Những ngày cuối năm 2017, ba nhà văn Nga quen thuộc đã xuất hiện trong các dịch phẩm do PGS.TS Trần Thị Phương Phương thực hiện, Công ty sách Phương nam và Nxb Văn học ấn hành:
- Chúa biết sự thật nhưng chẳng nói ngay, tập truyện ngắn của Lev Tolstoy
- Kalinin, Trên thảo nguyên, Dưới đáy, tuyển tập truyện ngắn và kịch của Maxim Gorky
- Đứa con muộn, tập truyện ngắn của Anatoly Alexin
Đại văn hào Lev Tolstoy đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam qua các tác phẩm tiểu thuyết có dung lượng đồ sộ như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina. Vì vậy, khám phá tác phẩm Tolstoy ở hình thức truyện ngắn sẽ mang lại khá nhiều thú vị và mới mẻ. Tập truyện Chúa biết sự thật nhưng chẳng nói ngay gồm có 6 truyện ngắn vừa có đề tài hiện thực, vừa có đề tài tôn giáo, vừa gắn bó với truyện thống Nga cổ và văn học dân gian,… “Các truyện ngắn trong tập sách này chỉ là một phần rất nhỏ trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ, nằm trong nhóm tác phẩm được gọi tên là “những truyện bình dân” (народные рассказы), nhưng chúng phần nào phản ánh hành trình tư tưởng, cũng như cho thấy những đặc trưng thi pháp tiêu biểu của L. Tolstoy, nhất là ở giai đoạn cuối đời” (TTPP).
Tuyển tập truyện ngắn và kịch của Maxim Gorky gồm 2 truyện ngắn: Kalinin, Trên thảo nguyên và 1 vở kịch: Dưới đáy. Mặc dù Dưới đáy mang một tựa đề có phần tăm tối nhưng “Sức mạnh kịch của Gorky trước hết là ở chỗ đã nói về cuộc sống một cách tích cực, lạc quan, tin rằng có thể thay đổi cuộc sống đó theo hướng tốt đẹp lên” (TTPP). Tập truyện ngắn cũng giới thiệu các truyện ngắn thể hiện rõ nét phong cách của M. Gorky, những câu chuyện hấp dẫn về những con người nhỏ bé trong mối giao hòa với thiên nhiên vừa dữ dội vừa hiền hòa, vừa chứa đựng chất dân gian huyền thoại vừa chứa đựng cuộc sống hiện thực đầy sức sống.
Tập truyện ngắn Đứa con muộn của Anatoly Alexin gồm 3 truyện ngắn với đề tài thiếu nhiên và “những cuộc đụng độ của họ với thế giới người lớn”. Tập truyện sẽ phù hợp với các độc giả trẻ tuổi muốn tiếp xúc với nền văn học Nga, với những câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước và cũng không ít kịch tính về đời sống của thế hệ trẻ trong cuộc sống gia đình, trường học. Tác phẩm cũng rất phù hợp với độc giả ở đời sống hiện đại phức tạp và bận rộn khi nói về mối quan hệ khó khăn giữa cha mẹ và con cái, đầy ắp tình yêu thương và cần rất nhiều sự thấu hiểu để không yêu thương sai cách.
