K.VH - Sáng ngày 26/12/2022, nhân dịp ra mắt cuốn tiểu thuyết “Bạch vệ” do PGS.TS. Trần Thị Phương Phương thực hiện bản dịch, tọa đàm “Mikhail Bulgakov và tiểu thuyết lịch sử” đã diễn ra tại phòng D201-202 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.
Mikhail Bulgakov (1891-1940) là một trong những nhà văn lớn của văn học Nga thế kỷ XX. Ông cũng là một trong những nhà văn Nga được giới thiệu, nghiên cứu khá phổ biến tại Việt Nam trong suốt nhiều năm nay. Nối tiếp “Nghệ nhân và Margarita”, “Trái tim chó”, “Những quả trứng định mệnh” và một tuyển tập truyện vừa, “Bạch vệ” (do công ty Phoenix Books và NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2022) là cuốn sách thứ năm của Mikhail Bulgakov đến với độc giả tiếng Việt. Với bản dịch này, PGS. TS. Trần Thị Phương Phương đã có đóng góp quan trọng cho việc dịch thuật, giới thiệu và tiếp nhận Mikhail Bulgakov tại Việt Nam. Với sự dẫn dắt của nhà văn, nhà báo Huỳnh Trọng Khang, tọa đàm giới thiệu “Bạch vệ” đã diễn ra trong không khí ấm áp, sôi nổi.
Trong khuôn khổ tọa đàm sáng nay, với tư cách là dịch giả, PGS. TS. Trần Thị Phương Phương đã có những chia sẻ thú vị, bổ ích xoay quanh tiểu thuyết này, từ quá trình sáng tác “Bạch vệ” của Mikhail Bulgakov cho đến những khó khăn, thuận lợi trong quá trình chuyển ngữ tác phẩm. Là nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga trong nhiều năm nay, cô Trần Thị Phương Phương cũng cung cấp thông tin về vị trí của Mikhail Bulgakov nói riêng và dòng tiểu thuyết lịch sử trong đời sống văn học thế giới thế kỷ XX nói chung. Từ đó, buổi tọa đàm đã đem đến cho người tham dự cái nhìn khái quát về tiểu thuyết lịch sử cũng như có thể hình thành những ý tưởng liên hệ, so sánh lý thú.
Tọa đàm có sự tham dự của các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên khoa Văn học cũng như của các độc giả yêu mến, gắn bó với văn học Nga. Bên cạnh việc lắng nghe những chia sẻ của dịch giả, người tham dự tọa đàm còn có cơ hội nêu vấn đề, đưa ra những câu hỏi sâu sắc. Trong đó, nổi bật nhất là băn khoăn của một sinh viên năm nhất về tâm lý tiếp nhận của dịch giả Trần Thị Phương Phương và cách cô xử lý, lựa chọn góc nhìn của mình đối với các sự kiện lịch sử trong tác phẩm. Những ý kiến khác cũng đào sâu hơn về tính lịch sử và tính dân tộc của văn học Nga hoặc mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và yếu tố hư cấu/ tưởng tượng trong tiểu thuyết.
Đặc biệt, với “Bạch vệ”, một lần nữa PGS. TS. Trần Thị Phương Phương nhấn mạnh sức hút lạ kỳ của văn học Nga. Dịch giả chia sẻ, đọc văn học Nga cũng giống như ăn loại bánh mì đen đặc trưng của đất nước này, lúc đầu có thể không quen nhưng khi đã quen rồi thì sẽ không thể nào chối từ sự hấp dẫn của nó.
Kim Loan