Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian

1. Từ trong điển tích, giai thoại Trung Quốc

Việt Nam tự điển, quyển hạ của Lê Văn Đức, trang 254, phần Phụ lục Tục ngữ - Thành ngữ - điển tích ghi: Nguyệt hạ lão nhân, ông già ngồi dưới bóng trăng, tức Ông Tơ, vì tiên se duyên cho người đời.

Lý Phục đời Đường kể trong quyển Tục U Quái Lục – Định Hôn Điếm rằng: Đời nhà Đường (618 – 907) có chàng nho sĩ tên Vi Cố, học giỏi, thi phú tài danh. Một hôm du học đến Đông Đô, giữa đêm trăng sáng, chàng thơ thẩn dạo chơi bỗng nhìn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, ngồi nhìn vào quyển sổ to, tay se tơ đỏ. Vi Cố lấy làm lạ đến gần, hỏi:

- Chẳng hay lão trượng ở đâu đến đây mà ngồi một mình giữa đêm khuya canh vắng? Còn sách này là sách chi và tơ đỏ này, cụ se làm gì?

Cụ già đáp:

-Ta là Nguyệt Lão, xem sổ định hôn của dân gian. Còn chỉ ta đương se là duyên của vợ chồng do tơ này buộc lại.

Vi Cố mừng rỡ, xin cụ cho biết duyên của mình. Cụ già mỉm cười nói: Số duyên của nhà ngươi là con bé ba tuổi của mụ ăn mày, thường ăn xin ở chợ Đông Đô.

Vi Cố nghe, thở dài không nói nên lời. Cụ già biết ý, bảo: Đó là duyên trời định. Già này không thay đổi được. Mà nhà ngươi muốn tránh cũng chẳng xong.

Vi Cố buồn bã, từ giã lủi thủi đi về. Sáng hôm sau, Vi Cố ra chợ Đông Đô, quả thực trông thấy một mụ ăn mày, tay ẵm đứa bé gái ba tuổi, xin ăn ở góc chợ. Cố bực tức, mướn một gã lưu manh đâm chết được đứa bé kia, sẽ thưởng nhiều tiền. Tên lưu manh vâng lời, cầm dao xông đến, chém một nhát vào đầu đứa bé. Mụ ăn mày hốt hoảng, ôm con chạy.

Tên lưu manh tưởng đứa bé đã chết, sợ người bắt nên bỏ trốn. Mười lăm năm sau, Vi Cố đi thi đỗ Thám Hoa. Vào triều bái yết nhà vua xong, Cố ra lễ quan Tể Tướng họ Chu vốn làm chủ khảo khoa thi, thấy quan tân khoa chưa vợ, quan Tể Tướng liền gả con gái cho. Vi Cố mừng rỡ, bái tạ. Đến khi nhập phòng, Cố nhìn thấy vợ mỹ miều, đẹp đẽ lấy làm hớn hở, vừa ý. Chợt nhìn ở sau ót có một vết thẹo, chàng lấy làm lạ hỏi. Nàng thành thật kể rõ thân thế mình vốn là con của mụ ăn mày, mười lăm năm về trước bị tên lưu manh ác độc, không biết có thâm thù gì lại chém nàng. May mẹ nàng nhanh chân chạy khỏi, nàng chỉ bị thương sau ót. Mẹ chết, nàng chịu cảnh bơ vơ, may Tể Tướng gặp giữa đường, vì không con nên đem về nuôi xem như máu huyết.

Nghe vợ thuật, Vi Cố thở dài, lẩm bẩm: Thật là duyên trời định!

 

Tuy than thở nhưng Vi Cố cũng lấy làm hả dạ, vì dù sao... vợ đẹp và là con yêu của nhà quan. Ở Tây Hồ, Hàng Châu có Am Bạch Vân, trong có Miếu Thờ Nguyệt Lão. Nơi đây có câu liễn đối: Nguyện thiên hạ hữu tình nhân, đô thành liễu quyến thuộc/ Thị tiền sanh chú định sự, mạc thác quá nhân duyên.

