôn nghiêm an nhiên, sự hùng vĩ kinh người, nét quyến rũ khó tin của cảnh vật muôn sắc muôn màu tại đất nước Tây Tạng” (1).

Trong Thiên táng, Thư Văn – nhân vật nữ chính– tìm đến Tây Tạng vì không chấp nhận việc chồng cô, một bác sĩ Giải phóng quân Nhân dân, đã chết sau hai tháng được phái tới Tây Tạng. Thư Văn đến Tây Tạng để tìm chồng, tìm kiếm sự thật đằng sau tờ giấy báo tử bí ẩn.

Là nữ bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Nam Kinh, Thư Văn đã từng hạnh phúc ngất ngây khi lấy được người mình yêu bằng tất cả trái tim. Sau ngày cưới ba tuần, Khả Quân chồng cô - một bác sĩ quân y đang tràn đầy nhựa sống - được điều đến Tây Tạng cùng đơn vị. Và chỉ hai tháng sau, Thư Văn nhận được giấy báo tử chứng nhận chồng cô đã chết trong một sự cố ở Đông Tây Tạng. Đắm chìm trong đau đớn và hoang mang nhưng Thư Văn không tin vào những gì tờ giấy báo tin đã viết. Thậm chí, cô nghĩ đến trường hợp những người lính bị báo tử nhầm, đến việc chồng cô có thể gặp nguy hiểm hay ngã bệnh. Cô khẳng định: “Chắc chắn chồng tôi còn sống” (2). Với niềm tin mãnh liệt ấy, bất chấp sự can ngăn của gia đình, bạn bè, Thư Văn nhất quyết gia nhập quân đội để tới Tây Tạng.

Hành trình từ Tô Châu đến Tây Tạng của Thư Văn là một hành trình dằng dặc những trải nghiệm thực tiễn gian khổ và cảm nghiệm tâm linh vi diệu. Hành trình ấy đã bao lần khiến cô lạc lõng, sợ hãi, sung sướng, bàng hoàng, thất vọng, đớn đau, hi vọng, mãn nguyện.

Từ vùng đất Tô Châu nổi tiếng với những ngôi chùa, cầu đá, những khu vườn thơ mộng, êm đềm, Thư Văn đến Tây Tạng nổi tiếng với những rặng núi cao, thảo nguyên mênh mông, hang động thâm u, những vùng thời tiết thay đổi liên tục,được nhìn ngắm những phong cảnh lạ thường, tưởng như bước vào chốn thần tiêncủa vùng đất huyền bí. Tuy nhiên, cô cũng đã đi qua những vùng hoang vu không có người sống, đã thấm thía với nỗi âu lo, sợ hãi gặm nhấm dần vì sự hiểm trở của địa hình, sự dữ dội của thời tiết: “Sự trống lộng của những ngọn núi, độ loãng của không khí và những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết bao bọc họ trong một thế giới đầy sợ hãi” (3). Đặc biệt, càng về đêm, nhiệt độ ở vùng núi càng giảm mạnh, tiếng muông thú cùng tiếng gió rít ào ạt qua cây cối tạo nên âm thanh rợn người, đã khiến cho cô và những người đồng hành trong tâm trạng chờ đợi cái chết đến bất cứ lúc nào.

Với những lữ khách như Thư Văn, địa hình, thời tiết, cảnh vật của Tây Tạng thật quyến rũ nhưng cũng thật khủng khiếp. Nhưng với người dân nơi đây, điều kiện này lại hình thành cho họ lối sống du cư. Tác phẩm Thiên Táng đã phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống của dân du mục Tây Tạng từ những năm năm mươi đến những năm 80 của thế kỉ XX.

