Về “những sai lầm tai hại” của ông Lê Mạnh Chiến

Tạp chí Nghiên cứu và phát triển của Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên-Huế số 7(96)-2012 đăng bài “Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn Lâm và Viện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại” của ông Lê Mạnh Chiến. Trong xã hội hiện nay, có không ít người chưa có học vị, học hàm cũng mạo xưng là PGS, GS, TS, TSKH; có người còn bỏ tiền ra mua các chức danh VS ở nước ngoài rồi phô trương huyễn hoặc trong nước. Cũng có không ít các phương tiện thông tin đã góp phần quảng bá những chức danh giả hiệu đó. Đấy là một sự thật đáng buồn cần vạch trần và phê phán trước công luận. Nhưng không phải vì thế mà phủ định sạch trơn tất cả các học hàm, học vị đích thực và những danh hiệu khoa học cao quý, đánh dấu trình độ chuyên môn đỉnh cao và nhân cách, đạo đức của không chỉ các nhà khoa hoc chân chính mà cả một nền học thuật đất nước đang trên đường phát triển và hội nhập quốc tế. Trong bài viết của mình, ông Lê Mạnh Chiến đưa ra cách dịch của cá nhân để loại trừ tất cả những nhà khoa học Việt Nam được các Viện Hàn lâm nước ngoài bầu làm “Membre étranger” (cho chỉ là “Thành viên nước ngoài”) hay “Correspondant étranger” (cho chỉ là “Thông tín viên nước ngoài”). Theo ông tất cả các danh hiệu “Viện sĩ nước ngoài” hay “Viện sĩ thông tấn nước ngoài” đều là “những nhầm lẫn không nhỏ trong việc sử dụng tên gọi Viện sĩ” và Việt Nam chưa hề có ai là Viện sĩ cả, tất cả đều là “gọi nhầm, hiểu nhầm”[*].

Tôi không bàn luận về toàn bộ bài viết cùa ông Lê Mạnh Chiến mà chỉ đi vào một trường hợp mà tác giả cố tình lấy làm ví dụ cụ thể. Tôi cũng xin được gạt ra ngoài những lời lẽ không được văn hóa của tác giả, để công luận phán xét. Tôi viết về trường hợp GS Phan Huy Lê mà tôi có điều kiện biết khá cặn kẽ. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp cụ thể này tôi cũng chỉ tập trung vào một số nội dung cốt lõi mà thôi.

GS Phan Huy Lê được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn của Pháp, trong phiên họp ngày 27-5-2011 bầu làm “Correspondant étranger” (tôi tạm để nguyên danh hiệu tiếng Pháp) của Viện này thay vào “fauteuil” của ông Francisco Rio trước đó. Dưới đây là bản chụp bức thư của ông Thư ký vĩnh viễn của Viện Hàn lâm là Jean Leclant gửi cho GS Phan Huy Lê đề ngày 27-5-2011.

 

Câu đầu của bức thư viết rõ: “J’ai l’honneur de porter à votre connaissance que l’ Académie des Inscriptions et Belles-Lettres dans la séance du vendredi 27 mai 2011, vous a nommé Correspondant étranger  au fauteuil précédemment occupé par Francisco Rio”. Nghĩa là: “Tôi có vinh hạnh được báo ông biết rằng Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn trong phiên họp hôm thứ sáu ngày 27-5-2011 đã ghi danh ông là Correspondant étranger vào ghế bành trước đây của Francisco Rio”.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2011, GS Phan Huy Lê đã được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn mời sang Paris dự và phát biểu ý kiến trong phiên họp của Viện và thuyết trình về “Khu di tích Hoàng thành Thăng Long”. Buổi thuyết trình ngày 29-9-2011 trước cử tọa rất đông gồm các nhà khoa học Pháp, Việt đến từ Paris cùng nhiều địa phương ở nước Pháp và cũng có cả một số người từ Việt Nam sang. Đây là sự kiện khoa học lớn, hết sức có ý nghĩa và đặc biệt thành công. Lúc đó tôi đang dẫn đầu đoàn các nhà khoa học của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển làm việc tại École FranÇaise d’Extrême-Orient, Paris nên có duyên may được tham dự nhiều hoạt động quan trọng này và đã cùng GS Philippe Papin tổ chức lễ mừng GS Phan Huy Lê tại Paris.

Việc GS Phan Huy Lê được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn nước Pháp bầu là “Correspondant étranger” là sự thật hiển nhiên. Tôi không biết dựa vào đâu mà ông Lê Mạnh Chiến lại có thể hoài nghi hay phủ nhận điều này?. 

