Đọc bài phú Sông Bạch Đằng qua nguyên tác

 

Sông Bạch Đằng từ lâu đã soi bóng lịch sử dân tộc như một huyền thoại, như một biểu tượng của tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Những chiến công hiển hách của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo đã làm nên một dòng sông lịch sử; Bài phú sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang phú) của Trương Hán Siêu (?-1354) lại cho chúng ta thêm yêu một dòng sông văn học. Đã có khá nhiều tác phẩm viết về sông Bạch Đằng, lấy cảm hứng từ sông Bạch Đằng, nhưng xứng đáng là bài ca bất hủ về địa danh chiến tích này chỉ có thể là Bạch Đằng giang phú.

Sự tài hoa của các dịch giả tên tuổi như Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (NHT), Nguyễn Đổng Chi (NĐC), Bùi Văn Nguyên (BVN)... đã chắp cánh cho Bạch Đằng giang phú bay cao, ngân xa trong lòng người mộ thưởng. Thế nhưng, xem xét, đối chiếu các bản dịch với nguyên tác, chúng tôi nhận thấy ở khá nhiều chỗ, việc chú giải chưa đầy đủ, rõ ràng; thậm chí do gò vần ép đối mà bản dịch đã rời xa nguyên tác. Bài viết này mong muốn chỉ ra những sai lệch của các bản dịch, góp phần tôn lên những giá trị nội dung và vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm thông qua việc bám sát nguyên tác.

1. Từ những chỗ bất ổn trong các bản dịch

Trong số các bản dịch Bạch Đằng giang phú hiện nay, bản dịch của NHT đăng lần đầu trên tạp chí Nam Phong có thể coi là sớm nhất. Sau đó NĐC, BVN, Lê Trí Viễn (LTV), người sau có sự kế thừa nhất định từ người trước, đều đã dịch tác phẩm này. Nhưng ngay từ NHT đã dịch khá “thoát” nguyên tác. Nên sai lầm lại kế tiếp sai lầm, đặc biệt là bản dịch đang được sử dụng trong các sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học của BVN.

Ví dụ 1: Câu đầu, nguyên văn: “Quải hãn mạn chi phong phàm, thập hạo đãng chi hải nguyệt” 掛汗漫之風凡,拾浩蕩之海月. (Tạm dịch: Treo cánh buồm căng gió [để mặc trôi] lênh đênh; nhặt ánh trăng biển [lấp lánh như những hạt ngọc trai] trong mênh mông) so với “Chèo quế bơi trăng, buồm mây giong gió” (NHT) và “Giương buồm giong gió chơi vơi, lướt bể chơi trăng mải miết” (BVN) thực thấy khác nhau.
Những mĩ từ: “chèo quế”, “buồm mây”, “chơi vơi”, “mải miết” đều không phản ánh đúng nguyên tác.

Ví dụ 2: Câu “Để Bạch Đằng giang; thị phiếm thị phù” 抵白江,是泛是浮 (Đến sông Bạch Đằng, [thực là] bồng bềnh sóng nước), BVN dịch: “Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều” (?) Không hiểu dựa vào đâu để BVN viết: “thuyền bơi một chiều”. Chắc hẳn là chỉ để vần với câu trên: “Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều” mà thôi (!).

Ví dụ 3: Câu “Chử địch ngạn lô, sắt sắt sâu sâu” 渚荻岸蘆,瑟瑟颼颼 (Bến lau, bờ lách; xào xạc, rì rào, hoặc: bờ lau xào xạc, bến lách rì rào). NHT dịch “Ngàn lau quạnh cõi; Bến lách đìu hiu”, BVN cũng noi theo dịch: “Bờ lau san sát; Bến lách đìu hiu”. Cả hai cách dịch đều đánh mất những từ tượng thanh “sắt sắt, sâu sâu” đã làm nên nhạc điệu của câu thơ.

Ví dụ 4: Câu “Niệm hào kiệt chi dĩ vãng, thán tung tích chi không lưu” 念豪傑之已往,嘆蹤跡之空留 (Thương hào kiệt [đã thành] dĩ vãng, Than nỗi tung tích vẫn còn lưu trong trống vắng). “Không lưu” tức là còn lưu lại trong trống vắng, ý này không thể hiện được trong câu: “Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá; Tiếc thay dấu vết luống còn lưu” (BVN). Các từ “tá”, “luống” có vẻ tăng thêm phong vị cổ điển cho bản dịch, nhưng thực chất đây là những từ thừa, khiến cho SGK lại phải thêm một lần chú thích cho chúng. (Xin xem Ngữ văn 10, tr.101)

Có thể tìm thấy thật nhiều những ví dụ tương tự về chữ nghĩa, điều này một phần do các dịch giả bị câu thúc bởi vần luật của bản dịch. Ngoài ra, còn một số chỗ mà việc chú giải từ ngữ, điển cố, chúng tôi thấy chưa thật sự thuyết phục hoặc cần bổ sung.

