Phê bình từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái: Sự kết hợp giữa “cách mạng giới” và “cách mạng xanh” trong nghiên cứu văn học

20171002 Nu quyen

Ảnh: Internet

Paul Shepard và Daniel McKinley cho rằng sinh thái là một môn “khoa học của sự lật đổ”. Nó lật đổ giá trị quan, thế giới quan chinh phục tự nhiên, thống trị tự nhiên của nhân loại trong vòng ba trăm năm nay; phê phán và phủ định không kiêng nể quan niệm cho rằng con người là cao hơn hết, là giá trị nhất(1). Cùng lập trường tư tưởng đó, ra đời từ sự kết hợp của chủ nghĩa nữ quyền và sinh thái học, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái thâm nhập vào vấn đề sinh thái từ góc độ phân biệt giới, xoay quanh những chủ đề về tự nhiên, nữ quyền, sự phát triển... để nghiên cứu và phê phán bản chất và nguồn gốc của chế độ nam quyền khi thực hiện hai tầng thống trị: thống trị tự nhiên và thống trị phụ nữ. Thập niên 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái bắt đầu xuyên thấm từ lĩnh vực văn hóa, triết học sang lĩnh vực văn học. Một số nhà nữ quyền sinh thái đã từ điểm nhìn phức hợp đa trùng của tự nhiên và phân biệt giới để tiến hành nghiên cứu văn học, phản tư và phê phán văn hóa đối với sự áp bức tự nhiên và áp bức nữ giới trong xã hội hiện đại, từ đó hình thành nên một hệ hình phê bình mới: phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái - kết tinh của cuộc hôn phối giữa “cách mạng giới” và “cách mạng xanh” trong phê bình văn học.

1. Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái

Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái (Ecofeminism) là một phong trào chính trị - xã hội ra đời ở phương Tây cuối thập niên 70 và phát triển thành cao trào vào thập niên 90 của thế kỷ XX. Đây là hợp lưu của hai dòng chảy sinh thái học và chủ nghĩa nữ quyền. Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái có hai cách gọi: Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái (The feminism of ecology) và Sinh thái học chủ nghĩa nữ quyền (The ecology of feminism). Đại biểu tiêu biểu gồm có: Françoise d'Eaubonne (1920 - 2005), Karen J. Warren (1947 - ), Val Plumwood (1939 – 2008), Karolyn Merchant (1936 - ), Vandana Shiva (1952 - )...

Năm 1974, nữ học giả người Pháp Françoise d'Eaubonne lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “chủ nghĩa nữ quyền sinh thái” trong cuốn sáchChủ nghĩa nữ quyền hay là chết (Le Feminisme ou la mort), đánh dấu sự ra đời của lý luận nghiên cứu chủ nghĩa nữ quyền sinh thái ở phương Tây. Mục đích của Françoise d'Eaubonne khi đưa ra thuật ngữ này là muốn nhấn mạnh khả năng của nữ giới trong việc giải quyết những nguy cơ sinh thái mang tính toàn cầu, kêu gọi phụ nữ tham gia vào cuộc cách mạng sinh thái để gìn giữ trái đất này và xây dựng mối quan hệ mới giữa con người và tự nhiên, nam giới và nữ giới. Đồng thời, bà cũng chỉ ra rằng, việc áp bức phụ nữ có quan hệ trực tiếp đến áp bức tự nhiên. Françoise d'Eaubonne  còn giải thích lại mối quan hệ giữa con người và các sinh vật khác, con người và tự nhiên, xem con người là một tồn tại của sinh thái, coi trọng và nỗ lực bảo vệ hệ thống sinh thái, nhấn mạnh phát triển hài hòa và bền vững cùng thế giới tự nhiên. Bà cho rằng sự tương đồng giữa phụ nữ và tự nhiên là nội dung đầu tiên của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái. Nhà nữ quyền này đã kết hợp phong trào sinh thái và phong trào nữ quyền, nỗ lực xây dựng giá trị đạo đức và cơ cấu xã hội mới, phản đối tất cả các hình thức phân biệt, hy vọng thông qua việc đề xướng giá trị luân lý của tình yêu, sự quan tâm và công bằng, nhất là công bằng xã hội, để có thể lấy mô hình quan hệ phụ thuộc lẫn nhau thay thế cho mô hình quan hệ đẳng cấp trước đây.

