Từ ngày 9/02 đến ngày 21/02/2009, đoàn cán bộ và sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ (244 sinh viên và 17 cán bộ hướng dẫn) đã triển khai đợt thực tập thực tế tại huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và 4 huyện Chợ Lách, Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri của tỉnh Bến Tre. Đoàn đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của các cấp chính quyền địa phương từ việc chọn địa bàn cho đến việc tiếp nhận và bố trí nơi ăn ở cho tập thể cán bộ và sinh viên.
Đợt thực tập thực tế lần này nhằm mục đính sưu tầm và bước đầu nhận diện về trữ lượng vốn văn học dân gian được sáng tác và lưu truyền tại địa phương; khảo sát, ghi chép các tư liệu Hán Nôm nơi các di tích văn hoá; khảo sát và điều tra ngôn ngữ học điền dã tiếng Châu Ro ở ba xã Sông Xoài, Hắc Dịch và Châu Pha thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Kết quả: Đoàn đã khảo sát di sản Hán Nôm ở 28 chùa, 6 miếu, 9 đình, 9 thiền viện/thiền thất, 6 tịnh xá/tịnh thất, 1 tu viện, 1 tòa thánh, 2 nhà cổ / từ đường, 1 mộ cổ và đã ghi nhận được 265 hoành phi, 340 câu đối liên, 34 thơ / kệ / thi họa, 7 kinh sách, 1 bài minh, 7 sắc thần.
Về điều tra ngôn ngữ điền dã tiếng Châu Ro: các tổ thực tập ngôn ngữ học đã hoàn thành 62 sổ điều tra ngôn ngữ học kèm theo 62 đĩa ghi âm phần từ vựng cơ bản và 300 câu ngữ pháp về tiếng Châu Ro tại 3 xã có người Châu Ro sinh sống thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các tổ công tác này đã tiếp xúc với gần 70 cộng tác viên người dân tộc Châu Ro để thực hiện hơn 30 đề tài nghiên cứu khoa học về các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của tiếng Châu Ro ở địa phương Bà Rịa-Vũng Tàu.
Về sưu tầm văn học dân gian, đoàn đã sưu tầm được 224 truyện kể dân gian, 5.093 câu ca dao dân ca, 1.286 câu hát ru, 124 bài đồng dao, 581 câu hò, 185 bài lý, 249 bài vè, 19 bài nói thơ, 42 câu thơ ca giáo huấn, 652 câu tục ngữ, 1505 câu đố, 3 truyện đố, 18 truyện thơ, 336 bài đờn ca tài tử, 329 câu thơ ca kháng chiến. Đây là những tư liệu ban đầu để thời gian tới Khoa Văn học và Ngôn ngữ có thể tiến hành biên soạn công trình Văn học dân gian tỉnh Bến Tre.