Ảnh: Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh - Nxb Văn hóa - Văn nghệ, năm 2019
Vào lúc 13h ngày 18 tháng 07 năm 2020 tại bảo tàng Văn học Đài Loan, Đài Nam, lễ ra mắt Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh – bản song ngữ Trung - Việt do GS. Trần Ích Nguyên, Đại học quốc gia Thành Công, Đài Loan và PGS.TS. Lê Quang Trường, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM, Việt Nam đồng chủ biên đã diễn ra long trọng. Cùng với lễ ra mắt sách là nghi thức trao tặng hiện vật của nhà văn Trần Trường Khánh cho bảo tàng Văn học Đài Loan. Tham dự lễ ra mắt sách và lễ trao tặng hiện vật có ông Ông Minh Chí – giám đốc Trung tâm liên hợp phục vụ Kim Mã và nghị viên Phạm Yến Yến, ông Tôn Quốc Khâm – giám đốc Trung tâm phục vụ khu vực phía Bắc UBND huyện Kim Môn (đại diện cho chủ tịch huyện Dương Trấn Ngô), GS. Ngô Tuấn Nghị - trưởng phòng đào tạo Đại học quốc gia Kim Môn (đại diện cho Hiệu trưởng GS. Trần Kiến Dân), ông Trần Thụy Hoa – chủ tịch Hội đồng hương Kim Môn tại TP. Đài Nam, ông Hứa Kiến Quốc – Hội đồng hương Ngô Giang Kim Môn TP. Đài Nam, bà Mục Dương Nữ – chủ tờ báo Văn nghệ Kim Môn, ông Lữ Khôn – nguyên Cục trưởng Cục văn hóa huyện Kim Môn cùng nhà văn Trần Trường Khánh và phu nhân.
Giám đốc bảo tàng văn học Đài Loan Tô Thạc Bân chủ trương “năm 2020, chúng ta càng nên suy nghĩ về vấn đề dịch và giới thiệu văn học ra thế giới”, vì vậy ông rất vinh hạnh được cùng Khoa Văn học Trung Quốc, ĐH Quốc gia Thành Công phối hợp tổ chức lễ ra mắt sách Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh bản song ngữ Trung - Việt. Đồng thời, ông rất cám ơn nhà văn nổi tiếng Kim Môn, đồng thời là trưởng Trung tâm văn học Thụy Hữu – nhà văn Trần Trường Khánh đã khẳng khái trao tặng những tư liệu đầu tiên khi tờ Văn nghệ Kim Môn ra đời, cũng như những văn bản viết tay quý giá của các tác phẩm Mùa xuân biến mất, Thu Liên…
GS. Trần Ích Nguyên – người đã góp phần thúc đẩy việc hợp tác dịch và xuất bản Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh bản tiếng Việt cho biết, tập truyện có sáu truyện ngắn, bao gồm Tạm biệt đảo Hải Nam, Tướng quân và gạo bồng lai, Xe khách nhân dân, Xuân Đào, Tôn Rỗ và Võng Yêu Tử. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép cuộc sống từ những thời điểm khác nhau của đảo Kim Môn. Năm 2019, bản tiếng Việt của cuốn sách đã ra mắt độc giả Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Hôm nay cuốn sách được ra mắt tại Đài Loan dưới hình thức song ngữ Trung - Việt, đúng như dự đoán, cuốn sách đã nhận được sự ủng hộ và đồng cảm của đông đảo các gia đình có cha mẹ là người Việt Nam tại Đài Loan.
Ảnh: Nhà văn Trần Trường Khánh (áo xanh) chụp ảnh lưu niệm với khách tham dự
Lễ ra mắt Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh tại Đài Loan đã thu hút hơn một trăm quan khách tham gia, ngoài các học giả, chuyên gia như ông Ngô Thịnh đến từ phủ Tổng thống, giám đốc Trịnh Bang Trấn, Lý Thụy Đằng – nguyên giám đốc bảo tàng Văn học Đài Loan, GS. Hoàng Mỹ Nga – Viện trưởng Viện văn học Đài Loan, Đại học quốc gia Đài Loan, GS. Cao Mỹ Hoa – Trưởng khoa Văn học Trung Quốc, Đại học quốc gia Đài Loan, GS. Thái Linh Uyển – Trưởng khoa Ngữ văn Đại học Đài Nam, còn có hơn bốn mươi giáo viên, lưu học sinh, phiên dịch, tu nữ và các con của các cư dân Đài Loan mới đã đến tham gia. Do tình hình dịch Covid-19, đồng chủ biên PGS.TS. Lê Quang Trường và dịch giả TS. Nguyễn Hoàng Yến dù không trực tiếp đến tham gia, nhưng đã thông qua video gửi lời chia vui và chúc mừng lễ ra mắt cuốn sách bản song ngữ Trung - Việt.