Carolyn Merchant trong công trình Cái chết của tự nhiên: Phụ nữ, sinh thái học và cách mạng khoa học (The Death of Nature: Women, Ecology, and Scientific Revolution) đã miêu tả quá trình biến hóa từ sự coi trọng đến sự thống trị tự nhiên và phụ nữ như sau: Quan niệm tự nhiên là một thể hữu cơ vốn có từ xa xưa, hạt nhân của thuyết hữu cơ là đặt tự nhiên, đặc biệt là trái đất ngang hàng với hình tượng người mẹ. Đến thời Phục hưng, kiểu quan niệm về thuyết hữu cơ trong triết học cổ đại này phát triển thành một hệ thống lý luận triết học về tự nhiên. Điểm giống nhau trong tiền đề của chúng là: vạn vật trong vũ trụ đều ở trong một hệ thống hữu cơ, chúng có mối liên hệ và tác dụng qua lại với nhau, thông qua sự hấp thu lẫn nhau để liên kết lại. Đến thế kỷ XVII, sự phát triển của kinh tế thương nghiệp và khoa học kỹ thuật đã làm nảy sinh ra “thuyết cơ giới” thay thế quan niệm tự nhiên của “thuyết hữu cơ”. Quan điểm này xem tự nhiên đã chết, xem vật chất là những yếu tố bị động, đồng thời cho rằng tự nhiên và tài nguyên là đối tượng có thể cưỡng đoạt, khai thác và điều khiển.

Đối mặt với nguy cơ nguồn tài nguyên tự nhiên đang bị khai thác cạn kiện, sinh thái học hiện đại tìm về cội nguồn với thuyết hữu cơ. Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái mà Carolyn Merchant đề xướng cũng như thế. Tuy nhiên, bà không có ý định xây dựng lại hình tượng “người mẹ tự nhiên”, để phụ nữ tiếp tục thực hiện vai trò của người chăm sóc mà lịch sử giao phó, mà là chủ trương khảo sát giá trị của mối tương quan giữa phụ nữ với tự nhiên, khảo sát sự tấn công của phong trào giải phóng phụ nữ và phong trào sinh thái đối với quan niệm tự nhiên truyền thống, lấy phương thức phá vỡ thế giới cũ để kêu gọi xây dựng một thế giới mới. Bà còn là người mở đầu cho sự phê phán quan niệm đối lập nhị nguyên giữa tinh thần và thể xác, lý trí và tình cảm, nam giới và nữ giới.

Susan Griffin cho rằng ý thức sinh thái là một kiểu ý thức nữ quyền truyền thống. Bà còn nhấn mạnh rằng, tàn phá môi trường là tàn phá chính mình, bởi nó không chỉ hủy diệt môi trường sống, hủy diệt bản thân con người mà còn di họa đến mai sau.

Theo Cheryll Glotfelty, “chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là một diễn ngôn lý thuyết. Tiền đề của nó là nối kết sự áp bức phụ nữ và sự thống trị tự nhiên của chế độ phụ quyền”(2). Nội hàm cơ bản của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là phản đối chủ nghĩa nam giới trung tâm. Các nhà nữ quyền sinh thái thống nhất rằng, chủ nghĩa nam giới trung tâm là sự phái sinh của chủ nghĩa nhân loại trung tâm. Điểm giống nhau trong cơ sở triết học của chúng là đều lấy sự đối lập nhị nguyên của con người và tự nhiên, chủ thể và khách thể, thể xác và tâm hồn, tình cảm và lý trí làm lý luận triết học và phương thức tư duy. Ngược lại, lý luận của chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái và chủ nghĩa nữ quyền sinh thái đều lấy việc xóa bỏ sự đối lập nhị nguyên làm cơ sở triết học.