 

Một dị bản khác, theo Thần tiên truyện, thời Nguyên Hòa nhà Đường rất thái bình, có quan đại thần Chung Thôi. Quý tử của Chung Thôi là Chung Hạo văn hay chữ tốt. Chung Hạo thường theo cha đi săn bắn. Một hôm, do mãi đuổi theo con thỏ, Chung Hạo lạc vào rừng sâu, quanh co cả ngày không tìm được lối ra. Đêm xuống lạnh giữa rừng hoang, dưới ánh trăng Hạo nghe tiếng suối róc rách, chàng lần đến tìm nước uống. Chàng thấy bên bờ suối, trong hang đá, một bà lão đang ngồi se chỉ, màu chỉ đỏ thắm. Chung Hạo khẽ bước lại gần, thưa:

- Tiểu nhân đi săn, bị lạc đường xin hỏi nơi đây là đâu, sao lão bà lại ngồi một mình se chỉ đỏ?

- Đây là động tiên, ta đang ngồi se duyên cho những đôi tình yêu nhau dưới trần gian. Chỉ này là dây tơ hồng. Ta se nhiều hay ít thì trai gái cũng theo đó mà thương yêu nhau nhiều hay ít. Ta muốn đôi trai gái nào nên vợ chồng thì ắt chúng sẽ kết duyên, không xa lìa nhau được.

- Vậy thưa lão bà có thể cho tiểu nhân biết sau này sẽ được sánh duyên cùng ai ?

Lão bà đưa mắt nhìn vào bên trong động. Ở đó có một ông lão đang cúi gầm trên một cuốn sách dày cộm.

- Kìa là Ông Tơ, công tử muốn biết thì hỏi ông ấy!

 Ông lão hỏi tên tuổi Chung Hạo rồi lật từng trang sách ra tra cứu:

- Sau này công tử sẽ được se duyên với Tố Lan, con gái một mụ ăn mày ở chợ Đông, gần kinh thành.

Lão ông chưa dứt lời, Chung Hạo đã đùng đùng nổi giận. Đường đường là một quí tử của quan đại thần, tài nghệ, văn hay chữ tốt khó ai bì kịp mà sau này lại kết duyên cùng vơi con gái mụ ăn mày. Tức tối, chàng quay bước đi, không một lời chào. Ông Tơ vẫn chúi đầu trong sổ bộ, Bà Nguyệt vẫn bình thản se chỉ hồng.

 

Chung Hạo bỏ chạy thục mạng. May mắn, sáng sớm mai, quân lính tìm gặp. Trở về dinh, sau ngày đó, chàng đâm ra biếng ăn lười nói. Lời tiên tri của Ông Tơ ám ảnh, Chung Hạo tìm xuống chợ Đông. Vừa đến đầu chợ, đã gặp ngay một đứa bé gái chừng chín tuổi mặt mày lem luốc, áo quần rách bươm, dắt theo một bà ăn xin mù lòa. Dò hỏi thì biết được tên của con bé là Tố Lan, Chung Hạo thất kinh, bỏ chạy. Trở về nhà, Hạo quyết cải mệnh trời để không phải làm chồng một con bé ăn mày bẩn thỉu.

Một buổi sáng Chung Hạo lại tìm xuống chợ, ném đã vỡ đầu cô bé ăn xin nọ. Thời gian sau, mọi người cho biết con bé bị thương tích quá nặng, e không sống được; và bà lão mù đi đâu cũng không ai rõ.

