(VH-NN). Bài tiểu luận môn Văn học Trung Quốc đương đại của SV Trần Phượng Linh, sinh viên Hệ Cử nhân tài năng khóa 2009 - 2013
HÀNH TRÌNH VƯỢT THOÁT VÀ KHÁM PHÁ BẢN NGÃ CÁI ĐẸP
Thân phận con người và ám ảnh tuổi thanh xuân luôn là những chủ đề lớn trong văn học nghệ thuật. Với mỗi người viết, nó lại được xác tín ở những góc độ khác nhau. Đới Tư Kiệt, qua tác phẩm Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, đã khắc họa tinh tế các khía cạnh của vấn đề này. Đó là một thời đại nghiệt ngã của tồn tại, một thời kỳ mê đắm của tuổi trẻ, một khoảnh khắc bừng sáng của sức mạnh văn chương. Tất cả chúng, cái bi, cái hài, cái hiện thực, hòa quyện với nhau, thành một bản tình ca vừa xót xa, vừa lộng lẫy.
Câu chuyện lấy bối cảnh vào thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, khu biệt lại trong vùng núi Phụng Hoàng hoang sơ mà quyến rũ, với mạch tự sự về hai tiểu trí thức – hai chàng trai trẻ từ thị thành về nông thôn để thực thi công cuộc tự cải tạo. Ở đây, họ đã gặp “cô bé thợ may Trung Hoa” của đời mình, và nếm trải tuổi thanh xuân với đủ dư vị say đắm, khốc liệt và ngỡ ngàng của nó. Tuy vậy, trên nền không gian nghệ thuật ấy, là lớp mạch chìm sâu xa của những tầng hàm ngôn. Bởi thực chất, Cách mạng văn hóa chính là sự chọn lựa của nhà văn trong việc xác lập khung nền sáng tạo, để từ đó triển khai những số phận và ý tưởng. Nói cách khác, thông qua cảm thức khắc nghiệt về thời đại, Đới Tư Kiệt đã thực hiện cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề thân phận còn trăn trở.
Lấy nhan đề Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, tác giả cũng có ý thức lạ hóa cách định danh tác phẩm. Từ đó, một cầu nối liên tưởng được lập nên giữa hai hình tượng. Balzac là nhà văn hiện thực phương Tây vĩ đại. Còn cô bé thợ may là một nhân vật vô danh, tồn tại nhỏ nhoi với một biệt hiệu riêng, duy nhất về bản thể. Ở đây, giữa hai chủ thể đối nhau bắt đầu xác lập quan hệ tương đương. Nói chung, mối liên kết gợi nhiều cách diễn giải. Đấy có thể là cái nhìn về sự tác động của văn chương đối với con người (thông qua tình huống cụ thể về cô bé và các tác phẩm của nhà văn ấy). Mặt khác, nó còn bao hàm cho sự đối sánh, va chạm giữa hai nền văn hóa: phương Đông và phương Tây, mà Balzac và Trung Hoa, đã là hai biểu tượng lớn mang hàm nghĩa.
Đặt vào cảnh nền của cuộc Cách mạng văn hóa, với sự tái hiện hiện thực trần trụi và u ám, tuổi trẻ trong truyện hiện lên với tất cả cảm giác cay đắng và nghiệt ngã. Đó là sự đánh mất tuổi thanh xuân trong hoàn cảnh kiềm hãm của đời sống. Lạc và Mã (người kể chuyện), hai thanh niên từ thành thị về với nông thôn, từ bỏ hoàn toàn đời sống bình thường để dấn thân vào quá trình “tự cải tạo” bất thường. Tuổi trẻ, cuối cùng, bị bỏ lại giữa vùng hoang vu, giữa cõi người u minh không biết đến cái đẹp văn hóa, giữa các cuộc lao động kiệt lực và sự che giấu cá tính bản thân.
