Hồ Biểu Chánh - văn tài đầu thế kỷ 20

Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958) để lại gia tài với hàng trăm tác phẩm, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tuồng hát, biên khảo đến báo chí, dịch thuật.

Ngày 11/5, nhiều độc giả, trong đó có giới trẻ, góp mặt tại buổi trò chuyện chuyên đề về nhà văn Hồ Biểu Chánh, do ông Nguyễn Nam - tiến sĩ Ngôn ngữ và văn minh Đông Á, Đại học Harvard (2005) - chủ trì ở TP HCM. Nhiều người đọc cho biết có thêm cơ hội hiểu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của Hồ Biểu Chánh cho văn chương nước nhà.

Tại buổi này, diễn giả một lần nữa giới thiệu về cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh, in lần đầu năm 1974, tái bản lần thứ ba vào cuối 2023, của giáo sư Nguyễn Khuê. Sách còn có nhiều tài liệu do ông Hồ Văn Kỳ Trân - con trai nhà văn - cung cấp.

20240524 6

Bìa cuốn "Chân dung Hồ Biểu Chánh", tái bản lần ba cuối năm 2023, do Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc Học phát hành. Ảnh: Vỹ Cầm

Hồ Biểu Chánh ra đời năm 1885, tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Xuất thân trong gia đình nghèo có 12 người con ở làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay là Tiền Giang), thời thơ ấu ông chịu nhiều thiếu thốn. Năm chín tuổi, ông học chữ nho tại trường làng, về sau mới được tiếp xúc chữ quốc ngữ và chữ Pháp.

Năm 1905, ông đậu hạng nhì bằng Thành chung, một năm sau đó đậu Ký lục Soái phủ Nam Kỳ. 35 năm tiếp theo, Hồ Biểu Chánh làm việc cho chính phủ Pháp, thăng dần tới Đốc phủ sứ. Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định tuy làm việc cho Pháp, ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực, thương người nghèo. Thậm chí, Hồ Biểu Chánh từng bị Thống đốc Nam Kỳ thuyên chuyển công tác vì nghi ông thân thiện với nhóm "nghịch Pháp" của Trần Chánh Chiếu.

Tháng 6/1937, ông xin về hưu nhưng vì không có người thay thế, ông tiếp tục kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền Pháp, đến cuối 1946 mới rời chính trường. Những năm tháng hưu nhàn, Hồ Biểu Chánh dành trọn tâm huyết cho văn chương, an dưỡng tuổi già.

Tác giả Hồ Biểu Chánh (1885-1958). Ảnh tư liệu

Tác giả Hồ Biểu Chánh (1885-1958). Ảnh tư liệu

Giáo sư Nguyễn Khuê chia đời văn nghệ gần nửa thế kỷ của Hồ Biểu Chánh thành năm giai đoạn: Tập sự viết văn, làm thơ (1907-1917), viết báo (1918-1925), chuyên sáng tác tiểu thuyết (1925-1941), lại làm báo, biên khảo (1942-1952), tiếp tục viết tiểu thuyết (1953-1958).

Ở mỗi thời kỳ, ông đều có tác phẩm xuất sắc, thành công với nhiều thể loại gồm: Truyện dài, truyện gắn, truyện văn vần, hài kịch, hát bội, cải lương, biên khảo, văn tế, hồi ký, tùy bút phê bình, thi ca hay dịch thuật.

Với tiểu thuyết, ông "thai nghén" 64 cuốn - nhiều nhất trong các các cây viết miền Nam. Tiến sĩ văn học Võ Văn Nhơn ví Hồ Biểu Chánh là "Balzac của Nam Bộ" - không chỉ là tiểu thuyết gia, mà còn góp phần khai sáng nền văn học hiện đại và cách tân thể loại tiểu thuyết.

Hồ Biểu Chánh chủ yếu khai thác cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ 20, với những xáo trộn do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ. Các tiểu thuyết nổi bật nhất gồm Cay đắng mùi đời (1923), Nhân tình ấm lạnh (1925), Ngọn cỏ gió đùa (1926), Cha con nghĩa nặngKhóc thầm (1929), Con nhà nghèo (1930), Ông Cử (1935), Đoạn tình (1939), Mẹ ghẻ, con ghẻ (1943), Đại nghĩa diệt thân (1955), Một duyên hai nợ (1956), Tắt lửa lòng (1957).