2. Vấn đề quan trong nhất là từ “Correspondant” dịch ra tiếng Việt như thế nào cho đúng. Ông Lê Mạnh Chiến dựa vào Pháp-Việt từ điển của GS Đào Duy Anh cho rằng “Correspondant” là Thông tín viên và khẳng định “Correspondant étranger de l’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres” phải dịch chính xác là “Thông tín viên nước ngoài” thuộc “ngạch correspondant”, không phải là thành viên của Viện Hàn lâm, không thể dịch là Viện sĩ thông tấn. Ông dẫn ra bao nhiêu loại tư liệu, sách báo nhưng rất tiếc từ “Correspondant” mà ông sử dụng như một công cụ hữu hiệu để phê phán thì lại không tra cứu đến nơi đến chốn và giải thích theo lối chủ quan, tùy tiện.

Pháp-Việt từ điển (1936) của GS Đào Duy Anh, mục từ “Correspondant”  viết như sau: “Correspondant, e adj. 1. Đối nhau, xứng nhau, tương ứng, đối xứng, đối ứng-Angles correspondants. (kỷ) Đồng vị giác. 2. Thông tin - Membre correspondant: Thông tín viên.  N.m. 1. Người thông tin, Thông tín viên – Correspondant spécial: Đặc phái thông tín viên. 2. (Thương) Bạn hàng giao thiệp bằng thư tín. 3. Người bảo chứng học trò ở xa nhà”. Xin lưu ý là thời đó ở Việt Nam chưa dùng từ Viện sĩ. Mục từ: “Académicien n.m. 1. Nhà triết học về phái Platon (xưa). 2. Học viên của Quốc gia học hội, hội viên tòa Hàn lâm nước Pháp” (tôi bỏ chú chữ Hán). Điều đó càng được xác nhận trong Hán-Việt từ điển (1932) cũng của GS Đào Duy Anh không có mục từ Viện sĩ. Ông Lê Mạnh Chiến sử dụng một cuốn từ điển rất có giá trị nhưng không biết rằng ngôn ngữ luôn luôn biến đổi và phát triển, nhất là những từ thuộc về thuật ngữ khoa học, trong đó có chức danh khoa học.

Trong những bộ từ điển hiện đại của Việt Nam, từ Viện sĩ đã xuất hiện và được xác định rõ ràng. Tôi đưa ra đây ba bộ từ điển vào loại chính thức của Việt Nam:  Dictionnaire FranÇais-Vietnamien của Ủy ban Khoa học xã hội do Lê Khả Kế chủ biên (1981), Từ điển Việt-Pháp của Viện Khoa học xã hội do Lê Khả Kế, Nguyễn Lân chủ biên (1994) và Từ điển bách khoa Việt Nam của Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (tập IV, 2005).  

Dictionnaire FranÇais-Vietnamien, mục từ “Correspondant: đ 1. Người trao đổi thư từ, 2. Thông tín viên (nhà báo), phóng viên, 3. Hội viên thống tấn, [membre] correspondant de l’ Académie: Viện sĩ thông tấn, 4. Người đại diện gia đình (của học sinh nội trú) (chỉ trích danh từ).

Từ điển Việt-Pháp, mục từ “Thông tấn: I. Information. Cơ quan thông tấn: organe d’ information, II. Correspondant. Viện sĩ thông tấn: membre correspondant de l’académie”.

Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ “Viện Pháp” gồm 5 Viện Hàn lâm, trong đó có một đoạn viết về “Viện Hàn lâm các Văn khắc và Mỹ văn” như sau: “[viện] …(thành lập năm 1663), nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông cổ, thổ ngữ trung đại,lịch sử, có 45 viện sĩ chính thức, 10 viện sĩ nước ngoài, 30 viện sĩ thông tấn người Pháp và 40 viện sĩ thông tấn nước ngoài” (tr. 883). Cũng bộ từ điển bách khoa này, trong mục từ “Viện Hàn lâm khoa học Nga” viết: “Năm 1998, có khoảng 500 viện sĩ chính thức, khoảng 700 viện sĩ thông tấn, khoảng 140 viện sĩ nước ngoài” (tr. 879). Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh là danh hiệu “Viện sĩ nước ngoài” và “Viện sĩ thông tấn” một lần nữa được xác nhận.