Việc gặp gỡ và sống cùng gia đình ân nhân Gela trong gần mười năm trời quả là cơ duyên và cũng là định mệnh đối với Thư Văn. Chính nhờ sống cùng họ, Thư Văn am tường văn hoá và trở thành người Tây Tạng từ dáng vẻ đến tinh thần. Thời gian đầu sống ở đây, Thư Văn luôn bị bất ngờ, ngạc nhiên trước những điều mới mẻ và lạ lẫm trong lối sống– từ lao động, ăn, ở, mặc, di chuyển, đến cái mùi kì lạ của phân, mồ hôi, mùi da sống của thú vật hoà lẫn nhau,…

Cuộc sống du mục nay đây mai đó của gia đình Gela hầu như vẫn giữ theo truyền thống: sống trong căn lều có bốn mặt được ghép từ những tấm lông lớn, có cửa sổ ở đỉnh lều, cửa ra vào là một vạt lều, bếp lò kê từ những tảng đá được đặt ở giữa lều,... Bếp lửa trở thành nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt đời thường, nối kết  các thành viên của gia đình du mục – để sưởi ấm, quây quần bên nhau trong bữa ăn. Gia đình Gela vẫn giữ đều ba bữa cơm mỗi ngày với những món ăn mang lại nhiều sức khoẻ và năng lượng như thịt bò, cừu, sữa, pho mát, bột lúa mạch.

Sự phân công công việc trong gia đình rất rõ ràng. Đó là cái trình tự nghiêm ngặt hàng ngày của họ, dường như ngày nào cũng theo một khuôn mẫu đã tồn tại trong nhiều thế hệ. Đàn ông và thanh niên làm những việc quan trọng bên ngoài như chăn thả, giết mổ gia súc, thuộc da, tu bổ căn lều, sửa chữa vật dụng. Phụ nữ nấu nướng, vắt sữa, đánh bơ, nặn phân thành bánh để đốt và làm các việc khác trong nhà. Quan sát và cùng làm một số việc với họ, Thư Văn hiểu rằng việc nào cũng đòi hỏi phải có sức khoẻ, kĩ năng và kinh nghiệm. Vì thế, cô thật sự khâm phục các kĩ năng tạo dựng cuộc sống tự cung tự cấp của gia đìnhđã cho cô nương nhờ.

Với dân du mục Tây Tạng, thời tiết, bãi chăn là những yếu tố họ thật sự am hiểu qua trí nhớ và qua kinh nghiệm của tổ tiên từ thời xa xưa: “Mùa xuân đi chăn thả theo con nước, mùa hè lên núi; mùa thu chăn thả trên triền dốc cao, mùa đông thì ở vùng đồng bằng kín gió” (4). Họ đến các bãi chăn theo sự định hướng của những đống đá chất cao. Cuộc sống của họ theo các mùa, không theo đồng hồ hay lịch. Sống đời du mục, lang thang trên các thảo nguyên, họtích được các linh cảm về thời tiết bất thường với những trận tuyết mịt mùng, cơn gió lạnh thấu xương, để có cách phòng tránh, không chấp nhận việc phó tháccho tự nhiên. Cuộc sống tự cung tự cấp buộc họkhông chỉ thích nghi, mà còn biết xoay xở, tận dụng tự nhiên, cải thiện điều kiện sống.

Suốt gần ba mươi năm sống cuộc đời du mục, Thư Văn đã rèn được những kĩ năng để thích ứng, sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt và học được cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và tuân theo phong tục, tín ngưỡng của người dân nơi đây.

2. Thiên táng – đức tin cõi thế hàm dưỡng từ lí tưởng tôn giáo

Tin rằng vạn vật hữu linh, bao cư dân cổ dù sống bằng nghề trồng trọt hay chăn nuôi đều thành kính phụng thờ các đấng quyền năng siêu nhiên với hi vọng sẽ được những điều may mắn và bình an trong cuộc sống.