BT
NHỮNG CÔ BÉ KHÔN NGOAN HƠN CÁC ÔNG GIÀ Lev Tolstoy Lễ Phục sinh đến sớm. Người ta vừa thôi đi bằng xe trượt. Ngoài sân vẫn còn tuyết, nhưng trong làng đã có những dòng suối nhỏ chảy. Một vũng nước lớn lẫn phân gia súc đọng lại trên con phố nhỏ chạy giữa hai khoảng sân. Và hai bé gái của của hai nhà tụm lại bên vũng nước đó, một đứa còn bé, đứa kia lớn hơn một tí. Cả hai được mẹ mặc cho những cái váy sarafan[1] mới tinh. Váy của đứa bé màu xanh, còn đứa lớn thì màu vàng có hoa văn, cả hai đều quàng khăn màu đỏ. Hai cô bé vừa xong lễ mi-xa thì chạy ra chỗ vũng nước, khoe áo mới với nhau rồi bắt đầu chơi.Chúng muốn vọc nước, đứa bé đi đôi giày trẻ con định bước xuống vũng nước, còn đứa lớn thì bảo: -Đừng bước xuống đó Malashka, mẹ mắng cho đấy. Để tao cởi giày ra đã, và mày cũng cởi ra đi. Hai đứa bé tháo giày cùng bước xuống vũng nước để đi về phía nhau. Malashka thấy chân ngập nước đến mắt cá bèn bảo: - Nước sâu lắm, Akulyushka, em sợ lắm. - Không sao đâu, – con bé lớn nói – không sâu hơn nữa đâu. Mày cứ bước thẳng đến chỗ tao. Hai đứa bé đến gần nhau. Akulyushka bảo: -Malashka, đừng có nhảy, đi nhẹ thôi. Vừa dứt lời thì Malashka đã giẫm bộp xuống, bắn toé nước lên váy của Akulyushka. Bắn cả lên mũi và lên mắt. Nhìn thấy những vết bẩn trên váy, Akulyushka nổi giận, quát Malashka và chạy lại gần định đánh. Malashka hoảng hốt thấy mình đã gây ra tai hoạ, vội nhảy khỏi vũng nước để chạy về nhà. Mẹ của Akulyushka đi ngang qua thấy váy con gái ướt và áo dính bẩn. - Cái con hư hỏng kia mày nghịch ngợm gì ở đâu đấy hả? -Con Malashka cố ý văng nước lên con đấy. Bà mẹ của Akulyushka túm lấy Malashka đánh vào gáy nó. Malashka khóc váng khắp phố. Mẹ Malashka chạy ra. - Sao bà lại đánh con tôi? – và bắt đầu chửi bà hàng xóm. Lời qua tiếng lại, hai bà cãi nhau ầm ĩ. Những người đàn ông cũng xông tới, tập hợp thành một đám đông trên đường. Mọi người đều la hét, không ai chịu nghe ai. Họ chửi bới, chửi bới, người nọ huých người kia, sắp thành một cuộc ẩu đả. Bà của Akulyushka chạy ra, chen vào giữa đám đàn ông dàn hoà: -Các người làm sao vậy, giữa ngày lễ tết thế này? Lẽ ra phải vui mừng, thì các người lại muốn chuốc thêm tội lỗi. Không ai nghe lời bà cụ, còn suýt đá cả vào chân bà. Bà già không thể thuyết phục được họ, nếu như không có Akulyushka với Malashka. Trong khi hai bà mẹ nhiếc móc nhau, Akulyuka chùi sạch áo váy và lại chạy ra vũng nước. Nó nhặt một hòn đá và bắt đầu đào đất bên cạnh vũng nước để làm rãnh thoát nước ra đường. Trong lúc nó đào thì Malashka cũng lại gần giúp, cũng dùng que đào rãnh. Lúc đám đàn ông bắt đầu ẩu đả thì chỗ hai đứa bé nước đã chảy ra đường thành dòng. Hai đứa bé thả mảnh phoi bào xuống dòng nước chảy thẳng tới chỗ bà cụ đang can ngăn đám đàn ông. Chúng chạy theo hai bên dòng nước. -Giữ nó lại Malashka, giữ lại! – Akulyushka kêu lên. Malashka muốn nói cái gì đó, nhưng vì cười nắc nẻ nên không ra lời được. Hai đứa bé cứ chạy như thế, cười với mảnh phoi bào khi nó trôi nổi theo dòng suối nhỏ. Và chúng va vào giữa đám đàn ông. Nhìn thấy chúng, bà già nói với đám đàn ông: -Các người phải biết sợ Chúa chứ! Các người là đàn ông đàn ang, vì mấy con bé này mà đánh nhau, còn chúng nó thì quên từ lâu rồi, đã làm hoà vui vẻ chơi với nhau. Chúng nó khôn hơn các người đấy! Những gã đàn ông nhìn lũ trẻ và thấy xấu hổ. Sau đó chính họ cũng bật cười với chính mình và giải tán về nhà. “Nếu các ngươi không cư xử như đứa trẻ, các ngươi chẳng vào nước Chúa được đâu.” (Phúc Âm Matthew, 18:3) (1885) [1] Sarafan: loại áo dài truyền thống của Nga, thường dành cho phụ nữ và các bé gái. (ND) |