Từ việc phơi bày sự giống nhau của logic áp bức đối với tự nhiên và phụ nữ của tư tưởng chủ nghĩa nhân loại trung tâm, thế giới quan nam tính và tư tưởng nhị nguyên luận, trào lưu này phản đối chủ nghĩa nhân loại trung tâm và chủ nghĩa nam giới trung tâm, chủ trương thay đổi tư tưởng con người thống trị tự nhiên. Nó phê phán chế độ phụ quyền; phản đối các quan niệm dẫn đến sự bóc lột, thống trị, tấn công; ca ngợi bản chất nữ tính (nhưng không theo chủ nghĩa bản chất), mục tiêu là xây dựng một tư tưởng mới theo nguyên tắc của chủ nghĩa sinh thái và chủ nghĩa nữ quyền. “Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái lập luận rằng cuộc chiến cho sự sống còn của sinh thái về bản chất hòa quyện với cuộc chiến giải phóng phụ nữ và giành những hình thái công bằng xã hội khác”(3). Greta Gaard và Patrick D. Murphy còn đi xa hơn, mô tả chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là “không chỉ dựa vào sự nhận biết các mối liên hệ giữa việc lợi dụng tự nhiên và việc đè nén phụ nữ trong những xã hội nam quyền” mà cả “trong nhận thức rằng hai hình thái thống trị này được gắn với bóc lột giai cấp, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới”(4).

Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái khẳng định: 1/ Phụ nữ gần gũi với tự nhiên, nam giới thì luôn coi tự nhiên là thù địch. 2/ Các sinh mệnh trên trái đất là một mạng lưới gắn kết với nhau, không phân chia cao thấp. 3/ Xây dựng một hệ thống sinh thái lành mạnh, bền vững bao gồm con người và các chủng loài khác. 4/ Tuyên chiến với quan điểm đối lập nhị nguyên, với sự phân tách con người và tự nhiên, nam và nữ...

Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái phân thành ba trường phái chính:Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái văn hóa, Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái triết học và Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái xã hộiChủ nghĩa nữ quyền sinh thái văn hóa lấy việc xây dựng và chấn hưng văn hóa nữ giới làm con đường căn bản của việc giải quyết nguy cơ sinh thái. Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái triết học cho rằng trong mô hình phát triển kinh tế của chế độ gia trưởng, phụ nữ và giới tự nhiên bị áp bức và cưỡng đoạt. Vì vậy, chỉ dựa vào mô hình kinh tế xã hội xây dựng theo nguyên tắc nữ giới mới có thể phát triển bền vững, có thể giải phóng phụ nữ và giới tự nhiên. Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái xã hội nghiên cứu quan hệ giữa việc thống trị phụ nữ và tự nhiên từ quan niệm thứ bậc, cho rằng áp bức giới và nguy cơ sinh thái đều có nguồn gốc từ thế giới quan của chế độ gia trưởng. Ngoài ra, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái còn có nhiều phân nhánh khác như: Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái tự do chú ý đếnviệc cải cách sinh thái của cơ cấu chính trị xã hội hiện hành mà không lật đổ cơ cấu đó; Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái cấp tiến lại hy vọng thông qua lật đổ cơ cấu kinh tế chính trị hiện hành để xây dựng một cơ cấu mới phù hợp hơn với môi trường sinh thái; Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái phê phán thì mong muốn thay đổi sự phân loại bản sắc nam giới và nữ giới, khiến cho quan hệ của hai giới phù hợp hơn với môi trường sinh thái; Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái thổ dân chủ trương đưa cuộc sống nhân loại về gần với tự nhiên, bảo lưu những tín ngưỡng có tính chất thần thánh bản địa, thần thánh hóa những không gian nguyên thủy; Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái thế giới thứ ba đề xướng văn hóa sinh thái đa nguyên, coi trọng việc bảo vệ hệ thống sinh thái, mối quan hệ hài hòa và sự phát triển bền vững của vạn vật cũng như đảm bảo công bằng xã hội; và còn Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái tinh thần, Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái sinh thái học, Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái sinh thái học bề sâu, Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái động vật, Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái đồng tính, Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái chủ nghĩa tự do, Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái chủ nghĩa xã hội...