Tiếp nối niềm tin muôn đời của cha ông, người Tây Tạng thế kỉ XX vẫn tôn thờ, quỳ lạy những ngọn núi thiêng ẩn chứa bao điều huyền bí. Với người Tây Tạng, mọi thứ - từ bầu trời, hoa cỏ, con người, loài vật – đều có thể thay đổi nhưng những ngọn núi thiêng thì không. Thư Văn đã được nghe cô gái Tây Tạng tên Zhuoma, con gái của một vị thủ lĩnh, kể nhiều chuyện về những tảng đá, hòn đá mani. Từ niềm tin tâm linh, người Tây Tạng thường lên núi dâng cúng và cầu nguyện khi gặp phải chuyện không hay. Họ có phong tục dâng súc vật và các món đồ giá trị cho người thợ đá để được khắc sáu âm tiết của câu đại thần chú mani (án ma ni bát mê hồng), cả đoạn kinh Phật hoặc tạc hình Đức Phật trên những hòn đá ở ngọn núi nào đó.Thư Văn đã nhìn thấy những đống đá mani được đẽo gọt khắc đầy chữ và tranh khắp nơi, bởi đó là biểu tượng của đức tin, sức khoẻ, tinh thần, thoát khỏi cái ác, làm ăn phát đạt,…  Những tảng đá, ngọn núi còn là nơi lưu giữ thông điệp để người ta tìm nhau và là nhân chứng cho những cuộc tao ngộ. Chính Thư Văn và mọi người đã tìm thấy Zhuoma sau khi cô bị bắt cóc nhờ lần theo những thông điệp Zhuoma khắc trên vách đá. Nhắc lại lời người thợ đẽo đá mani trong buổi trùng phùng, Zhuoma khẳng định niềm tin ngàn đời của người Tây Tạng: “Người Tây Tạng luôn tìm lại được ở các ngọn núi thiêng những gì mình đã mất” (5).

Toàn bộ đời sống tôn giáo ở xứ sở này đã từng bị chi phối bởi Bön, tôn giáo cổ ở Tây Tạng nhưng khi Phật giáo được du nhập thì đã trở thành tín ngưỡng tôn giáo của người dân nơi đây. Người Tây Tạng tôn thờ Đức Phật, tin vào sự nhiệm mầu của Phật pháp. Họ thờ hình Đức Phật Tây Tạng trên ban thờ, thường xuyên cầu nguyện, đọc thần chú. Mỗi người Tây Tạng mỗi ngày thốt ra hàng trăm lần câu thần chú: án ma ni bát mê hồng. Họ tin rằng sự thần diệu sẽ đến khi họ đọc câu thần chú.

Ở gia đình Gela, những nghi thức tôn giáo đã trở thành tinh thần, nề nếp: “Họ cầu nguyện liên tục, thì thầm câu án ma ni bát mê hồng trong hơi thở thậm chí ngay cả khi làm việc. Khi gặp khó khăn, bệnh tật, họ đều cậy nhờ vào lời cầu nguyện. Như bao người Tây Tạng, gia đình Gela tin vào sức mạnh và sự hiển linh củacâu đại thần chú mani. Không chỉ đọc thần chú liên tục, họ còn lấy câu thần chú đặt tên cho những đứa con. Sáu người con của Gela, mỗi người được đặt một cái tên chứa một âm tiết của câu thần chú thiêng liêng: Án, Ma, Ni, Bát, Mê, Hồng.

Lí tưởng tôn giáo thấm sâu trong tư duy, tinh thần của người Tây Tạng, lan toả đến những tập tục vốn hình thành tự thuở xa xưa, trong đó có tập tục thiên táng.

Thiên táng còn được gọi là điểu táng, là hình thức mai táng để thi thể người chết trên núi cao cho loài diều hâu và kền kền hoang dã ăn hết thịt xương. Trong Tây Tạng huyền bí, theo lạt ma Lobsang Rampa, thiên táng là tục lệ thông thường đối với mọi người dân Tây Tạng, trừ trường hợp là những vị lạt ma trưởng, là đấng hoá thân. Lạt ma Lobsang Rampa cho rằng Tây Tạng đất núi cằn cỗi, rất khó khăn cho việc đào huyệt chôn người chết, hoả táng khó thực hiện vì gỗ thuộc loại quý hiếm, thuỷ táng ít được chọn lựa vì xác chết sẽ làm nhiễm độc nước sông, gây hại cho đời sống. Thiên táng, vì vậy, trở thành hình thức mai táng phổ biến của người Tây Tạng. Khi người Tây Tạng tiếp nhận Phật giáo thì đồng thời, tập tục lâu đời này cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng, triết lí nhà Phật. Phật giáo thâm nhập vào nghi thức mai táng, quan niệm về linh hồn, sự tái sinh và cảnh giới tâm linh.

