Tấm lòng thơm thảo sau “những ngôn từ vụng dại”[*]

 

           Mở đầu tập thơ này, Nguyễn Chín cho in “đôi lời muốn nói” như một lời đề từ:

                           Thơ của tôi những ngôn từ vụng dại

                           Để mua vui cho những khách nhàn du…

           Thực ra thì thơ anh, nếu có chỗ nào vụng dại là ở những bài thơ thời trẻ, viết những ngày anh còn đi học. Về sau này, thơ anh vẫn giản dị, nhiều chỗ mộc mạc, nhưng đằng sau những ngôn từ đó là một tấm lòng chân thành, thơm thảo.

          Anh Nguyễn Chín với tôi là người cùng quê. Quê mẹ của anh cũng là quê mẹ của tôi: hai chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên ở một miền quê ven đường số 1, từ Thiết Trường ra Đồng Cát – ôi, những địa danh bây giờ đã thay đổi, biết ai còn nhớ! – , phía Tây có ngọn đồi đất đỏ trồng khoai sắn, phía Đông có cánh đồng trải dài ngút mắt. Con đường anh và tôi từng mòn dép đến lớp học, cũng là con đường hai bà mẹ của chúng tôi trĩu nặng gánh hàng trên vai, nhiều lúc với đôi chân trần, cho kịp phiên chợ mai, như Nguyễn Chín tả trong một bài thơ về mẹ. Mẹ anh và mẹ tôi cùng có một gian hàng bé xíu ở chợ huyện: người bán bánh tráng, người bán hàng tạp hoá để nuôi con ăn học. Trong một bài tạp văn mới đây, tôi có kể chuyện ngày nhỏ ra trông hàng cho mẹ, để mất hàng, suýt khóc, mẹ anh thấy thương, dỗ dành và cho ăn bánh tráng!

           Cho nên, khi cầm tập thơ thứ hai này của Nguyễn Chín, tôi không quan tâm mấy đến khía cạnh ngôn từ, tôi chỉ thấy những kỷ niệm ngày xưa uà về trong tâm trí. Còn nhớ Tết năm 1971, có hai nhóm học sinh yêu văn nghệ ở quận lỵ Mộ Đức rủ nhau làm hai tờ báo xuân in ronéo (tất nhiên là không giấy phép), đặt tên là Lộc Xuân xứ Mộ. Tờ báo sau đăng một bài thơ của Nguyễn Chín viết về một đêm chiến tranh, súng nổ, đạn bay dẫn đến cái chết tức tưởi của chị Tư trong xóm. Bài thơ của Nguyễn Chín mộc mạc, thật thà mà gây bàng hoàng, in đậm trong trí óc cậu học trò lớp 9 là tôi cho đến bây giờ.

           Rồi chúng tôi gặp nhau ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Nguyễn Chín thuộc hàng niên trưởng của chúng tôi và đã được các bạn đồng môn biết đến khi nhận giải thưởng của Hội Thân hữu Văn khoa với công trình nghiên cứu về Giai nhân kỳ ngộ của Phan Châu Trinh. Và anh vẫn âm thầm làm thơ, khi còn trong giảng đường cũng như khi ra trường làm báo, nhưng rất hiếm khi công bố, dù là những bài thơ thế sự hay những vần thơ tình, anh chỉ giữ riêng cho mình:

                     Cô gái làng bên chửa hẹn hò

                     Âm thầm tôi đặt mấy câu thơ

                     Và tôi không gửi – tôi còn giữ

                    Cho đến bây giờ, tóc bạc phơ.

           Mãi đến năm ngoái đây, Nguyễn Chín mới in tập thơ đầu tay có nhan đề Nguyên khôi, gồm toàn những bài thơ Đường luật. Nếu không kể những lúc đọc thơ bên chén rượu với bạn bè, đồng nghiệp và những lần rải rác xuất hiện trên báo, thì đây là lần ra mắt chính thức của thơ anh. Và những người quen biết anh không ngờ anh làm thơ từ lâu như thế và nhiều đến thế. Lại càng ngạc nhiên khi giữa thời buổi hiện đại hoá này, anh vẫn thuỷ chung với thể thơ quen thuộc của ông cha.

           Tập thơ thứ hai này được anh chọn lựa từ hàng trăm bài thơ khác không thuộc thể thơ Đường luật. Ở thơ Nguyễn Chín, tôi thấy có một nghịch lý này: những bài mang hình thức cổ điển, với niêm luật chặt chẽ, đăng đối lại gửi gắm những tâm tình thế sự của ngày hôm nay; còn những bài có phần phá thể, khuôn khổ mở rộng thì nói nhiều hơn về kỷ niệm, giàu chất hồi tưởng. Nói cho đúng, trước sau Nguyễn Chín vẫn là con người của truyền thống. Nhưng ngay trong những bài thơ lục bát, tác giả không giữ nguyên dạng thức quen thuộc mà ngắt dòng để nhịp điệu câu thơ thay đổi:

                       Sáu hai tuổi vẫn còn khờ

                       Bây giờ và biết bao giờ hết ngu.

                       Thế Chiến quốc

                       Thế Xuân thu,

                       Rượu

                       Thơ

                       Thơ

                       Rượu

                       Say

                      dù chưa say…!

           Thơ là một cách lên tiếng của ký ức. Đọc Nguyễn Chín, ta bắt gặp hình ảnh tuổi thơ nghèo khó, lạc loài. Đó là hình ảnh của ngày xưa mà cũng không xa lạ với ngày hôm nay. Thơ anh đắng cay với những em bé cùng quê tha phương cầu thực. Về Quảng Ngãi, anh lang thang tìm những gánh chè đậu ván đêm đêm chờ khách trên đường Phan Bội Châu: gánh chè còn đó, nhưng người bán chè bây giờ chắc là con của người bán chè ngày trước? Đi qua cầu Mỹ Thuận mới xây, anh lại nhớ cô gái bán hàng rong trên chiếc phà năm cũ:

                               Bây giờ sông bắc cầu rồi

                       Hỡi cô em gái dạt trôi phương nào?

            Nguyễn Chín là người bộc trực, thẳng tính. Anh tin vào lẽ công bằng của xã hội. Nghề làm báo cho anh đi nhiều, biết nhiều. Anh vui với những thay đổi của đất nước gợi lên niềm hy vọng, niềm vui đôi khi pha chất lý tưởng hoá. Những lúc gặp chuyện bất bình, thơ anh không kiềm được sự phẫn nộ. Nhưng rồi anh sẽ tự hoá giải bằng những vần thơ trải đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ mà thế hệ chúng tôi thuộc làu từ thời trung học, để cho những bức xúc cũng bay đi theo những cánh diều:

                               Cánh diều đã lộng gió bay

                       Nhạc diều trầm lắng những ngày chao nghiêng.

             Những cánh diều, những ruộng luá, những gánh chè đậu ván, những người chị, những bà mẹ ở quê tôi đã đi vào thơ Nguyễn Chín như vậy đó. Không biết có ngày nào họ đọc được thơ anh, hay đêm nào họ mở máy thu thanh nghe những bài tường thuật anh viết về muà màng, thóc giống, về những trận lũ lụt và những cơn hạn hán, để cảm nhận một tấm lòng thơm thảo với quê hương xa cách.

 


[*] Lời bạt tập thơ Quê mẹ (NXB Lao Động) của Nguyễn Chín, nhà báo VOV, cựu sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Thông tin truy cập

63743184
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6055
35223
63743184

Thành viên trực tuyến

Đang có 571 khách và không thành viên đang online

Danh mục website