Tóm tắt: Nguyễn Du tuy không sinh ra và lớn lên tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh quê cha nhưng truyền thống gia tộc, văn hóa xứ Nghệ qua những nhóm Nho sĩ đương thời có quan hệ với gia đình ông, những dịp về quê và đặc biệt, quãng thời gian khá dài ông về lánh ẩn ở quê cha đã khiến cho ông có sự gắn bó máu thịt với quê cha đất tổ. Mặt khác, Nguyễn Du là người “cư Nho mộ Thích”, am hiểu sâu sắc Phật giáo nên trong quãng thời gian lưu cư ở cố hương, ông rất gắn bó với các cơ sở Phật giáo nơi đây. Trong bìa viết này, bước đầu chúng tôi đã tìm thấy và tiến hành khảo cứu những chứng tích về mối quan hệ của ông với chùa Dằng (Uyên Trừng Hoa tạng tự), một ngôi chùa cổ gắn liền với truyền thống văn hóa trên quê hương Nghi Xuân.
Từ khóa: Nguyễn Du, chùa Dằng, Uyên Trừng Hoa tạng tự.
1. Nghi Xuân, quê hương thi hào Nguyễn Du, là một vùng đất có một bề dày văn hóa hàng ngàn năm, tiềm tàng nhiều di tích vật thể và phi vật thể có giá trị văn hóa – lịch sử lớn, có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp. Phần lớn địa dư vùng đất này ở phía đông – bắc núi Hồng Lĩnh, có địa thế hẹp, hình tam giác, sau lưng là núi Hồng, bên cạnh là sông Lam và trước mặt là biển Đan Nhai (biển Đông, phần tiếp giáp với đất Nghi Xuân). Ngoài ra, còn một phần nhỏ đất Nghi Xuân, là mảnh đất bồi của sông Lam nép sát chân phía tây-nam núi Hồng, xưa thuộc xã Tam Đăng Thượng và xã Tam Đăng Hạ, tổng Tam Đăng (nay là hai xã Xuân Lam và Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân). Sông La chảy đến Ngã ba Phủ thì dòng chảy đã được hợp lưu bởi sông Lam từ miền tây Nghệ An đổ xuống, lưu lượng nước tăng lên nhiều nên đoạn sông này rất rộng, chảy đến địa đầu phía tây – nam huyện Nghi Xuân thì gặp một nhánh núi Hồng Lĩnh từ phía đông đổ sang nên dòng chảy chuyển hướng về phía tây – bắc, chảy đến địa phận xã Tam Đăng Hạ thì gặp núi Dằng (tên chữ là núi Uyên Trừng, thuộc chòm núi Ngũ Mã của dãy Hồng Lĩnh, nằm trên địa phận xã Xuân Hồng) chắn ngang nên mùa lũ nước đổ về tạo ra một vũng xoáy lớn, vì thế khúc sông này là chỗ vừa sâu vừa rộng nhất của sông Lam. Xưa kia, đây cũng là nơi thuyền bè (thuyền buôn, bè gỗ nứa) tấp nập vào ra tạo nên một bến sông có tên Nôm là bến Dằng, ngọn núi nằm trên bến sông này cũng gọi là núi Dằng và nhóm cư dân ở dưới chân núi được gọi là làng Dằng.. Đoạn đường thiên lý bắc – nam chạy qua đây, men theo mép núi và bờ sông Lam, cách bến Dằng một đoạn khoảng 300m, có một chiếc cầu bắc qua con hói từ cánh đồng dưới chân núi chảy ra sông, gọi là cầu Dằng. Khi chính quyền phong kiến đặt tên chữ (Hán) cho các địa danh, đã căn cứ vào biến âm và thực tế cảnh quan để đặt lại tên cho các địa danh Nôm, địa danh Dằng được phiên dịch thành Uyên Trừng. Chữ Dằng do biến âm đọc thành Trằng, lại căn cứ vào độ trong của nước khúc sông này (khúc sông này rộng và sâu, lúc không mưa lũ nước rất trong) nên phiên thành âm Hán Việt là Trừng 澂 (nghĩa là trong), Uyên Trừng 淵澂 (vực sâu và trong). Về mặt cảnh quan, nhìn chung, địa thế sông núi nơi này rất đẹp.