Bảy năm sau, Chung Hạo đã nên danh phận. Nghe tin thiên hạ bàn tán ở huyện Trúc Giang có con gái quan Thái úy nổi danh là một giai nhân sắc nước hương trời, tên là Thảo Nương. Vương Tôn công tử gần xa, ngày đêm đến cầu thân, nhưng chưa ai được kén chọn. Chung Hạo tìm đến, thuê một phòng trọ trước phủ đường. Mới một lần tình cờ nhìn thấy Thảo Nương, Chung Hạo xao động. Chàng vội quay trở về nhà, xin phụ thân tính đường mai mối. Hai gia đình là môn đăng hộ đối, nên việc kết hôn sớm viên thành. Đôi uyên ương nên vợ chồng yêu nhau thắm thiết.

Một hôm, Chung Hạo âu yếm gội đầu cho Thảo Nương. Thấy vợ mình có một cái thẹo lớn đàng sau gáy, chàng hỏi nguyên nhân. Và nàng kể:

- Nguyên, thiếp là con một bà ăn mày mù ở chợ Đông. Lúc nhỏ, một hôm đang dắt mẹ đi ăn xin, không hiểu sao lại có một kẻ xấu cầm đá ném vào đầu. thiếp, thương tích nặng, tưởng đã lìa đời, may nhờ bà con tận tình cứu chữa. Sau đó, được quan Thái úy có lòng từ tâm, lại hiếm muộn, nên đem hai mẹ con thiếp về nuôi dưỡng. Thiếp được nghĩa phụ dạy dỗ, cho ăn học. Mẹ thiếp qua đời. Thiếp được giúp việc bút nghiên cho nghĩa phụ nơi công đường, đã rất nhiều đám đến dạm hỏi, nhưng đều bị từ chối. Lạ thay, bên nhà chàng vừa ngỏ, thì dưỡng phụ bằng lòng ngay. Chúng ta đẹp duyên ngày nay chắc là có nợ có duyên, …

- Không, Thảo Nương nàng ơi, nếu là định mệnh thì nàng phải là ...Tố Lan.

- Tố Lan là tên của thiếp lúc còn bé. Sau khi được đưa về dinh, nghĩa phụ đã đổi tên này.

Bấy giờ, Hạo mới biết Ông Tơ đã se duyên thì không thể khác được, chàng nhìn Tố Lan và khẽ ngâm:

 Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Vô duyên đối diện bất tương phùng

 

Vì Nguyệt Hạ Lão Nhân nối sợi chỉ đỏ cho những cặp nam nữ nào có nhân duyên với nhau, nên trong dân gian phổ biến tục lệ cột sợi chỉ đỏ cho dâu rể vào ngày cưới. Sử thư đời Đường có chép câu chuyện: Quan Đô Đốc Cổn Châu là Quách Nguyên Chấn đã lớn tuổi mà chưa có vợ, quan Tể Tướng Trương Gia Chấn thấy anh ta vừa có tài vừa đẹp trai, mới chọn chàng làm rể quí. Nhưng vì ông ta có tới năm đứa con gái, không biết chọn đứa nào để gả cho tốt. Bèn nghĩ ra một cách, cho các cô ngồi ở sau một tấm màn. Tay mỗi người đều có cột một sợi chỉ đỏ, đầu mối chỉ để lú ra ngoài trước. Bảo Quách Nguyên Chấn ngồi trước màn để chọn lựa sợi chỉ, hễ của cô nào thì gả cô đó. Chàng lựa một hồi báo kết quả là đã chọn được tiểu thư thứ ba rất có tài có sắc, hai người kết hợp được cuộc nhân duyên tâm đầu ý hiệp, vô cùng mỹ mãn.

Nguyên thuỷ, cuộc hôn lễ nào cũng có nghi thức cột chỉ đỏ, nhưng đến đời Tống lại biến thành đội khăn đỏ. Trong hôn lễ, cặp dâu rể đội chung chiếc khăn đỏ đi vào phòng tân hôn. Tập tục này hàm ý nói: Đồng tâm tương kết, bạch thủ giai lão (đồng tâm kết hợp nhau, đến lúc già đầu bạc). Hiện nay, ở một vài địa phương ở Trung Quốc vẫn còn duy trì tập tục này.

