Văn hóa thời gian rỗi và văn hóa đại chúng (trường hợp Giờ thứ 9 trên HTV)

                             (Phan Thị Thu Hiền, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 13 (67), THÁNG 9 NĂM 2013)

TÓM TẮT

Báo cáo này của chúng tôi phân tích Sân chơi Giờ thứ 9 trên HTV như một sản phẩm truyền hình đáp ứng nhu cầu giải trí của người lao động thành phố Hồ Chí Minh. Qua nghiên cứu trường hợp, đề tài có thể làm sáng rõ một số khía cạnh lý luận và thực tiễn về thiết kế văn hóa thời gian rỗi từ góc độ/ và trong quan hệ với văn hóa đại chúng.

*

1.      Văn hóa thời gian rỗi và văn hóa đại chúng

Thời gian rỗi (Leisure) là thời gian tự do (Free Time) khi người ta thoát khỏi áp lực công việc và những bổn phận khác. Thời gian rỗi vốn hiện hữu lâu đời như chính xã hội loài người. Thời Aristotle, nhiều triết gia trong nền văn minh Hy Lạp cổ đại xem thời gian rỗi như tiềm năng cho sự vun bồi bản ngã qua tự do tinh thần và suy tư chiêm nghiệm. Đến thời hiện đại, ở nhiều nước phương Tây tư bản chủ nghĩa, quan điểm có tính thống lĩnh đã xếp thời gian rỗi vào khu vực nghỉ ngơi, giải trí, và hàm nghĩa về vị trí hạng hai/ kém quan trọng của nó so với công việc (Work). Từ đầu thế kỷ XX, khi số đông dân cư trong những nước phát triển có quỹ thời gian rỗi ngày càng lớn, “Nhàn rỗi hiện đại” (“Modern Leisure”) trở thành một chủ đề quan trọng trong xã hội học, văn hóa học và xuất hiện nhiều xu hướng giải cấu trúc đối với quan điểm thống lĩnh nói trên.

Có thể nói đến văn hóa thời gian rỗi (Leisure Culture) vì qua ứng xử với dạng thức thời gian này có thể hiểu hệ giá trị về thời gian, lao động, tự do và sự giải phóng cá nhân, chất lượng sống, sự phát triển cá nhân và những quan hệ nhân sinh… của một nền văn hóa. Văn hóa thời gian rỗi mang đặc điểm khác nhau qua các dân tộc, giai cấp, lứa tuổi, giới tính… 

Phần đông các nhà nghiên cứu coi Văn hóa thời gian rỗi là một yếu tố thuộc về Văn hóa đại chúng, thậm chí đồng nhất với Văn hóa đại chúng.

Khái niệm Văn hóa đại chúng (Popular Culture), theo nhà nghiên cứu văn hóa Raymond Williams (1921-1988), về cơ bản, có 4 nghĩa, tương ứng với 4 nghĩa của từ popular:

      Popular: well-liked by many people. (1) Văn hóa đại chúng bao gồm những hiện tượng, sản phẩm/ dịch vụ văn hóa được nhiều người ưa thích.

      Popular: inferior kinds of works. (2) Văn hóa đại chúng là hình thức văn hóa thấp hơn của đa số quần chúng phân biệt với văn hóa cao hơn của một thiểu số tinh hoa.

      Popular: work deliberately setting out to win favor with the people. (3) Văn hóa đại chúng bao gồm những sản phẩm/ dịch vụ văn hóa người ta chủ ý tạo ra (thường gắn với công nghiệp văn hóa, sản xuất hàng loạt) nhằm thỏa mãn thị hiếu của số đông (đại trà)

      Popular: actually made by the people for themselves. (4) Văn hóa đại chúng bao gồm những sản phẩm/ dịch vụ văn hóa mà những nhóm xã hội (nhất là những nhóm thiểu số/ bên lề) tự tạo nên để đáp ứng cho những nhu cầu đặc thù của riêng họ (vốn không được văn hóa thống lĩnh thừa nhận và quan tâm).

Với cả 4 nghĩa vừa trình bày, có thể thấy Truyền hình (Television) nói riêng, Truyền thông (Communication) nói chung vừa là một phương tiện vừa là một sản phẩm quan trọng của Văn hóa đại chúng.