Tuy vậy, nổi bật xuyên suốt mạch truyện, là thứ tình yêu vừa trong sáng, mát lành, vừa đắm say, gợi cảm. Tình yêu của tuổi thanh xuân rạng rỡ và lộng lẫy, như những cảnh miêu tả tính dục đầy chất thơ giữa Lạc và cô bé thợ may, như những nỗi nhớ nhung, sự ghen tuông và cảm giác mê hoặc trong tình yêu, trong cái đẹp nơi những người nam, người nữ trẻ trung. Dường như, tình yêu cũng là dòng chảy tinh khiết, bù đắp cho cái nghiệt ngã của quá trình tồn tại này, để điểm vào nó những đốm sáng nồng nàn. Một câu chuyện tình nhỏ, miêu tả tinh tế và say mê, đã được nhà văn lồng vào mạch cảm hứng chính. Có thể nói, tình yêu, trong truyện, vừa là một niềm hứng khởi, một nguồn cứu rỗi, vừa là sự khẳng định tinh thần nhân văn.
Để rồi, trong bức tranh thanh xuân của yêu đương và mộng mị ấy, câu chuyện lại dẫn đến những mối nối sâu hơn của các tầng tri nhận. Cùng với sự trải nghiệm việc trưởng thành về tình yêu, bản năng trong cái nền tuổi trẻ, là quá trình thức tỉnh và đấu tranh của con người để tìm kiếm bản ngã. Cách mạng văn hóa đã cách ly hai chàng trai với tri thức, buộc họ phải viện dẫn đến những phương cách khác nhau để thỏa mãn cơn khát của mỹ cảm và trí tuệ. Hình tượng tiếng đàn vĩ cầm, Mozart, chiếc đồng hồ, cái va ly đầy sách và những tác phẩm văn học thế giới như một hiện thực của cái đẹp đã bị tráo đổi thành tội lỗi, thành sự cấm kỵ và nỗi sợ hãi. Ở đây, tác giả đã tái hiện lại một cuộc tráo đổi các chân giá trị, khi có sự nhập nhằng giữa văn hóa, nghệ thuật và chính trị, tư tưởng. Những thành tựu văn minh của con người qua bao thời gian, bỗng tan nát như hình ảnh từng quyển sách bị thiêu rụi trong đám lửa. Sự nghiệt ngã của thời đại, có lẽ, gợi lên cảm giác mất mát và đau đớn buộc người ta phải truy vấn lại quá trình tồn tại.
Để rồi, trong quá trình “đày ải” và “tự đày ải”, những tín hiệu ấy đã đánh thức và di dưỡng ý thức ở con người về bản thể, về cái chân thiện mỹ. Nói cách khác, cái va ly đầy sách đã cứu rỗi cho sự thiếu thốn giá trị tinh thần nơi hai chàng trai. Những Balzac, Dumas, Flaubert, Hugo, v.v với dòng tư tưởng và thế giới nghệ thuật, trực tiếp mở ra cho người tiếp nhận khốn khổ ấy một chân trời mới. Phải nói rằng, đó là một quá trình “khai sáng” để lần giở những vỉa tầng sâu hơn, xa hơn của nhận thức, để nhìn thấu những dấu hiệu của thời đại, của con người. Và cứ thế, ý thức về bản ngã giữa cuộc đời, ý thức về cái đẹp giữa thế giới, dần trở nên rõ rệt. Hành trình quý báu ấy, đối với hai nhân vật, phải đánh đổi bằng nhiều rào cản, bằng sự liều lĩnh và khát vọng dấn thân để chiếm lĩnh trí tuệ. Đáng giá thay, các câu chuyện từ sách dường như cứu chuộc cho toàn bộ công cuộc nghiệt ngã.
