Tranh: Kiều và Thúc Sinh, tác giả: họa sĩ Đinh Quân
Giá trị lớn lao của Truyện Kiều không chỉ ở việc Nguyễn Du đề cập đến hiện thực phong kiến, đến người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh, mà Truyện Kiều còn là nỗi khắc khoải và suy tư khôn nguôi của nhà thơ về cõi tồn sinh bao la đầy những ngẫu nhiên vô thường, bất định và bất trắc, về giới hạn của con người và phận người nói chung, về giá trị của con người, về thân phận của cái Đẹp..., những vấn đề tạo nên sức sống và sức hấp dẫn lâu bền của tác phẩm.
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Những dòng thơ cuối cùng khép lại Truyện Kiều khiến người đọc hình dung mình vừa được nghe Nguyễn Du kể một câu chuyện, câu chuyện về thân phận nàng Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, một người con hiếu đễ, một người đàn bà đa cảm và chung tình dù đã bao phen phải “lăn lóc đá” trong trần ai dâu bể và chữ trinh đã không còn giữ trọn… Được sáng tác dựa trên câu chuyện của Thanh Tâm tài nhân bên xứ Tàu, nhưng Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành câu chuyện chung vể “cõi người”, về kiếp người, và người đọc dù ở xứ sở nào, ở thời nào cũng còn và sẽ còn tiếp tục được thổn thức cùng ông. Có thể tin rằng, người đọc ở Pháp, Anh, Tiệp Khắc, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Australia, Nhật Bản…, những xứ sở xa xăm kia, dù có thể chẳng có mấy ai biết rõ, nhớ kỹ và quá bận tâm về lịch sử “những năm Gia Tĩnh triều Minh”, về hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam, hay về thái độ chính trị của Nguyễn Du, về chuyện “tài mệnh tương đố”, về “giải pháp chữ Tâm” (dù những chuyện như thế đều có cả)…, nhưng chắc chắn điều còn đọng lại sau khi gấp trang cuối cùng của cuốn sách là một nỗi khắc khoải khôn nguôi về cõi đời và kiếp người muôn thuở mà tác phẩm vĩ đại của một nghệ sĩ vĩ đại đã khai tâm mở trí cho họ, mà trong đó bức tranh về hiện thực phong kiến, những biến cố trong cuộc đời 15 năm truân chuyên lưu lạc của Thúy Kiều… chỉ là những phương diện hình ảnh hóa khác nhau cái tâm sự khắc khoải về kiếp con người của nhà thơ thiên tài ấy. Nỗi khắc khoải khôn nguôi về tồn sinh, chắc chắn đó là một trong những lý do cơ bản nhất khiến Truyện Kiều trở thành câu chuyện chung của bao người và luôn khiến người ta phải say đắm.
Đọc Truyện Kiều, không thể nói rằng Nguyễn Du không ít nhiều bị “trói” vào cái tiên đề “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan bạc phận” ,“hồng nhan đa truân” hay “hữu thân hữu khổ” trong những trầm tư của ông về thân phận người phụ nữ qua hình ảnh một con người cụ thể: người phụ nữ tài sắc, tài tình Thúy Kiều. Trong đoạn mở đầu, Nguyễn Du đã viết:
- Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau,
- Rằng hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
Gần cuối tác phẩm, khi nói về nỗi truân chuyên của Kiều, sư Tam Hợp đạo cô lại phán như một lời giải thích:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Và cuối cùng, khi kết thúc thiên truyện, Nguyễn Du cũng lại lặp lại ám ảnh về mệnh trời:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Nhưng đó có thực sự là tiền định hay mệnh trời – một sự bày đặt, sắp sẵn của tạo hóa cho từng con người theo cách hiểu thông thường? Xét về hình thức và tiến trình các sự kiện dọc theo diễn tiến của cốt