Giới thuyết ngắn gọn trên đây chuẩn bị một nền tảng lý luận cơ bản nhất cho nghiên cứu của chúng tôi đối với Giờ thứ 9 trên HTV như một hiện tượng văn hóa giải trí, văn hóa đại chúng.  

2.      Giờ thứ 9 trên HTV

Giờ thứ 9 trên HTV là một sân chơi dành cho người lao động của truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ tháng 4/2012. Phối hợp tổ chức và thực hiện là Tổng liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh.  

Loại hình thứ nhất gồm những chương trình thực tế ghi hình các cuộc thi giữa các khu công nghiệp, các khu chế xuất tại địa bàn các khu đó. Đối tượng là công nhân. Mỗi cuộc thi gồm (1) Chúng tôi là ai? (các đội dự thi tự giới thiệu về đơn vị/ công ty của mình qua một tiết mục ca múa nhạc/ hình thức sân khấu hóa, (2) Ứng xử tình huống (chọn phương án trả lời trắc nghiệm các tình huống, qua đó, tìm hiểu luật công dân, luật lao động, luật giao thông, (3) Thể hiện tài năng (các đội dự thi thể hiện tài năng nghệ thuật của mình).

Loại hình thứ hai gồm những chương trình quay tại Nhà Văn hóa Lao động giữa các Liên đoàn Lao động quận, huyện, các công đoàn ngành, sở, khối, tổng công ty trong thành phố… Đối tượng là cả công nhân lẫn nhân viên, viên chức…, phong phú, đa dạng hơn. So với loại hình một, format cuộc thi của loại hình hai có thay đổi đôi chút, nâng cao hơn ở mục (2) Tình huống khó xử (các đội dự thi sẽ dựng thành tiểu phẩm một tình huống trong công sở, trong nghề nghiệp, qua đó, thể hiện cách ứng xử văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh), và thêm mục (4) Thử làm nhạc sĩ (các đội phổ nhạc cho một đoạn thơ mà ban tổ chức công bố đầu cuộc thi và trình bày bài hát đó). 

Sân chơi này có rất nhiều số 9: Mang tên Giờ thứ 9, quay hàng tuần lúc 9 giờ sáng chủ nhật, phát hàng tuần trên HTV 9 vào 9 giờ sáng thứ bảy. Thành phố Hồ Chí Minh chính là nơi đã đi đầu cả nước, từ năm 2009, khởi xướng việc chọn Tháng Năm hàng năm là tháng công nhân, và tạo ra chuỗi các chương trình của phong trào chăm lo cho văn hóa giải trí, đời sống tinh thần của người lao động.

Sân chơi Giờ thứ 9 của HTV đã thu hút rất nhiều người lao động. 5 đêm thu hình đầu tiên ở các khu công nghiệp đã lôi cuốn 15.000 lượt công nhân tham gia chơi, cổ vũ. [Theo báo Lao động, số 272/ 2012]. Mỗi buổi ghi hình tại Nhà Văn hóa Lao động thường 200-300 người tham dự. Ấy là chưa kể số lượng rất đông đảo xem trên truyền hình. 

Giờ thứ 9 trên HTV được xem là một thành công của Tổng Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, một đóng góp đầy ý nghĩa cho người lao động.

Theo chúng tôi, thành công đó trước hết do thiết kế và tổ chức chương trình đã thể hiện được một cấu trúc tốt, tích hợp nhất nguyên hài hòa những cặp đôi nguồn lực/ năng lực vốn được nhìn nhận như lưỡng cực: tự do của cá nhân và tổ chức của tập thể, nghỉ ngơi và công việc, dân chủ và quyền uy, đại chúng và tinh hoa, đặc thù và phổ quát. Chúng tôi sẽ phân tích những đặc điểm này trong so sánh Giờ thứ 9 trên HTV với các chương trình cùng loại (chẳng hạn so sánh với Giờ thứ 9 ở các Liên đoàn lao động cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, so sánh với Giờ thứ 9 ở Bình Định, một trong những địa phương mà phong trào cũng có những thành công nổi bật).               