Ví dụ 5: Câu “Tiếp kình ba ư vô tế, trám diêu vĩ chi tương mâu” 接鯨波於無際,蘸鷂尾之相繆, NHT dịch: “Trắng xóa sóng kình muôn dặm; Xanh rì dặng ác một màu”, còn BVN dịch khác ở vế sau: “..., Thướt tha đuôi trĩ một màu” thì đều hoàn toàn thoát li nguyên tác. Nhất là cách hiểu hai chữ “diêu vĩ” rất khác nhau: “dặng ác” và “đuôi trĩ”. Chính vì chỉ căn cứ vào bản dịch cho nên đã có nhà nghiên cứu nhận định sai lầm, cho rằng câu văn này “ngợi ca non sông gấm vóc tươi đẹp”(1). Theo chúng tôi, đây không phải một câu văn tả cảnh đơn thuần. Thêm nữa, cả hai bản dịch này (hoặc cả các bản dịch hiện có khác) đều bỏ qua các động từ: “tiếp” (đón, đương đầu) và “trám” (nhúng, dìm, nhấn chìm). Do vậy chưa làm nổi bật được hình ảnh con người với khí thế bừng bừng mạnh mẽ, chưa cho thấy niềm xúc cảm, sảng khoái vô hạn của tác giả lúc đến với Bạch Đằng giang. Chúng tôi đề nghị dịch câu này thành: "Đón sóng kình ngoài xa thẳm; Dìm sao Vĩ dưới đáy sâu"(2).

Giống như các tác phẩm văn học Việt Nam thời trung đại khác, Bạch Đằng giang phú cũng sử dụng khá nhiều thi liệu, văn liệu từ văn học Trung Quốc. Để hiểu rõ hơn tác phẩm, việc truy nguyên các điển ngữ là cần thiết. Tuy nhiên, có một vài trong số đó đã bị các dịch giả bỏ sót.

Ví dụ 6: Câu “Thủy thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu” 水天一色風景三秋, trong đó "Thủy thiên nhất sắc" là chữ dùng của Vương Bột (đời Đường). Trong Đằng Vương các tự, họ Vương viết: "Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc" (Ráng chiều với cánh cò đơn lẻ cùng bay; Làn nước thu liền trời xa một màu). Chính câu văn được người đời cho là tuyệt bút này, đã làm nên tên tuổi Vương Bột. Câu văn tuy không tả màu sắc mà vẫn khiến người ta thấy màu xanh của trời nước hòa quyện vào nhau. “Tam thu” lại là một cách nói bóng bẩy thường gặp trong thơ văn cổ Trung Hoa, trong bài có nghĩa là: tàn thu, cuối thu.

Ví dụ 7: Câu: “... binh nhận phong khởi”兵刃蜂起 (quân dậy như ong bay) lấy ý từ thiên “Hạng vũ bản kỉ”, Sử kí của Tư Mã Thiên.

Ví dụ 8: Câu “Mạnh Đức Xích Bích chi sư, đàm tiếu hôi phi” 孟德赤壁之師談笑灰飛, lấy ý thơ của Đỗ Phủ. Xưa họ Đỗ viết: “Lư diêm thính tiểu tử, đàm tiếu mịch phong hầu” 閭閻聽小子, 談笑覓封侯 (trong làng nghe trẻ con, chúng nói cười mà tìm được tước hầu). “Đàm tiếu” không thể hiểu là nói cười theo nghĩa đen của hai chữ này, mà là: nhanh chóng, dễ dàng (như chuyện trẻ con).

Có thể thấy rõ, khi viết Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu đã có liên tưởng tới chiến địa Xích Bích, cũng vì thế mà nhiều câu chữ của ông có ảnh hưởng từ các danh tác của cổ nhân viết về Xích Bích.

Ví dụ 9: Câu: “Chiết kích trầm giang, khô cốt doanh khâu” 折戟沉江枯骨盈邱 chẳng phải là rất giống với câu: “Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu” 折戟沉沙鐵未銷 của Đỗ Mục trong Xích Bích hoài cổ hay sao?