truyện, một tiên đề như thế quá ứng với thân phận của Thúy Kiều, một tấm thân như chiếc bách giữa dòng, trải qua “hết nạn nọ đến nạn kia” trong suốt quãng đời mười lăm năm lưu lạc. Nhưng nếu từ sự tương ứng giữa tiên đề tài – mệnh tương đố và những bất hạnh mà Kiều phải gánh chịu trong mười lăm năm lưu lạc rồi xem Truyện Kiều như là sự minh giải cho thuyết tương đố tài mệnh ấy thì e rằng khó mà nói hết được tầm vóc và tâm sự của Nguyễn Du cũng như sức sống các tác phẩm của ông. Sống trong bể phong kiến phương Đông, được hưởng thụ và thấm nhuần nền tảng giáo dục Nho giáo và thực hành sáng tạo trong một không gian văn hóa mà ở đó ngôi Vua và mệnh Trời là quyền uy tối thượng, đứng trước thân phận nàng Kiều, Nguyễn Du khó có thể và cũng chưa thể nói khác. Việc bị “trói” vào ý niệm mệnh trời để giải đáp cho phận người ở Nguyễn Du là có thật, nhưng với những gì nhà thơ nói về nàng Kiều trong suốt thiên truyện lại cho chúng ta nhìn vấn đề theo cách khác: ý niệm mệnh trời ấy là khá lỏng lẻo, có khi bị mờ đi và thay vào đó là một nghiệm sinh sâu sắc về nhân sinh và kiếp người mà ở đó chuyện mệnh trời cùng những ý niệm khác có liên hệ như chuyện tương đố tài – mệnh, chuyện nhân – quả, chuyện duyên, chuyện luân hồi, chuyện tu tâm,… chỉ là một cái khung của những khái niệm, nó như đến từ bên ngoài và là cái đến sau (nếu không muốn nói đó là một sự ghép vào), đi sau sự thấm thía, thấu cảm của Nguyễn Du về những dâu bể của nhân sinh, về những khổ đau mà kiếp người phải chịu đựng, về thân phận của cái Đẹp,... Tương tự như vậy, cũng khó có thể ổn khi cho rằng có một Nguyễn Du xác tín vào sự chi phối của mệnh trời và một Nguyễn Du quá thực tế khi viết về “những điều trông thấy”, mà Truyện Kiều phải được xem là một thế giới thống nhất, ở đó lẫn lộn, xen kẽ nhau những sự thực khả tri và sự thực bất khả tri. Và vì vậy, đi xa hơn ý nghĩa một bức tranh về hiện thực phong kiến và thân phận người phụ nữ trong bể phong kiến ấy, Truyện Kiều còn cấp thêm cho người đọc những trắc diện khác của tồn sinh – đời sống của những điều chưa biết và khó có thể lý giải một cách tường minh. Có thể hình dung Truyện Kiều của Nguyễn Du là một cuốn truyện lớn trong đó có rất nhiều tiểu truyện được đặt cạnh nhau, có khi lồng vào nhau với nhiều câu chuyện, có những chuyện nói về thiên định, có những chuyện lại nói về nhân định (Nguyễn Du chẳng đã để cho Kim Trọng nói lời nài nỉ Thúy Kiều về việc “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” khi hai người tự tình bên hiên Lãm thúy đó sao!), mà ở đó nhân định là “những điều trông thấy”, là những điều thuộc thế giới ngoại hiện có thể tri giác và giải thích được, còn thiên định là những bí ẩn, những sức mạnh có thực nhưng vô hình của con tạo mà Nguyễn Du, trước những đau đớn cùng cực của nàng Kiều đã chưa thể trả lời được cạn kiệt cái câu hỏi vì sao một con người tài sắc như thế, đức hạnh như thế lại phải đưa đôi vai mỏng manh của phận nữ nhi ra gánh chịu tất cả những oan khiên dâu bể. Niềm băn khoăn của Nguyễn Du phải chăng thuộc về sự thực bất khả tri và thậm nan tri của tồn sinh, vấn đề không chỉ của ông, của thời đại ông, mà là vấn đề của muôn muôn kiếp người cho đến nay vẫn tiếp tục loay hoay tìm lời giải, còn trong thời đại của mình, nhà thơ họ Nguyễn đã hình thức hóa nó bằng khái niệm và ý niệm mệnh trời?