Trong Thiên táng, nữ thủ lĩnh Zhuoma khẳng định tục thiên táng là một biểu hiện của sự hài hoà giữa trời và đất, thiên nhiên với con người. Thư Văn cũng hiểu về thiên táng qua lời giảng giải của vị chủ lễ: “Thi hài trở thành đồ dâng cúng cho các linh hồn và chúng ta nhờ họ mang linh hồn người chết lên trên” (6). Việc để thi hài cho đại bàng, kền kền ăn thịt còn là vì bắt chước Phật Thích Ca Mâu Ni về việc ngài đã hi sinh thân mình để nuôi loài hổ. Phó thác mình trọn vẹn cho thiên nhiên, đất trời; bố thí máu thịt, hiến thân cho sự sống của những giống loài khác, tục thiên táng thể hiện đức tin ngàn đời và tinh thần tôn giáo chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo của người Tây Tạng. Mỗi người Tây Tạng đều muốn hiến xác mình cho diều hâu, kền kền ăn thịt khi lìa khỏi trần gian.Với họ, điều đó hợp lẽ luân hồi nhìn từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa linh hồn với thể xác, kiếp trước với kiếp sau. Và cũng chính vì vậy, những nghi lễ cổ truyền tự muôn đời, cách thức hướng dẫn bằng thần giao cách cảm cho thần thức người chết, cách xử lí tử thi trước khi cho loài chim ăn thịt…luôn được trân trọng và thực hiện nghiêm cẩn.

Niềm tin thiên táng thiêng liêng của người Tây Tạng đã khiến Khả Quân hiến xác cho kền kền vì vô tình giết chết chim thiêng, phá ngang lễ thiên táng để cứu một lạt ma Tây Tạng.Với người Tây Tạng, khi một con chim thiêng bị giết, cũng có nghĩa là sẽ không còn con kền kền nào trở lại vùng đất thánh và linh hồn không vào được thiên đàng hoặc chuyển thế, mà bị đoạ xuống địa ngục. Khả Quân nhận ra anh đã phạm sai lầm khi giết một trong các điệp sứ linh thiêng của họ. Để chuộc sai lầm và để cứu cả đơn vị thoát khỏi sự bủa vây, nguyền rủa, trừng phạt rùng rợn của người Tây Tạng, Khả Quân đã tự bắn vào đầu, hi sinh tính mạng để gọi chim thiêng về. Những con chim đói bu kín cái xác được xẻ, ăn không còn để lại một ít xương thịt nào trên đài thiêng táng là điềm lành để từ đó, người Tây Tạng bày tỏ thái độ kính trọng đối với Khả Quân cùng đồng đội của anh. Vị lạt ma Cường Ba – người được Khả Quân cứu – kể lại với Thư Văn: “Có lẽ có cái gì đó mầu nhiệm trong sự xuất hiện nhiều chim đến như vậy. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, bầy kền kền đã ở lại đó hồi lâu, bay vòng vòng quanh đỉnh núi”(7). Khả Quân không phải là ngạ quỷ. Anh đã được chim thiêng mang lên trời. Niềm tin thiên táng đã hoá giải mối hận thù của những người cõi thế.

3. Phong tục Tây Tạng – nền nếp hình thành từ khát vọng tâm linh và lối sống du cư

Lối sống du cư ở vùng hoang mạc bao la, non cao chót vót, thời tiết khắc nghiệt buộc người Tây Tạng tổ chức đời sống sao cho có thể thường xuyên di chuyển gọn gàng, nhanh chóng; đối phó được với môi trường tự nhiên lạnh, khô. Những hoạt động được hình thành và biểu hiện trong cuộc sống tự bao đời đã trở thành nề nếp, thói quen ăn sâu trong đời sống xã hội Tây Tạng, lan truyền từ đời này sang đời khác, trở thành phong tục dân tộc mang đặc trưng riêng của người Tây Tạng.

