Hội thảo khoa học quốc tế "Việt Nam - giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông" do Khoa Văn học và Trung tâm nghiên cứu tôn giáo thuộc Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 16-18/11/2017.
Khoa Văn học - Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM hiện là một trong những điểm sáng giữa các đơn vị đào tạo ngành khoa học xã hội trên cả nước về hoạt động nghiên cứu khoa học. Năm nào Khoa cũng tổ chức hội thảo quốc gia hoặc quốc tế. Trong 10 năm qua, Khoa tổ chức đến 6 hội thảo quốc gia, 4 hội thảo quốc tế! Năm nay, Khoa tiếp tục tổ chức quy mô, đẳng cấp, chuyên nghiệp và thành công Hội thảo Quốc tế "Việt Nam - giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông".
Ấn tượng đặc biệt trước hết ở Hội thảo là cuốn kỉ yếu được biên tập chuẩn, in đẹp, dày 1.015 trang, khổ 20x28cm, đăng 77/126 bài tham luận gửi đến Hội thảo. Trong đó có tới 14 bài của các học giả ngoại quốc đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Các học giả ngoại quốc có nhiều nhà nghiên cứu nổi danh: GS. Komine Kazuaki (Trường ĐH Rikkyo, Tokyo, Nhật Bản), GS. Imai Akio (Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo), GS. Trần Ích Nguyên (ĐH Thành Công, Đài Loan)… Có 63 bài viết của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trong nước (TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Vĩnh Phúc,…). Nhiều tác giả là những đa đề, hổ tượng trong giới nghiên cứu văn học nước nhà: PSG.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học, TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, PGS.TS. Nguyễn Phong Nam - ĐH Đà Nẵng, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng - ĐHSP Hà Nội, TS. Nguyễn Nam - ĐHKHXHNV TP.HCM… Đơn vị có số lượng tác giả đến Hội thảo đông nhất là Viện Nghiên cứu Hán Nôm - 8 thành viên.
* Ngày 16/11/2018
Sau phiên toàn thể với sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu và đại biểu tham dự, Hội thảo tiếp tục được diễn ra ở 3 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Những vấn đề chung: giao lưu văn hóa Việt Nam - phương Đông.
Tiểu ban 2: Phật giáo Việt Nam trong giao lưu tư tưởng văn hóa phương Đông.
Tiểu ban 3: Thơ văn bang giao, du kí trong giao lưu văn hóa Việt Nam - phương Đông.
Ở tiểu ban 1, tôi hứng thú với nhiều bài thuyết trình mới mẻ, sâu sắc và hấp dẫn. Bài của GS. Trần Ích Nguyên, ĐH Thành Công Đài Loan – “Khảo sát thơ khắc bia ở Trung Quốc của các sứ thần Việt Nam: Điển cứu tại miếu Nhạc Phi ở Thang Âm Hà Nam” - khiến người nghe xúc động với các sứ thần Việt Nam thời trung đại. Họ đã để lại dấu tích, khẳng định học thức và sự lịch lãm của mình trên đất khách quê người. GS. Imai Akio diễn thuyết rõ rành bằng chính tiếng Việt, đem đến những thông tin quý báu về “Mối quan hệ giữa Phan Bội Châu và những người Nhật Bản theo chủ nghĩa Liên Á - giới thiệu hai tài liệu mới do người Nhật xuất bản”. TS. Nguyễn Nam – ĐHKHXH&NV TP.HCM trình bày hết sức hấp dẫn nội dung “Du hành tĩnh tại qua lăng kính tưởng tượng nguồn gốc sách Quốc dân độc bản của Đông Kinh Nghĩa Thục”. ThS. Tanaka Aki cũng nói rõ rành tiếng Việt, khiến tôi lắng nghe từng câu và không rời mắt khỏi bản powerpoint được thiết kế công phu, hợp lí, đẹp mắt. Tanaka Aki đã thực sự trân trọng mọi người. Cô ấy là sự hiện diện của văn hóa Nhật trên đất Việt, thật đáng quý!