Điều này gắn với bi kịch phải làm nhòa mình của cả một thế hệ. Quả vậy, với ý chí lật lại văn hóa của giai đoạn bấy giờ, lớp người đó buộc mình xóa đi bản sắc cá nhân và khát vọng riêng tư để có thể tồn tại an toàn. Xót xa ở đây, chẳng hạn, ăn món có thịt là một sự nhục nhã, và không giống những người nông dân, chính là tội lỗi. Trong truyện, những trí thức trẻ giấu cái tôi đi, để rồi luôn mơ về nó và bị nó ám ảnh. Như thế, cùng với sự tiếp xúc và tiếp nhận văn hóa thế giới, thông qua văn chương, khát vọng về cái tôi, về sự tự do được khơi dậy mạnh mẽ, trở thành một cảm quan lớn. Cái tôi và tự do là hai khía cạnh thống nhất biện chứng với nhau, gắn bó với vấn đề tồn tại. Đấy là sự tự do thể hiện bản thân và tự do lựa chọn phương cách hiện sinh giữa cuộc đời. Cách mạng văn hóa – một biểu tượng của sự ấu trĩ và lệch lạc, đã tước đoạt tàn nhẫn bản thể con người. Họ vong thân trong vòng xoáy quyền năng ấy, nhưng đã kịp thức tỉnh chân tính để cố gắng đấu tranh tìm kiếm chính mình. Tính đấu tranh thể hiện khá rõ rệt nơi Lạc và Mã, hình tượng hai thanh niên điển hình, có khả năng tự suy nghiệm và hành động dứt khoát. Ngoài ra, vấn đề này biểu hiện sâu xa hơn ở nhân vật cô bé thợ may. Những câu chữ, những truyện kể của Balzac mà người tình đem đến đã mở ra trong cô cái nhìn hoàn toàn mới về bản thân và cuộc đời. Từ đó, ý thức về cái tôi đã len lỏi, thấm suốt, rồi phát triển dần thành ý thức về giá trị của sắc đẹp, về mục đích được tự do và con đường chứng tỏ. Cô bé thợ may, một đối tượng không tên mà chỉ mang biệt hiệu, đã dần thoát ly cái hoang dã, để tiến đến những nấc cao hơn của quá trình tồn tại. Càng tiếp cận với nghệ thuật, người ta càng mang nhiều trăn trở về bản thể và cái đẹp. Như Lạc đã kể: “Cô nàng nói có chữ Balzac sát da thịt làm cô nàng cảm thấy thích, và cũng thông minh hơn.” Cái đẹp đã đánh động và khơi dậy bản năng của con người ở việc nhận thức chính mình, hướng đến mỹ cảm.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng văn hóa với những nghiệt ngã và ấu trĩ của nó, thì sự tự thức ấy là một quá trình khó khăn. Con người tồn tại trong khát vọng không nguôi về sự hiện sinh, về quyền – được – chọn, nhưng luôn bị những trở lực từ hiện thực phân tách mình với bản thể. Đấy là sự trăn trở mà nhà văn đã gieo vào tác phẩm dưới hình mẫu một cảm thức phi lý. Cái phi lý, với biểu tượng lớn nhất, là cuộc Cách mạng phi nhân tính nọ, gợi lên tình trạng hoài nghi sâu sắc về mục đích luận. Tuổi trẻ bị kiềm hãm, trí thức bị tẩy chay, con người buộc xóa mờ cá tính, tất cả những mòn mỏi ấy là cái phi lý của một cuộc tiêu diệt văn hóa hợp pháp. Nó đi ngược lại tự nhiên và quá trình phát triển, tức ngược với tiến bộ và nhân văn, tất yếu, sẽ đưa đến con đường cực đoan mà tận cùng là sự phi lý tàn nhẫn. Bởi vậy, phảng phất trong câu chuyện, là cảm thức bị lưu đày của một thế hệ, một lớp người. Ở nơi xa lìa văn minh ấy, thời gian là một vòng tròn khép kín, ý thức phản kháng bị mài mòn và đường về thì mù mịt. Câu hỏi tự thân của Lạc, lúc cuối truyện, mang ấn dấu tuyệt vọng đó: “Ai sẽ thả mình ra khỏi ngọn núi này.” Họ đã chịu lưu đày vì sự ấu trĩ có quyền năng của những cái phi lý giả nhân tính.
Nhìn chung, trong kết cấu tác phẩm, hai công cuộc “cải tạo” đã song song đồng hiện, gắn kết và đối lập với nhau. Trước hết, với ý chí nội tại, Cách mạng văn hóa mang tham vọng cải tạo con người bằng sự ngu muội và chấp nhận. Tuy vậy, ngầm sâu ở đó, chính văn học nghệ thuật đã cải tạo con người, bằng sự tự thức và hành động. Lạc và Mã như được tái khám phá chính mình, nhận thức nhân loại và thấu suốt đời sống. Cô bé thợ may bắt đầu ý thức về bản ngã, về cái đẹp và giá trị cá nhân. Hơn nữa, tự chính những người dân hoang dã, mộc mạc nơi đây, cũng được thỏa mãn với những bộ phim, những câu chuyện do hai chàng trai kể lại. Cứ như thế, hai cuộc cải tạo ấy cứ chồng xếp, song trùng lên nhau, như một dạng phản kháng.
