“Chó trắng” – tìm con người trong cái nhìn loài chó

20190204 Cho trang

Tiểu thuyết "Chó trắng" của Romain Gary

Milan Kundera từng viết: “Để có thể nghe thấy giọng nói bí mật gần như không thể nghe thấy của ‘tâm hồn sự vật’, tiểu thuyết gia, ngược lại với nhà thơ và nhạc sĩ, phải biết làm im miệng những tiếng kêu từ tâm hồn chính mình.”(Milan Kundera, 2014, 91). Thế nhưng Romain Gary là một những trường hợp hiếm hoi mà ở đó ta chứng kiến sự dung hợp giữa thái độ trữ tình cao độ cùng lối miêu tả hiện thực tỉnh táo, nhạy bén, lặn xuống chiều sâu của tồn tại sự vật nhằm khơi dậy bản chất của chúng. Một trong những quyển tiểu thuyết tiêu biểu cho lối viết đó chính là “Chó trắng”.

Quyển tiểu thuyết kể về giai đoạn ông sống ở Los Angeles. Sự nghiệp chính trị gia song song với nghề viết đã mang lại cho ông nguồn “dưỡng chất trần gian” trong sáng tác. Quyển tiểu thuyết đào sâu vào lòng đời sống xã hội Mỹ lúc bấy giờ mà nổi bật là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Với một chủ đề mang đậm tính chính trị - xã hội, Romain Gary đã biến nó trở thành bức chân dung của những mảnh tâm thức thời đại lấp lánh chất thơ qua cái nhìn giàu lòng trắc ẩn. Cái nhìn ấy được bộc lộ qua hình tượng chó trắng - Batka bước vào nhà ông ngày mưa nọ là một chú chó được huấn luyện để chống lại người da đen. Hành trình cuộc đời Batka kéo thành sợi chỉ đỏ dẫn lối cho xuyên suốt mạch truyện cũng như mạch suy tưởng của tác giả.

Hình tượng động vật mang dấu ấn đặc biệt trong tiểu thuyết của ông với Rễ trời đoạt giải Goncourt năm 1956 và Quấn quít dưới bút danh Emile Ajar. Hình tượng động vật phản ánh những mối ám ảnh lớn trong tiểu thuyết Romain Gary như là bản nguyên trần trụi, sự vô tri, nỗi cô đơn, sự sợ hãi, khả thể,… Nhân vật trong tiểu thuyết của ông luôn nhìn vào mắt loài vật để rồi nhận ra “mang kiếp trăn hay kiếp người là một nỗi bất hạnh khiến ta ngơ ngác đến mức nỗi hốt hoảng được chia sẻ này trở thành mối tình bằng hữu thật sự.”(Romain Gary, 2018, 14) Không dùng lối nhân hóa để động vật chỉ là sự minh họa của đời sống con người như thường thấy, Romain Gary đặt sự tồn tại của thú vật và con người trong sự đồng đẳng, để con người tự soi mình trong con ngươi của loài vật mà thức tỉnh khiếp đảm trước tình trạng vô tri và bơ vơ của chính mình. Romain Gary tìm kiếm sự hiểu biết trong tồn tại câm lặng của loài vật và cả niềm âu yếm ở đó : “Nơi duy nhất trên thế gian này ta có thể tìm thấy một con người xứng đáng với tên gọi ấy, đó là trong cái nhìn một con chó”(Romain Gary, 2018, 232).

Trước Chó trắng, ta đối diện với phần thú tính, với căn tính bạo lực và dấu vết thù hận đã vạch lên gương mặt của xã hội chúng ta ngày hôm nay. Phần sau tiểu thuyết ông miêu tả bức tranh hiện thực của nạn phân biệt chủng tộc với cái nhìn sắc sảo, đa diện. Cái cách con chó là nạn nhân của phân biệt chủng tộc cũng chính là cái cách con người bị giam hãm trong vòng kim cô định kiến của mình. Với ông, bị cầm tù bởi phân biệt chủng tộc không chỉ là người da đen mà còn là người da trắng bởi họ là nạn nhân của ý thức hệ. Nhưng dù màu da nào thì “tôi không muốn đi giết người da vàng để tập luyện về sau sẽ giết người da trắng, tất cả chỉ vì tôi là một thằng da đen. Tôi không phải chỉ là một màu da.”(Romain Gary, 2018, 140) Song song đó, ông miêu tả xã hội hỗn độn Mỹ mà ông giễu cợt rằng nó xử lí hiện thực bằng cách xé toạc ra thành từng mảnh như tranh Picasso. Một xã hội kích động lòng tham, sự phân hóa giai cấp bằng sự phô trương văn hóa tiêu thụ.  

Chó Trắng mang rõ đặc tính văn chương của ông là sự hòa trộn của dòng trữ tình ấm nóng cùng dòng nước lạnh trí tuệ đầy khoái hoạt. Tấm áo giáp cho thứ văn chương nổi loạn của Romain Gary chính là cái hài. Một cái hài sánh đôi với cái bi để khám phá ra trong bản chất sự vật một vũ trụ hài hước đen. Nơi đó mọi thứ trở nên nhẹ tênh như một cuộc chơi mà chính ông tuyên bố: “Cuộc sống là một việc nghiêm chỉnh, vì tính tầm phơ của nó”(Emile Ajar, 2014, 49).

Danh mục tài liệu trích dẫn:

  1. Emile Ajar (Romain Gary), 1974. Quấn quít. Dịch từ tiếng Pháp. 2014. Hà Nội: Nhà xuất bản văn học, Công ty cổ phần và truyền thông Nhã Nam.
  2. Milan Kundera, 2005. Màn. Dịch từ tiếng Pháp. Trần Bạch Lan. 2014. Hà Nội: Nhà xuất bản văn học, Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam.
  3. Romain Gary, 1970. Chó trắng. Dịch từ tiếng Pháp. Nguyên Ngọc. 2018. Hà Nội: Nhà xuất bản văn học, Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam.

Nguồn: Bài viết được chọn từ chương trình “Sách trong đôi mắt tôi” do được câu lạc bộ Cây Bút Trẻ thuộc khoa Văn học tổ chức.

Thông tin truy cập

60521073
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2566
10018
60521073

Thành viên trực tuyến

Đang có 161 khách và không thành viên đang online

Danh mục website