Tương truyền, ngày rằm tháng tám âm lịch là ngày sinh nhật của Nguyệt Hạ Lão Nhân. Vào ngày ấy, có rất nhiều trai đơn gái chiếc đến Miếu Thờ của Nguyệt Lão để cầu cho được mối lương duyên. Cũng có rất nhiều người được thỏa nguyện nên mang “bánh mừng”, “đường mừng” đến cúng tế, trả lễ.

 Từ hình tượng Ông già dưới trăng có thành ngữ Nguyệt Hạ Lão Nhân, còn Nguyệt Lão, là cách nói tắt của thành ngữ này. Và những chữ: Tơ hồngChỉ hồng để chỉ việc nhân duyên vợ chồng. Những chữ Ông Tơ, Nguyệt LãoTrăng già, … cũng do điển này mà ra.

 

2. Đến Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hoá dân gian

2.1. Lễ tế Tơ Hồng

Trong  các nghi thức đám cưới của người Việt xưa đều có nghi lễ tế Tơ Hồng còn gọi tế thần Tình duyên. Nguyệt lão là vị thần Tình duyên theo tích Vi Cố đời Đường (Trung Quốc) mà chúng tôi đã kể trên. Theo đúng ý nghĩa tục lệ thì tế thần Tình duyên phải tổ chức tại phòng hoa chúc vào tối tân hôn. Về sau người ta bày ra tục lệ tế thần Tình duyên tại sân nhà. Nhất Thanh trong Đất lề quê thói viết: Khi xưa tế Tơ Hồng ngay lúc sau khi đưa dâu về đến nhà, trước khi yết lễ tổ họ, lễ yết gia tiên và chào mừng ông bà cha mẹ họ hàng, ý rằng khi cô gái bước chân về đến nhà người ta là nên vợ chồng, lương duyên do ông Tơ chấp mối se lại, điều trước tiên là nghĩ đến công đức của Ông, tế lễ để ông chứng kiến việc hôn phối đã thành đồng thời tạ ơn Ông.

Lễ cử hành đơn giản. Vật cúng Nguyệt Hạ Lão Nhân là hương hoa, trái cây, xôi nhuộm đỏ, gà luộc, trà, rượu (không được cúng gà thiến). Gọi là "tế" vì có xướng tế và có đọc chúc văn, nhưng không có đám cưới nào nhờ dàn nhạc trợ tế. Đầu tiên người làm mai vào dâng hương khấn nguyện, tiếp theo là một cụ già đọc bài văn tế chữ Hán. Văn tế Tơ Hồng mỗi nơi viết một khác. Nội dung không ngoài ý tán tụng công đức tác hợp mối duyên lành se dây chỉ thắm của Nguyệt Lão, mong được phù hộ độ trì cho cùng nhau ăn đời ở kiếp, sinh năm đẻ bảy vuông tròn. Xin dẫn một bài làm ví dụ: Tơ hồng Nguyệt lão Thiên tiênChí công chí chánh, bất ỷ bất thiên/ Ngọc cảnh chiếu thông tri thế sự; /Xích thằng giao cố, kết nhân duyên/ Tạc tùng ngư nhạn, thông mai để quyết hôn nhân trạch phới/ Y do thiên mạng, đắc lữ nghi kỳ gia thất, tác hợp cái bản tự nhiên/ Đản đản ô kiều ký giá/ Truân truân nghĩ khổn cư tuyên/ Phục duy:Đại đức phủ giám vi kiền khương cáo/ Mặc phò lưỡng tánh xướng tùy nguyện mãn bách niên/ Duy hùng duy bi hủy duy xà, tảo ứng cát tường triệu trẫm/ Lai thành lai vi lai sùng lai hạ, vĩnh thùy cảnh phước miên diên/ Hân hạnh cát đằng ư thường khổn/ Ngưỡng vọng Nguyệt lão Thiên tiên chiếu lâm chứng lễ/ Phục duy cẩn cáo.