2. Theo sách Đồng Khánh dư địa chí, trên núi Uyên Trừng (Rú Dằng), có một ngôi chùa cổ gọi là chùa Ba Tạng (Chính tên là Uyên Trừng Hoa tạng tự 淵澂華藏寺, đến đầu đời vua Thiệu Trị do kiêng húy, đổi là chùa Ba Tạng). Vì chùa dựng ở lưng núi Uyên Trừng nên cũng có tên chùa Uyên Trừng (Chùa Dằng). Các tài liệu như Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng khánh địa dư chí, Địa dư tỉnh Hà Tĩnh …đều khẳng định đây là “chùa cổ” nhưng không cho biết chùa được xây dựng vào năm nào. Nhưng theo các tư liệu chúng tôi thu thập được cũng như ý kiến của một số nhà khảo cổ học khi xem xét gạch được đào lên từ móng chùa thì có thể chùa Uyên Trừng được lập lên từ đời Lý (và có thể còn sớm hơn). Qua nhiều lần trùng tu, đến đời Nguyễn, chùa này trở thành một thiền viện khá nguy nga. Rất tiếc là từ sau năm 1945 chùa bị bỏ hoang phế, rồi qua hai cuộc kháng chiến, bị triệt phá hoàn toàn. Bây giờ nền chùa vẫn còn nhưng một phần khuôn viên thuộc phạm vi nhà tăng đã là đất thổ cư của một số hộ dân trong thôn. Sau chùa, hiện tại còn 3 ngôi mộ cổ của các thiền sư từng trụ trì ở đây đã được người dân trong vùng cải táng và đã xây tháp, đặt tượng Quan Thế âm bồ tát để thờ cúng.
Các tài liệu nói trên đều cho biết: Cảnh trí của chùa rất đẹp, phía trước chùa là sông Lam, núi Hồng bao quanh ba mặt, phong cảnh thanh u, tịch mịch. Sách Đại Nam nhất thống chí chép một cách ngắn gọn: “… phía trước chùa có khe, có cầu, có am viện, có ao đá do nước suối ở núi chảy vào…”([1]). Sách Đồng Khánh dư địa chí miêu tả khá sinh động về ngôi chùa: “...Trước chùa có gác Tam quan, dưới gác Tam quan có một dòng khe. Đứng trên gác Tam quan này nhìn ra thấy núi non trùng điệp che kín ba phía. Núi Ngũ Mã tiếp liền với các ngọn núi khác ở phía đông nam, núi Yên Lạc quanh co chạy lên phía đông bắc, sông lam ở về phía Tây Nam. Quả là một nơi danh lam thắng cảnh ở địa phương này”([2]); sách Nghi Xuân huyện thống chí (Quyển hạ) chép kỹ hơn: “Đằng trước chùa có Rú Các, dưới có khe, qua khe có cầu, cầu cách chùa hơn trăm tầm. Bên chùa nơi nhà sư ở, có ao đá, nước từ núi bắn ra như vọt, bọt trắng tung ra, dòng trong chảy róc rách, xưa nay du khách đã ngâm vịnh chùa này nhiều. Thật là một nơi Già lam bậc nhất”([3])(Tài liệu chữ Hán chép tay, Thái Kim Đỉnh dịch).
Giờ đây tuy chùa đã là phế tích nhưng đứng trên nền chùa nhìn ra, quang cảnh quả thật tuyệt vời. Sách Nghi Xuân địa chí do Đông Hồ Lê Văn Diễn biên soạn năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) chép: “Chùa Hoa Tạng trên núi Uyên Trừng, xã Tam Đăng Hạ. Cảnh trí thật đẹp, là một trong tám cảnh đẹp của huyện Nghi Xuân”([4]). Trong sách Thơ Bùi Dương Lịch do Võ Hồng Huy sưu tầm, phiên dịch và biên soạn, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757 – 1828) có hẳn một chùm 8 bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú vịnh Nghi Xuân bát cảnh gồm Hồng Sơn liệt chướng (Núi Hồng thành dựng), Đan Nhai quy phàm (Cửa Hội buồm về), Song Ngư hý thủy (Đôi cá giỡn nước), Cô Độc lâm lưu (Nghé lẻ lội dòng), Giang Đình cổ độ(Bến cũ Giang Đình), Quần Mộc bình sa (Bãi cát bằng Quần Mộc), Uyên Trừng danh tự (Chùa đẹp Uyên Trừng) và Hoa Phẩm thắng triền (Chợ đẹp Hoa Phẩm). Trong bài Uyên Trừng danh tự, Bùi Hoàng giáp đã mô tả cảnh trí chùa Uyên Trừng như sau:
Phiên âm:
Sơn thế đông hồi khống cự xuyên,
Đương yêu nhất sạc bổng hồng liên.