Trong buổi ra mắt sách, tu nữ người Việt Nam đã hát tặng tác giả Trần Trường Khánh Bài ca thánh mẫu, các lưu học sinh Việt Nam tại Đài Loan Trịnh Thùy Trang, Nguyễn Nguyên Thanh Hải đã đọc lại trích đoạn trong Tạm biệt đảo Hải Nam và Xuân Đào, GS. Bùi Quang Hùng – giáo sư người Việt Nam của Đại học quốc gia Cao Hùng, bà Phan Vũ San đến từ Hiệp hội hỗ trợ tân cư dân Hướng tới mặt trời TP. Đài Nam đã phát biểu cảm xúc sau khi đọc tập truyện. Họ khẳng định, việc dịch và xuất bản tập sách đã giúp độc giả Việt Nam đang sinh sống tại Đài Loan và độc giả tại Việt Nam hiểu hơn về lịch sử văn hóa, xã hội Đài Loan, đồng thời hy vọng càng ngày càng có nhiều cuốn sách song ngữ như vậy được xuất bản để lấp đầy mong mỏi của những người con Việt Nam nơi đảo Đài Loan, qua đó góp phần gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ.
Buổi lễ ra mắt sách còn nhận được sự chia sẻ của cô Nguyễn Hương Trà – cô dâu Việt Nam hiện đang sống tại Đài Bắc, cùng các em Trần Mẫn Trì, Trần Lập Chửng – con của các cô dâu Việt Nam tại Đài Loan. Ngoài ra, thầy hiệu trưởng Trương Khê Nam của trường Tiểu học Tân Doanh cũng dẫn các học sinh và mẹ Việt Nam của các em đến tham gia và gặp tác giả Trần Trường Khánh. Em Trương Tân Phong học lớp 5 cho biết, mẹ vẫn thường dạy em một ít tiếng Việt, gần đây hai mẹ con còn cùng nhau đọc Tuyển tập truyện ngắn Trần Trường Khánh trước khi ngủ và thảo luận rôm rả, cuốn sách giúp em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Kim Môn. Em còn “bật mí”, trước khi có cuốn sách, mẹ thường “cắm mặt” vào điện thoại, nhưng giờ cuốn sách đã thay thế chiếc điện thoại, và hai mẹ con đã có thời gian cùng đọc sách rất vui vẻ. Em còn viết một bài cảm nghĩ sau khi đọc truyện bằng tiếng Việt, khiến nhà văn Trần Trường Khánh không ngớt lời khen hai mẹ con, ông chia sẻ “không ngờ một em học sinh tiểu học lại có thể viết ra những dòng cảm nghĩ gần gũi, cảm xúc như vậy; không những thế lời văn còn rất lưu loát, thể hiện được chủ đề, khiến tôi xúc động vô cùng”.
Trong không khí ấm cúng, thân mật của buổi lễ ra mắt sách, tác giả Trần Trường Khánh đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các tập thể và cá nhân ở Đài Loan, Việt Nam đã góp phần giúp cho bản song ngữ được ra đời. Ông còn xúc động nói muốn dành tặng món quà quý giá này cho mảnh đất Kim Môn nơi ông sinh ra, vì nếu không có Kim Môn, ông không thể có nhiều câu chuyện như vậy để kể cho mọi người. Ông nói, tôi còn rất nhiều điều muốn gửi gắm đến hòn đảo và người dân Kim Môn, nhưng để chờ đến ngày 25 tháng 07 sắp tới đây khi lễ ra mắt sách diễn ra ở Kim Môn, ông sẽ trực tiếp gửi đến mọi người.
Hoàng Yến (dịch và đưa tin)