Bài văn bia cổ tích linh từ bi ký ở núi Tử Trầm (Hà Tây) do nhà sử học Lê Tung soạn

20200823 2

Ảnh: Núi Tử Trầm (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội)

1. Xuất xứ tấm bia và vài nét về tác giả

Tại xóm San, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây hiện còn lưu giữ được tấm bia Cổ tích linh từ bi ký. Bia có chiều cao 1,22m, rộng 1,20m, trong đó trán bia cao 0,24m, chạm hoa văn rồng chầu mặt nguyệt cách điệu, hai diềm bia chạm hoa, dây leo. Bia được dựng trong một am nhỏ có mái che, chữ còn khá rõ nét, viết chân phương, dễ đọc. Bia gồm 22 dòng, mỗi dòng khoảng 50 chữ, tổng cộng hơn 1200 chữ, một bài tựa và một bài minh dài hơn 70 câu (mỗi câu 4 từ). Phần cuối bia là dòng lạc khoản ghi: “Hồng Thuận nhị niên, tuế thứ Canh Ngọ trọng thu, cát nhật, Tiến thận quang lộc đại phu, Thiếu bảo, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu(1) Tri kinh diên sự thần Lê Tung đẳng phụng sắc soạn”. Nghĩa là: (Ngày tốt, tháng giữa thu [tháng 8] năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 2 [1510] do Tiến thận Quang Lộc đại phu, Thiếu bảo, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Tri kinh diên sự thần Lê Tung kính cẩn soạn sắc)

Đây là tấm bia mà soạn giả là một nhà sử học nổi tiếng sống cách chúng ta khoảng 500 năm. Nội dung tấm bia cho biết nhiều sự kiện xảy ra trong giai đoạn đầu thế kỷ XVI, xung quanh việc Lê Tương Dực (1509 - 1516) lên ngôi. Ngoài ra, nội dung tấm bia còn mô tả về quang cảnh khu di tích núi Trầm thời Lê(2).

Ngoài tấm bia ở núi Trầm do Lê Tung soạn. Nội dung tấm bia tại đình Kim Liên về cơ bản cũng tương tự như tấm bia ở chân núi Tử Trầm nhưng có thay đổi thêm bớt một số từ. Bia ở đình Kim Liên có chiều cao 2,20m, rộng 1,40m, dày 0,22m, hoa văn rồng chầu mặt nguyệt, khắc đẹp rõ nét. Bia không có tên, dòng đầu ghi: “Cao Sơn Đại vương thần từ minh tịnh tự” (Bài tựa và bài minh bia ở đền thờ Cao Sơn Đại vương). Mặt sau ghi: “Cảnh Hưng tam thập tam niên, tuế tại Nhâm Thìn, trọng thu, sơ nhất nhật, phụng lập bi. Nguyên bi tại Phụng Hóa huyện tự cổ truyền lai, phù vu Bồ Đề giang tân. Ư Hoằng Định niên gian, bản phường duệ đắc nghênh hồi trí vu tự địa, trí tư huyền trưng lũ thử nhân phụng nghênh lập bản Từ tả biên dĩ thị tôn nghiêm, truyền vĩnh cửu nhưng tả dĩ vi chí vân”. Nghĩa là: (Bia dựng ngày mồng một, tháng giữa thu [tháng 8], năm Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 [1772]. Bia nguyên ở huyện Phụng Hóa(3). Từ xưa truyền lại trôi đến Bồ Đề(4). Khoảng niên hiệu Hoằng Định [1602 - 1619] bản phường kéo lên đặt ở đất chùa, bày ở bên trái của đình để cho thêm phần tôn nghiêm, bèn viết vào để truyền mãi mãi).

Như vậy, xuất xứ của tấm bia này đã rõ ràng. Chúng tôi không biết ở huyện Phụng Hóa (xưa) có còn tấm bia nào của Lê Tung không, nhưng khi đối chiếu chúng tôi cho rằng tấm bia đình Kim Liên này đã chép lại gần như hoàn toàn nội dung tấm bia ở chân núi Tử Trầm. Điều đó chứng tỏ uy tín cũng như sử bút của nhà sử học Lê Tung được người đời sau trân trọng(5). Mặt khác xét về vị trí địa lý và địa hình thì tấm bia ở chân núi Tử Trầm đã phản ánh đúng cảnh quan như "núi rừng rậm rạp, cành lá giao nhau, có vực sâu...".

Lê Tung tên thật là Dương Bang Bản (1452 - 1514) người xã An Cừ, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông là một vị công thần sống vào cuối triều Lê sơ, được ban quốc tính, sau đổi là Lê Tung. Năm 23 tuổi, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức (1484) đời Lê Thánh Tông. Ông từng được cử đi sứ, làm quan thăng đến chức Lễ bộ Thượng thư, hàm Thiếu bảo, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Tri kinh diên sự, tước Đôn Thư bá, thọ 63 tuổi(6). Tác phẩm của ông hiện nay được biết đến không nhiều(7), quan trọng nhất là Việt sử thông giám tổng luận (8).