Tồn sinh với Nguyễn Du là một cõi luôn bất định và chứa đầy bất trắc. Trước Truyện Kiều, trong bài Mạn hứng (Thanh Hiên thi tập), Nguyễn Du từng ví mình với tấm thân sáu thước trôi nổi lênh đênh trong vòng trời đất (Lục xích phù sinh thiên địa trung), nên câu chuyện “thương hải tang điền” có đâu còn xa lạ, vì đó không chỉ là những câu chuyện đời mà ông từng thực mục sở thị mà còn là những câu chuyện thuộc về chính sự trải nghiệm của ông:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Trong cõi tồn sinh bất trắc và bất định ấy, cuộc đời Thúy Kiều là triền miên một tâm trạng lo âu và bất an, có nỗi lo âu cụ thể, có nỗi lo âu mơ hồ, mang tính chất tiên cảm, có những nỗi lo âu vô cớ. Nhiều lần nàng sợ những sự thực hiện hữu, đó là sợ sự ô nhục ở chốn lầu xanh, sợ sự trừng phạt của Tú Bà khi đi trốn cùng gã Sở Khanh ở lầu Ngưng Bích, sợ phận mình “như con én lạc đàn” sợ “làn cây cong” khi ở lầu xanh ở châu Thai sau khi nghe lời Bạc bà đi theo Bạc Hạnh, sợ những đòn ghen của Hoạn Thư sắc sảo khôn ngoan mà độc địa, sợ sự “lạt phấn phai hương” của chàng Thúc Sinh, sợ sự “đổi trắng thay đen” của người đời,… Những mối lo âu hữu hình ấy ở Kiều có cơ sở từ sự gập ghềnh dâu bể của đời mà Kiều đã phải chịu đựng và từ thế thái nhân tình còn quá nhiều sự trớ trêu, thù nghịch với những ước muốn thường tình nhưng cũng rất thanh cao của con người.
Nhưng đâu chỉ có thế. Phận người quá nhỏ nhoi trong kiếp phù sinh bao la và thời gian miên viễn, chẳng biết đâu mà định trước. “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”! Suy tư, thổn thức khôn nguôi về kiếp người đã đẩy nỗi lo âu của nàng Kiều và cũng là nỗi lo âu của Nguyễn Du đi xa hơn, và đây mới là điều đáng nói: lo âu phận người quá mỏng manh trước bao la vô định và đầy bất trắc của tồn sinh, một nỗi lo âu muôn thuở và khó gọi thành tên của kiếp con người mà nàng Kiều tài sắc chỉ là một cá thể đại diện.
Khởi đầu cho nỗi lo âu ấy là trong lễ hội Đạp thanh, khi nghe Vương Quan kể chuyện nàng ca nhi Đạm Tiên xưa tài sắc mà bất hạnh, Thúy Kiều đã quá nhạy cảm, đã sụt sùi nước mắt ngắn dài, vừa khóc thương cho người tài hoa vắn số, vừa sợ biết đâu nỗi bất hạnh ấy lại vận vào mình:
Rằng hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu!
Nỗi niềm nghĩ đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào.
Trong cuộc đời Kiều, không ít lần, dường như cứ mỗi lần tiệm cận với hạnh phúc thì nàng lại giật mình thảng thốt, lo sợ. Lúc gặp Kim Trọng thì:
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?
và một lúc khác, khi gặp Thúc Sinh, nàng lại lặp lại nỗi lo âu ấy:
Sắn bìm chút phận cỏn con
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?