Trong hoạt động thực tiễn, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái xem vấn đề môi trường là vấn đề phụ nữ, cần phải kết hợp phong trào phụ nữ với phong trào sinh thái. Họ đề cao quyền lợi, cải thiện địa vị và hoàn cảnh kinh tế của phụ nữ, phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong việc khắc phục nguy cơ môi trường và tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững. Người phụ nữ mang trong mình thiên tính giữ gìn và bảo vệ sự sống nên thường có thái độ chăm sóc, nâng đỡ, chở che cho mọi sinh linh, trong khi đàn ông thường đối xử một cách độc đoán, chuyên quyền với tự nhiên và phụ nữ. Các nhà nữ quyền sinh thái văn hóa cho rằng kinh nguyệt khiến phụ nữ có thể duy trì mối quan hệ thường xuyên, có tính quy luật với thế giới tự nhiên (như quy luật trăng tròn trăng khuyết), từ đó phụ nữ có thể kết nối mối quan hệ giữa những người khác trong xã hội với tự nhiên. Từ góc độ sinh lý nữ và thiên tính chăm sóc, bảo bọc con cái và gia đình, phụ nữ cũng có bản năng chăm sóc, chở che vạn vật trong tự nhiên. Bản năng đó có thể nâng lên thành “luân lý chở che” (ethic of care). Luân lý ấy là nguyên tắc rất quan trọng đối với việc xây dựng lại khái niệm về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Vì vậy, theo nhiều nhà khoa học nói chung và nữ quyền sinh thái nói riêng, “phụ nữ là người làm cho xã hội “xanh tươi” và cải thiện môi trường, chủ yếu từ phạm vi riêng tư”(5), phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự phát triển bền vững. Phụ nữ sống hài hòa với tự nhiên, phần lớn họ là những người chăm sóc đồng ruộng, trang trại, rừng ở khu vực nông thôn trong các nước đang phát triển. Họ cũng là người trực tiếp thực hiện chính sách dân số để giảm áp lực tiêu dùng và khai thác lên môi trường tự nhiên.

Tiếp thu tinh hoa của sinh thái học và lý luận của chủ nghĩa nữ quyền, các nhà nữ quyền sinh thái đã tích cực tìm kiếm và xây dựng một phương thức tư duy, thế giới quan và luân lý đạo đức mới. Điểm có ý nghĩa cách mạng nhất của các nhà nữ quyền sinh thái là họ sớm tiếp thu quan điểm khoa học hiện đại phương Tây để đề xuất sự hoài nghi và khiêu chiến, lật đổ quan niệm giá trị cơ bản được thừa nhận lâu nay. Chủ nghĩa nữ quyền sinh thái đưa ra một góc nhìn mới mẻ cho việc giải quyết nguy cơ sinh thái. Đó là sự kết hợp, tương tác gữa tự nhiên và nữ giới; hai vấn đề này không nên tách rời nhau, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhân loại nên đưa cả hai vấn đề này kết hợp với nhiều vấn đề xã hội khác để giải quyết nguy cơ sinh thái từ gốc rễ nhằm giảm bớt áp lực nguy cơ môi trường đối với xã hội.

2. Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái

Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái (Ecofeminist literary criticism) hiểu theo nghĩa rộng là một diễn ngôn gắn với chính trị, phân tích những kết nối mang tính khái niệm giữa việc đối xử với phụ nữ và thế giới phi nhân loại, vừa là sự mở rộng của phê bình sinh thái qua lĩnh vực nghiên cứu về giới, vừa là một trào lưu thời đại do phong trào môi trường và phong trào nữ quyền hợp thành.

2.1. Bối cảnh và khái niệm

Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là bước phát triển của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, ra đời vào thập niên 90 của thế kỷ XX, khi mà môi trường sinh thái của trên trái đất này bị suy thoái nghiêm trọng, phong trào nữ quyền phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, trong lĩnh vực xã hội học, lý thuyết của các ngành khoa học mới như luân lý học môi trường, sinh thái học bề sâu... đã chín muồi, cung cấp cơ sở lý luận và quan niệm cho việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên. Trong bối cảnh đó, các nhà nữ quyền sinh thái tiến hành kết hợp vấn đề môi trường và vấn đề phân biệt giới trong nghiên cứu văn học. Từ đó, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái ở Mỹ bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực văn học.

Kế thừa những phác thảo về ba giai đoạn phát triển của phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái của giáo sư văn học và môi trường Cheryll Glotfelty trong Tuyển tập phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong sinh thái học văn học (The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology), Naomi Guttman trong tiểu luận Chủ nghĩa nữ quyền trong nghiên cứu văn học (Ecofeminism in Literary Studies) đã đưa ra khái niệm về phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái như sau: Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái khai quật các quan điểm của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái trong tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm viết về tự nhiên; từ góc nhìn của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái để đọc tác phẩm văn học, chủ yếu là tác phẩm văn học nữ quyền; thẩm định các sáng tác của văn học nữ và sáng tác tự nhiên vốn bị xếp vào thể tài văn học bên lề; thông qua việc vận dụng lý luận văn học nữ quyền sinh thái để đưa sáng tác tự nhiên vào hàng ngũ văn học kinh điển truyền thống; tham khảo thêm về phê bình nữ quyền, từng bước xây dựng lý luận phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái(6).