2.1.            Tự do của cá nhân và tổ chức của  tập thể

Thời gian rỗi vốn được xem là thời gian tự do khi người ta thoát khỏi áp lực công việc và những ràng buộc trách niệm khác. Sử dụng thời gian rỗi như thế nào thường được xem như lựa chọn cá nhân.

Người lao động có tự do lựa chọn. Tuy nhiên, sự lựa chọn đó thực ra bị phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và nhiều hoàn cảnh khác. Nhiều nhân viên, viên chức, công nhân sau 8 giờ làm việc chỉ ở nhà. Thu nhập khiêm tốn của họ lo cho sinh hoạt vật chất còn eo hẹp nói chi đến sinh hoạt tinh thần. Các khu công nghiệp thường xa trung tâm thành phố, không có rạp chiếu phim, công viên… Một điều tra xã hội học đối với người lao động ở Bình Dương đã cho kết quả: 71,% không đến rạp chiếu phim, 88,2 % không đi xem kịch, không đi xem ca nhạc, 84,7 % không thi đấu thể thao, 95,3% không sinh hoạt câu lạc bộ, 91,8% không đến nhà văn hóa [dẫn lại theo Nguyễn Quang Hiệp 2012]. Nhiều công nhân xa nhà cuối tuần không có hình thức giải trí nào đã chọn làm thêm giờ, tăng ca, vừa thêm thu nhập vừa đỡ buồn. Theo nghiên cứu của Lê Thanh Hà 2008, gần 78% công nhân một ngày làm việc 8h, 15% làm từ 9h đến 11h, 7% làm đến 12h, có cả những người làm việc hơn 12h/ ngày. Không có các sinh hoạt giải trí gắn với giao tiếp cộng đồng còn khiến nhiều công nhân không có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu, kết đôi dẫn đến tình trạng ế muộn.  

Giờ thứ 9 là quan tâm của cộng đồng cho thời gian rỗi của người lao động. Phối hợp giữa ba đối tác tạo nên sức mạnh tổng hợp: (1) Tổng liên đoàn lao động thành phố tập hợp, tổ chức người lao động, (2 Nhà Văn hóa lao động chuyên về nghiệp vụ phong trào văn thể mỹ, (3) Đài truyền hình mang đến kênh truyền thông. Chuẩn bị cho các cuộc thi là dịp các đơn vị tập trung đầu tư cho phong trào văn nghệ quần chúng. Ngày thi đấu, các đơn vị tổ chức cho đội dự thi cũng như đông đảo những cổ động viên tham gia (trong điều lệ cuộc thi, Ban tổ chức xem số lượng và chất lượng đội ngũ cổ động viên cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng). Đại diện lãnh đạo (chính quyền và công đoàn) của các đơn vị đều đến dự cuộc thi. Các cuộc thi trở thành cơ hội gắn bó người lao động ở cơ sở, gắn bó người lao động với lãnh đạo cơ sở và còn mở ra cơ hội giao lưu giữa người lao động của các cơ sở với nhau.  

Thành phố Hồ Chí Minh thuộc về tứ giác Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Biên Hòa – Vũng Tàu có kinh tế công nghiệp phát triển cao nhất nước, đóng góp 48,6% ngân sách của cả nước. Chỉ riêng các khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh có tới hơn 260.000 lao động. Thành phố Hồ Chí Minh đã đi tiên phong về việc các lực lượng chính quyền, đoàn thể xã hội chung tay thiết kế, tổ chức văn hóa giải trí cho người lao động một cách hiệu quả.

2.2.            Nghỉ ngơi và công việc

Suốt thời gian dài, thời gian rỗi được xếp vào khu vực nghỉ ngơi, giải trí theo nghĩa khoảng thời gian không tạo ra lợi nhuận kinh tế cũng như lợi nhuận tinh thần theo nghĩa thực sự.