Như vậy là quá rõ ràng, các danh hiệu “Correspondant”, “Membre étranger” của Viện Hàn lâm, trong tiếng Việt hiện đại đều được phiên dịch thành “Viện sĩ thông tấn”, “Viện sĩ nước ngoài”. Trên thực tế, trước đây một số nhà khoa học Việt Nam được Viện Hàn lâm nước ngoài bầu vào các chức danh trên đã được gọi là  “Viện sĩ nước ngoài” hay “Viện sĩ thông tấn”. Về sử học, GS Nguyễn Khánh Toàn được bầu làm “Viện sĩ nước ngoài” của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Viện Hàn lâm khoa học Đông Đức; GS Trần Huy Liệu, GS Phạm Huy Thông được bầu làm “Viện sĩ thông tấn” của Viện Hàn lâm khoa học Đông Đức.

Tôi đặc biệt lưu ý, đây không phải là những từ bình thường trong ngôn ngữ mà là những thuật ngữ trong hệ thống chức danh khoa học cần tuân thủ những từ điển chính thức của các cơ quan khoa học nhà nước. Ông Lê Mạnh Chiến có quyền đưa ra những ý kiến riêng của mình, kể cả những bình luận hay đề nghị thay đổi, nhưng hoàn toàn không có quyền lấy cách dịch riêng của mình để áp đặt cho cả xã hội rồi từ đó phê phán, phủ nhận những chức danh chính đáng của các nhà khoa học, coi các chức danh đó là giả hiệu, là nhầm lẫn...

Ông Lê Mạnh Chiến còn cố chứng minh rằng, chức danh “Correspondant” không có “fauteuil”, không phải là “Membre” của Viện Hàn lâm nên chỉ là “Thông tín viên” thuộc “ngạch correspondant” thôi. Về phương diện này, chính cách trình bày và tư liệu ông đưa ra đã đủ bác bỏ kết luận của ông. Trong thư của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn gửi GS Phan Huy Lê ngày 27-5-2011 đã viết rõ: GS được ghi danh là “Correspondant étranger” thay vào “Fauteuil” của ông Francisco Rico. Đoạn văn qui định về “Membres” của Viện Hàn lâm do chính ông in nguyên văn tiếng Pháp và dịch cũng khẳng định “Membres” của Viện Hàn lâm này gồm “Académiciens”, “Associés étrangers” và “Correspondants franÇais”, “Correspondants étrangers”. Tôi xin chép lại một đoạn nguyên văn tiếng Pháp và dịch tiếng Việt của chính ông Lê Mạnh Chiến: Tiếng Pháp: “Membres. L’Académie des Inscriptions et Belles-Lettres se compose de cinquante-cinq académiciens de nationnalité franÇaise et de quarante associés étrangers. Elle comprend également cinquante correspondants franÇais et cinquante correspondants étrangers”. Tiếng Việt: “Các thành viên. Viện Bi ký và Mỹ văn gồm có 55 viện sĩ có quốc tịch Pháp và 40 cộng sự viên nước ngoài. Nó còn bao gồm 50 thông tín viên (correspondants) người Pháp và 50 thông tín viên nước ngoài”.     

Tôi trích nguyên đoạn dịch của ông Lê Mạnh Chiến để mọi người thấy mâu thuẫn ngay trong tư liệu và lập luận của ông. Còn về dịch thì tôi vẫn để cách dịch của tác giả tuy rằng như đã chứng minh, “correspondants” của “Académie” mà dịch là “thông tín viên” là sai. Tôi nói thêm, “correspondants” của một viện hay cơ quan khoa học nào đó thì cần dịch là “thông tín viên”. Từ “inscriptions” dịch là “bi ký” cũng không cập nhật khoa học hiện đại vì “inscriptions” không chỉ có bi ký mà còn bao gồm tất cả văn khắc trên các loại hình và chất liệu của các di vật khác nhau, kể cả đất, đá, đồng, kim loại... Vì vậy ngày nay, từ “inscriptions” được dịch là văn khắc.

Nếu ông Lê Mạnh Chiến có dịp đọc các Lettre d’ information của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thì trong mục “Activités des membres” (Hoạt động của các thành viên), bao giờ cũng gồm có các “Académiciens” (Viện sĩ) và các “Correspondants” (Viện sĩ thông tấn). 

Vì theo đuổi mục tiêu không tôn trọng sự thật, chỉ nhằm đả kích cá nhân, nên khi cái tâm không sáng thì cách viết và lập luận cũng khó nhất quán, trung thực, các mâu thuẫn tự nó lộ ra.