Các nhà nữ quyền sinh thái cho rằng, phụ nữ và tự nhiên là bản nguyên tồn tại và phát triển của thế giới. Nguy cơ sinh thái và nguy cơ áp bức giới là nguyên nhân căn bản của nguy cơ xã hội. Vì vậy thông qua cách mạng sinh thái để giải trừ sự thống trị tự nhiên và thống trị phụ nữ là con đường căn bản để giải quyết nguy cơ của nhân loại. Trong góc nhìn lý luận của phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, điểm kết hợp chủ yếu giữa môi trường tự nhiên và sinh mệnh phụ nữ có những phương diện sau: 1/ Trong văn hóa truyền thống, nhân loại luôn ví người mẹ với trái đất; 2/ Cơ sở của quan niệm dẫn đến việc tự nhiên và phụ nữ bị thống trị và áp bức trong xã hội nam quyền đều là thuyết nhị nguyên: đối lập giữa tự nhiên và con người, nam giới và nữ giới; 3/ Nguồn gốc của việc tự nhiên và phụ nữ bị áp bức là giống nhau: trong chế độ phụ quyền, tự nhiên và phụ nữ đều bị xem là “kẻ khác”, ở vị trí “bên lề”; đều là vật hy sinh; 4/ Trong bậc thang giá trị của nhân loại: văn hóa, lý trí, nam giới luôn cao hơn tự nhiên, nữ giới, tình cảm. Vì thế, theo logic giá trị, tự nhiên và phụ nữ phải chịu thống trị(7) .

Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái tiến hành phê bình văn học từ điểm nhìn đa trùng của tự nhiên, môi trường và giới tính; đặt phê bình văn học trong ngữ cảnh của phân biệt giới và nguy cơ sinh thái, liên kết các nhân tố như giới tính, tự nhiên, văn học, văn hóa để tiến hành khảo sát và phản đối sự phân biệt giống loài và phân biệt giới tính; hoài nghi và giải cấu trúc quan niệm đối lập nhị nguyên tồn tại phổ biến trong văn hóa phương Tây; phê phán chủ nghĩa nhân loại trung tâm và văn hóa chế độ phụ quyền trung tâm. Mục đích của nó là thông qua nghiên cứu văn học để tiến hành nhìn nhận lại và phê phán văn hóa nhân loại, thay đổi vị trí “kẻ khác” và “bên lề” của tự nhiên và nữ giới, thức tỉnh ý thức chỉnh thể sinh thái và ý thức nam nữ bình đẳng của mọi người, xây dựng một xã hội bình đẳng, hài hòa giữa nam và nữ, giữa các giống loài, giữa xã hội loài người với vạn vật trong tự nhiên, một thế giới rực rỡ phồn vinh với đa dạng văn hóa, đa dạng sinh vật.

2.2. Nội hàm và phương pháp phê bình

Nội hàm của phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái rất phong phú. Nó vận dụng các quan điểm của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái như thuyết hữu cơ, quan điểm coi trọng mẹ tự nhiên và đề xướng xây dựng xã hội lý tưởng sinh thái, phê bình thuyết cơ giới và “cái chết của tự nhiên”.... vào phê bình văn học nghệ thuật.

Cũng như phê bình sinh thái, phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái thuộc phạm trù nghiên cứu văn hóa. Nghiên cứu văn hóa vốn có tính liên ngành, tính mở và tính phê phán. Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là một nhánh của phê bình hậu hiện đại, nó thách thức, giải cấu trúc và phê phán chủ nghĩa trung tâm. Điều này biểu hiện ở hai phương diện: ở phương diện quan hệ giữa con người và tự nhiên, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái phê phán, giải cấu trúc chủ nghĩa nhân loại trung tâm; ở phương diện quan hệ giữa quyền lực và trật tự, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái phê phán, giải cấu trúc “chủ nghĩa dương vật trung tâm”.

Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái sử dụng phương pháp phê bình nữ quyền và phê bình sinh thái để nghiên cứu mối quan hệ giữa tự nhiên và nữ giới trong lĩnh vực văn học từ góc nhìn tự nhiên và nữ giới. Vừa là “nữ quyền” vừa là “sinh thái”, vì thế trước hết, nó hoài nghi, giải cấu trúc, lật đổ cội nguồn tư tưởng của nguy cơ sinh thái, đó là thế giới quan của chủ nghĩa nhân loại trung tâm. Nó hướng con người trở về với cái chân, với thiên tính tự nhiên, xây dựng sinh thái tinh thần của con người, khôi phục thế giới quan “thiên nhân hợp nhất”. Nó nhấn mạnh mối quan hệ thống nhất giữa con người và tự nhiên, giải cấu trúc phương thức tư duy đối lập nhị nguyên giữa nam giới/nữ giới, văn hóa/tự nhiên, tinh thần/thể xác, lý trí/tình cảm... trong văn hóa truyền thống; xác lập phương thức tư duy phi nhị nguyên và quan niệm phi đẳng cấp.

Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái lại là một kiểu phê bình nữ quyền, nó hoài nghi, giải cấu trúc, lật đổ văn hóa của chế độ phụ quyền trung tâm vốn đặt phụ nữ ở vị trí “bên lề”, “kẻ khác” để khống chế, thống trị và áp bức phụ nữ. Khuynh hướng phê bình này công kích vào thế giới quan “chủ nghĩa nam giới trung tâm”, phơi bày và phê phán sự áp bức song trùng đối với tự nhiên và phụ nữ, đào sâu giá trị sinh thái, đặc trưng văn học và nội hàm thẩm mỹ của lối viết tự nhiên nữ tính, so sánh sự khác biệt giữa lối viết tự nhiên của hai giới nam và nữ để từ đó hình thành một khuynh hướng phê bình văn học mới. Trong trật tự quyền lực lấy văn hóa của chế độ phụ quyền làm cơ sở, phụ nữ, tự nhiên và nghệ thuật đều chịu sự thống trị và khống chế của ý chí nam quyền. Vì thế, khi tự nhiên bị bóc lột và tàn phá, phụ nữ cũng bị khống chế và nô dịch, văn học nghệ thuật cũng bị suy yếu và suy đồi. Scheler cho rằng: “tất cả những bất công, tội lỗi, cái ác của văn minh phương Tây đều là kết quả của sự mất mát nghiêm trọng của thiên tính nữ và sự lớn mạnh của tính ác trong ý chí nam nhi”(8). Trên ý nghĩa này, nội hàm phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái bao gồm tôn trọng sự khác biệt, khôi phục thiên tính nữ đã từng bị đè nén và chôn vùi, xây dựng và xiển dương vẻ đẹp của thiên tính nữ như ý thức hợp tác, tinh thần khoan dung, tình yêu cuộc sống, ước vọng hòa bình...

Các nhà phê bình nữ quyền sinh thái đều cho rằng: “nhân loại” trong chủ nghĩa nhân loại trung tâm không hẳn là “tất cả mọi người”, mà chỉ là “đàn ông”, đặc biệt là “đàn ông da trắng”; còn phụ nữ, người da màu, giai cấp công nhân, người dân của những nước nghèo nàn lạc hậu thuộc thế giới thứ ba và những dân tộc nhỏ khác đều là nạn nhân trực tiếp của nguy cơ sinh thái và văn hóa phụ quyền. Vì thế, chính xác hơn, nên gọi nguồn gốc của nguy cơ sinh thái là “chủ nghĩa nam giới trung tâm” (androcentrism) thay cho “chủ nghĩa nhân loại trung tâm” (anthropocentrism). Vì vậy, từ vấn đề con người - tự nhiên, phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái còn mở rộng tầm nhìn đến các vấn đề khác như giới tính, chủng tộc, giai cấp, công bằng môi trường... Ngoài ra, phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái còn xây dựng các điển hình nam tính và nữ tính phản truyền thống có trí tuệ sinh thái (ecological wisdom) và tình cảm sinh thái (ecological sensibility)... Vì vậy phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là một bước khai phá và phát triển sâu hơn, cao hơn so với chủ nghĩa nữ quyền sinh thái và phê bình sinh thái.

Nhiệm vụ và phương pháp phê bình của phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái bao gồm những phương diện sau:

- Phê phán chủ nghĩa nhân loại trung tâm và chủ nghĩa nam giới trung tâm

- Động viên phụ nữ tích cực tham gia sáng tác văn học nữ quyền sinh thái, tham gia các phong trào sinh thái, trở thành lực lượng chính trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, bảo vệ trái đất, bảo vệ trẻ em.