Thực tế sinh hoạt cộng đồng với những phong tục trong gia đình Gela luôn khiến Thư Văn thấy lạ lùng vì khác biệt quá nhiều so với phong tục Trung Quốc. Trong Thiên táng, nhà văn Hân Nhiên cho thấy, dẫu đã có nhiều thay đổi trong đời sống hiện đại nhưng những truyền thống xưa vẫn tồn tại và được duy trì.

Về hôn nhân, người Tây Tạng theo tục đa phu. Zhuoma đã giải thích cho Thư Văn hiểu:“Ở Tây Tạng một người vợ có thể có nhiều chồng”(8). Đặc biệt, để tập trung sức lao động và để bảo vệ điền sản, tài sản do cha mẹ để lại, những anh em trong gia đình thường lấy chung một vợ. Chứng kiến Saierbao và em chồng là Ge’er quấn quýt ôm nhau ngủ, Thư Văn đã từng kinh ngạc, ray rứt, muốn hét lên vì cho rằng người đáng trọng như Saierba lại ngoại tình, dan díu ăn nằm với em chồng. Khi hiểu rõ tục đa phu của người Tây Tạng, cô thấy xấu hổ vì sự dốt nát và hàm hồ của mình.

Liên quan đến hoạt động thích ứng, tận dụng môi trường tự nhiên của người Tây Tạng, tác phẩm Thiên táng khắc hoạ nhiều phong tục khác lạ gắn với việc phân công lao động, ăn ngủ trong các gia đình. Đó là việc đàn ông làm nhiệm vụ khâu vá quần áo, chăn màn. Phong tục này vốn có nguồn gốc từ môi trường khí hậu nơi đây. Zhuoma giải thích:“Quần áo của con người từ thời xa xưa nhất ở Tây Tạng được làm bằng da và lông thú nên phải khâu bằng loại chỉ rất dày. Chỉ đàn ông mới đủ sức khâu bằng những cái kim giống như cây sào sắt và sợi chỉ to như dây thừng”(9). Đó là phong tục ngủ chung được bắt nguồn từ lối sống du cư, sống trong các căn lều ghép từ những tấm lông lớn được coi là nhà của người Tây Tạng. Họ cùng làm việc nhà, chế biến thức ăn, cùng ăn và cùng ngủ trong cùng một mái lều. Họ sống dựa vào nhau, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Mối quan hệ giữa người với người được thể hiện rõ ở tục hiếu khách.Người Tây Tạng mở rộng cửa cho tất cả lữ khách, tiếp đãi hậu hĩ khách lạ tới nhà mình, cho dù họ giàu hay nghèo. Khi những người đàn ông đi hái thuốc ghé ngang lều gia đình Gela, họ đã được tiếp đón nồng hậu, được đãi cơm với món thịt cừu nướng và rượu lúa mạch. Zhuoma cho Thư Văn biết: “Ở Tây Tạng bất cứ lữ khách nào đi qua cũng đều được đón tiếp nồng nhiệt bởi họ là những người mang tin”(10). Ngay cả các tu viện cũng sinh hoạt theo phong tục này. Dù phụ nữ không được phép vào khuôn viên tu viện nhưng họ và mọi khách qua đường đều là khách quý.Thư Văn đã được tiếp đón ân cần, dùng cơm với một vị lạt-ma tại nhà khách của tu viện. Khi đỡ đẻ cho một người phụ nữ Tây Tạng được “mẹ tròn con vuông”, cô đã được tưởng thưởng một chiếc khăn choàng khata trắng, hai cái chân cừu béo ngậy như người Tây Tạng chính thống.