Ví dụ 10: Câu: “Trục lư thiên lý, tinh kì ỷ nỉ” 舳艫千里, 旌旗旖旎 là mượn gần như nguyên vẹn câu “Trục lư thiên lí, tinh kì tế không舳艫千里旌旗蔽空 của Tô Thức trong Tiền Xích Bích phú.

Đặc biệt là Bạch Đằng giang phú chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Tiền Xích Bích phú của Tô Thức và Điếu cổ chiến trường văn của Lí Hoa, như: đề tài, diễn biến tâm trạng, các thủ pháp nghệ thuật, cụ thể hơn là ở các từ ngữ, hình ảnh như: “tương mâu”, “cô châu”, “tu du”, “lâm giang”, v.v.

2. Đến vẻ đẹp của nguyên tác

Bạch Đằng giang phú có thể coi là một tác phẩm thể hiện đầy đủ những đặc trưng của phú đời Trần. Mượn một đề tài và “cốt truyện” khá cổ điển của phú Trung Quốc: viết về chiến tranh thông qua việc đến thăm danh thắng - chiến địa cũ, nhân đó bày tỏ suy tư về thế thái, nhân tình. Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là ngợi ca được lồng ghép với tâm sự hoài cổ, ưu thời mẫn thế. Điều đặc biệt là những chất liệu nội dung đó được thể hiện một cách khéo léo, với một bút pháp nghệ thuật hết sức điêu luyện. Nếu như Lê Quý Đôn từng khen phú đời Trần: “khôi kì, hùng vĩ, lưu loát, đẹp đẽ, âm vận, cách điệu giống như thể văn nhà Tống”, thì điều đó thật đúng đối với Bạch Đằng giang phú.

2.1. Cảm hứng ngợi ca

Bài phú mở đầu bằng hình ảnh tác giả - người lữ khách - "giong buồm gió lênh đênh, nhặt trăng bể mê mải", lãng mạn và đầy chất thơ. Lữ khách "đưa" người đọc đi thăm hàng loạt những danh thắng "đệ nhất thiên hạ". Đó là những cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, tráng lệ đã được các văn nhân Trung Hoa chẳng tiếc lời ca ngợi.

Triêu dát huyền hề Nguyên Tương,

Mộ u thám hề Vũ Huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt.

Nhân tích sở chí, mị bất kinh duyệt

Ta thực thấy cái tài của tác giả trong khi xâu chuỗi các danh thắng thành những câu văn biền ngẫu, âm thanh vang vang, vần điệu biến hóa. Chỉ là danh xưng của các miền đất mà đọc lên nghe du dương bởi chúng được chọn lọc, sắp xếp thành nhạc điệu:

Tam > Ngô > Bách > Việt

Cửu > Giang > Ngũ > Hồ

Nào là sông Nguyên, sông Tương ở Hồ Nam, Vũ Huyệt ở Cối Kê... nào là Tam Ngô, Bách Việt... đời người, ai cũng khát khao được một lần đặt chân đến những miền danh thắng đó. Dù là cùng trời cuối đất, nếu đã từng có dấu chân người thì cũng là nơi lữ khách từng du ngoạn. Tưởng vậy là đã thoả “tráng chí” tung hoành bốn phương, nào ngờ: “Hung thốn Vân Mộng giả sổ đắc, nhi tứ phương chi tráng chí do khuyết như dã” (Ngực nuốt vài trăm đầm Vân Mộng(3), mà chí lớn tung hoành bốn phương vẫn còn chưa thỏa). Chưa thoả! chỉ vì còn thiếu một nơi, ngay trên đất Việt: danh thắng - chiến tích sông Bạch Đằng!

Tác giả đã chuẩn bị kỹ lưỡng tâm thế cho người đọc trước khi đến với sông Bạch Đằng. Lý do để đến đây, không đơn thuần là một cuộc du hý (như các dịch giả đã chú(4), mà ví như trọng trách của Tử Trường Tư Mã Thiên đời xưa. Tư Mã Thiên thác mệnh cha, 20 tuổi, bôn tẩu khắp núi non, sông bể Trung Hoa để tìm kiếm, thu thập sử liệu trong dân gian mà làm thành bộ Sử ký, đáng để loài người phải nghiêng mình thán phục. Trương Hán Siêu cũng vậy: đến Bạch Đằng để viết lại trang sử hào hùng, ghi dấu chiến công oanh liệt cho muôn đời hậu thế! Nếu cần tìm một câu chủ đề cho bài phú, thì đó chính là câu: “Nãi cử tiếp hề trung lưu, tòng Tử Trường chi viễn du” (Bèn nâng mái chèo giữa dòng, học theo thú viễn du của Tử Trường.)