- Đào sâu những nội dung phong phú về hình tượng kép người mẹ - trái đất (như
giả thuyết Gaia) trong tác phẩm văn học, miêu tả và phân tích những tồn tại bản chất của nữ giới.

- Dùng điểm nhìn song trùng của tự nhiên và nữ quyền để tiến hành nghiên cứu văn học; đi tìm sự mất mát của tự nhiên và nữ quyền trong tác phẩm văn học; khảo sát vị trí “kẻ khác”, “bên lề”, “câm lặng” của tự nhiên và nữ giới trong tác phẩm; kêu gọi mọi người hiểu và tôn trọng tự nhiên và nữ giới; thức tỉnh ý thức bảo vệ tự nhiên và ý thức bình đẳng nam nữ.

- Đọc lại văn học kinh điển truyền thống (đặc biệt là văn học nữ và tác gia nữ) từ góc nhìn mới, khẳng định, tán dương những tác phẩm văn học hàm chứa ý thức sinh thái, trí tuệ sinh thái và ý thức nữ quyền, hoặc phê phán những tác phẩm có ý thức phân biệt chủng loài, phân biệt giới, trên cơ sở đó để viết lại văn học sử, xây dựng lại văn học kinh điển.

- Nhìn nhận lại văn hóa nhân loại. Tiến hành phản tư và phê phán tư duy đối lập nhị nguyên dẫn đến sự phân biệt chủng loài, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc.

- Xây dựng tư tưởng phê bình văn học đa nguyên văn hóa. Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là sự hòa trộn giữa phê bình sinh thái và phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái lại giao thoa giữa văn học và sinh thái học, được xây dựng trên cơ sở triết học sinh thái và luân lý học sinh thái; phê bình nữ quyền thì được xây dựng trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa nữ quyền. Mượn khoa học sinh thái, triết học sinh thái, luân lý học sinh thái cho đến tư duy lý tính và kiến thức logic của phương Tây; trên cơ sở của triết học sinh thái, luân lý học sinh thái và lý luận của chủ nghĩa nữ quyền để xây dựng nên một hệ thống lý luận phê bình văn học đa nguyên văn hóa là một tiêu chí quan trọng của phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái. Đặc thù của sáng tác và phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái là đều phải có tính chỉnh thể, tính hài hòa, tính hỗ tương, tính đa nguyên.

2.3. Ý nghĩa của nghiên cứu phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái

Phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái mang đến một góc nhìn phê bình mới, làm phong phú và sâu sắc tư duy của nhân loại về các vấn đề bảo vệ môi trường và luân lý môi trường, mở rộng tầm nhìn của chủ nghĩa nữ quyền sinh thái. Như vậy, nó còn góp phần làm phong phú và phát triển lý luận phê bình văn học. Đồng thời, nghiên cứu văn học từ điểm nhìn song trùng sinh thái và phân biệt giới, giải thích lại hoặc phát hiện những tác phẩm bị bỏ qua hoặc bị lãng quên sẽ là động lực thôi thúc các nhà nghiên cứu nghiên cứu lại, đánh giá lại văn học kinh điển.

Thông thường, sáng tác và phê bình có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Tác phẩm có ảnh hưởng đến quan điểm thẩm mỹ và hứng thú thẩm mỹ của độc giả, phê bình văn học lại có thể ảnh hưởng đến ý thức thẩm mỹ của tác giả. Vì thế, nghiên cứu phê bình văn học nữ quyền sinh thái sẽ giúp các nhà văn đúc kết được kinh nghiệm sáng tác, nâng cao trình độ sáng tác, thúc đẩy sự phát triển của văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái.

Từ góc độ xã hội, việc nghiên cứu phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái sẽ khiến nhân loại chú ý hơn đến mối quan hệ nội tại giữa hai vấn đề nguy cơ sinh thái và sự phân biệt giới, có ý thức đối xử hài hòa, bình đẳng đối với tự nhiên và phụ nữ.