Địa xưng danh thắng đa du khách,
Tự lập hồng hoang bất kỷ niên,
Quá tục thế đồ Khu Độc lĩnh,
Từng ngưng thiền kính dưỡng Long uyên.
Đăng lâm hà tất vấn nhân quả,
Cửu thập cửu phong trung nhất thiên.
Dịch nghĩa:
Thế núi hướng về đông để khống chế sông lớn,
Lưng chừng núi, một ngọn nổi lên như nâng búp sen hồng.
Vùng đất có tiếng là danh thắng có nhiều du khách đến thăm,
Ngôi chùa được xây dựng từ thưở hồng hoang, chẳng rõ niên kỷ.
Chắp nối đường đời vượt qua truông Nghé,
Lấp lánh gương chùa sẵn có vực Rồng.
Đã lên cao, chẳng cần gì phải hỏi về nhân, quả,
Giữa 99 ngọn núi, đó là một bầu trời riêng.([5])
Dịch thơ:
Thế núi về đông chặn lệch sông,
Ngang lưng nhô đỉnh tựa sen hồng.
Đất lừng danh thắng, say lòng khách,
Chùa dựng thời xưa, chẳng tích tông.
Khúc khuỷu đường đời: truông Nghé lội ,
Long lanh gương Phật: vực Rồng trong.
Lên non chẳng hỏi chuyện nhân quả,
Trong dãy Hồng Sơn, riêng một vùng.
(Phạm Quang Ái dịch)
Qua bài thơ này của Bùi Dương Lịch, chúng ta biết thêm một danh xưng khác của Quế Giang (sông Dằng) là Long Uyên (Vực Rồng).
Theo sách Thiền uyển tập anh và sách Le Bouddhisme en Annam – des origines au XIII e siècle (Phật giáo ở Việt Nam – từ nguồn gốc đến thế kỷ XIII) của Trần Văn Giáp thì Thiền sư Hiện Quang (?-1221) chính tên là Lê Thuần, quê Thăng Long, thuộc thế hệ thứ 14, Thiền phái Vô Ngôn Thông, 11 tuổi được Thiền sư Thường Chiếu (?-1203) ở chùa Lục Tổ thu nạp làm đệ tử, chưa đầy 10 năm đã thông giỏi kinh điển tam giáo nhưngchưa kịp suy cứu yếu chỉ Thiền tông thì Thiền sư Thường Chiếu mất. Ông bèn vân du đếnnúi Uyên Trừng, phủ Nghệ An tham bái Thiền sư Pháp Giới, trụ trì tại chùa Hoa Tạng, và đắc đạo ở đây. Về sau ông lên núi Tu Sơn dựng một thảo am, rồi lại lui về ẩn ở núi Yên Tử, và tịch năm Kiến Gia thứ 11 (1221) đời Lý Huệ Tông.
Từ những tư liệu trên, chúng ta có thể nhận định rằng, vào cuối đời Lý, chùa Uyên Trừng (chùa Dằng) đã là ngôi chùa lớn và đã có những cao tăng trụ trì như Thiền sư Pháp Giới và học trò của ngài là Thiền sư Hiện Quang. Trước và sau các bậc đại giác này chắc chắn còn có rất nhiều nhà sư tu hành đắc đạo ở đây. Để có một truyền thống như thế, ít ra chùa này phải có cơ sở từ hàng mấy trăm năm trước.