Dưới triều vua Lê Uy Mục và đặc biệt dưới triều Lê Tương Dực, Lê Tung được giao nhiều trọng trách quan trọng. Năm Hồng Thuận thứ 5 (1513) ông được cử soạn tấm bia: Hồng Thuận tam niên Tân Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký (Khoa thi Tiến sĩ năm Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 [1511](9)). Theo Đại Việt sử ký toàn thư: "Mùa thu, tháng 9 năm Hồng Thuận thứ 6 (1514), sai Thiếu Bảo, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Tri kinh diên sự, Đôn Thư bá(10) Lê Tung soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận. Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết: năm 1514, Lê Tung cùng các nhân vật nổi tiếng khác như Lê Phụ, Đàm Thận Huy, Nguyễn Bá Thuyên, Đỗ Nhạc trông coi việc thi(11)... Được triều đình giao cho nhiều công việc quan trọng như thế, chứng tỏ tài năng mẫn tiệp và sự tín nhiệm của triều đình đối với ông.

 

2. Bối cảnh lịch sử khi Lê Tung soạn Cổ tích linh từ bi ký

Có thể nói rằng, nhà sử học Lê Tung là người đã từng chứng kiến nhiều đổi thay của xã hội Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Cuộc đời làm quan của ông trải qua 5 đời vua: Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1469 - 1497), Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Thống (1498 - 1504). Lê Túc Tông (1504), Lê Uy Mục niên hiệu Đoan Khánh (1505 - 1509), Lê Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516).

Kể từ khi thi đậu Hoàng giáp (1484) cho đến khi qua đời, ông may mắn tận mắt thấy được thời kỳ thịnh trị vào bậc nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam (dưới triều Lê Thánh Tông) và cũng chính ông đã chứng kiến sự khủng hoảng trầm trọng của triều Lê Uy Mục và Lê Tương Dực.

Lúc này nhiều công thần, hiền tài bị giết hại như Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ, Đô ngự sử đài Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật... Chính vào thời điểm này, Lê Tung được giao nhiều việc quan trọng như: Thừa tuyên xứ Thanh Hoa(12), Hàn lâm viện Kiểm thảo...

Tuy được tin dùng, được giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhưng sống và làm việc dưới quyền một ông vua bạo ngược, gian ác, Lê Tung cùng nhiều văn thần khác phải lựa chọn hành động khởi binh chống lại. Sử chép: "Tháng 11 năm 1509, bấy giờ vua giết hại tông thất, Giản Tu Công còn bị giam ở ngục mới đem của đút lót người canh giữ thoát ra được, chưa kịp chào mẹ, anh em và vợ mình, một mình trốn vào Tây Đô. Đến cửa biển Thần Phù được Văn Lang ra đón, lập làm minh chủ, rồi cùng Văn Lang rèn đúc giáo dài, cùng bọn văn thần Nguyễn Diễm, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm, Lê Thanh Hoa, Tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, Thừa tuyên sứ Lê Tung, Tham chính Nguyễn Thì Ung khởi nghĩa, sai Lương Đắc Bằng viết hịch dụ đại thần và các quan. Đại ý nói: Bạo chúa Lê Tuấn phận làm con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn"(13)...

Có thể nói những sự kiện nổi bật dưới thời Lê Uy Mục, Lê Tương Dực đã được sử sách chép lại khá kĩ. Điều đặc biệt là những sự kiện lịch sử ấy đã được nhà sử học Lê Tung - người đã từng trực tiếp tham gia làm nên lịch sử giai đoạn này ghi lại gần như đồng thời qua tấm bia Cổ tích linh từ bi ký. Nội dung tấm bia không những cho chúng ta biết sự mâu thuẫn gay gắt trong triều đình Lê Uy Mục, quá trình giúp Lê Tương Dực lên ngôi mà còn giúp cho chúng ta hiểu thêm lịch sử cũng như quang cảnh khu di tích núi Trầm - một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Tây cách chúng ta ngày nay 5 thế kỷ. Cả hai tấm bia ở núi Trầm và ở đình Kim Liên như đã đề cập ở trên đã được một số sách giới thiệu nhưng còn sơ sài, thậm chí viết sai và chưa nghiên cứu kỹ về văn bản. Sau đây chúng tôi xin phiên âm, dịch lại cho sát nghĩa hơn đặc biệt là tiến hành khảo sát kĩ về văn bản (chúng tôi chọn văn bia ở núi Tử Trầm làm bản chính).

. Nội dung tấm bia

Phiên âm:

Cổ tích linh từ bi ký

Cao Sơn đại vương thần từ minh tịnh tự.

Cái văn:

Đế vương hưng nhân nghĩa chi binh, cứu sinh dân chi mệnh. Kỳ quy khôi hoành toán hạp tịch hùng khuých(14), dĩ thành mạc đại chi công, sáng mạc đại chi nghiệp giả. Cái hữu mạc đại chi đức, nhi cùng thiên(15) vi chi hiệp ứng, thần minh vi chi tán trợ phi ngẫu nhiên dã. Thị Chu Vũ triệu tạo Thương cơ, tất lại sơn xuyên linh thần chi khắc tướng, Hán Quang trùng hưng xích tộ, diệc lại bạch y phụ lão chi nhiên phù ư Hoàng Đại Việt.