Người Tây Tạng có tục tổ chức tiệc tùng khi trong nhà đón nhận những sự kiệngắn với niềm vui, niềm hạnh phúc hoặc khi tham gia những lễ hội cộng đồng. Theo phong tục, sau khi dựng nhà (lều), gia đình Gela đã bày tiệc với các món ăn mang đậm dấu ấn của môi trường tự nhiên và cuộc sống du cư: thịt, tsampa, món rán và rượu lúa mạch. Khi con gái họ là Maola sinh em bé, cả nhà đã mở tiệc mừng sự xuất hiện của thành viên mới với các món ăn được làm từ thịt của hai con cừu đã được vỗ béo từ khi Maola mang thai.

Theo lạt ma Lobsang Rampa, “tín ngưỡng của người Tây Tạng đặt căn bản trên niềm hi vọng hướng thượng”(11). Đức tin tôn giáo, khát vọng và thiên hướng tâm linh chi phối đến phong tục đưa con tới tu viện và các phong tục, lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội của người dân Tây Tạng. Hầu như mỗi người đều thấm nhuần một tinh thần tôn giáo như nhau. Những đứa trẻ Tây Tạng thường phải xa nhà, đến sống ở tu viện rất sớm. Ngoài việc đưa những đứa trẻ đến tu viện để chúng được học hành và để gia đình được giảm nhẹ gánh nặng kinh tế, mục đích quan trọng hơn hết là người Tây Tạng luôn mong muốn con họ trở thành lạt ma (người giảng dạy giáo pháp, thực hành các nghi lễ). Zhuoma cho biết: “Cả Tây Tạng chẳng khác gì một tu viện khổng lồ. Nhà nào có trên hai con trai đều phải cho ít nhất một đứa tới tu viện để làm lạt ma”(12).Khi được nhận vào tu viện, đứa trẻ sẽ xuống tóc và bím tóc dài vừa cắt được gửi về cho cha mẹ chúng.Vào tu viện, trải qua những thử thách của nghiệp tu hành, những đứa trẻ lớn dần và trở thành lạt ma. Có những nhà sư chuyên làm việc bằng tay chân, những người có thiên hướng đặc biệt sẽ nhận được một nền giáo dục tốt để có nhiều kiến thức trong kho tàng kiến thức huyền vi của đất nước.

Ngoài việc được trải nghiệm những phong tục trong đời sống, Thư Văn còn chứng kiến nhiều lễ hội huyền bí của vùng đất này. Weisang là lễ hội thường niên được tổ chức vào mùa thu, mục đích để những người đàn ông dâng cúng tổ tiên. Phụ nữ không được phép tham gia, chỉ được ngồi ở phía xa quan sát cảnh hàng trăm kị mã với những cờ phướn sặc sỡ di chuyển theo nghi thức xung quanh bàn thờ hiến tế. Lễ hội Dharmaraja được diễn ra trước cửa các tu viện.Với Thư Văn, được chứng kiến cảnh biển cờ xí rực rỡ đến hình ảnh các lạt ma mặc lễ phục đội mũ cao thổi kèn, tù và, biểu diễn múa, tiếng tụng kinh vang vọng khắp các toà nhà,… là quang cảnh tuyệt vời. Nó khiến cô như bị bỏ bùa. Người Tây Tạng tin rằng nếu được vị Hoạt Phật (tulkou) sờ vào đầu, thì có nghĩa là đã được ban phúc lành, bình an và mọi điều đều như ý nguyện. Hoạt Phật được xem là hoá thân của một vị thánh, nhà thông thái quá cố hay chư thiên. Trong các tự viện, người ta đều tôn vinh vị trụ trì là hoá thân của một nhân vật nổi tiếng nào đó. Thư Văn đã dần dần trưởng thành về đức tin và tâm hồn bà tràn ngập niềm tin tâm linh như người Tây Tạng.

