Nhân đọc thơ “Lục bát múa” của Trần Lê Khánh

Là người Việt ai cũng từng nghe câu hò, lời ru, điệu hát bằng thể thơ lục bát. Ai cũng từng thấm trong tim những câu ca dao đau đáu phận người:

“Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

Hay câu dân ca tả cảnh sinh hoạt của người dân Nam bộ, rất chất phác mà đầy kịch tính:

“Chuột kêu rúc rích trong rương

Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường má hay”

Lục - bát hai câu tình tứ như chàng với nàng, câu “sáu” - câu “tám” như tay chàng với eo nàng - mắc vào nhau nhờ vần điệu, nhờ tương tác đồng điệu đến không thể tách rời.

Bởi thế nên khi đọc thơ lục bát của Trần Lê Khánh, tôi cảm thấy rất mực thân quen. Quen mà lạ. Quen bởi thể loại còn lạ bởi tư duy thơ và tứ thơ của Trần Lê Khánh rất mới, rất bất ngờ. Quyền lực của Thơ Ca lại được thể hiện bởi sự kiệm lời mà như dung chứa cả đất trời và sự sống. Chỉ có hai câu thơ như đã gói được tất cả tâm tình và lẽ dĩ nhiên của đời sống con người, vũ trụ:

“có hạt bụi đỏ xa hoa

xưa hoang phí hết phôi pha, là nàng”

“đàn cá bơi lội thẳng hàng

một lần xem thử bóng nàng không chao”

“địa đàng trái đắng ra đầy

thôi rồi thượng đế lại bày cuộc chơi”

“em về gieo hạt vô tư

cánh rừng nguyên thủy mỏi nhừ yêu thương”

Tôi chiêm ngưỡng cái đẹp của hạnh phúc, cái đẹp của sự tàn phai, khoảnh khắc chao nghiêng tình tứ hay nét buồn đầy chất thơ của sự hoàng tàn... trong thơ lục bát của Trần Lê Khánh. Những câu thơ đầy rạo rực, đầy sức sống nhưng cũng được tiết chế bởi thể loại, bởi ý chí của người làm thơ là tạo ra viên kim cương được tinh lọc từ muôn vàn than bùn chữ nghĩa đời thường. Tôi tắm mình trong những câu thơ được làm một cách giản dị nhưng chứa thật nhiều ngữ nghĩa cùng sự chiêm nghiệm của một cá nhân:

“nhãn tiền quả báo thì sao

thì thêm hờn tủi đeo vào ngón tay”

“mưa thời gian mưa thời gian

em càng tắm gội mình càng khô thêm”

“chân trời gần đúng ở xa

kiếp này mình cứ xem là viển vông”

Những câu thơ nâng đỡ cảm xúc của người đọc, những câu thơ như đúc kết chính tư duy “viễn vông” của con người. Tôi tìm thấy trong những câu thơ ấy niềm tin mình từng đánh mất, đó là niềm tin vào mãnh lực của ngôn từ. Đôi khi, người ta nghĩ “khi âm thanh cũng bất lực như lời”, nhưng “lời” trong thơ lục bát của Trần Lê Khánh thật đã an ủi tôi không ít. Con người ai cũng có góc khuất, cho đến khi tìm thấy “góc khuất ấy” trong một loại hình nghệ thuật đồng điệu với mình thì nơi đó trở thành tri kỷ, thành nguồn yêu thương vô điều kiện. Và suối nguồn yêu thương ấy tưới mát mọi con tim đang khô cằn, khô hạn. Tôi đã nhiều năm, cứ nghĩ về vẻ đẹp của khoảnh khắc cánh hồng rơi... mà khó lòng diễn tả. Nay bắt gặp trong thơ lục bát hai câu của Trần Lê Khánh diễn tả được hầu hết những khoảnh khắc của đời sống. Khoảnh khắc của chiếc lá rơi, câu chuyện mùa thu, con kiến, cành cây hay một khúc sông dài... đều vào thơ ngọt ngào như giọng nói, hơi thở của người thương thầm thì:

“nhặt về đây một hạt thừa

em rằng là giọt lệ vừa cho nhau”

“một hôm chiếc lá ăn năn

vén nhau tìm giọt sương rằm đêm qua”

“cuộc tình như một dòng sông

mặc cho con nước chảy không ngày về”

Và còn nhiều nữa những sẻ chia vàng ngọc trong tập thơ “Lục bát múa”, những câu thơ có thể đọc và suy ngẫm một mình hoặc suy tư dài hơi trong một bài thơ lớn - “Lục bát múa”. Ngạc nhiên là Trần Lê Khánh đã kết được những câu thơ ngắn thành một bài thơ dài, một tập thơ mà sợi chỉ xuyên suốt là câu sáu và câu tám quyện vào nhau, từ hình thức đến nội dung - hài hòa chảy như một dòng sông cuộc đời.

Ở trong thơ lục bát của Trần Lê Khánh, ta sống, ta thở, ta thiền định... và ta rong chơi với khu vườn đầy quyến rũ của ngôn từ.

“một lần thử đứng chân trời

bàng hoàng nhặt được những lời gió bay”.

Sài Gòn, mùa thu 2016

Thông tin truy cập

63669897
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13615
17595
63669897

Thành viên trực tuyến

Đang có 777 khách và không thành viên đang online

Danh mục website