Thánh tổ Cao hoàng đế, khởi nghĩa chi sơ, tắc hữu hoằng hựu chí linh chư danh thần vi chi âm chất khởi phi. Thiên địa quyến vu chí nhân, quỷ thần hưởng vu hữu đức giả da. Khuyết hậu miếu từ sáng lập, ân lễ triệu xưng tự điển, chiêu thùy xuân thu chí tế, giai sở dĩ báo thần tứ nhi kỳ(16) hồng hưu dã. Linh ứng chương minh, cổ kim phù khế. Khoảnh giả, Lệ Mẫn thất đức, hung bạo tứ hành, ngoại thích chuyên quyền, nội triều can chinh, đồ độc triệu thứ, ngư nhục tông phiên, thiên oán dân nộ nhi bất chi tri, chúng bạn thân(17) li nhi bất chi giác. Kỷ Tỵ niên, thập nhất cực, ức triệu chi dân. Thời tắc hữu Trường Lạc điện thân thuộc, dương vũ hiệp mưu, đồng đức hiệu trung, khai quốc công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tán lý hiệu thuận, Khai phủ nghị đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, Phụ quốc Thừa tướng thượng tể, Thái phó Uy quốc công Nguyễn Bá Lân; Dực vận công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Tả đô đốc Kim Ngô vệ đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ, Chưởng vệ sự An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ; Quang tiến Trấn quốc Đại tướng quân(18), Tả kiểm điểm tham đốc hiệu lực, Tứ quân vụ sự Nguyễn Văn Lữ đẳng, phụng mệnh tồ chinh, đồng tâm dực tán củ hợp hào kiệt, phúng tập(19) dân binh, tá bạch mao hoàng việt chi hành, đại cực nịch hanh truân(20) chi cử, Văn Lữ đẳng hành chí Ninh Sơn huyện(21). Kỳ sơn lâm linh úy, diên mậu quảng mạc, hữu uyên danh Lầm đương nhất mẫu, hứa tĩnh thâm bất trắc, thụ mộc giao gia. Thượng hữu nhất từ, cái dĩ thảo mao(22). Từ trung lập thạch đề viết: “Cao Sơn Đại vương”, Văn Lữ đẳng đổ(23) chi kinh dị, nãi khẩn chúc viết: “Đoan Khánh tàn ngược, dân bất liêu sinh. Thiên mệnh nhân tâm, quy vu hữu đức. Kim Thánh thượng dĩ Thánh Tông chi tôn, Kiến Hoàng chi tử. Tư tổ tông sáng nghiệp chi nan, mẫn(24) triệu tính đảo huyển chi khổ, vị xã tắc kế hưng, trừ tàn khử bạo chi binh. Văn Lữ đẳng cộng tá minh quân dĩ an thiên hạ. Thần như hữu linh, âm phù mặc tương, dĩ tế đại nghiệp. Sự thành chi nhật, Văn Lữ đẳng tất thỉnh mệnh vu triều tôn hiển chi dĩ chiêu thần chúc”.

Ngôn tất, nghiêm chỉnh bộ ngũ túc đội nhi hành, tứ phương thần dân bất kỳ nhi hội hồ tương đan thực dĩ nghênh vương sư. Binh vô huyết đao chi lao, dân toại vân nghê chi vọng, hùng đồ đãng địch cung cấp túc thanh, ức niên chi chung đỉnh. Cái miên(25) cửu miếu chi quang linh, vĩnh thỏa tam cương, cửu trù dĩ chi nhi phục yên(26).

Hoàng đồ quốc tộ do thị nhi tái an, tăng bất tuần nhật nhi thành công chi tốc như thử. Cái do, thánh đức tố phù, thiên nhân hiệp ứng, nhi qủy thần hữu dĩ tương chi dư. Bản niên, thập nhị nguyệt(27), sơ nhị nhật, Hoàng thượng quang đăng bảo vị, Đản phủ đa phương(28) phát chính thi nhân, dĩ sủng thỏa hồ, triệu tính(29) xưng lễ hàm trật, dĩ hoài nhu hồ. Bách thần Văn Lữ đẳng ngưỡng đại huân chi khắc tập tư thần huống chi, khổng chương dĩ kỳ sự, văn ngọc âm, tứ khả sắc Ninh Sơn huyện, Tử Trần xã(30), doãn đốc áp quân dân, cấu tác từ vũ. Mệnh Công bộ tác bi, nhưng mệnh thần đẳng soạn minh(31) dĩ thùy vĩnh cửu. Cố thần đẳng ngu lậu, xương thúc dĩ tán dương thánh hoàng công nghiệp chi long, phát huy(32) thần lý cảm thông chi diệu. Nhiên ký thao phụng. Minh chiếu cảm bất đối dương hưu mệnh hồ. Thần đẳng thiết duy: đức tất thụ mệnh, cổ kim chi(33) định lý dã, vi chi năng hiển, quỷ thần chi thịnh đức dã. Cái kỳ triệu phi thường chi nghiệp. Tuy bản đế vương chi đức, nhi tán thành phi thường chi nghiệp, diệc do thần minh chi trợ. U minh nhất lý, cảm ứng nhất cơ, thiên nhân tương dữ chi tế, hữu như thử giả, nghi kỳ luân hoán. Từ vũ, thần hôn hương hỏa báo thần tứ dã. Trật chi tự điển, lặc chi trinh mân, chiêu linh ứng dã. Duy thần tố lẫm, càn khôn chi chính khí, chung quang nhạc chi tinh linh, nhiên tương hoàng đồ, vĩnh phù bảo tộ, phù hồng hưu ư hữu vinh, giới cảnh phúc ư vô cùng, tắc tư sơn dã dữ thiên địa đồng, kỳ du hĩ(34). Y ư hưu tai.