3. Đến thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn, qua câu văn trong bài Sinh tế trường lưu nhị nữ văn (Bài văn tế này một thời được cho là của Nguyễn Du, nhưng gần đây chúng tôi đã có bài viết bác bỏ([6])) “Lên chùa Dằng toan tu với sư Viên...”, ta biết được ở chùa Uyên Trừng từng có vị trụ trì là sư Viên (Viên Giác hay Viên Chiếu ?)…Tuy rất khó để tin rằng bài Sinh tế trường lưu nhị nữ văn là của Nguyễn Du, nhưng trong hành trạng cuộc đời ông cũng như trong thơ văn của ông, Nguyễn Du là một người rất gắn bó với Phật giáo. Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền và truyền ngôn trong dòng họ, sau chặng “thập tải phong trần” (mười năm gió bụi) lênh đênh, khốn đốn nơi đất khách quê người (1786-1796), thi hào đã cõng đứa con côi (do người vợ cả họ Đoàn sinh ra) về quê cha đất tổ để sinh sống. Nhưng phủ đệ họ Nguyễn Tiên Điền đã bị quân Tây Sơn đốt phá khi Nguyễn Quýnh, người anh cùng cha khác mẹ của ông, âm mưu chiêu tập nghĩa sĩ nổi dậy chống Tây Sơn nên bị bắt giết. Ông bơ vơ không nơi nương tựa nên đã đến vùng đất dưới chân núi Uyên Trừng dựng căn nhà tạm để sinh sống. Vì thế, trong thơ chữ Hán của ông nhiều lần xuất hiện danh từ Quế Giang, một danh xưng khác của khúc sông Lam chảy qua chân núi Uyên Trừng mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Sở dĩ chúng tôi nói như vậy là vì, như đã trình bày ở mục (1), đây là khúc sông rộng nhất và cũng đẹp nhất của sông Lam nên Nguyễn Du đã gọi nó là 桂江Quế Giang, lấy tên con sông đẹp nhất Trung Quốc, dòng sông chảy uốn quanh các ngọn núi trùng điệp nối liền Quế Lâm và Dương Sóc, hai điểm du lịch nổi tiếngcủa tỉnh Quảng Tây ngày nay.
Trong bài Mi trung mạn hứng (Cảm hứng lan man trong tù), sau khi bày tỏ nổi niềm bi phẫn trước cảnh ngộ “thập tuần lao ngục tử sinh tâm” (mười tuần trong ngục lòng nghĩ đến việc sống chết), nhà thơ nghẹn ngào:
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ,
Hồng Sơn sơn hạ, Quế Giang thâm.
(Ta có tấc lòng chẳng biết nói cùng ai,
Dưới chân núi Hông, sông Quế sâu)
Theo Gia phả, bài thơ Mi trung mạn hứng được Nguyễn Du viết khi bị quân Tây Sơn bắt giam vì có ý định vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh.
Trong bài Tạp thi (bài số 1), Nguyễn Du còn cho ta biết rõ hơn: ở bến sông Quế dưới chân núi Hồng này là nơi ông vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng khi ốm đau bệnh tật:
Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ,
Bạch vân ngọa bênh Quế Giang biên
(Dắt chó vàng tìm thú vui dưới núi Hồng Lĩnh,
Dưới mây trắng nằm dưỡng bệnh bên bờ sông Quế)
Hơn thế, bài thơ Ngọa bệnh (bài số 1), còn cho biết ông nhiều bệnh, luôn luôn ở trạng thái đau yếu, mệt mỏi, có khi phải nằm bẹp ba tháng liền ở túp nhà tranh bên bờ Quế Giang:
Đa bệnh, đa sầu khí bất thư,
Thập tuần khốn ngọa Quế giang cư
(Bệnh lắm sầu nhiều thần khí không được thư thái,
Mười tuần nằm co trong nhà bên sông Quế)
Thậm chí, trong bài thơ Thu dạ, nhà thơ còn cho biết ông đã từng có lúc bị ốm đau nằm suốt năm ở bến sông này:
Cùng niên ngoạ bệnh Quế Giang tân
(Hết năm rồi vẫn đau ốm nằm ở bến Quế Giang)
Như vậy, Nguyễn Du không chỉ gắn với núi Dằng, sông Quế như là một cư dân đã từng nhiều năm trú ngụ ở địa phận này và các địa danh này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong thơ ông mà với tư cách là một Phật tử thuộc diện “cư Nho mộ Thích”, ông còn gắn bó với chùa Dằng như là một cư sĩ Phật giáo. Cũng theo lời truyền trong dòng họ và người dân địa phương qua các đời, trong những năm tháng dài đau ốm quặt quẹo, ông đã được các nhà sư ở chùa Dằng chăm sóc thuốc men, cơm cháo nên đã hồi phục sức khỏe.