Cũng như thế, từ cuộc cải tạo của nghệ thuật lên tâm hồn và hình thức con người, có thể thấy, nó đặt sự tri giác lên hai vấn đề, hai con đường: hài lòng (hoặc hạnh phúc) với sự vô minh, vì sự vô minh hay bắt đầu xáo trộn, dấn thân và trăn trở với sự ý thức, vì có ý thức. Nói cách khác, một cuộc đánh đổi đã diễn ra bởi quá trình tiếp nhận tri thức. Cuộc Cách mạng văn hóa kia, lấy u muội làm phương tiện để đơn giản hóa và đồng hóa con người. Như thế, tính cộng đồng mộc mạc sẽ thay thế cho dấu ấn cá nhân. Ở khía cạnh ngược lại, nghệ thuật nói chung, các tác phẩm văn chương nói riêng, đã biến đổi hoàn toàn một cô bé quê mùa thành người con gái đầy nhận thức. Cùng với nhận thức đó, cô đã lìa bỏ tình yêu giản dị ở vùng đất nghèo nàn, lìa bỏ hoàn toàn con người quá khứ, để dấn thân vào cuộc đời và hướng đến một nơi xứng đáng hơn. Bởi: “Cô ấy đã học được một điều từ Balzac: rằng vẻ đẹp của phụ nữ là một kho tàng vô giá.” Vào đoạn cuối, tác giả đảo lộn trật tự thời gian kể chuyện, để giấu câu nói này đến cuối tác phẩm. Nó đã tạo ấn tượng mạnh về sức tác động lớn lao của nghệ thuật. Còn trước đấy, câu chuyện miêu tả cảnh hai chàng trai cay đắng đốt hết mớ sách tuyệt diệu đã góp công cải hóa cô bé. Từng khao khát giúp cô văn minh hơn, thông minh hơn, nhưng khi điều ấy xảy ra, chính họ lại cảm thấy bị phản bội. Như thế, tính hai mặt của vấn đề hiện lên, làm dày thêm lớp hàm ngôn nơi tác phẩm. Thực chất, sự ra đi của cô gái là hiện thân cho khát vọng tự do luôn tiềm tàng từ mỗi bản thể. Việc đó không phải là bảo chứng cho hạnh phúc của cô, nó chỉ là kết quả của các điều kiện cần và đủ. Thế nên, chọn lựa con đường nào, cũng có thể là cội nguồn cho nhiều mâu thuẫn tự xưa nay trong đời sống nhân loại.
Vào những đoạn về cuối, tác giả không giữ điểm nhìn cố định ở Mã, nhân vật hư cấu ngôi thứ nhất nữa, mà chuyển dịch đều sang những người còn lại. Ở đó, người đọc được khám phá toàn thể góc độ, tâm lý và quan niệm của nhân vật, theo các khía cạnh phong phú và cụ thể. Thủ pháp này được nhà văn ứng dụng khá hiệu quả, gắn với thời điểm đột biến nhất của câu chuyện, chính là cái kết. Nó diễn tả tinh tế sự tác động của mỗi cá nhân trước thôi thúc của tình yêu, khát vọng và sự tồn tại, vốn đa chiều, phức hợp.
Nằm trong mạch truyện lớn là câu chuyện nhỏ về sự biến đổi của cô bé thợ may khi tiếp xúc với văn minh và văn học. Dường như, tác giả đã đi vào đề cập đến quá trình và tâm lý tiếp nhận, xảy ra trên bình diện con người và cộng đồng. Với Lạc và Mã, nó là sự thỏa mãn và khai mở, với dân làng, đó là cuộc giải trí, còn với cô bé thợ may, đó lại là một quá trình cải tạo. Có thể thấy, tâm lý tiếp nhận văn nghệ mang sức ảnh hưởng sâu sắc lên mọi bình diện trong đời sống con người và ở chính con người.
Có thể nói, Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, trước hết, là một câu chuyện kiệm lời và tinh tế. Bằng cách kể biết tạo điểm nhấn, tác giả đã hòa quyện tính hài hước, sự mê đắm và nỗi cay đắng thành sức lôi cuốn quyến rũ riêng. Với nhiều tầng hàm ngôn, tác phẩm phục dựng lại tâm thức của một thế hệ với tuổi trẻ bị đánh mất, không phải để tuyệt vọng, mà để biết quý trọng những giá trị cao đẹp của nhận thức và bản thể tồn tại.