Minh viết:

Úy bỉ sầm cương
Yên phụ thương thương(35)
Chung kỳ dựng tú
Tốt thắng dục tường
Hồi uyên(36) trừng bích
Lục thủy phù quang
Tĩnh thâm mạc trắc
Bàn vô phương dân(37)
Lương trùng khảm lập
Thần bí linh tàng
Liêu tai tứ cố
Hiên khoát vũ trụ
Xác thị (38) thử gian
Hữu nhất từ vũ
Mao cái trúc dạng
Phần đề thạch chủ
Cao Sơn trứ danh
Uy nghi khổng phụ
Hữu cảm giai thông
Khuyết thi tư phổ
Thời thuộc cấu truân(39)
Thiên khải minh quân
Tây Đô phấn thi(40)
Mao việt cung thân
Hoàn toàn danh tướng
Củ củ nghĩa dân
Tiễu trừ chí nhuệ
Khẩn chúc tư cần
Đại sự khắc tế
Tương lễ thị ban
Dương dương như tại
Linh giám hoằng khải
Trợ ngã uy thanh
Tiêu trì điện mại
Dân úy vọng nghê
Phong truyền(41) quải bái
Tăng bất du tuần
Báo tứ khổng khánh
Khẩn khoản vân tiên
Cụ trần linh huống
Nhật đốc phất huyên
Cửu trùng(42) du cửu
Thịnh ý quyền quyền
Tưu quy viện khế
Cốc nhật tải quyên
Chiêu đáp bất sảng
Cử hành thị tiên
Nãi giới tể ấp
Hưng tu duy cấp
Cưu công trợ tài(43)
Hoa tự (44) du lập
Giác suy đống lương
Luân hoán nguy ngập
Miếu mạo tôn nghiêm
Quang linh diệp dập(45)
Hương hỏa minh yên(46)
Tuế thời viên cập
Thẩn thị kí công
Duy thạch khung lung
Thu tự xuân phúc
Triện Lý, Lệ Chung
Lưu phương ích hiển(47)
Hữu(48) quốc tăng long
ức niên tích phúc
Càn khôn thanh thái
Y thùy lực dư
Duy thần thị lại
Quảng bá hưu phong
Từ tiền vĩnh trấn
Chiêu vĩnh vô cùng.

Hồng Thuận nhị niên(49), tuế thứ Canh Ngọ, trọng thu, cát nhật.

Tiến Thận Quang lộc đại phu(50), Thiếu bảo, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Tri kinh diên sự thần, Lê Tung đẳng phụng sắc soạn.

Hiển cung đại phu Trung thư giám, Trung thư xá nhân, thần Đỗ Như Chi phụng tả.

Thí An bí danh tạo cơ san thư tượng tượng phó, thần Bùi Nhữ Dịch phụng san.

Dịch nghĩa:

Văn bia đền thiêng cổ tích

Bài tựa và bài minh đền thờ Cao Sơn đại vương

Thường nghe: Bậc đế vương lấy binh để hưng nhân nghĩa, cứu dân, khôi phục lại công nghiệp, không gì lớn lao bằng. Đại để là do sự giúp đỡ của thần linh không phải là ngẫu nhiên vậy. Vì thế Vũ Vương đã gây dựng nên công nghiệp họ Chu(51) ắt nhờ cậy vào thần linh sông núi. Quang Vũ trùng hưng công việc nhà Hán(52) cũng phải nhờ vào các bậc phụ lão áo trắng giúp đỡ(53).

Thánh tổ Cao Hoàng đế buổi đầu khởi nghĩa, tất có sự phù hộ lớn lao, họa phúc đều bởi do các bậc thần linh nổi tiếng, trời đất chí nhân, quỷ thần có đức. Về sau đền miếu được dựng xây, triều đình ban ơn lớn lao, để xuân thu tế lễ, đều là báo đáp công ơn của thần, nổi tiếng linh ứng, phù hộ xưa nay. Bỗng chốc Lệ Mẫn(54) thất đức hung bạo, ngoại thích chuyên quyền, trong triều can gián, chà đạp dân chúng, giết hại tông thần. Trời oán dân giận mà không biết, dân chúng chống lại rời bỏ mà không hay.

Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509) Hoàng thượng tránh loạn ở Tây Đô, tập trung nghĩa binh để khôi phục công nghiệp lớn lao của Cao Tổ, của muôn triệu dân. Lúc ấy, ở điện Trường Lạc(55), người thân thuộc cùng nhau bàn bạc, dốc lòng trung thành, khai quốc công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tán lý hiệu thuận, Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, Phụ quốc thừa tướng, Thượng tể Thái phó Uy Quốc công Nguyễn Bá Lân(56); Dực vận công thần, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tả Đô đốc Kim Ngô vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ chưởng vệ sự An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ(57). Quang tiến trấn quốc, Đại tướng quân, Tả kiểm điểm, Tham đốc hiệu lực, Tứ vệ quân vụ sự Nguyễn Văn Lữ(58) cùng kính cẩn vâng mệnh đi đánh dẹp. Cùng nhau tập hợp hào kiệt, nhóm họp dân binh, giúp cho cờ quạt đao binh đi làm việc lớn. Vượt qua khó khăn, Văn Lữ hành quân đến huyện Ninh Sơn(60). Núi rừng rậm rạp, hoang vắng, có vực sâu, khoảng một mẫu yên tĩnh ngập nước, sâu không lường được, cây cối cành lá giao nhau, trên có một đền thờ lợp bằng cỏ tranh, trong đền dựng cột đá đề chữ: "Cao Sơn Đại Vương". Văn Lữ nhìn thấy, sợ hãi mà khấn rằng: “Đoan Khánh(61) tàn ngược dân không sao sống nổi. Lòng người, mệnh trời đều trở về với người có đức. Nay Thánh thượng lấy con của Kiến Hoàng(62) cháu của Thánh Tông lên làm vua. Nghĩ rằng tổ tông gian nan dựng nghiệp, thương muôn họ phải chịu cảnh đọa đầy. Vì sự duy trì của xã tắc mà dấy binh để trừ tàn khử bạo. Văn Lữ giúp nhà vua giữ yên thiên hạ. Thần như linh thiêng, phù hộ cùng cứu giúp nghiệp lớn. Công việc thành công, Văn Lữ tâu với triều đình để tôn vinh công lao của thần”.

