Hội Kiều học Việt Nam vừa tổ chức Đại hội đại biểu Hội Kiều học Việt Nam nhiệm kỳ III (2025-2030) và bầu ra Ban chấp hành mới. Trong đó có 1 Chủ tịch là TS Nguyên An Nguyễn Quốc Luân và 5 Phó Chủ tịch. Hội sẽ bắt đầu một giai đoạn mới trên nền tảng xây dựng và phát triển theo tinh thần “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Ra mắt Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. |
Tính từ khi thành lập năm 2011 đến nay, Hội Kiều học Việt Nam đã tổ chức được 8 hội thảo khoa học như: “Dòng chảy văn hóa Việt từ “Truyện Kiều” đến phong trào thơ mới”, “Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều”, “Nguyễn Du, “Truyện Kiều” và quê hương Hà Tĩnh”, “Doanh nhân với “Truyện Kiều” và “Truyện Kiều” với doanh nhân”, “Giảng dạy và học tập “Truyện Kiều” trong nhà trường… Hội đã tổ chức 4 cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh được đông đảo các thành phần tham gia, và theo nhà nghiên cứu Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch Hội, có các em học sinh tiểu học đến cụ già 90 tuổi, có cả giáo sư, tiến sĩ, có công nhân, bộ đội... Nhà nghiên cứu Hoàng Khôi cho biết, như cụ Nguyễn Đình Cống có thể đọc thuộc xuôi ngược từ đầu đến cuối “Truyện Kiều”, nhiều vị có khả năng phân tích, lý giải chỉ ra nhiều bất ngờ, thú vị.
Hội còn tổ chức viết văn tế Nguyễn Du và xuất bản một tập văn tế riêng về đại thi hào với hàng chục bài văn điêu luyện. Đặc biệt, ấn phẩm “Truyện Kiều” do các nhà nghiên cứu của Hội đã chỉnh lý, hiệu khảo được hơn 600 từ trong số hơn 1.000 từ còn tồn nghi và được NXB Trẻ ấn hành, đến nay đã có 6 lần tái bản, được xem là một đóng góp cụ thể rất khoa học trong việc khảo chú “Truyện Kiều”.
Được biết, trong số nhiều hoạt động của mình, Hội còn tổ chức các cuộc thi và trao giải cho những tác giả có tác phẩm viết về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”; kết hợp với công ty tem ra mắt bộ tem về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”; tổ chức dàn dựng vở kịch “Hoạn Thư ghen” được Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021; ra mắt phim tài liệu “Trăm năm trong cõi “Truyện Kiều” trên VTV; ra mắt các tập san “Cõi người ta”, “Kiều học Việt Nam”…
Quy tụ nhiều nhà nghiên cứu và những người yêu mến, tìm hiểu về “Truyện Kiều”, Hội đã phát triển nhiều hội và chi hội cơ sở tại Nghệ An, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Liên hiệp câu lạc bộ thơ lục bát, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Đà Nẵng... Các đầu mối này cũng thường phối hợp tổ chức các hình thức sinh hoạt như lẩy Kiều, ngâm Kiều, đố, giảng Kiều. Đặc biệt là kết hợp với các trường để quảng bá, tôn vinh “Truyện Kiều” và đại thi hào Nguyễn Du.
Những đóng góp của Hội trong hơn 10 năm qua đã được ghi nhận ở nhiều cấp. Trong đó có bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hà Tĩnh...
Hoàng Hoa
Nguồn: Thời nay, ngày 04.4.2025.