Trong đời Kiều, có lẽ mối tình giữa nàng với Kim Trọng là mối tình thi vị và lý tưởng nhất, vì đó không chỉ là mối tình của “người quốc sắc, kẻ thiên tài” mà còn là mối tình mà khi có nó Kiều được sống với đúng giá trị của mình nhất, giá trị kể cả khi nàng xót xa nói với chàng Kim lúc đoàn viên rằng nàng không còn được là con người của ngày xưa (Thiếp từ ngộ biến đến giờ / Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa). Thế nhưng, trong mối tình đó, nàng cũng nhiều âu lo nhất, âu lo từ đầu đến cuối. Nàng âu lo vì tình yêu đẹp thường mong manh và âu lo vì không biết đó là mơ hay thực, hay hạnh phúc chỉ là một trò đùa của tạo hóa. Ngay trong lần hội ngộ đầu tiên kể từ sau lễ hội Đạp thanh, nàng đã sợ hạnh phúc chỉ là một thứ ảo ảnh:
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa sẽ là chiêm bao?
Và rồi, dù suốt mười lăm năm lưu lạc có bao giờ nàng thôi nhớ về Kim Trọng, nhưng khi gặp lại nhau, được chạm tay vào hạnh phúc thì nàng vẫn không dám tin cuộc đoàn viên đó là có thực:
Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.
Đó là nỗi lo âu có thể hiểu được của một người vì đã trải qua quá nhiều đau khổ nên không dám tin vào hạnh phúc. Nhưng điều quan trọng hơn, qua bao năm trầm luân, Kiều đã chua xót nhận ra rằng vận mệnh của nàng chưa bao giờ được nàng nắm giữ, nó thuộc về kẻ khác và những quyền lực khác. Đó là nỗi lo âu của người có mình mà luôn sợ mất mình, mình không được là mình.
Như đã nói, tồn sinh luôn bất định và bất trắc, khó lường, Kiều càng dấn sâu vào kiếp phù sinh thì sự bất trắc, bất định và khó lường ấy càng hiển hiện rõ ràng. Đời Kiều có biết bao lần mọi thứ đến một cách ngẫu nhiên, cả hạnh phúc lẫn những điều tai bay vạ gió. Nguyễn Du thấm thía sự hiện diện của cái ngẫu nhiên ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên giữa Thúy Kiều và Kim Trọng:
Rằng: từ ngẫu nhĩ gặp nhau,
Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.
Kim Trọng có mặt trong đời Kiều từ một khoảnh khắc ngẫu nhiên trong tiết Thanh minh rồi trở thành một mối tình mãi mãi vương vấn, khắc khoải, kể cả khi nàng đã gặp Từ Hải và có với Từ một tình yêu đủ đầy vì lúc này nàng không chỉ được tôn trọng mà còn được trao quyền thực hành cái việc đền ơn trả oán (Tiếc thay chút nghĩa cũ càng / Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng). Hạnh phúc đến là không hẹn trước và bất hạnh, bất trắc cũng đến theo cái cách mà Kiều chẳng thể nào đoán định, nàng chỉ cảm nhận mơ hồ rồi than thở, tự an ủi mình, tự coi đó là sự sắp đặt của tiền định. Kiều không thể ngờ ngay sau tiết Thanh minh và ngay sau khi vừa chạm mặt một tình yêu hứa hẹn lộng lẫy và rõ ràng lại là khởi đầu cho quãng đời oan nghiệt, dâu bể mà chỉ mình nàng gánh chịu. Khi Kim Trọng phải trở về Liêu Dương hộ tang cho chú, Kiều đã ngậm ngùi than thở:
Ông Tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.