Cầu xong, hàng ngũ chỉnh tề kéo đi, bề tôi và dân chúng không hẹn nhau mà mọi người đều tập trung đi theo, chuẩn bị giỏ cơm, túi nước để đi đón quân của nhà vua. Binh không phải khổ máu dây mũi gươm đao, dân thỏa nguyện mong chờ, như nắng hạn gặp mưa rào, giặc bị tiêu diệt, cung cấm sạch làu, muôn năm bền vững. Đại để, do sự linh thiêng của miếu mạo, Tam cương, Cửu trù(63) được bền vững dài lâu, sự nghiệp lớn lao lại được khôi phục.

Vận nước do đó lại được an, chưa đến một tuần mà đã thành công nhanh chóng. Được như thế, là do đức thánh phù hộ, đạo trời và lòng người giúp sức, quỷ thần cùng tương trợ chăng ?

Ngày 2 tháng 12 năm ấy (1509), Hoàng thượng lên ngôi(64). Nhà vua vỗ về, thi hành nhân nghĩa để thể hiện sự sùng chuộng, muôn họ được ban hàm phẩm trật để tỏ rõ lòng mến mộ. Văn Lữ cùng trăm thần được thưởng công lớn. Nghĩ rằng, công của thần thật lớn lao. Nghe lời ngọc, ban sắc cho xã Tử Trầm, huyện Ninh Sơn. Sai quân dân xây dựng đền thờ, mệnh cho Bộ Công dựng bia, sai thần soạn bài minh để lại mãi mãi. Nhưng thần vốn nông cạn, sao đủ để ca ngợi công đức lớn lao của Hoàng đế, phát huy cái kỳ diệu của thần thánh, bèn đội ơn trọng đãi, kính cẩn vâng theo mà không dám chối từ. Thần trộm nghĩ, đức vốn thụ bẩm ở trời vốn là lẽ xưa nay, do đó mà được vinh hiển là cái đức lớn của quỷ thần vậy. Đại để, mở ra sự nghiệp phi thường cũng là do cái đức đế vương, làm nên nghiệp lớn cũng là do thần sáng suốt giúp sức, sự biến hóa linh diệu, đạo trời lòng người cùng nhau giúp đỡ. Như thế, phải sửa sang đền miếu để sớm tối hương hỏa, báo đáp công ơn của thần. Triều đình ban cho ân điển, khắc vào đá quý để tỏ rõ sự linh ứng vậy. Nghĩ rằng thần lớn lao vĩ đại tập trung cả trời đất, kết tinh linh thiêng của núi sông, cùng bảo hộ cơ đồ bền vững, phù giúp sự nghiệp đến vô cùng, phúc lớn vô tận, tức là núi này vậy. Cùng tồn tại mãi mãi với trời đất. Than ôi ! Tốt đẹp thay!

Minh rằng:

Núi cao rậm rạp
Cây cối tốt xanh
Linh thiêng kết tụ
Chứa chất điềm lành
Dòng sông uốn lượn
Nước biếc lung linh
Thẳm sâu khó lường
Mênh mông rừng núi
Non cao nước sâu
Dấu ấn thần linh
Bốn phương vắng lặng
Vũ trụ bao la
Nơi đây đất phúc
Có một ngôi đền
Lợp bằng cỏ tranh
Cột đá đề chữ
Cao Sơn trứ danh
Uy nghi gò lớn
Có cảm đều thông
Thi hành rộng khắp
Khi gặp gian truân
Trời sinh minh quân
Tây Đô giết giặc
Cùng mang cờ kiếm
Tướng giỏi hăng say
Tập hợp nghĩa dân
Một lòng diệt giặc
Kính cẩn cầu khẩn
Giúp đỡ lớn lao
Tướng lễ ban gia
Bao la như thế
Mọi chốn linh thiêng
Giúp ta tăm tiếng
Hơn bão hơn chớp
Dân mong ngóng tin
Treo cờ thắng trận
Chưa quá một tuần
Đất trời trong sáng
Bởi dựa vào đâu
Dựa vào thần thánh
Báo công thắng lớn
Khẩn khoản tâu bày
Quả được ứng ngay
Hết lòng phù giúp
Cửu trùng đáp lại
ý thánh thiết tha
Xin chọn giao ước
Ngày đẹp trai giới
Rõ rệt không sai
Cử hành trước hết
Khuyên bảo ấp này
Tu sửa liền ngay
Góp công góp của
Nhanh chóng dựng xây
Trụ cột xà rui
Nguy nga lộng lẫy
Miếu mạo tôn nghiêm
Linh thiêng ngời sáng
Nghi ngút khói hương
Suốt năm dân kính
Ghi việc ghi công
Viết vào đá quý
Xuân cúng thu thờ
Dựa vào khí tốt
Tiếng tăm lẫy lừng
Giúp nước thịnh hưng
Muôn năm tích phúc
Quảng bá tốt lành
Trước đền trấn yểm
Chiếu mãi vô cùng.

Ngày tốt, tháng trọng thu (tháng 8), năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 2 (1510).