Với đoản thiên, Hồ Biểu Chánh liệt kê tám sáng tác, trong đó Chị hai tôi, Một đóa hoa rừng, Ngập ngừng (1944), Hai vợ hay Lòng dạ đàn bà (1955) được độc giả yêu thích. Truyện vắn có Chuyện trào phúng (tập 1,2, năm 1935), Chuyện lạ trên rừng (1945), Truyền kỳ lục (1948). Hai tác phẩm dịch thuật nổi tiếng Tân soạn cổ tích (1910, từ tiếng Trung), Lửa ngúng thình lình (1922, từ kịch Pháp).

Với cải lương, ông ghi dấu với ba vở Hai khối tình, Nguyệt Nga cống Hồ (1944), Vì nước vì dân (1947). Thanh lệ kỳ duyên (1926-1941), Công chúa kén chồng, Xả sanh thủ nghĩa, Trương Công Định quy thần (1945) được xếp vào thể loại hát bội. Năm tuồng hài kịch được khán giả thời ấy thuộc nằm lòng, điển hình là Tình anh em, Toại chi bình sanh (1922), Đại nghĩa diệt thân (1945).

Một số tác phẩm nổi bật của Hồ Biểu Chánh. Ảnh: Ngọc Hân

Một số tác phẩm nổi bật của Hồ Biểu Chánh. Ảnh: Ngọc Hân

Suốt sự nghiệp, ông có 23 công trình khảo cứu, ba văn vần, năm tùy bút phê bình, sáu hồi ký và tám diễn văn. Theo giáo sư Nguyễn Khuê, muốn nhận diện khuôn mặt văn nghệ Hồ Biểu Chánh, hiểu sâu đóng góp của ông cho văn hóa nước nhà và thái độ với đất nước, ngoài tiểu thuyết, độc giả nên đọc thêm Đại Việt tạp chí, Nam Kỳ tuần báo, loạt tác phẩm biên khảo và thi ca của ông.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhận định: "Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không thuộc hệ thống cách mạng, nhưng về tính nhân văn, chắc chắn không thể nào bị phủ nhận. Chừng đó thôi đã đáng trân trọng rồi, không phải nhiều nhà văn đương đại với chúng ta có sức sống mãnh liệt và lâu dài như vậy".

Gia đình Hồ Biểu Chánh từng nói ông yêu viết lách như hơi thở, xem đó là nhu cầu, phương thuốc trị bệnh. Ông rất sợ không có việc gì làm khi ở nhà. Những năm cuối đời, tác giả đau tim nặng, yếu dần. Bác sĩ cấm viết, Hồ Biểu Chánh vẫn không chịu nghỉ. Con cháu một mặt khẩn cầu ông dừng sáng tác, mặt khác năn nỉ các nhà xuất bản lẫn nhà báo đừng đến mua tác phẩm. Sợ người thân buồn, ông chiều ý, nhưng lúc cả nhà đi vắng hoặc ngủ hết, Hồ Biểu Chánh lại lén cầm bút viết xuyên đêm.

Trong phần mở đầu Lời di chúc, Hồ Biểu Chánh lý giải: "Vì niên kỷ đã cao, lại thêm bình sanh làm việc nhiều, tự nhiên sức khỏe ta phải suy giảm. Tuy vậy trí não ta vẫn sáng, tinh thần còn cao, bởi vậy ta vẫn còn viết tiểu thuyết mạnh mẽ như hồi 30 tuổi. Hôm nay, viết xong tiểu thuyết thứ 62 (Lừng lẫy hào khí, 1957-1958), nghe trong mình hơi mệt, ta tính nghỉ chơi vài tuần cho khỏe rồi sẽ viết tiếp nữa, viết được thêm càng nhiều càng tốt".

Ngày 4/11/1958, Hồ Biểu Chánh qua đời tại tư gia. Trong số nhiều vòng hoa, đối, trướng do các hội văn hóa, tao nhân mặc khách phúng viếng, có một bức trướng bằng nhung ghi bốn chữ "Văn chương nếp đất" của Hội bút Việt.

Thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết lấy tác phẩm tiêu biểu của ông sáng tác thành hai câu đối viết trên lụa vàng, đọc trước linh cữu: Cay đắng mùi đời, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, Vì nghĩa vì tình, Tỉnh mộng ấy Ai làm được?/ Cang thường nặng gánh, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, Thiệt giả giả thiệt, Dứt tình còn Ở theo thời.

Vỹ Cầm (theo Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Khuê)

Nguồn: VnExpress, ngày 14.5.2024.

Thông tin truy cập

61745756
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4878
20496
61745756

Thành viên trực tuyến

Đang có 143 khách và không thành viên đang online

Danh mục website