Và đây, sông Bạch Đằng đã hiện ra: bồng bềnh sóng nước (thị phiếm thị phù). Nhưng đằng sau khung cảnh ấy là hình ảnh con người với khí phách mạnh mẽ: "Đón sóng kình ngoài xa thẳm; Dìm sao Vĩ dưới đáy sâu". Ngòi bút tác giả bỗng rung động trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp: phong cảnh tàn thu, trời nước biếc màu (thủy thiên nhất sắc, phong cảnh tam thu). Ở đây, tác giả đã khéo léo vận dụng các ý thơ cổ, thổi vào đó hồn thiêng Bạch Đằng.

Cảm hứng ngợi ca của tác giả trước hết bắt nguồn từ phong cảnh thiên nhiên kì vĩ của Bạch Đằng. Cảm hứng ấy dâng cao trong niềm tự hào vô bờ bến khi hồi tưởng về những trận chiến ác liệt, về tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bằng giọng văn hào sảng, say sưa tự hào, ta nhận ra "hào khí Đông A" là đây! Khí phách Trần triều là đây! Là người trong cuộc(5), tác giả không trực tiếp nói đến chiến công mà nhường lời cho các bô lão: “Trục lư thiên lý, tinh kì ỷ nỉ; tỳ hưu lục quân, binh nhận phong khỉ” (Thuyền bè ngàn dặm, cờ xí phấp phới; tỳ hưu hùng dũng, gươm giáo xông pha). Cuộc chiến đấu được tái hiện thật sinh động dưới ngòi bút cường điệu: “Nhật nguyệt hôn hề vô quang, thiên địa lẫm hề tương hủy” (Ánh nhật nguyệt dường phải mờ, vòm trời đất tưởng sắp sụp). Và cái sức mạnh “ném roi” của năm mươi vạn quân Nguyên đã nhanh chóng trở thành “tro bay”, khiến cho “Chí kim giang lưu, chung bất tuyết sỉ; tái tạo chi công, thiên cổ xưng mĩ(Đến nay nước sông tuy chảy hoài, mà nhục quân thù khôn rửa nổi, công lao tái tạo, muôn đời ca ngợi). Đoạn văn được viết bằng các câu văn ngắn, nhịp điệu vô cùng gấp gáp, đối ngẫu hoàn vẹn, khiến cho người đọc như thấy được hơi thở gấp gáp của các chiến binh khi lâm trận, khí phách anh hùng dồn nén, dâng cao trên đầu ngọn giáo.

Nhưng tiêu điểm mà “lữ khách” hướng tới trong “hành trình” ca ngợi của mình chính là những con người cụ thể. Trông cảnh, nhớ người, âu cũng là quy luật muôn đời. Người mà Trương Hán Siêu muốn ngợi ca không ai khác ngoài anh hùng dân tộc, vị tướng tài ba đồng thời cũng chính là chủ nhân của tác giả: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn(6): “Duy thử giang nhi đại tiệp, do Đại Vương chi tặc nhàn” 惟此江而大捷, 由大王之賊閑 (Nghĩ có đại thắng trên sông này, do bởi Đại Vương [biết thế] giặc nhàn). Có được chiến thắng to lớn ấy còn là nhờ ở tài năng, đức độ của những đấng quân chủ anh minh lỗi lạc, đó là hai vua Trần: Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông: “Nhị Thánh hề tịnh minh, tựu thử giang hề tẩy giáp binh” (Hai vua thật anh minh, đến sông này dẹp đạo binh).

2.2. Tâm sự hoài cổ

Bên cạnh cảm hứng ngợi ca, lòng tự hào ngập tràn lại là một cảm xúc man mác buồn chen lẫn. Cảm xúc ấy như một mạch nguồn len lỏi vào trong tâm trí người đọc. Đây thực chất là một lối triển khai có tính chất công thức của phú Đường-Tống và phú đời Trần, nhất là khi viết về đề tài chiến tranh chứ không phải diễn biến tâm trạng phức tạp của tác giả.