Tiến thận Quang lộc đại phu, Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư, Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Tri kinh diên sự thần Lê Tung kính cẩn vâng soạn.

Hiển cung đại phu, Trung thư giám, Trung thư xá nhân, thần Đỗ Như Chi kính cẩn viết. Thí An bí doanh tạo sở san thư tượng thạch phó, thần Bùi Nhữ Dịch kính cẩn khắc chữ(17).

 

Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Quang Ngọc

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 2(69) năm 2005

 

Chú thích:

(1) Quốc tử giám Tế tửu là một chức quan đời xưa. trong bia khắc là “Kiêm Quốc tử giám Tế Tri kinh diên sự”: thiếu chữ “tửu” (酒).

(2) Có thể xem bản thần tích, thần sắc của thôn Miếu, xã Long Châu thờ Cao Sơn đại vương của tổng Tiên Lữ, Hà Đông, ký hiệu Viện Thông tin khoa học xã hội Q418/1125 và của thôn San, ký hiệu Q4 18/II 24.

(3) Huyện Phụng Hóa trong sách Hồng Đức bản đồ (bản chữ Hán) lưu trữ tại Đông Dương văn khố Tokyo (Nhật Bản) ký hiệu X-2-24 tờ 6 viết: Huyện Phụng Hóa (phủ Thiên Quan, xứ Thanh Hoa) có 27 xã, 1 trang, 1 trại.

(4) Bến Bồ Đề nay thuộc huyện Gia Lâm - Hà Nội.

(5) Chúng tôi gọi tấm bia ở xóm San, xã Phụng Châu dưới chân núi Tử Trầm là bản (A) - ký hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm N0 1954. Bản ở đình Kim Liên là bản (B) - N0 1025-1026. Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ một quyển sách chữ Hán, ký hiệu VHT.42 chép lại bản (A) có sửa chữa bằng bút chì, (đây là một cuốn sách mới chép gần đây). Xem Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1992, tr. 61 giới thiệu bản (B) là do Bùi Nhữ Trạch khắc bia, bia lập năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762). Tên bia là Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh. Khi dịch bản (A), sách Chương Mỹ xưa và nay, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây, 2003, tr.678 lại viết là Bùi Văn Dịch khắc. Đúng ra là Bùi Nhữ Dịch khắc, bia lập năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772) và bia không có tên, bản (B) dòng đầu ghi Cao Sơn Đại vương từ minh tịnh tự.

(6) Xem Đỉnh khế Đại Việt lịch triều đăng khoa lục của Nguyễn Hoãn năm Cảnh Hưng 40 (1779) ký hiệu VHv.650 - 1 quyển tờ 30a hoặc xem Các nhà khoa bảng Việt Nam (Ngô Đức Thọ chủ biên), Nxb. Văn học, H. 1993, tr.182.

(7) Hiện nay, tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ một số sách chép lại tác phẩm của Lê Tung:

- Sách chép tay bài văn bia đền Cao Sơn đại vương ở ứng Hòa rồi sửa chữa bằng bút chì, kí hiệu VHt.42.

Đại Nam bi ký thi trướng bảo tập: A.222.

Nhàn ái thần từ lục: một bản viết 32 tr, 32x22,5cm, A.710. Viết về sự tích của Đỗ Kính Tu có lời bình của Ngô Sĩ Liên, Lê Tung. Ngoài ra còn một số bản thần phả mang tên Lê Tung soạn. Song về về niên đại của những bản thần này có nhiều nghi vấn. (Xem thêm bài Nhà sử học Lê Tung và lạc khoản trong một số bản thần phả hiện có của Nguyễn Quang Trung, Lê Kim Thuyên, Thông báo Hán Nôm học năm 1997, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.664-670.

(8) Việt sử thông giám tổng luận do Lê Tung soạn. Theo Phan Huy Chú, khi Vũ Quỳnh làm xong sách Đại Việt thông giám thông khảo, dâng lên vua, Tương Dực muốn tóm tắt những điều quan trọng trong bộ sử ấy và có phê phán làm thành bài tổng luận để đọc cho tiện, bèn sai Lê Tung soạn (chú thích của Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Nxb. KHXH, H. 1993, tập III, tr.173. Bản chữ Hán, Bản kỷ (BK) quyển XV - tờ 24b.

(9) Bia mang số 11 ở Văn Miếu Hà Nội hoặc thác bản văn bia Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NO 1369.

(10) Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB), Nxb. KHXH, H. 1997, tr.28 (bản chữ Hán tờ 111b) ghi là “Đôn Hòa bá”. Theo ĐVSKTT và hai tấm bia (A), (B) đều ghi là “Đôn Thư bá”.

(11) ĐVSKTT - BK, q. XV, tờ 24b, bản tiếng Việt Sđd., tr.72. Xem thêm: Hồng Thuận lục niên Giáp Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, N0 1356.

(12) ĐVSKTT - BK, q. XIV tờ 24b, bản tiếng Việt, T. III, Sđd., tr.40.

(13) ĐVSKTT - BK, q. XIV, tờ 50b, bản tiếng Việt, T. III, Sđd., tr.97-98.

(14) Tuyển tập văn bia Hà Nội (TTVBHN), Nxb. KHXH, H. 1978, tr.16-23; tr.118-123 chép nhầm là “Hùng đồ” (雄 圖).

(15) Bản (B) viết nhầm thành chữ “thị” (示) vì chữ “thị” (示) và chữ “thiên (天) tự dạng giống nhau.

(16) TTVBHN ghi là chữ “kỳ” (期) theo bản gốc đúng ra phải là (祈).