Giờ thứ 9 trên HTV được thiết kế để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, tái hồi năng lực của người lao động qua game show truyền hình với những hình thức nghệ thuật tổng hợp bao gồm ca, múa, nhạc (phần Chúng tôi là ai?), kịch (phần Tình huống khó xử), phổ nhạc cho thơ (Thử làm nhạc sĩ). Mỗi đội thi thường 30 người, tài năng đa dạng. Sân khấu rực rỡ sắc màu, tưng bừng âm nhạc. Đội ngũ cổ động viên với nón gắn logo, bandroll, bụp bông, kèn, trống, những tràng pháo tay… thật khí thế. Các nghệ thuật biểu diễn này dễ dàng đi từ trái tim đến trái tim, tạo niềm vui, niềm hưng phấn sôi nổi, và càng thăng hoa gấp bội trong không khí cộng đồng. 

Mặt khác, sân chơi này thiết thực vun bồi sự phát triển cá nhân của người lao động về nhiều mặt, từ những hiểu biết pháp luật, kiến thức phổ thông đến kỹ năng sống để làm việc trong nền sản xuất cơ khí hóa, nền hành chính, nền kinh doanh hiện đại… Điều này hoàn toàn cần thiết trong tình hình người lao động, nhất là người công nhân của chúng ta hiện nay trình độ văn hóa nhìn chung chưa cao. Theo thống kê 2011 của Bình Dương, 83 % công nhân là lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật; 18,9 % là lao động nông thôn chưa tốt nghiệp tiểu học [Lê Thanh Hà 2008]. Phần đông họ hầu như chưa được đào tạo, rèn luyện chuyên nghiệp về văn hóa giao tiếp, văn hóa danh nghiệp, văn hóa kinh doanh, kỹ năng làm việc nhóm…

Bình Định cũng có Giờ thứ 9, cũng là game show, nhưng chỉ có một hình thức trắc nghiệm về lịch sử, đoàn thể (hoạt động công đoàn), các loại luật (luật lao động, bảo hiểm xã hội), kiến thức tổng hợp… nghĩa là về cơ bản vẫn chỉ là kiểm tra và cung cấp kiến thức. Mỗi đội chơi chỉ có 3 người, thay nhau trả lời. Khán giả chỉ hoạt động trên một mô hình thức nhận đúng-sai. Trong tương quan so sánh, có thể thấy HTV đã tạo dựng một sân chơi thú vị, hấp dẫn hơn, nơi người lao động “chơi hết mình”, “chơi mà học, học mà chơi”…

2.3.            Dân chủ và quyền uy

Giờ thứ 9 của Bình Định cũng do 3 lực lượng phối hợp thực hiện: (1) Tổng liên đoàn lao động của tỉnh, (2) Nhà Văn hóa lao động tỉnh, (3) Ban tuyên giáo tỉnh ủy. Như vậy, Bình Định và Thành phố Hồ Chí Minh giống nhau ở 2 đối tác (1) và (2), chỉ khác nhau ở đối tác thứ (3), trong trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh là Đài truyền hình thành phố. Nhưng chính sự vào cuộc của truyền hình đã mang đến một sức mạnh đặc biệt, một sự thay đổi về chất.

Một mặt, truyền hình là kênh truyền thông thu hút và phổ biến nhất với người lao động. Cũng theo kết quả cuộc điều tra xã hội học chúng tôi đã dẫn ở trên, trong khi đại đa số người lao động được hỏi không đi xem phim, xem ca nhạc… thì đại đa số họ lại chọn hình thức giải trí với phát thanh (82,4%) và truyền hình (89,4 %). Vì những kênh truyền thông này gần như “cho không biếu không”, gần như free. Do đó, Giờ thứ 9 trên HTV là cánh cửa rộng mở cho nhu cầu dân chủ hóa, để gần như tất cả người lao động có thể đến với sân chơi của mình. HTV phủ sóng gần như khắp cả nước nên đã không chỉ phục vụ người lao động Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặt khác, truyền thông, mà nhất là truyền hình có một quyền uy đặc biệt. Tham dự chương trình được ghi hình và phát sóng trên HTV là một trải nghiệm thật sự ấn tượng, thật sự phấn khích cho cả các đội thi lẫn các khán giả. Anh Thanh Vũ, một thí sinh của Công ty Freetrend phát biểu với phóng viên báo Lao động: “Tôi đã từng tham dự nhiều cuộc tranh tài nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy hồi hộp nhất vì chương trình được phát sóng trên truyền hình”. Các quận huyện, các cơ quan, ngành nghề, các doanh nghiệp có đội dự thi cũng xem đây là một dịp hệ trọng, vì có thể quảng bá cho đơn vị trên truyền hình (mỗi phút quảng cáo chi phí rất cao trong khi Giờ thứ 9 đến 30 phút) mà lại qua hình thức quảng bá sống động, cuốn hút rất dễ đi vào lòng người. Đây cũng là lý do khiến lãnh đạo khá nhiều đơn vị không dè sẻn trong đầu tư cho đội dự thi của mình: từ thuê nhạc sĩ sáng tác, thuê người viết kịch bản, thuê người dàn dựng, thuê trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng… và điều này góp phần nâng cao chất lượng các tiết mục.     