Ngày thứ nhất của Hội thảo tôi còn ấn tượng với thầy Hiệu trưởng ĐHKHXH&NV TP.HCM PGS.TS. Võ Văn Sen khai mạc và tổng kết buổi đầu tiên của hội thảo bằng song ngữ Việt - Anh; các bạn MC rất trẻ dịch Trung, Anh; sự chu toàn, nhiệt tình của PGS.TS. Nguyễn Công Lý… Tiếc là chẳng thể phân thân để được nghe các tác giả trình bày tham luận ở tất cả các tiểu ban!
* Ngày 17/11/2017
Hội thảo tổ chức chương trình tham quan Di tích văn hoá lịch sử Hán Nôm ở Bến Tre dành cho đại biểu đến từ miền Bắc, miền Trung và nước ngoài. Chuyến đi đã đưa khách mời đến thăm các đền thờ và viếng Lăng mộ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu - những danh nhân khai sáng học phong Nam bộ. Võ Trường Toản được mệnh danh là cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ. Ông là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ tài ba, lỗi lạc ở miền Nam thế kỷ 18, là thầy dạy của hàng loạt danh nhân: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tĩnh... Phan Thanh Giản là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn và nhà thơ, nhà sử học lớn, đỗ đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ. Năm 1867, Phan Thanh Giản đã quyết định trao Vĩnh Long cho Pháp với yêu cầu Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Tránh mất mát đau thương cho dân, Phan Thanh Giản trở thành có tội với nước, vì thế, ông đã gói mũ áo, phẩm hàm, kèm theo sớ tạ tội gửi về triều và uống thuốc độc tự sát. Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn nhất của miền Nam đầu thế kỉ 19 - là một tên tuổi mà bất cứ người Việt Nam nào cũng kính trọng.
Đến đền thờ, lăng mộ những nhân vật lịch sử, văn hóa tiêu biểu của miền Nam này, tôi dấy lên trong lòng một niềm xúc động lớn. Khác với sự cầu kì, chồng chất những lễ vật, nghi trượng của miền Bắc, lễ vật và cách bài trí ở đền thờ, lăng mộ của miền Nam khá đơn sơ, ít ỏi, nhưng không vì thế mà giảm đi niềm thành kính thiêng liêng. Mộ chí của Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản được xây đắp theo hình voi phục, ngưu miên - kiểu dáng này cũng khác biệt với mộ chí quan lại, chức tước miền Bắc - khiến người đến viếng cảm thấy người xưa có giấc ngủ thật bình yên, gần gũi. Nơi thờ phụng Nguyễn Đình Chiểu rộng tới 13.000 m2, hoành tráng, có hẳn tấm biển đề “Lăng Nguyễn Đình Chiểu”. Với từ “lăng”, Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành vua của lòng dân Nam Bộ - dù chỉ đỗ đến tú tài và không chức tước! Con gái Nguyễn Đình Chiểu - bà Sương Nguyệt Anh - nhà thơ, chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam, phụ trách tờ Nữ giới chung - được yên nghỉ gần cha mẹ, được nhân dân hương khói. Cụ Đồ Chiểu có 6 người con (3 trai, 3 gái), nhưng chỉ có một Sương Nguyệt Anh được vinh dự bên mẹ bên cha. Mộ chí của bà khiến tôi nghĩ đến lời ca của người miền Nam: Trai mà chi, gái mà chi/ Sinh ra có ngãi có nghì thì hơn; Trai mà chi gái mà chi/ Cốt sao có nghĩa có nghì thì hơn; Trai mà chi, gái mà chi/ Con nào có nghĩa có nghì là hơn... Tiếc rằng những nơi này, công tác hướng dẫn du lịch còn thiếu sót. Người trông coi các lăng mộ không đủ trình độ để giới thiệu hay thuyết minh về di tích. Đoàn tham quan may mắn được PGS.TS. Đoàn Lê Giang thay thế vai trò của hướng dẫn viên, giới thiệu khá súc tính, rành mạch, sâu sắc về danh nhân và di tích.
