Ngày 14 tháng 9 năm 2017, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) thông báo về danh sách 60 cựu sinh viên tiêu biểu giai đoạn 1957 – 2017, riêng ngành ngữ văn có 19 cựu SV. Danh sách dưới đây xếp theo lĩnh vực và abc tên người. Chữ “Giáo sư” là cách gọi tôn xưng, GS, PGS là chức danh khoa học.
I. LĨNH VỰC KHOA HỌC – GIÁO DỤC
1. Giáo sư Huỳnh Minh Đức
GS. Huỳnh Minh Đức là cựu sinh viên Đại học Văn khoa. Giảng viên Đại học Văn Khoa, ĐH Tổng hợp TP.HCM. Sách đã xuất bản: Trung Quốc triết học sử (dịch của Hồ Thích, Khai Trí, 1970), Hồ Thích và cuộc vận động tân văn học (Trung tâm học liệu SG, 1972), Văn học sử Trung Quốc (dịch của Dịch Quân Tả, NXB.Trẻ, 1992), Từ Ngọ Môn đến Thái Hoà điện (Nxb Trẻ, 1994)…, và nhiều sách Đông y.
2. Giáo sư Nguyễn Khuê
Ảnh: Khoa Văn học
Ông là cựu sinh viên Đại học Văn khoa, Giảng viên Đại học Văn Khoa, ĐH Tổng hợp TP.HCM. Sách đã xuất bản: Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (biên dịch chung, 1999-2000), Phật học Trung đẳng (dịch, 2007-2008), Tùy Dượng Đế diễm sử (dịch, 2010); Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông (biên khảo, 1970); Chân dung Hồ Biểu Chánh (biên khảo, 1974), Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập (biên khảo, 1991), Ba mươi năm cầm bút (biên khảo, 2004), Văn học Hán Nôm ở Gia Định – Sài Gòn (biên khảo, viết chung, 2011), Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh (biên khảo, 2012), Luận lý học Phật giáo (biên khảo, 2013); Hương trời xa bay (thơ, 1998), Cõi trăm năm (thơ, 2002), Trăm năm là cuộc lãng du (thơ, 2005),...
3. GS.TS. Huỳnh Như Phương
Ảnh: Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Ông là cựu sinh viên Đại học Văn khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giảng viên khoa Ngữ văn. Tiến sĩ 1990, Viện Văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Sách đã xuất bản: Dẫn vào tác phẩm văn chương (1986); Những trang viết - những nhịp cầu (đồng tác giả, 1986); Mỹ học đại cương (đồng tác giả, 1994); Những tín hiệu mới (1994); Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ (đồng tác giả, 1995); Trường phái hình thức Nga (2007); Những nguồn cảm hứng trong văn học (2008); Lý luận văn học - nhập môn (2010). Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí (1994 – 2001). Giáo sư thỉnh giảng các trường Đại học Đà Lạt, Đại học Sư phạm TP HCM, ĐH Paris 7 – Denis Diderot. Ủy viên Ban biên tập các tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ (ĐHQG TP. HCM), Nghiên cứu giáo dục (ĐHQG Hà Nội), Cahiers d’études vietnamniennes (Université Paris 7 – Denis Diderot), Annalen der Hamburger Vietnamistik (Universitat Hamburg).
4. Giáo sư Nguyễn Tri Tài
Ông là cựu sinh viên Đại học Văn khoa, Giảng viên Đại học Văn Khoa, ĐH Tổng hợp TP.HCM. Các sách đã xuất bản: Giáo trình tiếng Hán, Tập I: cơ sở (NXB.ĐHQG-HCM, 2002); Giáo trình tiếng Hán cổ, Tập II: nâng cao (Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM phát hành, năm học 1987-1988)…
5. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng
Ảnh: Internet
Ông là cựu sinh viên Đại học Văn khoa. Ông là nhà biên khảo văn học và sử học Việt Nam. Giảng dạy ở các trường: ĐH Sư phạm Cần Thơ, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Các sách đã xiat61 bản: Huỳnh Thúc Kháng - Con người và thơ văn, Trung Kì dân biến thỉ mạt ký, Tìm hiểu một tác phẩm văn chương, Phan Châu Trinh, cuộc đời và tác phẩm, Hoàng Sa - Trường Sa...
6. GS.TS. Ahn Kyong Hwan
Ảnh: Báo Hà Nội mới
Ông là người Hàn Quốc, từng học cao học, tiến sĩ Ngôn ngữ học (1996), Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Hiện là giáo sư tại Đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc. Vào năm 2008, ông là người đã thuyết phục Trường ĐH Chosun mở chuyên ngành Understanding all Vietnam (Lý giải Việt Nam). Sau 2 năm, ông đã đưa số sinh viên theo học khoa lên con số 600. Ông là dịch giả các tác phẩm Việt Nam sang tiếng Hàn: Truyện Kiều, Nhật ký trong tù, Nhật ký Đặng Thùy Trâm.