Riêng trường hợp GS Phan Huy Lê, tôi đã được xem một số thư của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn gửi GS Phan Huy Lê, trên đó thường viết là: “Monsieur le Professeur Phan Huy Le” rồi tiếp theo là “Correspodant de l’Académie” hay “Membre correspondant de l’Académie” hay “Membre de l’Institut”. Institut ở đây là Institut de France  gồm 5 Viện Hàn lâm trong đó có Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn. Institut de France là Viện nước Pháp hay Học viện nước Pháp hay Viện Pháp, trước đây có người dịch là Pháp quốc học viện. Ông Chiến dịch “Hiệp hội học thuật Pháp quốc” là không đúng.

Tóm lại không riêng GS Phan Huy Lê mà các GS trước đây được các Viện Hàn lâm nước ngoài bầu làm “Correspondant étranger” đều được gọi là Viện sĩ thông tấn nước ngoài. Đó là chức danh khoa học đích thực, chính đáng cần được tôn trọng.

3. Trước đây một số GS Việt Nam được bầu làm “Viện sĩ nước ngoài” hay “Viện sĩ thông tấn” thường vẫn được gọi tắt là VS. Cũng theo thói quen đó, có người và báo chí gọi tắt chức danh của GS Phan Huy Lê là GSVS. Nhưng tôi cần nhấn mạnh là trong buổi gặp mặt thân mật do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển phối hợp với Trường Đại học Khoa học và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 25-7-2011 chúc mừng GS Phan Huy Lê, chúng tôi công bố rất rõ ràng chức danh được Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp bầu là “Viện sĩ thông tấn nước ngoài” kèm theo cả chức danh tiếng Pháp là “Membre correspondant étranger”. Tôi cũng biết GS Phan Huy Lê rất thận trọng trong chức danh này, không hề có một văn bản hay thư nào do GS viết và ký lại đề là GSVS, mà chỉ đề GS hay GSNGND. Trước đây, có một số văn bản và bằng khen do Văn phòng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam in, khi xin chữ ký thì GS Phan Huy Lê đều dặn là tôi phải ký vì không tiện hủy bỏ văn bản đã in nhưng sau nhớ chỉ ghi GS hay GSNGND là đủ, không cần thêm VS. Anh Trần Xuân Thanh là Thư ký ở Văn phòng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho tôi biết rõ điều này. Trong Hội thảo khoa học về “Từ xứ Mô Xoài xưa đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay” tổ chức tại Vũng Tàu ngày 30-10-2012, khi Ban tổ chức giới thiệu là GSVS NGND, chính GS Phan Huy Lê đã đề nghị chỉ gọi là GS hay GS NGND là đủ, nếu thêm chức danh nước ngoài thì yêu cầu gọi đúng là Viện sĩ thông tấn, không nên gọi tắt là VS. Thực ra các chức danh VS nước ngoài hay VS thông tấn gọi tắt là VS đã có từ những năm 70 của thế kỷ trước. Cách gọi tắt này không phải bắt đầu từ GS Phan Huy Lê và càng không phải do GS Phan Huy Lê “khoe quá đà, vượt qua sự thật quá xa” như lời lẽ gán ghép của ông Lê Mạnh Chiến.

GS Phan Huy Lê là nhà khoa học đầu tiên về sử học và rộng ra về khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam được một Viện Hàn lâm danh tiếng của nước Pháp và phương Tây nói chung vinh danh là Viện sĩ thông tấn. Đó là niềm vui, niềm tự hào chính đáng không chỉ của riêng GS Phan Huy Lê mà chung cho cả giới sử học và khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. Ông Lê Mạnh Chiến không thể không biết điều này. Thế nhưng không hiểu vì động cơ gì mà ông lại tùy tiện đưa ra cách dịch và hiểu riêng của mình để làm rối loạn dư luận, gây lẫn lộn thực-giả, đúng-sai, xúc phạm đến danh dự của những nhà khoa học Việt Nam chân chính đã được các Viện Hàn lâm khoa học nước ngoài bầu làm VS nước ngoài hay VS thông tấn. Bài “Lược khảo về các tên gọi Viện Hàn Lâm và Viện sĩ cùng những nhầm lẫn tai hại” như đã phân tích ở trên rõ ràng là “nhầm lẫn tai hại” không phải của ai khác mà là của chính ông Lê Mạnh Chiến. Bất luận dưới hình thức nào ông Chiến cũng phải tìm cách sửa chữa ngay sai lầm này.

                                                            Hà Nội ngày 21 tháng 11 năm 2012

                                                                  GS.TS Nguyễn Quang Ngọc

Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học quốc gia Hà Nội



[*] Những câu và chữ trong ngoặc kép “…” đều trích nguyên văn trong bài của ông Lê Mạnh Chiến.

 

 

Danh mục website