“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Kiều và Kim Trọng vừa thề bồi (Tấc tơ căn vặn tấc lòng / Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương) thì “sự đâu sóng gió bất kỳ” đã đến, không chỉ nàng phải xa Kim Trọng mà gia đình nàng còn vướng vào oan án và nàng phải liều bán mình để chuộc cha, phải tự mình đành quên những lời mà hai người vừa “đinh ninh hai mặt một lời song song”, rồi xót xa trao duyên cho người em gái Thúy Vân, còn mình thì tiếp tục bị xô đẩy sâu vào cõi bất định đầy trắc trở của kiếp phù sinh. Biết bao lần Kiều đã hi vọng rồi ngay sau đó là thất vọng và tuyệt vọng. Quá nhục nhã nơi lầu xanh Tú Bà ở Lâm Truy, Kiều đã âm thầm định thoát thân cùng Sở Khanh để thoát ra khỏi nỗi đau ê chề của phận gái ở chốn này khi nàng lầm tưởng rằng Sở Khanh là người có thể đóng vai trò “ra tay tế độ vớt người trầm luân” qua những lời nói hùng hồn của một người đầy uy quyền và sức mạnh chở che (Lặng nghe, lẩm nhẩm gật đầu/ Ta đây phải mượn ai đâu mà rằng!/ Nàng đà biết đến ta chăng/ Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi !), mà nàng đâu biết rằng Sở Khanh cũng có khác chi Tú Bà, cũng chỉ là một người chuyên nghề buôn hương bán phấn, rắp tâm cùng với Tú Bà đẩy nàng vào thế cùng, không có lối thoát thân. Bể đời mênh mang, phận người trôi nổi, làm sao Kiều hiểu hết ngọn ngành và những lập luận man trá của người đời. “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”. Quá nhiều lần Nguyễn Du đã nói về cõi mênh mang vô định khó nắm bắt của cuộc đời và cái bất khả tri của lòng người khôn lường, càng đi xa thì càng thấy hun hút, thăm thẳm:
Đây là tâm trạng của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Và khi đã thành vợ lẽ của Thúc Sinh:
E thay những dạ phi thường
Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông.
Cho đến khi bọn Khuyển, Ưng nghe lời Hoạn Thư đưa Kiều xuống thuyền đi Vô Tích, Kiều rơi vào trạng thái hoang mang, chưa biết có gì đón đợi nàng phía trước:
Lãnh lời nàng mới theo sang,
Biết đâu địa ngục thiên đàng là đâu.
Rồi khi Kiều quyết trốn khỏi Quan Âm các, nàng hoàn toàn buông xuôi, phó thác mình cho số phận đưa đẩy:
Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Dù sau màn báo ân trả oán, Kiều được hạnh phúc tràn trề bên Từ Hải, nhưng vì đã trải qua quá nhiều những bất ngờ “tai bay vạ gió” trong đời nên nàng cũng không thể bình tâm:
Rồi đây bèo hợp mây tan
Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu.
Và cuối cùng, khi ngồi trong thuyền trên sông Tiền Đường sau khi bị Hồ Tôn Hiến ép gả cho người thổ quan, nỗi bất an trước ngẫu nhĩ tồn sinh vẫn gắn chặt với nàng:
Chân trời mặt bể lênh đênh
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào…
Những câu thơ ấy là tâm sự của Kiều, nhưng cũng là tâm sự của Nguyễn Du. Những cách hình dung về số kiếp nổi nênh của con người qua những hình ảnh “hoa trôi man mác”, “rốn bể”, “đáy sông”, “phận bèo” lênh đênh, “hạc nội mây ngàn”, “chân trời mặt bể”… làm sao không khiến người đọc liên tưởng, rằng con người sao mà quá nhỏ nhoi trước tạo hóa và trước dâu bể cuộc đời! Xao xuyến, hoang mang trước vô định cuộc đời là tâm sự rất thật của Nguyễn Du.
Đời Kiều còn luôn gắn với những khúc quanh của số phận mà ở đó nàng buộc phải lựa chọn mình, trong đó phần lớn là những lựa chọn đầy đau đớn. Nhìn lại quãng đời mười lăm năm lưu lạc, có bao giờ nàng thôi phải đứng trước những ngã rẽ mà nàng chỉ có quyền chọn lấy một trong số ấy. Còn nhớ, khi đối diện Kim Trọng trong đêm tình tự, trước những lời “có chiều lả lơi” của chàng Kim, dù say đắm người yêu đến bao nhiêu, nhưng nàng vẫn đã chọn thái độ đúng mực để giữ mình, mặc dù sau này khi bị rơi vào cảnh “bướm chán ong chường” ít nhiều nàng tỏ ra ân hận, tiếc nuối (Nhị đào thà bẻ cho người tình chung):
Vội chi liễu ép hoa nài
Còn duyên ắt lại đền bồi có khi.