(17) Bản (A) viết là “dân” (民), bản (B) viết là “thân” (親) cả hai chữ này đều thông nghĩa.

(18) TTVBHN thiếu chữ “quân” (軍).

(19) TTVBHN thiếu chữ “tập” (集).

(20) Bản (A) viết là

, bản (B) viết là (屯). Riêng chữ (屯) có 2 âm đọc “truân” và “đồn”. Ở đây, chữ (屯) phải đọc là “truân” (nghĩa là khó khăn) mới thông nghĩa. Có lẽ bản (A) viết lộn chữ “truân” (屯) thành chữ “đồn”().

(21) Bản (B) thay 3 chữ “Ninh Sơn huyện” (寧 山 縣) bằng chữ “Phụng Hóa huyện” (奉 化 縣) (xem thêm chú thích 3).

(22) Bản (B) viết: “cái dĩ mao thảo” (蓋 以 茅 草) bản (A) thiếu chữ “dĩ” (以).

(23) TTVBHN viết nhầm chữ “đổ” () thành chữ “thị” (視).

(24) Bản (B) viết chữ “Đồng” (同) (cả câu là: cùng muôn họ chịu cảnh đọa đầy); Bản (A) viết là chữ “mẫn” (憫), (cả câu là : thương muôn họ chịu cảnh đọa đầy) đều có nghĩa.

(25) TTVBHN ghi “ích diên” (益 延). Theo bản (B) viết là “ích miên” (益 綿). Bản (A) viết là “ích cẩm” (益 錦) có lẽ bản (A) khắc nhầm.

(26) Bản (A) khắc là “yên” (焉), bản (B) khắc là “chính” (正) ở đây phải là “yên” (焉) mới đúng. Bản (B) khắc nhầm.

(27) TTVBHN viết là “thập nguyệt” (十 月). Xin sửa lại là “thập nhị nguyệt” (十 二 月) .

(28) Bản (A) viết là “linh phương” ( 方). Bản (B) khắc là “đa phương” (多 方), chúng tôi theo bản (B),

(29) Bản (A), (B) đều ghi là “vu triệu tính” (于 兆 姓), “vu bách thần” (于 百 神). TTVBHN ghi là “vu bách tính (于 百 姓), “vu bách thần” (于 百 神).

(30) Bản (B) thay 6 chữ “Ninh Sơn huyện, Tử Trầm xã” (寧 山 縣, 紫 沉 社) bằng 3 chữ “Phụng Hóa huyện” (奉 化 縣).

(31) Bản (A) đều viết là “thần đẳng soạn minh” (臣 等 撰 銘). TTVBHN ghi nhầm là “thần đẳng soạn bi” (臣 等 撰 碑).

(32) TTVBHN thiếu 2 chữ “phát huy” (發 揮).

(33) TTVBHN viết “cổ kim định lý” (古 今 定 理). Theo Bản (A), (B) phải là “cổ kim chi định lý” (古 今 之 定 理).

(34) Bản (B) khắc là “kỳ du cửu hĩ” (其 愈 久 矣) thêm chữ “cửu” (久).

(35) Chữ “thương” (蒼) không kiêng húy. Xem Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, H. 1997, tr.70-72.

(36) TTVBHN ghi là “uyên hồi” (淵 洄) xin sửa lại theo đúng nguyên bản là “hồi uyên” (洄 淵).

(37) Bản (A) là : “bàn vô phương dân” (磅 無 方 民) bản (B) viết là “bàn bạc vô phương” (磅 礡 無 方), chúng tôi theo bản (B).

(38) TTVBHN ghi là “hùng thị” (雄 視), không có nghĩa. Xin sửa theo bản gốc là “xác thị” (確 視).

(39) Bản (A) viết là chữ “đồn” () Bản (B) viết nhầm “truân” (屯). Vì 2 chữ này tự dạng giống nhau. Theo chúng tôi bản (A) khắc nhầm, phải là “truân” mới đúng âm vận và thông nghĩa hơn.

(40) TTVBHN chép nhầm là “lưỡng đô chấn thi” (兩 都 振 施) đúng ra phải là “tây đô phấn thi” (西 都 奮 施). (Tây Đô giết giặc)

(41) TTVBHN chép nhầm là “phong tiền” (風 前), nguyên bản là “phong truyền” (風 傳).

(42) Bản (B) khắc là “cửu trùng trùng du cửu” (九 重 重 愈 久) thừa chữ “trùng” (重) (chữ này bị xóa nhưng còn khá rõ).

(43) Bản (A) là “cưu công trợ tài” (鳩 功 助 材), Bản (B) là “cưu công sức tài” (鳩 功 飭 材).

(44) Bản (A) viết là “hoa tự” (華 字) , Bản (B) là “hoa vũ” (華 宇).

(45) TTVBHN chép nhầm là “diệu tập” (耀 習) đúng ra phải là “diệu tập” (耀 熠).

(46) Bản (A) là “hương hỏa minh yên” (香 火 明 煙), bản (B) là “hương hỏa minh nhân” (香 火 明 ) vì bản (B) viết nhầm bộ “hỏa” (火) thành bộ “thị” (示) (cùng giống nhau về nghĩa).

(47) Bản (A) viết là “liệt phương ích hiển” (列 芳 益 顯), bản (B) viết là “lưu phương ích hiển” (流 芳 益 顯), chúng tôi theo bản (B).