Việc Giờ thứ 9 của HTV được phát sóng sáng thứ 7, ngày nghỉ cuối tuần, (cũng là một kiểu khung giờ vàng) càng làm tăng hiệu quả của chương trình, về cả khía cạnh tính dân chủ lẫn tính quyền uy. 

Bên cạnh Giờ thứ 9, HTV còn có chương trình Truyền hình thanh niên công nhân. Đồng hành cùng HTV, Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có chyên mục Phát thanh công nhân lên sóng liên tục từ thứ hai đến thứ bảy, chủ đề mỗi ngày gắn với công việc, đời sống của công nhân như “Câu chuyện đầu tuần”, “Văn minh công xưởng”, “Chuyện sau giờ làm việc”, “Chuyện nghề nghiệp”, “Chuyện nhà trọ công nhân”, “Chuyện tình yêu - hôn nhân”... Chương trình phát thanh cũng có thế mạnh riêng, khi qua tổng đài của chương trình, những người lao động trẻ tuổi có thể giao lưu, kết bạn... Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh còn kết nối điện thoại để người lao động được trò chuyện trực tiếp trên sóng với các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia luật...      

2.4.            Đại chúng và tinh hoa

Kiểu thức tách biệt Văn hóa đại chúng (popular culture), như văn hóa thấp (low culture) và Văn hóa tinh hoa (elite culture), như văn hóa cao (high culture) vốn chịu ảnh hưởng quan điểm của A.Schopenhauer (1844) phân chia nhân loại thành hai bộ phận:  (1) Những con người của thiên tài (có năng lực trực quan thẩm mỹ và năng lực sáng tạo nghệ thuật), (2) Những con người của lợi ích (chỉ định hướng vào hoạt động thực tiễn, lợi ích thục dụng); và quan điểm của Ortega-y-Gasset về sự phân biệt giữa Thiểu số xuất sắc (những cá nhân nổi bật lên một cách đặc biệt) và Quần chúng (là những con người trung bình). Từ đó, không ít nhà nghiên cứu xem Văn hóa cao (High culture) bao gồm những lĩnh vực mà giới tinh hoa, giới thượng lưu hay giới chuyên nghiệp mới có điều kiện tiền của, tài năng để sáng tác và thưởng thức (ballet, opera, văn chương nghệ thuật - great literature, mỹ thuật - fine art…). Giá trị văn hóa của chúng được xem như siêu việt và vĩnh cửu. Các thành tựu văn hóa cao được bảo vệ, nghiên cứu trong các thư viện, bảo tàng, nhà hát, học viện… Ngược lại, Văn hóa thấp (Low culture) chỉ những lĩnh vực có đẳng cấp xã hội và giá trị mỹ học thấp hơn, bình thường, tầm thường (bastard) hơn, không có giá trị trường tồn… dành cho đại chúng (như truyền hình, video ca nhạc, game shows, bóng đá, quyền anh…).

Giờ thứ 9 của HTV, có thể nhận thấy khuynh hướng xóa nhòa những ranh giới như vậy. 

Chị Lý Thị Thơm, công nhân công ty Nissei, bộc bạch với phóng viên báo Lao động: “Có nhiều chương trình văn nghệ đến với công nhân nhưng đây là lần đầu tiên công nhân được biểu diễn”. Người lao động hào hứng vì họ không chỉ được là khán giả mà chính họ được trở thành tác giả ca khúc, tác giả kịch bản, nhạc sĩ, đạo diễn, diễn viên… Họ vượt thoát tư cách “những con người của lợi ích thực dụng”, say sưa với những khoái cảm tinh thần vô vụ lợi của nghệ thuật, thể hiện tâm hồn và tài năng nghệ sĩ.