Và trong một tình thế phải lựa chọn khác, khi cha bị vu oan, Kiều lại phải tự mình âm thầm cân phân giữa tình và hiếu:
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Lựa chọn giữa tình và hiếu là một sự lựa chọn nghiệt ngã. Nghiệt ngã vì cả tình và hiếu với nàng đều xứng đáng để lựa chọn, và nghiệt ngã vì sau sự lựa chọn, nàng ngậm ngùi xót xa trao duyên cho người em gái và phải tự từ khước cái hạnh phúc không thể lý tưởng hơn của mình.
Trong tất cả các tình huống đặt Kiều vào tình thế lựa chọn, trừ tình huống buộc phải cân phân nặng nhẹ giữa tình và hiếu, những sự lựa chọn còn lại của Kiều thực chất là sự lựa chọn để cứu chuộc mình, để mình phải được là mình. Và vì vậy, dù những lần buộc phải lựa chọn như thế luôn đi kèm sự đau đớn, nhưng điều thú vị là, những thời khắc lựa chọn mình ấy của Kiều lại khiến nàng lộng lẫy hơn, và ở đó người đọc nhìn thấy rõ ràng hơn cái nhìn trọng giá trị tinh thần thanh cao của Nguyễn Du. Nhìn ở góc độ này, Kiều có thể được xem là một biểu tượng đẹp, bởi trong những thời khắc chọn lựa, tiếng vọng lương tâm luôn thôi thúc Kiều, luôn dẫn Kiều hướng về phía đức hạnh và sự khao khát những giá trị tinh thần thanh cao. Kiều đã nhiều lần lựa chọn cái chết quyên sinh, hoặc lựa chọn sự chấp nhận đau đớn thân xác để chống chọi lại với tình trạng bị đánh mất mình. Nàng chọn cái chết quyên sinh ở lầu xanh mụ Tú Bà để thực hiện tâm nguyện phải “thác trong” để tránh điều “sống đục”:
Sợ khi ong bướm đãi đằng
Đến điều sống đục, sao bằng thác trong!
Nàng chấp nhận những trận đòn tan xương nát thịt nơi cửa quan khi là vợ lẽ của Thúc Sinh và bị coi là tuồng “mèo mả gà đồng” để tránh nỗi ô nhục khi có nguy cơ bị đẩy vào lầu xanh một lần nữa:
Một là cứ phép gia hình,
Một là lại cứ lầu xanh phó về.
Nàng rằng: đã quyết một bề,
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần.
Đục trong thân cũng là thân,
Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình.
Và nàng quyết định gieo mình xuống sông Tiền Đường sau khi bị Hồ Tôn Hiến ép gả nàng cho viên thổ quan để giữ sự trung trinh của đạo nghĩa vợ chồng với Từ Hải, một người mà vì nàng đã phải gánh chịu cái chết oan nghiệt của một đấng anh hùng:
Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông.
Trong những lần phải lựa chọn của Thúy Kiều, chỉ duy nhất một lần lựa chọn của nàng khiến người đọc phải phân vân, đắn đo, thậm chí là hình ảnh đẹp của nàng ít nhiều bị lung lay, đó là lúc nàng khuyên Từ Hải quy hàng Hồ Tôn Hiến. Nhưng ngẫm ra, làm sao người đọc không đồng cảm với Kiều trong sự lựa chọn ấy được, khi mà, một cách rất thường tình, Kiều muốn có một sự bình yên cho mình và cho bố mẹ sau bao năm gió dập cát vùi, sao cho cả công tư đều trọn vẹn:
Công tư vẹn cả hai bề,
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng vỗ, hãi hùng cỏ hoa.