(48) Bản )A) viết chữ “cổ” (估) (nghĩa là đánh giá). Bản (B) khắc chữ “hữu” (佑) (chữ “hữu” nghĩa là giúp đỡ). ở đây phải là “hữu”, Bản (A) khắc nhầm, vì tự dạng hai chữ gần giống nhau.

(49) TTVBHN viết nhầm là “Hồng Đức tam niên” (洪 德 三 年), đúng ra phải là “Hồng Đức nhị niên” (洪 德 二 年) .

(50) Bản (A) viết là “tiến thận quang lộc đại phu” (進 慎 光 祿 大 夫) bản (B) viết là “quang tiến thận lộc đại phu” (光 進 慎 祿 大 夫), chúng tôi theo bản (A).

(51) Nguyên văn chữ “thương cơ” (蒼 姬). Chữ “Thương” (蒼) là họ của Chu Vũ Vương, còn chữ “cơ” (姬) chưa rõ nghĩa.

(52) Lưu Bang sáng lập nhà Hán, theo truyền thuyết là con của Xích Đế đã chém chết con rắn trắng trước khởi nghĩa.

(53) Nguyên văn: “bạch y phụ lão” (白 衣 父 老) có lẽ là nhắc lại điển tích Thái tử Đan và đoàn quân tiễn Kinh Kha qua sông Dịch sang đất Tần, đầu đội khăn trắng, áo trắng tiễn đưa và ca bài hát: “Gió thổi sông Dịch lạnh tái tê - Tráng sĩ một đi không trở về” (Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn - Tráng sĩ nhất khứ, bất phục hoàn) ( Chiến Quốc sách - Yên sách ).

(54) Lệ Mẫn tức Lê Uy Mục. Theo các sách Việt sử cương mục tiết yếu (VSCMTY) Hồng Thuận trung hưng thực lục và ĐVSKTT (đều chép là “Mẫn Lệ công”. Nhưng ở hai bia (A), (B) đều viết là “Lệ Mẫn”.

(55) Điện Trường Lạc (thời Lê) được nhắc đến trong ĐVSKTT, BK, q. XVI, tờ 40a; Đại Việt Lam Sơn kính lăng bi N0 19724; VSCMTY, Sđd., tr.382. Trường Lạc còn là tên gọi của mẹ vua Hiến Tông. Năm 1504, khi Uy Mục lên ngôi giết bà Trường Lạc, duồng đuổi người họ tông thất và công thần về địa phương Thanh Hóa. Năm 2003, tiến hành khai quật tại Hội trường Ba Đình cũng phát hiện nhiều hiện vật khắc chữ “Trường Lạc điện”, “Trường Lạc khố”.

(56) Nguyễn Bá Lân sau được ban quốc tính là Lê Bá Lân. Nhưng bia này vẫn ghi họ của là Nguyễn Bá Lân. Xem ĐVSKTT, q. XIV, tờ 1b; q. XV, tờ 1a. Bản tiếng Việt, Sđd., tr.52-53.

(57) Nguyễn Hoằng Dụ là con của Nguyễn Văn Lang - một vị khai quốc công thần vào bậc nhất dưới thời Lê Tương Dực (xem chú thích 16).

(58) Nguyễn Văn Lữ là một vị khai quốc công thần cùng với Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Bá Lân, Lê Tung... giúp Lê Tương Dực lên ngôi.

(59) Nguyên văn “bạch mao hoàng việt” chữ trong thiên Mục thệ của Kinh Thư: “Vương tá trượng hoàng việt, hữu bỉnh bạch mao” (Nghĩa là: vua Vũ Vương tay trái chống búa dát vàng, tay phải cầm cờ tiết mao trắng). Thiên Mục thệ viết về việc vua Vũ Vương cùng tướng sĩ làm lễ tuyên thệ ở đất Mục trước khi đi chinh phạt vua Trụ.

(60) Huyện Ninh Sơn đến năm 1533 (Lê Trang Tông lên ngôi - húy là Ninh) đổi thành huyện Yên Sơn. Đến thế kỷ XIX, trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: "Chúc Sơn ở bên hữu núi Ninh Sơn, có ngọn núi tròn nổi lên, xung quanh có nhiều rừng vây bọc" (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb. KHXH, H. 1992, T 1, tr.89.

(61) Đoan Khánh tức niên hiệu của vua Uy Mục, tên húy là Tuấn (1479-1509), ở ngôi 5 năm (1505-1509).

(62) Sử chép: "Khi Dinh lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Hồng Thuận, truy tôn cha là Kiến Vương Tân làm Kiến Hoàng đế", ĐVSKTT, BK, q. XV, tờ 1a; VSCMTY, Sđd., tr.387.

(63) Tam cương, Cửu trù: theo học thuyết Nho giáo, "Tam cương" là ba mối quan hệ: quân thần, phụ tử, phu phụ (đạo vua tôi, cha con, vợ chồng). “Cửu trù”: chín phép lớn trị thiên hạ của thời cổ ghi trong Kinh Thư thiên Hồng Phạm.

(64) Xem ĐVSKTT, BK, q. XV, tờ 1b, 2a, bản tiếng Việt, Sđd., tr.52-53.

(65) Triện Lý, Lệ Chung: Lý Tư, đời Tấn đổi kiểu chữ Đại triện thành chữ Tiểu triện. Chung Do, đời Tam Quốc là người nổi tiếng viết chữ Lệ đẹp. Cả câu này ý nói kén chọn người viết chữ đẹp để khắc vào bia đá./.

Thông tin truy cập

63688099
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8391
23426
63688099

Thành viên trực tuyến

Đang có 977 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website