Nguyễn Hành (1771-1824), người cháu của Nguyễn Du, cả hai chú cháu đều được người đương thời xếp vào nhóm “An Nam ngũ tuyệt”. Ông là người suốt đời sống ẩn dật và rất gắn bó, tương đắc với Nguyễn Du. Nguyễn Hành còn để lại hai tập thơ văn là Minh quyên và Quan Đông hải, trong đó có khá nhiều bài trực tiếp hoặc gián tiếp viết về Nguyễn Du. Trong thời gian Nguyễn Du cư ngụ ở đây, chắc Nguyễn Hành đã nhiều lần đến thăm chú và đã lên núi ngoạn cảnh, thăm chùa Dằng. Trong tập Quan Đông hải, ông có bài thơ 登淵澂華藏寺一首Đăng Uyên Trừng Hoa Tạng tự, nhất thủ (Lên chùa Hoa Tạng trên núi Uyên Trừng, một bài) ghi lại cảm xúc, suy nghĩ khi lên chơi núi này. Bài thơ có ý tứ, lời lẽ rất siêu thoát nhưng cũng chất chứa nỗi niềm đối với chúng sinh:
春風翹首儮淵澂,
千仞岧嶢快一登.
梵寺重完今日相,
禪坊猶住古來曾.
煙霞明滅傳心印,
月日光煇喻法燈.
此外眾生離苦厄,
欲求普度更何能.
Xuân phong kiều thủ lịch Uyên Trừng,
Thiên nhận thiều nghiêu khoái nhất đăng.
Phạm tự trùng hoàn kim nhật tướng,
Thiền phòng do trú cổ lai tằng.
Yên hà minh diệt truyền tâm ấn,
Nhật nguyệt quang huy dụ Pháp đăng.
Thử ngoại chúng sinh li khổ ách,
Dục cầu phổ độ cánh hà năng.
Dịch nghĩa:
Trong làn gió xuân, ngẩng đầu trèo lên núi Uyên Trừng,
Chót vót nghìn nhẫn, thích được một lần lên.
Chùa Phật đã sửa xong, hôm nay hiện rõ dáng,
Phòng thiền còn đó, từng trải qua xưa nay.
Ráng chiều, sương khói ẩn hiện truyền tâm ấn,
Rực sáng ánh mặt trời, mặt trăng lời dụ của ngọn đèn chánh pháp.
Ngoài ấy, chúng sinh đang khốn khổ vì tai ách,
Muốn cầu phổ độ, biết làm thế nào?
Dịch thơ:
Gió xuân vờn mặt, hướng non Dằng,
Cao vút nghìn trùng, khoan khoái băng.
Chùa Phật sửa xong, đà ló dạng,
Phòng thiền bao thưở, hãy còn tăng.
Ráng mây mờ tỏ truyền tâm ấn,
Nhật nguyệt rạng ngời tỏa Pháp đăng.
Ngoài ấy chúng sinh li biệt khổ,
Muốn cầu phổ độ được hay chăng?
(Phạm Quang Ái dịch)
Bài thơ cho chúng ta biết thêm một thông tin quan trọng: thời Gia Long (1802-1819), chùa từng được trùng tu, tôn tạo và nhà tăng vẫn còn như xưa.
Trong các tác phẩm văn chương còn lại của Nguyễn Du, từ thơ chữ Hán đến các áng văn Nôm, luôn thấm đẫm một tinh thần nhân đạo sâu sắc, rộng lớn của Phật giáo, và áng thiên cổ bi văn Văn tế thập loại chúng sinh là tác phẩm tiêu biểu nhất. Gs Hoàng Xuân Hãn trong bài khảo cứu Lễ Vu Lan với văn tế cô hồn (đăng Tạp chí Văn học số 2, HN, 1977) đã cho chúng ta biết là bài Văn tế do Gs Lê Thước sưu tầm tại chùa Diệc (nay thuộc Thành phố Vinh) và in kèm sách Truyện cụ Nguyễn Du (Nxb Mạc Đình Tư, HN, 1924). Học giả, nhà văn Trần Thanh Mại trong một bài diễn thuyết về bài Văn tế này (đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1928) lại cho biết thêm rằng Nguyễn Du đã trước tác bài văn tế này trong một mùa dịch khủng khiếp khiến hàng triệu người chết. Các sư tăng tại các chùa đã lập đàn cầu siêu cho những nạn dân bị chết dịch và Nguyễn Du đã viết bài Văn tế cho nhà chùa tụng trong một lễ cầu siêu([7]).
