Tọa đàm khoa học: Văn bia sứ thần Việt Nam ở Sơn Đông – Trung Quốc (Nghiên cứu điền dã và những phát hiện thú vị)

K.VH - Sáng ngày 29-8-2024 Phòng Nghiên cứu Hán Nôm Khoa Văn học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học “Văn bia sứ thần Việt Nam ở Sơn Đông – Trung Quốc (Nghiên cứu điền dã và những phát hiện thú vị)”.

20240917

GS. TS. Trần Ích Nguyên (Chen Yiyuan) trường Đại học Quốc lập Thành Công – Đài Loan

Tọa đàm khoa học với sự chủ trì của PGS.TS. Lê Quang Trường trưởng khoa Văn học, diễn giả GS. TS. Trần Ích Nguyên (Chen Yiyuan) trường Đại học Quốc lập Thành Công – Đài Loan, giáo sư đến từ các trường Đại học Quốc lập Bình Đông, Cao Hùng Đài Loan, và sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu đến từ Khoa Văn học, Khoa Việt Nam học, Khoa Văn hóa học và các trường đại học tại Việt Nam.

20240917 2

PGS.TS. Lê Quang Trường và GS. TS. Trần Ích Nguyên

Giáo sư Trần Ích Nguyên Đại học Quốc lập Thành Công có bề dày nghiên cứu về lịch sử, văn học dân gian, văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là quá trình nghiên cứu công phu đối với Hán học Việt Nam thông qua thơ văn và hành trình sứ thần giai đoạn phong kiến Việt Nam. Khảo sát hiện trường sứ thần Việt Nam khắc thơ và dựng bia ở Trung Quốc thời nhà Thanh đem đến những ghi chú quan trọng để khảo cứu và điều chỉnh các ghi chép hoạt động sứ thần Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm khoa học này, Giáo sư Trần Ích Nguyên trình bày về sự quan tâm đặc biệt đến các ghi chép do các sứ thần Việt Nam để lại khi đi sứ Trung Quốc, thông qua việc tra cứu trong bộ Văn hiến Yên hành Hán văn Việt Nam về các văn bản của sứ thần Việt Nam và các cuộc khảo sát thực địa tại Trung Quốc để tìm kiếm thêm các tác phẩm thơ văn của các sứ thần Việt Nam, quá trình kiểm tra ban đầu đã phát hiện ít nhất có tám địa điểm ở Trung Quốc, bao gồm (1) chùa Phi Lai ở Thanh Viễn, Quảng Đông; (2) chùa Tương Sơn ở Toàn Châu, Quế Lâm, Quảng Tây; (3) rừng bia Vũ Khê ở Kỳ Dương, Hồ Nam; (4) lầu Đằng Vương ở Nam Xương, Giang Tây; (5) đền Nhạc Vương ở Thang Âm, Hà Nam; (6) đền Lã Tiên ở Hàm Đan, Hà Bắc; (7) miếu Á Thánh (Mạnh Tử) ở huyện Trâu, Sơn Đông; và (8) miếu Trọng Phu Tử (Tử Lộ) ở Tế Ninh, Sơn Đông, đều có ghi chép về việc sứ thần Việt Nam đã khắc thơ và dựng bia tại những nơi này.

20240917 3

Các văn bia khắc thơ văn của sứ thần Việt Nam được khảo sát nằm ở các nơi khác nhau. Ví dụ tại miếu Mạnh Tử có hai bia được dựng bởi Trần Huy Bí, chính sứ nước An Nam trong năm Canh Thìn thời Càn Long (1760), cùng với phó sứ Lê Quý Đôn và Trịnh Xuân Thoại. Một bia có mặt trước khắc bài thơ “Chiêm bái đại hiền, kính đề nhị luật” của Trần Huy Bí, mặt sau khắc bài thơ “Chí yết cung tường, cẩn phú lí ngôn (hai bài)” của Lê Quý Đôn. “Đá có màu trắng nhạt, hơi bị bong tróc, chữ khắc khó nhận biết.” Hay 3 sứ thần An Nam là Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Huy Ôn, và Hồ Sĩ Đống từng khắc thơ và dựng bia tại miếu Trọng PhuTử vào thời Càn Long nhà Thanh. Hoặc trong miếu Trọng tại làng Trọng Gia, thị trấn Lỗ Kiều, huyện Vi Sơn, thành phố Tế Ninh còn lưu giữ được 3 bia thơ của 6 sứ thần An Nam là Nguyễn Tiến Tài, Trần Thế Vinh, Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Đình Sách, Nguyễn Quý Đức và Trần Thụ từ thời Khang Hy, sớm hơn các bia thơ khác.

Việc đưa ra được những căn cứ chứng minh 8 địa điểm tại Trung Quốc có lưu lại những ghi chép về văn thơ của sứ thần Việt Nam là một hành trình nghiên cứu, khảo cứu trên bề mặt tư liệu và thực địa công phu trải qua hàng chục năm của giáo sư Trần Ích Nguyên. Điều này không những cho thấy tinh thần nghiên cứu cẩn trọng mà còn là tinh thần bảo tồn bền vững di sản của những bậc hiền tài trong lịch sử Việt Nam của giáo sư Trần Ích Nguyên.

20240917 4

Giới nghiên cứu Việt Nam đánh giá cao công sức và thành quả nghiên cứu của giáo sư Trần Ích Nguyên, từ đó, tạo nên nhiều buổi tọa đàm và trao đổi học thuật và các phương hướng nghiên cứu mới để cùng góp phần chỉnh lý chính xác hơn các tác phẩm thơ văn của sứ thần Việt Nam, đồng thời phát hiện thêm nhiều bia thơ của sứ thần Việt Nam còn tồn tại ở các địa phương khác nhau của Trung Quốc, cũng như các tác phẩm liên quan, để bổ sung vào di sản văn hóa truyền thống của địa phương, qua đó phát huy giá trị nhân văn của chúng trong lịch sử giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Khoa Văn học

Danh mục website