Đọc Mãi đừng xa tôi (Never let me go) của Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh gốc Nhật, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nxb Văn học và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, 2008.
Tác phẩm là một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng, lấy bối cảnh nước Anh cuối thế kỷ hai mươi. “Giả tưởng”, nhưng câu chuyện vẫn thật đến nhói lòng bởi tác giả tưởng tượng rất tinh tế khi tạo dựng từng chi tiết, khi miêu tả từng cảm xúc của nhân vật. Câu chuyện kể về Hailsham, một ngôi trường nội trú chuyên nuôi dạy những đứa trẻ vốn là bản sao vô tính để phục vụ cho mục đích y học. Số phận những đứa trẻ này đã được định đoạt: khi đến tuổi trưởng thành, họ chỉ có mội một nhiệm vụ là hiến nội tạng cho những người bị bệnh cho đến khi nào chết thì thôi.
Mấy chương đầu đọc khá chán, bởi lối kể chuyện nhẫn nha đến sốt ruột của Kazuo Ishiguro và vì cứ tưởng đó là những chuyện của bọn học trò nội trú bình thường. Nhưng đọc hết rồi mới thấm thía, đến độ phải đọc lại từ đầu để có thể hiểu rõ, nắm bắt được câu chuyện. Có những chi tiết ban đầu đọc thấy cũng bình thường, như chi tiết một lần Kathy nhắm mắt ôm gối khiêu vũ theo âm hưởng của bài bát Mãi đừng xa tôi cùng với đoạn điệp khúc “Con yêu, mãi đừng xa mẹ”. Sau khi đọc xong sách, sau khi biết Kathy chỉ là một bản sao sinh sản vô tính chỉ có nhiệm vụ hiến tạng chứ không sinh sản, không có con được, mới thấy tác giả xây dựng chi tiết đó tài tình làm sao.
Những Kathy, Tommy, Ruth,… đã được sinh hoạt, học tập như những con người bình thường khác; đã lớn lên và gắn bó với Hailsham. Trong ký ức của họ, thế giới khép kín đó như là một quê hương yêu dấu không thể nào nguôi quên. Biết mình sinh ra và được nuôi dưỡng chỉ để làm người hiến tạng, biết mình không hề có tương lai, nên Hailsham của quá khứ với nhiều kỷ niệm ngọt ngào là hạnh phúc, là nguồn an ủi duy nhất trong cuộc sống đã được lập trình sẵn của họ. Do vẫn là “người”, họ vẫn không nguôi khát khao được làm người bình thường, khát khao được sáng tạo, được yêu thương, nhất là khi nghe mơ hồ đâu đó nếu yêu nhau thật sự họ sẽ được hoãn lại việc hiến tạng. Nhưng rốt cuộc Ruth không qua khỏi sau lần hiến thứ hai, Tommy, sau một thời gian ngắn ngủi hạnh phúc cùng Kathy, đến lần hiến thứ tư cũng ra đi. Chỉ còn lại một mình Kathy tiếp tục công việc của người chăm sóc, tiếp tục đi trên những con đường tối tăm, heo hút trước khi rồi cũng sẽ “xong hẳn” như Ruth, như Tommy.
Được Time Magazine xếp vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 tới năm 2005, Mãi đừng xa tôi là một cuốn sách buồn, làm người đọc u uất không ít nhưng cũng gợi nhiều cảm xúc, nhiều suy nghĩ về thân phận làm người.