K.VH - Chiều ngày 21 tháng 06 năm 2021, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Hán học, Thư viện quốc gia Đài Loan cùng phối hợp tổ chức Toạ đàm khoa học Gặp gỡ Việt Nam: Góc nhìn liên ngành về Việt Nam từ Đài Loan và Kim Môn. Buổi tọa đàm được tổ chức trực tuyến trên nền tảng Google Meet đã thu hút hơn 100 người tham dự đến từ nhiều nơi ở Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Malaysia.
Toạ đàm do PGS.TS. Lê Quang Trường - Trưởng khoa khoa Văn học chủ trì, GS. Trần Ích Nguyên - Đại học quốc lập Thành Công, Đài Loan là diễn giả, TS. Lê Hoàng Dũng - Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc.
Ảnh: TS. Lê Hoàng Dũng – Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc.
Diễn giả của buổi toạ đàm, GS. Trần Ích Nguyên là người đã không còn xa lạ với học giới Việt Nam. Ông từng chủ trì hơn 20 dự án nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, xuất bản hơn 60 bài báo liên quan và có 6 cuốn sách nghiên cứu đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Ông cũng vinh dự nhận được Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hoá xã hội” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao tặng.
Trong buổi toạ đàm lần này, GS. Trần Ích Nguyên đã giới thiệu về những tư liệu cổ Việt Nam đang được lưu giữ tại các thư viện Đài Loan, giới thiệu các nhà nghiên cứu về Việt Nam nổi tiếng như Trần Kinh Hoà (cùng quê với giáo sư Trần ích Nguyên), Trần Khánh Hạo, Vương Tam Khánh… đã có những công trình nghiên cứu chỉnh lý xuất bản tiểu thuyết viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Đồng thời ông còn giới thiệu các nhân vật nổi tiếng Đài Loan từng đặt chân đến Việt Nam, bao gồm tiến sỹ Thái Đình Lan, Khưu Phùng Giáp và hai tướng quân Hoàng Kiệt, Hồ Liễn. Đáng chú ý là họ đều có tác phẩm sáng tác ngay khi ở Việt Nam. Diễn giả đã giới thiệu về một nhân vật nổi tiếng Việt Nam – Kỳ Ngoại hầu Cường Để đã đến sinh sống làm việc và có tác phẩm xuất bản tại Đài Loan; và tiểu thuyết gia Trần Trường Khánh – tác giả Đài Loan có tác phẩm đã được dịch, giới thiệu ở Việt Nam.
Trên cơ sở đó, GS. Trần Ích Nguyên đã đưa ra đề xuất hợp tác cụ thể trong tương lai, ba đơn vị (gồm Khoa Văn học, trung tâm nghiên cứu Hán học, thư viện quốc gia Đài Loan) sẽ cùng hợp tác để thu thập, dịch thuật, nghiên cứu và xuất bản các tác phẩm của các tác giả của hai bên, trong đó đáng chú ý là Cống thảo viên tập của hoàng tử thứ 47 của vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Miên Cư. Đây có thể là độc bản còn sót lại trên toàn thế giới và đang được lưu giữ tại kho sách hiếm của thư viện quốc gia Đài Loan.
Với hơn 100 lượt người theo dõi và thảo luận đến từ nhiều nơi ở Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Malaysia..., Tọa đàm đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Các cử tỏa đã cùng bày tỏ mong muốn dù dịch bệnh hoành hành, nhưng vẫn sẵn sàng tiếp tục hợp tác, trao đổi các hoạt động học thuật sâu rộng hơn trong tương lai.
Ảnh: GS. Trần Ích Nguyên
Hoàng Yến