Tọa đàm khoa học “Tưởng niệm GS.NGND. Lê Đình Kỵ”

       

Trong khuôn khổ Hội thảo thông báo Khoa học Ngữ văn 2014, vào sáng ngày 12/12/2014, tại phòng A001, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) đã diễn ra buổi tọa đàm: “Tưởng niệm GS.NGND. Lê Đình Kỵ” do Bộ môn Lý luận và Phê bình Văn học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ tổ chức. GS.NGND. Lê Đình Kỵ là một trong những nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình lớn trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, với nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu các vấn đề về: lý luận thơ ca, nguyên lý sáng tạo, chủ nghĩa hiện thực, văn học Nga, v.v.. Ông là giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV TP.HCM) từ năm 1980 đến năm 1998. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của các giảng viên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài Trường, cũng như của các HVCH, NCS của khoa VH&NN; và đặc biệt, còn có sự hiện diện của nhà giáo Ngô Kim Long – phu nhân giáo sư Lê Đình Kỵ.

        Mở màn buổi tọa đàm, GS.TS. Huỳnh Như Phương, Trưởng Bộ môn Lý luận và Phê bình Văn học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã phát biểu khai mạc. GS.TS. Huỳnh Như Phương đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng và những đóng góp giá trị của GS. Lê Đình Kỵ trong dòng chảy lý luận phê bình văn học Việt Nam hiện đại, cũng như nhân cách cao đẹp của một nhà giáo suốt đời bền bỉ với công tác giảng dạy, nghiên cứu.

        Phần chính của buổi tọa đàm là phần các nhà nghiên cứu trình bày các tham luận về sự nghiệp nghiên cứu – phê bình của GS.NGND. Lê Đình Kỵ.

       PGS. TS. Phạm Quốc Ca (Hội Văn nghệ Lâm Đồng) qua báo cáo Ý thức mới về Thơ Mới đã khẳng định vai trò trọng yếu của các nghiên cứu về Thơ Mới do GS. Lê Đình Kỵ thực hiện. Có thể nói, “Tập chuyên luận (Thơ Mới – Những bước thăng trầm) không chỉ “chiêu tuyết” cho Thơ Mới trước các quan điểm cực đoan, bảo thủ, đọc sai của một thời mà còn là tác phẩm tiêu biểu cho ý thức mới về Thơ Mới, là thành quả tốt đẹp của Đổi mới trên lĩnh vực văn học.”

        TS. Tào Văn Ân (Đại học Mở TP.HCM) với báo cáo GS. Lê Đình Kỵ bàn về chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam 1930 – 1945 đã phân tích những thành quả nghiên cứu về văn học lãng mạn Việt Nam nói riêng và chủ nghĩa lãng mạn nói chung của GS. Lê Đình Kỵ và xem đó là những quan niệm uy tín, tiến bộ.

        PGS.TS. Trần Thị Phương Phương (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cũng đóng góp vào tọa đàm với tham luận GS. Lê Đình Kỵ và vấn đề nghiên cứu văn học theo loại hình lịch sử. Qua bài viết, tác giả đã nhìn nhận cụ thể về một số quan niệm của GS. Lê Đình Kỵ trong công tác nghiên cứu, phê bình. Đặc biệt, tác giả khẳng định: “Lê Đình Kỵ trong các bài viết về Truyện Kiều, cũng như trong chuyên luận Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, dù chỉ ra những gần gũi của Truyện Kiều với văn học hiện thực chủ nghĩa trên nhiều phương diện bởi đó là một hiện tượng văn học đặc biệt có tính chất tiên báo cho sự phát triển của văn học Việt Nam hàng thế kỷ sau đó, nhưng vẫn khẳng định rằng về cơ bản nó thuộc loại hình văn học trung đại, mà phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, xét từ quan điểm loại hình lịch sử, không nằm trong đó.”

        ThS. Nguyễn Văn Hà qua báo cáo Tính nhất quán - đa dạng trong nghiên cứu, phê bình văn học của Lê Đình Kỵ đã nhận thức và phân tích sự hòa điệu giữa con người học thuật và con người nghệ sĩ làm nên giá trị đặc sắc của các trước tác lý luận – phê bình mà GS. Lê Đình Kỵ thực hiện. Theo đó, tác giả cho rằng: “Lê Đình Kỵ hội tụ được những phẩm chất rất đáng quý‎ của một nhà văn học tài năng: sự hài hòa, xuyên thấm vào nhau giữa nhà học thuật có tư duy luận l‎ý sắc sảo và nhà nghệ sĩ ngôn từ có tính cách phóng túng, tự do; một nhà lý luận, phê bình có quan điểm và nguyên tắc riêng. Điều đó làm nên phong cách nghiên cứu, phê bình văn học nhất quán và đa dạng của ông.”

        Báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong trước tác của Lê Đình Kỵ cho thấy góc nhìn của lớp nhà nghiên cứu trẻ đương đại khi tiếp cận với những di sản nghiên cứu do GS. Lê Đình Kỵ để lại. Tác giả bài viết đưa ra nhận định: “Riêng với chủ nghĩa hiện thực, ông đã tiếp cận vấn đề với tư cách là nhà lý luận văn học, nhà phê bình văn học, đồng thời là nhà văn học sử. Ở lĩnh vực nào, những nghiên cứu của ông cũng mang tính tiên phong và gây sự chú ý với giới chuyên môn, kể cả những tranh luận. Tuy nhiên, bất chấp những ý kiến trái chiều và những hạn chế nhất định, đóng góp của Lê Đình Kỵ trong việc nghiên cứu vấn đề chủ nghĩa hiện thực nói riêng và uy tín của ông đối với lý luận phê bình văn học Việt Nam nói chung là không thể chối cãi.”

        Tiếp đến, lần lượt một số nhà nghiên cứu trong và ngoài Trường như PGS.TS. Nguyễn Thành Thi, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, TS. Nguyễn Văn Hiệu, PGS.TS. Đoàn Lê Giang cũng đóng góp một số ý kiến, hồi ức, kỉ niệm đáng quý của mình về GS. Lê Đình Kỵ. Theo PGS.TS. Đoàn Lê Giang, thì GS. Lê Đình Kỵ là một nhà nghiên cứu uyên bác trên nhiều phương diện, với hàng loạt đóng góp cho nền học thuật: người đầu tiên áp dụng lý luận văn học phương Tây vào việc nghiên cứu văn học dân tộc, nhà phê bình văn học uy tín.

        Trong không khí vừa đậm đà màu sắc học thuật, vừa chân thành, ấm cúng, nhà giáo Ngô Kim Long đã xúc động chia sẻ sự cảm kích trước tấm lòng thương mến, nghĩa tình trọn vẹn và sự đánh giá công bằng, am hiểu của mọi người dành cho GS. Lê Đình Kỵ.

        Buổi tọa đàm đã khắc sâu vào lòng người tham dự những ấn tượng tốt đẹp về một GS.NGND với những công trình giàu giá trị, tâm huyết; một người thầy tận tụy, hết lòng với sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu; và đặc biệt, còn là về những vấn đề quan trọng, đột phá mà GS đã dày công tìm hiểu để làm nên một phần diện mạo nền lý luận – phê bình văn học Việt Nam hiện nay.

 

Danh mục website