Sau đó, đôi trai gái vào lạy 4 lạy, 3 xá, rồi chồng lấy rượu mời vợ. Vợ bưng rượu mời chồng. Uống xong, cả hai lấy hai cái chén úp lại, gọi là giao bôi hợp cẩn.

 2.2. Ông Tơ Bà Nguyệt trong triết lý âm dương

Trong công trình “Tìm về bản sắc vắn hoá Việt Nam”, Trần Ngọc Thêm cho rằng: Ở Việt Nam mọi thứ thường đi đôi theo nguyên tắc âm dương hài hòa Ông đồng bà cốt, đồng Cô đồng Cậu, đồng Đức Ông, đồng Đức Bà (…), ngay cả khái niệm vay mượn đơn độc, khi nhập vào Việt Nam cũng được nhân đôi thành cặp: ở Trung Hoa, thần mai mối là một “ông Tơ Hồng”, thì vào Việt Nam biến thành “Ông Tơ Bà Nguyệt” (trang 112).

 2.3. Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong ca dao

Lẽ tất nhiên, hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt, Nguyệt Lão, Tơ Hồng gắn liền với tình yêu, hôn nhân và nỗi lòng khát khao giao hoà của tuổi trẻ. Nó biểu hiện đầy đủ những cung bậc tình yêu.

Mới quen nhau, ướm lời, hỏi thử để giao tình, họ mượn hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt “nói chuyện đò đưa”:

Ông Tơ đành vấn Bà Nguyệt đành vương

Phụ mẫu đành gả, hỏi nàng thương không nàng?

 

Cô gái đáp lại cũng không kém phần sắc sảo:

 Nhớ chàng vì nợ vì duyên

Vì Ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng

 

Từ đó, chàng trai chủ động hơn:

 Để tôi kiếm sợi chỉ hồng

Nhờ Ông Tơ Bà Nguyệt kết vợ chồng trăm năm

 

Hay pha đôi chút hài hước, lém lỉnh, bịa mà như thật:

 Ông Tơ Hồng nói nhỏ anh nghe

Để xong mùa cấy ổng sẽ se cho hai đứa mình

 

Phần cô gái thì mộng cho đến ngày nào đó có được “nửa kia” như tâm nguyện, rồi sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường cho tròn bổn phận:

 Một là ông Cống, ông Đồ

Hai là ông Bát, ông Đô cũng vừa

Giả tên Bà Nguyệt, Ông Tơ

Sớm đi cầu Thước, tối mơ mộng Hùng

 

Theo quan niệm dân gian, hôn nhân tốt đẹp không thể thiếu được bàn tay se dây của Nguyệt Lão:

Sớm cùng phận đẹp duyên ưa

Ông Tơ Bà Nguyệt dắt đưa nên gần

 

Nó đã như duyên số từ kiếp trước, giống như tích đẹp thuở nào:

Thương sao thấy mặt thương liền

Cũng như Ông Tơ Bà Nguyệt nối duyên mình thuở xưa

 

Yêu nhau, ai chẳng muốn mãi mãi ở bên nhau: 

Ai xinh thì mặc ai xinh

Ông Tơ chỉ quyết se mình với ta

 

Cũng có khi dân gian dí dỏm chuyện “vái van”. Nhưng điều quan trọng nhất theo họ là mong muốn “tơ duyên” được bền chặt trong bất cứ cảnh ngộ khó khăn nào, thế thôi:

Vái Ông Tơ một chầu bánh tráng

Vái Bà Nguyệt một tán đường đinh

Đôi ta gá nghĩa chung tình

Dầu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưng

 

Trong tình yêu lứa đôi, lời thề nguyền chung thuỷ là một cung bậc đầy thú vị và dường như không thể thiếu. Ngoài lời minh sơn hải thệ, hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt nhiều lúc cũng phải “có mặt” để chứng giám:

 Lời nguyền chứng cớ có Ông Tơ Hồng

Thác thời mới dứt, sống không bỏ chàng

 

Ai nói chi chàng chớ có nghe

Ông Tơ Bà Nguyệt đã se ta rồi

 

Đến chừng dang dở, có trăm nghìn lý do khiến duyên nợ không thành, khi ấy, Ông Tơ, Bà Nguyệt phải chịu một phần trách nhiệm.