Có những lựa chọn đưa Kiều thành một hình tượng đẹp để ngưỡng mộ, nhưng lựa chọn này của Kiều lại khiến người đọc nhìn thấy ở nàng một khía cạnh khác, khía cạnh rất đời và rất cận nhân tình. Trong cảm xúc của Nguyễn Du, Kiều vừa là hình ảnh lý tưởng hóa, vùng vẫy trước bể đời phàm tục để hướng đến sự cao khiết, vừa là hình ảnh thực tại hóa, gắn với những đau khổ rất đời và những ước mơ cũng rất thường tình của con người.
Nguyễn Du có nhiều tác phẩm hay được viết từ cảm hứng của nhà thơ trước những người phụ nữ có tài có sắc mà bạc mệnh. Ngoài Truyện Kiều, ông còn có bài thơ Long Thành cầm giả ca, Điếu La Thành ca giả ngậm ngùi xót thương cho số kiếp người ca kỹ, hay Độc Tiểu Thanh ký là tiếng nói xót xa về nàng Tiểu Thanh có tài cầm kỳ thi họa nhưng bạc phận và yểu mệnh… Viết về những người phụ nữ như thế, trước hết bắt đầu từ lòng trắc ẩn của nhà thơ đối với những phụ nữ tài sắc mà bạc phận. Nhưng cũng từ tính chất phổ biến của kiểu hình tượng ấy, người đọc cũng không khó nhận ra Nguyễn Du là người luôn đề cao và trân trọng những giá trị tinh thần của con người. Thành ra, với Nguyễn Du, vấn đề mà ông phải day dứt, khắc khoải có lẽ còn rộng lớn hơn, vượt ra ngoài thái độ thương xót ngậm ngùi cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nói khác đi, việc Nguyễn Du hay ám ảnh với hình ảnh những người phụ nữ đẹp, tài hoa mà bất hạnh cũng đồng nghĩa với sự ám ảnh của ông về những giá trị tinh thần thanh cao bị chà đạp. Vì vậy, câu chuyện mà ông kể về người con gái đẹp bất hạnh trong xã hội phong kiến đã gợi ra một câu chuyện khác, một câu chuyện không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian: câu chuyện sự khắc khoải của nhà thơ về số phận của cái Đẹp. Nhìn ra thế giới, trong thơ ca từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ý niệm về cái Đẹp thường gắn với hình ảnh người phụ nữ. Edgar Allan Poe (1809 – 1849), một nhà thơ lãng mạn hàng đầu của văn học Mỹ từng nói trong “Nguyên lý thơ ca” (Poetic principle) rằng: “Cái chết của một người phụ nữ đẹp, không nghi ngờ gì nữa, là chủ đề thi vị nhất trên thế gian”, và từ xa xưa, khái niệm Nàng Thơ (La Muse) đã từng là một khái niệm dính chặt với ký ức và cảm xúc của hàng hàng lớp lớp các thế hệ thi nhân qua các thời đại khác nhau trong lịch sử thơ ca. Bởi vậy, khi Nguyễn Du xót thương cho nàng Kiều, cho người ca kỹ ở Long Thành, ở La Thành hay cho nàng Tiểu Thanh… thì vấn đề không chỉ bó hẹp trong câu chuyện về thân phận người phụ nữ nữa, mà đó còn là thân phận của cái Đẹp. Cái Đẹp quá mong manh, cái Đẹp đang bị đối xử bất công, hãy cứu vãn cái Đẹp trước thói đời phàm tục đầy giả dối và toan tính phải chăng là những suy tư sâu xa, là một phần trong những chiêm nghiệm sâu sắc về “cõi người” mà trong khi đi trước thời đại của mình, trong Độc Tiểu Thanh ký nhà thơ muốn ký thác cho hậu thế:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Trong Màn giáo đầu ở nhà hát mở đầu bi kịch Faust của