Đến Bến Tre, đoàn tham quan còn vui thích với những món ăn lạ là đặc sản của Bến Tre, như gỏi đọt dừa và rất nhiều loại bánh chấm với nước cốt dừa thơm ngọt, béo ngậy. Vừa thưởng thức đặc sản ẩm thực, đoàn vừa được nghe đờn ca tài tử Nam Bộ. Vốn thích đờn ca tài tử, nghe nhiều lần, vậy mà khi lắng ở chính quê hương của đờn ca tài tử, tôi cảm thấy như da diết, bồi hồi hơn biết bao lần: Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/… Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…
* Ngày 18/11/2017
Buổi sáng, chương trình Hội thảo tiếp tục với cuộc tọa đàm khoa học cùng 2 diễn giả: GS. Komine Kazuaki - ĐH Rikkyo, Tokyo, Nhật Bản và PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh - Viện Nghiên cứu Hán Nôm. GS. Komine Kazuaki diễn giảng về đề tài: “Quỷ ở Nhật Bản và Đông Á - Quỷ ẩn và Quỷ hiện”. Một lần nữa, tôi lại được thích thú với cách làm việc của các học giả Nhật Bản tại hội thảo: đề tài công phu, ấn tượng kết hợp với bản powerpoint kì công, khoa học, hấp dẫn! Những thông tin về loại “quỷ tại tâm sinh”, quỷ theo tư tưởng Phật giáo của GS thật thú vị! PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh làm người nghe mến mộ về khả năng sử dụng tiếng Nhật giỏi và bài giới thiệu rất duyên về cuốn Kim tích vật ngữ tập.
Buổi chiều, tiếp tục có tọa đàm với GS. Wei Tzu-Te, ĐH Đông Hoa, Đài Loan và TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Người nghe đặc biệt ấn tượng với TS. Nguyễn Tuấn Cường về “Vấn đề công bố khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế”. Trong vòng 1 năm, Nguyễn Tuấn Cường có tới hàng chục bài báo đăng quốc nội và hàng chục bài báo đăng quốc tế (chưa kể hàng chục bài nữa quốc tế nữa đã có kết quả phản biện, đang trong thời gian chỉnh sửa, tiếp tục chờ đăng). Các bài báo quốc tế của Tuấn Cường đều đăng ở các tạp chí uy tín thuộc hàng top 10-20 của các nước và thế giới! Từ thành công của bản thân, Tuấn Cường trình bày nhiệt tình những yêu cầu của bài công bố quốc tế và kinh nghiệm quý báu của mình. Ở Tuấn Cường tỏa ra sức trẻ khỏe, nhiệt huyết, tài hoa. Đó thực sự là một tín hiệu lạc quan đối với đội ngũ khoa học trẻ nước nhà!
Đến Hội thảo, tôi còn hãnh diện và may mắn được chụp nhiều ảnh với nhiều GS.TS nổi tiếng trong và ngoài nước, trong đó không ít người trước nay chỉ dám “kính nhi viễn chi”; được vui vì được xếp vào “tứ đại phản mĩ nhân” ríu rít ảnh, chuyện cùng với chị Tú Anh (ĐH Hồng Đức), em Phương Khánh (ĐH Đà Nẵng), em Thu Thủy (ĐH Văn hóa Hà Nội); được vui cùng đội Hán Nôm trẻ măng của Hội thảo (Cường, Trường, Tùng, Tuấn, Quang, Thân…); được ngắm màu má hoa đào của cô gái Nhật Bản Sano Aiko, được mừng vì được nhiều quà quý… Trên cả tuyệt vời - đó là điều có thể thốt ra thật thoải mái mà không hề ngượng ngùng!
Nói chung, tôi hạnh phúc, diễm phúc khi được tham dự Hội thảo. Chân thành cảm ơn BTC, các chư vị hoà thượng thượng toạ; cảm ơn PGS.TS. Đoàn Lê Giang, PGS.TS. Nguyễn Công Lý cùng các thành viên của Khoa Văn học Trường ĐHKHXH&NV HCM đã nhiệt tình và chu đáo trong suốt quá trình tổ chức Hội thảo.
Hội thảo lần này vắng thầy Trần Đình Sử, thầy Vũ Thanh, thầy Nguyễn Kim Châu, thầy Trần Ngọc Vương, thầy Nguyễn Đức Mậu, cô Lê Dục Tú, cô Lưu Khánh Thơ, anh Nguyễn Xuân Diện, anh Inra Sara, em Trần Văn Trọng, em Hà Thanh Vân... Nhớ các thầy cô và các anh chị em!
Trở về với cái lạnh xứ Bắc, nhớ lắm nắng ấm chan hòa đất phương Nam.
Nguyễn Thị Tính
Đại học Sư phạm Hà Nội 2