Có khi do tình cảm chủ quan của người trong cuộc:

 Kìa khóm trúc nọ khóm mai

Ông Tơ Bà Nguyệt se hoài chẳng thương

 

Hay như:

 Em không trách ông Tơ không phiền Bà Nguyệt

Trách phận mình sao thiệt long đong

 

Có khi do Ông Tơ chậm tay để lỗi … thời gian:

 Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì

Ba năm chẳng xứng duyên hài

Nằm lăn xuống bệ lạy dài Ông Tơ

 

Se tơ … mà lỡ mối tơ:

 + Trách Ông Tơ cùng Bà Nguyệt Lão

Se dây vào lại đảo dây ra

+ Vợ chồng cũng muốn vợ chồng đời

Trách Ông Tơ Bà Nguyệt se rời mối dây

+ Trách Ông Tơ ra tay hờ hững

Lúc se dây sao chẳng lựa ngày

Bây giờ hai ngả đông tây

Trước sao se mối tơ này làm chi

 

Cùng cấp độ ấy, nguyên nhân để hai người yêu nhau không được sống trọn đời bên nhau là bởi … Ông Tơ “lừa lọc”:

 Áo anh em mặc cũng vừa

Ông Tơ Bà Nguyệt khéo lừa đôi ta

 

Người trong cuộc tìm gọi Ông Tơ để chất vấn:

 Phải gặp Ông Tơ hỏi sơ cho biết

Gặp Bà Nguyệt gạn thiệt cho rành

Vì đâu hoa nọ lìa cành

Nợ duyên sớm hết cho đành dạ con

 

Tình nồng, nhưng duyên không thắm, đành phải hỏi Trời cao, hỏi mà như tự trả lời vậy:

 Bực mình lên tận thiên cung

Đem Ông Nguyệt Lão xuống hỏi thăm vài lời

Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi,

Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì

 

Trong cuộc sống, không phải việc gì cũng như ý, nói chi là chuyện hoà hợp giữa hai tâm hồn. Chúng ta hãy nghe lời tự than, tự trách, trách mình nhiều, nhưng cũng trách cả tình cảnh éo le, chẳng được ai đoái hoài, thương cảm:

 Lên cậy Ông Tơ, Ông Tơ bận cuốc đất đào đá;

Về nhờ Bà Nguyệt, Bà Nguyệt mắc chiếc má (mạ) cấy ruộng bến đình;

Không có ai vô se dây chắp mối cho hai đứa mình thành đôi

 

Gặp cảnh đồng sàng dị mộng, trái nợ, lỡ duyên, không biết trách ai, thôi thì … trách người se duyên:

Rồi đây ta trách kiện Ông Tơ

Nơi thương không vấn, vấn vơ nơi nào.

 

Ông Tơ chết tiệt, Bà Nguyệt chết toi

Se sao lẫn lộn, se tôi lấy nàng

 

Uất ức, đau đớn, không còn “lạy van”, “trách móc” nữa, người trong cuộc đã ra tay:

Bực mình tôi lắm trời ơi

Muốn chôn Bà Nguyệt, muốn vùi Ông Tơ

Giận người làm mối vẩn vơ

Duyên tôi đã lỗi Ông Tơ lại lầm

 

Bắt tay Ông Tơ mà bơ mà bớp.

Bắt lấy Bà Nguyệt mà cột cội cau;

Cứ se khắp thiên hạ đâu đâu,

Bỏ hai đứa mình lận đận, ruột héo gan xàu không se.