Vậy, rất có thể, bài Văn tế đã được Nguyễn Du sáng tác trong giai đoạn ông đang lánh ẩn ở quê cha (1786-1796). Vì đây là giai đoạn giặc giã, chiến tranh liên miên, dân tình vô cùng nghèo đói, khốn khổ. Và đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các đại dịch hoành hành. Chùa Uyên Trừng là ngôi chùa cổ, có quy mô lớn nhất vùng, lại là nơi tu tập của rất nhiều thế hệ nhà sư danh tiếng nên những lễ cầu siêu lớn chắc sẽ được tổ chức ở đây. Vả lại, văn bản bài Văn tế là một bản chữ Nôm chép tay, lại được tìm thấy ở một ngôi chùa trong vùng (bán kính khoảng 5-6 km). Do đó, chúng ta có thể tin rằng, chùa Dằng, ngôi chùa cổ kính nằm ở vị trí mà Nguyễn Du có nhiều năm tháng cư trú cận kề và gắn bó với một sự tri ân sâu sắc, là nơi mà thi hào đã viết nên khúc ngâm thê lương về số phận con người trong giai đoạn suy tàn của xã hội phong kiến đầy chiến tranh, đói khổ và dịch bệnh.
4. Một ngôi cổ tự có lịch sử hàng ngàn năm tồn tại, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo nước ta cũng như lịch sử, văn hóa của vùng đất này, lại có khá nhiều bằng chứng cho thấy ngôi chùa có liên quan đến thi hào dân tộc, nhưng tiếc thay, đã 75 năm qua, di tích quý giá này đã trở thành phế tích. Trên cái nền cảnh quan còn gần được như xưa, chúng ta mong rằng một ngày gần đây, phế tích này sẽ được phục dựng lại để làm thành một địa chỉ văn hóa quan trọng gắn với di sản văn hóa của Nguyễn Du và họ Nguyễn Tiên Điền, làm phong phú thêm diện mạo văn hoá của vùng đất “địa linh nhân kiệt” Nghi Xuân.
Phạm Quang Ái
Tài liệu tham khảo
[1] Thông Biện thiền sư (khởi thảo), Thiền Uyển tập anh, NXB Văn học, HN, 1990
[2] Lê Văn Diễn, Nghi Xuân địa chí, UBND huyện Nghi Xuân xuất bản, 2001
[3] Nguyễn Du, Chiêu hồn thập loại chúng sinh, Nam Chi Tùng thư xuất bản, SG, 1965
[4] Nguyễn Du, Thơ chữ Hán, Trung tâm Quốc học & NXB Văn học, HN, 2015
[5] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, NXB Thuận Hóa, Huế, 2005
[6] Trần Văn Giáp, Le Bouddhisme en Annam – des origines au XIII e siècle (Phật giáo ở Việt Nam – từ nguồn gốc đến thế kỷ XIII), Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản, SG, 1968
[7] Nguyễn Hành, Quan Đông hải, NXB Nghệ An, 2019
[8] Hữu Ngọc – Nguyễn Đức Hiền, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, T3, NXB Giáo dục 1998
[9] Trần Kinh, Địa Dư tỉnh Hà Tĩnh, Tài liệu đánh máy, biên soạn 1930
[10] Bùi Dương Lịch, Thơ Bùi Dương Lịch, Sở Văn hóa- Thông tin Hà Tĩnh xuất bản, 1996
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh dư địa chí, NXB Thế giới, HN, 2003
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, T2, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006
[13] Lê Thước - Phan Sĩ Bàng, Truyện cụ Nguyễn Du Nhà in Mạc Đình Tư xuất bản, HN, 1924
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, T2, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006; tr.222
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh dư địa chí, NXB Thế giới, HN, 2003; tr.1267
[3] Thái Kim Đỉnh, Hà Tĩnh đất và người, NXB Trẻ, Tp. HCM, 2013; tr. 213
[4] Lê Văn Diễn, Nghi Xuân địa chí, UBND huyện Nghi Xuân xuất bản, 2001; tr.102
[5] Bùi Dương Lịch, thơ Bùi Dương Lịch, Sở Văn hóa-Thông tin Hà Tĩnh xuất bản, 1996; tr. 65
[6] Xem http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5060-cau-chuyen-nguyen-du-di-hat-phuong-vai-tu-giai-thoai-dan-gian-den-huyen-thoai-khoa-hoc.aspx
[7] Nguyễn Du, Chiêu hồn thập loại chúng sinh, Hòa thượng Thích Tâm Châu đề tựa, Đàm Quang Thiện hiệu chú, Nam Chi Tùng thư xuất bản, SG, 1965; tr.64