Xen giữa các nội dung thi tài của người lao động, Giờ thứ 9 của HTV thêm phần Giao lưu với ca sĩ khách mời là những ca sĩ, nhạc sĩ (có thể đồng thời là diễn viên điện ảnh) nổi tiếng. Khán giả nhiệt tình cổ cũ các ca sĩ, nhạc sĩ vốn là bạn bè, đồng nghiệp hàng ngày của họ, hôm nay bỗng “lạ” hẳn trên sân khấu; đồng thời sôi nổi, cuồng nhiệt với các ca sĩ, nhạc sĩ là thần tượng của họ, vốn họ chỉ được xem qua băng đĩa nay được tiếp xúc trong cự li gần gặn. Nhất là khi nhiều trong số những nghệ sĩ ngôi sao lừng lẫy ấy, giao lưu trên sân khấu, trò chuyện rằng mình đã trưởng thành từ phong trào quần chúng, từ chính Nhà Văn hóa Lao động này như thế nào.  

Các thành viên ban tổ chức, ban cố vấn nội dung, ban giám khảo là những nhạc sĩ, ca sĩ, những người đã và đang phụ trách Ban Văn nghệ Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Lý luận của Hội Sân khấu thành phố, các học giả trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy Văn hóa công sở, Văn hóa doanh nghiệp… Chương trình đảm bảo độ chuyên nghiệp và thậm chí cả độ hàn lâm trong khi hết sức gần gũi đời sống người lao động.

Năm 2012, hơn 5.200 công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên đăng ký tổ chức chương trình Giờ thứ 9 tạo sân chơi cho người lao động. Các Giờ thứ 9 ở cơ sở mang đậm tính đại chúng. Sức cuốn hút đặc biệt của Giờ thứ 9 trên HTV dựa trên sự kết hợp phổ rộng đại chúng ấy với chiều sâu, chiều cao tinh hoa, chuyên nghiệp.

2.5.            Đặc thù và phổ quát

Truyền hình Việt Nam hiện nay đang ngày càng tràn ngập các game show đến mức nhiều nhà nghiên cứu phê bình nói đến nền “công nghệ” game show. Tuy nhiên, nhiều trong số đó nhập format từ nước ngoài. Tạo dựng những game show thể hiện được bản sắc dân tộc đang là một đòi hỏi cấp thiết.

Giờ thứ 9 trên HTV, với tư cách sân chơi sau 8 giờ làm việc ở công sở, nhà máy, còn được trông đợi trở thành một chương trình giải trí phù hợp văn hóa nghề nghiệp của công nhân viên chức, những người lao động thành phố.

Cùng là về văn hóa nghề nghiệp, nhưng những chương trình giải trí cho nông dân có vẻ dễ định dạng hơn. Bởi lẽ văn hóa truyền thống lâu dài của dân tộc là văn hóa của nông dân làm nông nghiệp trong những làng xã nông thôn. Trong khi đó, giai cấp công nhân ở ta mới xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX, văn hóa công nhân, về cơ bản, mới trong quá trình hình thành (becoming) hơn là đã hiện hữu (being) với những giá trị bền vững. Công nhân là giai cấp chủ lực của thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa, song, cho đến nay, văn hóa công nhân hình như lại vẫn còn ở bên rìa. Rất ít tác phẩm văn chương, tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn sáng tác về công nhân, khám phá, dựng xây hình tượng công nhân. Người lao động thành phố nói chung cũng thế. 