Goethe, một thi sĩ và nhà viết kịch hàng đầu của dân tộc Đức (1749 – 1832), có một cuộc tranh luận về giá trị và ý nghĩa của một tác phẩm văn học giữa ba nhân vật: ông giám đốc nhà hát, một nhà thơ và là nhà soạn kịch và một diễn viên hề. Từ cuộc tranh luận đó, quan niệm của Goethe về một tác phẩm có giá trị được xác định: tác phẩm có giá trị là tác phẩm mà ở đó nhà văn vừa nói được những câu chuyện đương thời, đáp ứng những đòi hỏi trước mắt, nhưng đồng thời cũng phải là một tác phẩm có thể “lưu danh hậu thế”, nói được những vấn đề có tính chất phổ quát, muôn thuở. Từ quan niệm của nhà văn vĩ đại của dân tộc Đức rồi nhìn sang văn học Âu – Mỹ nửa sau thế kỷ XVIII và những năm đầu của thế kỷ XIX (với những sáng tác của một số nhà văn gần và cùng thời với Nguyễn Du và cũng gần với thời điểm ra đời của Truyện Kiều), và nếu có công so sánh một chút giữa nàng Kiều của Nguyễn Du với nàng Manon Lescault (trong Manon Lescault của Prévost, 1731), nàng Pamela (trong Pamela hay đức hạnh được đền bù của Richardson, 1747), nàng Julie (trong Julie hay nàng Héloise mới của J. J. Rousseau, 1761), nàng Lothée hay nàng Margaret (trong Nỗi đau của chàng Werther và bi kịch Faust của Goethe, 1774 và 1832), nàng Virginie (trong Paul và Virginie của Bernadin de Saint Pierre, 1793), nàng Atala (trong Atala của Chateaubriand, 1802)… chúng ta hiểu thêm về tầm vóc của Nguyễn Du và cũng tự hiểu được vì sao Truyện Kiều lại đi được rất xa ngoài biên giới Việt Nam đến như vậy. Qua tác phẩm Truyện Kiều, người đọc có thể hiểu được thái độ của Nguyễn Du đối với những mặt trái của hiện thực phong kiến, hiểu được lòng trắc ẩn của nhà thơ đối với phụ nữ, với những người tài sắc mà bất hạnh. Nhưng ý nghĩa của Truyện Kiều không chỉ đóng khung ở đó. Với người đọc hậu thế và ở những phương trời khác nhau, người ta đọc được từ tác phẩm của ông nhiều hơn thế. Tiềm năng cộng cảm của Truyện Kiều là rất lớn, bởi tác phẩm của thi hào họ Nguyễn đã chạm được vào những vấn đề có tính nhân loại và muôn thuở. Từ thân phận một con người, cụ thể là Thúy Kiều, người đọc như nhìn thấy Nguyễn Du đang trầm tư trên nhiều vấn đề lớn, những vấn đề không bị giới hạn bởi không gian và thời gian xác định. Đó là vấn đề tình thế của con người nói chung trong tồn sinh bất định và bất trắc, là sự chi phối của những ngẫu nhiên, vô thường của đời sống, là sự tìm kiếm giá trị con người, là chuyện thân phận của cái Đẹp, chuyện giới hạn của phận người, chuyện khoảng cách giữa ước muốn và khả năng thực hiện ước muốn, chuyện lý tưởng và hiện thực,... Cùng thời với Nguyễn Du, nhìn qua văn học từ Đông sang Tây, có bao người mà chỉ trong một thiên truyện với trên 3000 câu thơ nhưng nhà thơ vừa nói được, vừa gợi ra được nhiều điều đến thế!
TP Hồ Chí Minh, 15/11/2015
Nguyễn Hữu Hiếu
Đã in trong sách: Khoa Văn học và Ngôn ngữ (2015), Đại thi hào dân tộc Danh nhân văn hóa Nguyễn Du - Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, trang 339-349.