Đang say sưa với cảnh lệ, lữ khách bỗng chuyển sang suy tư: "thảm nhiên bất lạc, trữ lập ngưng mâu" 慘然不樂,佇立凝眸 (chợt buồn rầu không vui, đứng lặng ngừng mắt) vì thương hào kiệt đã vắng. Một cảm giác hụt hẫng, trống vắng, cô quạnh. Như chúng tôi đã nói đến ở trên, Trương Hán Siêu chịu ảnh hưởng khá sâu sắc từ danh tác Tiền Xích Bích phú của Tô Thức. Chi tiết này có sự tương đồng nhất định. Văn nhân đời Tống xưa du ngoạn trên sông Trường Giang, đương khi cùng khách uống rượu vui vẻ dưới trăng, bất giác hồi tưởng về chiến địa Xích Bích(7) mà lòng chợt ủ ê, u hoài (Tô Tử thiểu nhiên, chính khâm nguy tọa). Cùng là cái tâm sự hoài cổ, tiếc quá khứ huy hoàng, thương anh hùng đã đi vào dĩ vãng. Nhưng điểm khác nhau cơ bản là văn nhân, thi sĩ Trung Hoa ngậm ngùi nhớ người bại trận; còn Trương Hán Siêu lưu luyến chiến công, muốn công nghiệp to lớn ấy sống mãi với thời gian.

Trương Hán Siêu còn thể hiện một tâm sự ưu thời mẫn thế, bày tỏ thái độ của mình đối với cuộc sống và cả những “triết luận về vũ trụ và nhân sinh” như những dòng văn đầy vẻ bi ai dưới đây:

“Chử địch ngạn lô, sắt sắt sâu sâu. Chiết kích trầm giang, khô cốt doanh khâu” (Bến lau xào xạc, bờ lách rì rào. Giáo gãy chìm sông, xương khô đầy gò).

“Hoài cổ nhân hề vẫn thế, lâm giang lưu hề hậu nhan” (Đến chơi sông chừ ủ mặt, Nhớ người xưa chừ lệ chan - BVN dịch).

Như vậy, để bạn đọc ngày nay có thể tiếp cận dễ dàng hơn với văn bản Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, thiết nghĩ chúng ta cần phải đưa ra được một bản dịch đáng tin cậy. Đây là vấn đề quan trọng có tính cấp thiết vì tác phẩm này hiện đang được giảng dạy ở các cấp học. Việc phân tích, làm rõ các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm càng giúp ta thêm hiểu rằng bản hùng văn Bạch Đằng giang phú xứng đáng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà.

Ths. Đỗ Phương Lâm

Đại học Hải Phòng

 

Chú thích:

([1]) Xin xem: Nguyễn Phạm Hùng: Văn học Lí - Trần nhìn từ thể loại, Nxb. GD, H. 1996, tr.146.

(2) Trong một bài viết mới đây: "Về cách hiểu một câu trong bài Bạch Đằng giang phú", chúng tôi đã phân tích và đề nghị cách hiểu mới về câu văn này.

(3) Vân Mộng là cách nói hình tượng về chí lớn của nam nhi. Tư Mã Tương Như (đời Hán) từng viết: “Thốn nhược Vân Mộng giả, bát cửu ư kỳ hung trung” (Nuốt vào trong bụng tám, chín cái đầm Vân Mộng).

(4) Sách Ngữ văn 10, tr.101 có chú: “... Tư Mã Thiên, người đã đi du lịch nhiều nơi thắng cảnh và di tích lịch sử” (!). Nếu chỉ là đi “du lịch” thì nào có ý nghĩa gì. Người xưa nói: “Dục học Tử Trường chi văn, đương liên học kì du” (Muốn học văn của Tử Trường, nên học việc đi chơi của ông ấy)

(5) Chính Trương Hán Siêu đã từng có mặt trong trận đánh lịch sử trên sông Bạch Đằng.

(6) Trương Hán Siêu là môn khách của Trần Quốc Tuấn.

(7) Trận Xích Bích, Khổng Minh dùng hoả công giúp liên quân Lưu Bị - Chu Du đánh tan 82 vạn quân Tào Tháo trên sông.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1. Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Phú Việt Nam cổ và kim, Nxb. VH - TT, 2002, tr.80-87.

2. Văn học 10, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Lộc (chủ biên), Nxb. Giáo dục, H. 2000, tr.97-103.

3. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, Trần Lê Sáng (chủ biên), Nxb. KHXH, H. 1997,tr.504-509.

4. Bùi Huy Bích: Hoàng Việt thi văn tuyển, Lê Thước, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Sĩ Lâm, Trần Lê Hữu, Vũ Đình Liên (trích dịch, chú thích), T.1, Nxb. Văn hóa, H. 1957, tr.21-23.

5. Viện Văn học, (1977) Thơ văn Lý -Trần, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1989, tr.737-745.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (83) 2007; Tr.49 - 54)

Danh mục website