Ước vọng cho học đường

Ước vọng cho học đường - những bài viết về giáo dục là nhan đề khiêm tốn cho cuốn sách bàn về giáo dục đầy trí tuệ và tâm huyết của GS Huỳnh Như Phương.

20220508 6

Gọi là "ước vọng", nhưng thực ra, cuốn sách là cẩm nang giáo dục quốc dân từ giáo dục phổ thông đến đại học. Tập hợp những bài viết trên báo chí và tham luận hội thảo, được tổ chức lại theo một chủ đề xuyên suốt, có tính hệ thống, bao quát và cụ thể, cuốn sách vừa thể hiện tư tưởng và triết lý giáo dục, vừa trình bày các sách lược và giải pháp giáo dục mang tính khoa học, tiến bộ và nhân văn.

Bằng kinh nghiệm của một người suốt đời theo sự nghiệp giáo dục với vai trò vừa là nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, tác giả Huỳnh Như Phương đã thể hiện "những tiếng nói kiểm thảo giáo dục" một cách thẳng thắn. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm thay đổi tình trạng, tình thế lưỡng lự, lúng túng của giáo dục Việt Nam khi bước vào những năm 2020.

Với giáo dục đại học, tác giả yêu cầu cần phải có một kế hoạch tổng thể, được chuẩn bị lâu dài, từ đường hướng giáo dục, sứ mạng của nhà trường, hệ thống nhân sự, chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo, cơ chế tài chính, giáo dục nhân văn trong trường đại học...; cần phải trả lời những câu hỏi căn bản về triết lý giáo dục, về tư tưởng chấn hưng giáo dục, về quan niệm con người như là trung tâm và mục tiêu của sự nghiệp đào tạo.

Với giáo dục phổ thông, những vấn đề về chương trình giáo dục, biên soạn sách giáo khoa, tổ chức thi cử cho học sinh, tuyển dụng giáo viên, thu học phí, xưng hô trong môi trường giáo dục... đều được phân tích, nhìn nhận một cách thấu đáo, khoa học và thiết thực.

Quan tâm đến con người, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác giáo dục, GS Huỳnh Như Phương bày tỏ sự cảm thông trước những áp lực đối với lao động nhà giáo; quan tâm đến thái độ, bản lĩnh và đạo đức của nhà giáo trong ứng xử nghề nghiệp. Những trăn trở, chia sẻ của tác giả cũng là gợi mở cho hướng giải quyết bao điều còn vướng mắc trong giáo dục hiện nay.

Rất nhiều ý tưởng được đưa ra từ 20 năm trước trong cuốn sách này đang được thực hiện trong công cuộc đổi mới giáo dục từ tự chủ đại học, kiểm định, kiểm thảo cho đến chương trình phát triển năng lực cho học sinh phổ thông hôm nay. Điều đó thể hiện tầm nhìn, khả năng phán đoán và tổ chức hoạt động giáo dục của tác giả.

Tuy nhiên, điều đáng nể trọng là sự mạnh mẽ, thẳng thắn của người viết. Những nhận định như: "Giáo dục đại học hiện nay chỉ mới thể hiện tinh thần tự chủ ở một vài lĩnh vực..., còn nhiều lĩnh vực chưa thể nói là tự chủ: quan điểm học thuật, phương thức tuyển sinh, mở ngành học, chương trình học, giao lưu quốc tế... Ba thập niên qua, giáo dục đại học chưa đề xuất cho xã hội một mô hình giáo dục nào khả dĩ đem lại niềm tin rằng đổi mới giáo dục thực sự thành công"... đều khiến những người liên quan cần suy ngẫm và hành động thực sự cho sự thay đổi của giáo dục.

Và, những ước vọng nhỏ, tưởng chừng không nên gọi là ước vọng này lại càng khiến người đọc trăn trở hơn: "Tôi ước mong sẽ có những nhà lãnh đạo về dự lễ ở những ngôi trường mái tranh vách đất, nơi một vùng quê xa, để hiểu rõ hơn nỗi khó khăn của nhà giáo. Tôi cũng ước mong các thầy/cô hiệu trưởng, ngoài công việc điều hành các cuộc họp trong phòng máy lạnh, còn dành thời gian thường xuyên đi đến các lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm, căngtin... để có thể nhận ra những gì cần phải làm cho đồng nghiệp và học sinh của mình".

Cách nhìn nhận, đánh giá thực trạng giáo dục cũng như đề xuất giải pháp vừa lý thuyết vừa thực tiễn, chứng minh rõ ràng và kiến giải thấu đáo nên rất thuyết phục. Mong sao những điều mà GS Huỳnh Như Phương bàn đến trong cuốn sách Ước vọng cho học đường - những bài viết về giáo dục sẽ không còn là ước vọng trong một tương lai không xa.

Cuốn sách dành khá nhiều dung lượng cho bộ môn ngữ văn trong trường phổ thông bởi đây là chuyên môn của tác giả. Đồng thời, đây cũng chính là vấn đề gây tranh luận khá nhiều trong xã hội. Bằng kinh nghiệm và khả năng thẩm định của mình, tác giả đưa ra những đề nghị hữu ích và khả thi cho việc tìm kiếm và lựa chọn văn liệu cho sách giáo khoa.

Nguyễn Thị Tịnh Thy

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 05.5.2022.

Thông tin truy cập

63609155
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16477
10905
63609155

Thành viên trực tuyến

Đang có 563 khách và không thành viên đang online

Danh mục website