2.4. Hạn chế của phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái

“So với lý luận chính trị, triết học về chủ nghĩa nữ quyền sinh thái thì phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái không thành thục bằng, diễn ngôn phê bình của nó đang trong quá trình xây dựng”(9). Khuynh hướng phê bình này vốn có hoài bão đổi mới và dung hợp, nó vừa giống với phê bình chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến, lại vừa vượt ra khỏi phê bình sinh thái đơn thuần, mang đến một góc nhìn mới, tư duy mới, tư tưởng mới và phát hiện mới rất quý báu cho dạng thức phê bình hình thái ý thức, phê bình văn hóa và văn học. Tuy nhiên phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái vẫn còn bộc lộ một số hạn chế về lý luận. Đó là sự thiếu chiều sâu và thiếu tính hoàn thiện, tính hệ thống trong lý luận. Cũng như lý luận của phê bình sinh thái nói chung, hệ hình phê bình này lấy tư tưởng, triết học phương Tây làm cơ sở lý luận mà bỏ qua trí tuệ sinh thái phương Đông(10).  Đồng thời, nó còn chưa xây dựng được lý luận đa ngành về phê bình văn học gồm sự giao thoa giữa sinh thái - nữ quyền - sáng tác - phê bình.

*

Thoát thai từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái, phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái cho rằng, do thiên tính nữ gần gũi với tự nhiên, do phụ nữ là người mẹ nên có thể nói họ có thiên tính yêu thương, quan tâm đến trái đất, thế giới tự nhiên và nhân loại. Nếu họ đã từng “không sinh ra là đàn bà” mà “trở thành đàn bà”(11) trong thế giới quan nam giới trung tâm, bị thống trị và áp bức bởi quan điểm nhị nguyên; thì ở góc nhìn thiên tính này, phụ nữ sinh ra là đàn bà và hãy cứ là đàn bà - đàn bà như bản nguyên của chính họ: là một nửa không thể thiếu của xã hội, có vai trò quan trọng trong xã hội và thế giới tự nhiên, có thể bảo vệ và gìn giữ màu xanh của trái đất này. Trên ý nghĩa đó, phê bình văn học từ chủ nghĩa nữ quyền sinh thái vừa hồi sinh những giá trị về mối quan hệ giữa nữ tính và tự nhiên đã từng vùi lấp, vừa xác lập những giá trị mới phù hợp với yêu cầu thời đại (cả trong văn hóa lẫn văn học), vừa làm phong phú thêm thực tiễn và lý luận văn học.

-----------------------

(1) Paul Shepard, Daniel McKinley, Subversive Science: Essays Towards an Ecology of Man, Houghton Mifflin, 1St Edition edition, 1969.

(2) Cheryll Glotfelty,“Introduction: Literary Studies in an Age of Environmental Crisis” in Cheryll Glotfelty &Harold Fromm (eds.), The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, Athens, Georgia:University of Georgia Press,1996, tr. xxviii.

(3) Karel Thornber, “Ecocriticism”, Tài liệu thuyết trình tại Viện Văn học, Hà Nội, 2011.

(4), (5) Greta Gaard and Patrick D. Murphy (ed), “Introduction, in  Ecofeminist Literary Criticism: Theory, Interpretation, Pedagogy”, Urbana and Chicago: University of Illinois. Press, pp. 2-3; dẫn theo Spephen Owen, David Damrosch, Karen Thornber, Lý thuyết và ứng dụng trong nghiên cứu văn học (Trần Hải Yến tổ chức bản thảo và biên tập), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.508.

(6) Naomi Guttman, “Ecofeminism in Literary Studies” in John Parham (ed.), The Environmental Traditionin English Literature, Burlington, England: Ashgate Publishing Ltd, 2002, tr.44-45.

(7) Xem thêm Trần Mậu Canh, “Sinh thái nữ quyền chủ nghĩa phê bình khái thuật”, Tề Lỗ học san, số 04/2006, tr.108-111.

(8) Dẫn theo Trần Mậu Canh, tlđd, tr.110.

(9) Trần Tiểu Hồng, Thậm ma thị văn học đích sinh thái phê bình, Thượng Hải ngoại ngữ giáo dục xuất bản xã, 2013, tr.5

(10) Như các thuyết “thiên - địa - nhân”, “âm dương”; quan niệm “Đạo pháp tự nhiên”, “Thiên nhân hợp nhất”; truyền thống “trọng sinh”, “quý hòa”...

(11) Câu nói nổi tiếng của nhà nữ quyền Simone de Beauvoir: “Chúng ta không sinh ra là đàn bà, chúng ta trở thành đàn bà”.

Nguồn: Tạp chí sông Hương, ngày 30.6.2017

Thông tin truy cập

60424745
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5720
6820
60424745

Thành viên trực tuyến

Đang có 214 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website