Đời sống tinh thần của dân du mục Tây Tạng khá phong phú. Vào mùa hè, khi thời tiết ấm áp, bò cừu béo tốt, họ thường giao du, tổ chức các sinh hoạt tinh thần. Theo thông lệ, các tu viện sẽ tổ chức trình diễn nhạc kịch và đua ngựa truyền thống. Thư Văn đã xem một buổi trình diễn ca kịch trên lưng ngựa của các lạt ma được huấn luyện đặc biệt trong không khí sôi nổi, phấn khích của hơn nghìn người gồm dân làng và dân du mục khắp nơi. Những cử chỉ, chuyển động cách điệu của các nghệ sĩ lạt ma ngồi trên lưng ngựa đều là mô phỏng theo cuộc sống hàng ngày. Tuy sống khép kín trong tu viện nhưng họ hiểu rõ công việc, hoạt động bên ngoài. Hơn nữa, cũng không có khác biệt nhiều giữa trong và ngoài tu viện. Điều đó khiến Thư Văn suy ngẫm và đi đến kết luận: “Toàn bộ Tây Tạng là một tu viện vĩ đại. Ai ai cũng thấm nhuần một tinh thần tôn giáo như nhau, dù họ có mặc bộ áo tu hành hay không”(13). Và đã thành lệ, hôm trước diễn kịch thì hôm sau dành trọn cho trò đua ngựa. Không khí bao giờ cũng rộn ràng, náo nhiệt, tưng bừng. Tham gia lễ hội đua ngựa là những người đàn ông ở nhiều độ tuổi khác nhau tranh tài đua tốc độ, biểu diễn nhào lộn, bắn cung trên lưng ngựa đang phi.

Có thể nói, phong tục của người Tây Tạng đa dạng, phong phú, có nguồn gốc từ lối sống du cư quan hệ khắng khít với môi trường tự nhiên và gắn bó giữa người với người trong cộng đồng.

Mấy mươi năm sống du cư cùng người Tây Tạng, nay đây mai đó trên thảo nguyên bát ngát, qua những bãi đá mani trên các đỉnh núi thiêng, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, Thư Văn đã thành một phật tử có tuổi người Tây Tạng. Những đồng cỏ, sông hồ và núi thiêng đã xâm chiếm tâm hồn cô. Phong tục, lối sống, đời sống tâm linh, tình người đã chinh phục để rồi, chính cô tự nguyện trở thành một người phụ nữ rất Tây Tạng với “mùi da thuộc cũ kĩ, mùi sữa ôi và phân thú bốc lên nồng nặc”, mái tóc bạc tết thành hai bím rối bù, làn da nhăn nheo trông dạn dày nắng gió, câu cầu nguyện thầm niệm mỗi khi có điều lo nghĩ: án ma ni bát mê hồng vàvới cảm nghiệm linh hồn đã được sinh ra. Thư Văn mất người chồng yêu quý nhưng bù lại, cô đã nhận được bao điều có ý nghĩa từ cuộc sống Tây Tạng.

Trong hành trình đi tìm chồng, những điều Thư Văn đã thấy, cảm nhận, trải qua và hồi tưởng trong Thiên táng,đều là những đặc trưng độc đáo của nền văn hoá Tây Tạng. Hân Nhiên viết nên Thiên táng từ một câu chuyện cảm động về tình yêu nhưng giá trị và ý nghĩa của tác phẩm không chỉ giới hạn ở vấn đề con người. Publishers Weekly khẳng định: “Dệt nên từ những chi tiết cực kì thú vị về văn hoá Tây Tạng và Phật giáo, câu chuyện của Hân Nhiên được viết với một nỗ lực hoà giải đẹp đẽ và hết sức sâu sắc”.

                                                                                                               H.M.C

________________________

1.       Alexandra David Néel, Tây Tạng – Đạo sư và huyễn thuật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.7.

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13. Hân Nhiên, Thiên táng, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2009, tr.31, 52, 127, 189, 209, 231, 116, 123, 135, 191, 118, 202.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 370, tháng 4/2015



* Tiến sĩ, Trường Đại học Sài Gòn

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63676369
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20087
17595
63676369

Thành viên trực tuyến

Đang có 392 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website