Game show Giờ thứ 9 của HTV đã nỗ lực nhận diện những giá trị của văn hóa công nhân (nguồn lao động có kỹ thuật, nghiệp vụ, có tổ chức, kỷ luật cao, đoàn kết, hữu ái giai cấp), góp phần xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam trên cơ sở phát huy truyền thống dân tộc (cần cù, siêng năng) và tích hợp tinh hoa văn minh nhân loại (làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến). Nội dung này được cố gắng chuyển tải qua một sân chơi nghệ thuật tổng hợp đáp ứng nhu cầu tinh thần của người lao động. Giờ thứ 9 trên HTV làm hiện ra mảng tác phẩm âm nhạc về công nhân, các doanh nghiệp (trong phần Chúng tôi là ai?), mảng thơ của công nhân, người lao động (mà ban tổ chức chọn những khổ, đoạn hay cho các đội phổ nhạc trong phần Thử làm nhạc sĩ). Tuy nhiên, phương hướng như vậy, về cơ bản, mới chỉ manh nha trong ý đồ của chương trình, chưa hình thành được một hệ thống vận hành tổng thể từ các niềm tin và giá trị (beliefs and values) đến các thể thức (formula), các sản phẩm văn hóa (artifact) như những vật biểu, biểu tượng, thần tượng, anh hùng… tương ứng.      

Kết luận

            Nghiên cứu trường hợp về sân chơi Giờ thứ 9 cho người lao động trên truyền hình thành phố Hồ Chí Minh của chúng tôi mới chỉ sơ khởi đôi nét phác thảo. Luận điểm gợi ý của chúng tôi, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, nhằm tới một phương hướng tìm hiểu cũng như thiết kế văn hóa giải trí trong quan hệ với văn hóa đại chúng từ những phối cảnh linh động. Ở đó, không cần xác định ranh giới quá sáng rõ, nghiêm ngặt để rồi bị phân tách cứng nhắc, mà đúng hơn, cần thực hiện những giao thoa, chuyển hóa, hợp thành năng lực tổng hợp giữa tự do của cá nhân và tổ chức của tập thể, giải trí thư giãn và công việc nghiêm túc, cánh cửa rộng dân chủ hóa và vị thế quyền uy, sức mạnh đại chúng và tinh hoa, giá trị đặc thù và phổ quát.

            Tìm hiểu sân chơi Giờ thứ 9 với tư cách một người nghiên cứu văn hóa, nghĩa là người nhìn từ bên ngoài (outsider), đồng thời, với tư cách một cố vấn ban nội dung, thành viên ban giám khảo, khán giả cả ở trường quay lẫn trước màn ảnh nhỏ, nghĩa là người trong cuộc (insider), chúng tôi cảm hiểu những nhu cầu thực tế và nhận thấy sự cần thiết đi vào đời sống của văn hóa học từ các giảng đường, các viện nghiên cứu. Nhất là với những vấn đề của văn hóa đương đại, đã được thế giới quan tâm kỹ lưỡng từ lâu trong khi hầu như bị bỏ qua, hoặc ít nhất, chưa được chú ý đầy đủ ở Việt Nam.               

 

Tài liệu tham khảo

1.      Brett D. Lashua (2005), “Leisure, Popular Culture and Cultural Studies in the borderlands”. Eleventh Canadian Congress on Leisure Research, Canadian Association for Leisure Studies.

2.      Hồng Đào, “Sân chơi giờ tan ca”.

http://nld.com.vn/2012051707547330p0c1010/san-choi-gio-tan-ca.htm

3.      Lê Linh, Nguyễn Đạo, “Cải thiện đời sống người lao động – Yêu cầu cấp thiết hiện nay”.

4.      Lê Thanh Hà (2008), “Một số bất cập về việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động ở nước ta hiện nay”.

5.      Nguyễn Quang Hiệp (2012), Văn hóa công nhân ở Bình Dương, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

6.      “Sẻ chia “món ăn tinh thần” với công nhân. http://laodong.com.vn/Hoat-dong/Se-chia-mon-an-tinh-than-voi-cong-nhan/92332.bld

7.      Thomas M. Kando (1980), Leisure, Popular Culture and Transition, Mosby.

 

THE CULTURE OF FREE TIME AND POPULAR CULTURE: A CASE STUDY OF THE GAME SHOW THE 9TH HOUR ON HTV

Abstract

In this article, the game show The 9th Hour on HTV is analysed as a TV product to satisfy the needs for entertainment of workers in Ho Chi Minh City. This case study helps to clarify some theoretical and practical aspects related to the culture of free time from the view of and in relation to popular culture.

Danh mục website