 

Quá đau đớn, quyết phải hành động:

Bắt Ông Tơ mà đánh ba hèo,

Duyên người se cả, phận em đói nghèo không se.

 

Lí do bị "đánh ba hèo” là vì Ông Tơ không chịu se duyên cho cô gái đói nghèo. Trong lúc những người khác (không đói nghèo như cô ta), thì ông se rất tốt.

 Nguyên nhân đánh Ông Tơ vì se duyên muộn hoặc không se mà chưa rõ vì đâu, xem ra không hợp lí bằng thái độ coi khinh người nghèo đói trong xã hội vốn chuộng cảnh “môn đăng hộ đối” trong hôn nhân. Đó là điều người thấp cổ bé miệng muốn thốt lên để … liệu trời cao có thấu chăng?

 Bắt Ông Tơ mà cho ba đấm,

Bắt Bà Nguyệt đánh bốn mươi chín cái hèo;

Duyên người ta se buổi sớm duyên em buổi chiều mới se.

 

Sự “trừng phạt” dành cho “Nguyệt lão” cũng được biện luận đầy đủ, song dường như đối tượng hướng đến không phải chỉ một mình người làm mối mai, mà nó hướng đến nhiều người khác nữa:

Thẩn thơ tựa gốc mai già

Hỏi thăm Bà Nguyệt có nhà hay không

Thế gian chuộng của, chuộng công,

Nào ai có chuộng người không bao giờ

 

Căn duyên ai đã phá rồi

Ông Tơ ông buộc ông Trời biểu không

 

Những câu ca vừa nêu là cảnh ngộ của phận “gái nhà nghèo”, thì đây là cảnh ngộ của một chàng trai độc thân, cũng chẳng phải giàu sang, quyền quý, Ông Tơ Bà Nguyệt bị đem ra hỏi tội :

 Bắt Ông Tơ đánh sơ vài chục,

Bắt Bà Nguyệt nếm mấy mươi hèo.

Người ta năm bảy vợ theo,

Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi !

 

Nguyền rủa để hả dạ hả lòng, duyên phận lỡ làng, biết làm sao hơn được!

 Ông Tơ chết tiệt Bà Nguyệt chết trùng tang

Ông thầy bói chết giữa đàng

Anh với em cách xã lạ làng

Muốn trao nhân nghĩa ngỡ ngàng khó trao

 

Tại cha mẹ đứt đường Tơ Nguyệt

Khuyên em đừng trực tiết uống công

 

Cuối cùng, họ phủ nhận luôn vai trò của “thần Tình yêu”:

Trăm năm trăm tuổi trăm chồng

Đẹp duyên thì lấy chẳng ông Tơ Hồng nào se!

 

3. Kết luận

Ông Tơ Bà Nguyệt là một hình tượng độc đáo trong tín ngưỡng của người bình dân. Từ trong điển tích của văn học cổ điển Trung Quốc, hình tượng ấy đã đi vào đời sống tâm hồn của người dân Việt vừa trở nên gần gũi thân thiết qua những vần ca dao với tất cả những cấp độ của tình yêu lứa đôi, vừa trở thành một phong tục truyền từ đời này sang đời khác.

Dù là thần tiên (hay người bậc trên) mà làm việc chung không công bằng, phân biệt đối xử thì cũng bị hình phạt, dù đó chỉ là lời nói của người dân lao động nhưng xem ra không phải là không “sức nặng”, không có giá trị.

Từ Nguyệt Lão Hạ Nhân đến thành ngữ Ông Tơ Bà Nguyệt, vừa là sự sáng tạo trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, độc đáo hơn nó còn gắn liền với một tín ngưỡng: triết lý âm dương hoà hợp mà chúng tôi đã dẫn ý ở trên. Vì thế, khi tiếp nhận hình tưởng này tưởng cũng không nên máy móc, cực đoan, … có thể mới thấy được hết cái hay, cái đẹp của những người gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn vậy!

Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=13618&LOAIID=24&TGID=2074

Danh mục website