Về ý nghĩa của chữ 隴 (luống) trong Truyện Kiều

Tóm tắt:

Từ trước tới nay, việc khám phá vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều, luôn là một đề tài có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với công chúng bạn đọc và các nhà nghiên cứu. Một trong các nhà nghiên cứu đã dành tâm huyết đời mình cho công việc này là GS Đào Duy Anh. Gần nửa thế kỷ qua, cuốn Từ điển Truyện Kiều do GS biên soạn đã và đang là cẩm nang của tất cả những ai yêu mến Truyện Kiều, yêu mến văn chương dân tộc. Tuy nhiên, với một khối lượng từ ngữ rất lớn và tinh diệu như Truyện Kiều, công sức khảo cứu của một người không thể nào giải quyết thấu đáo được tất cả. Vì vậy, việc chú giải của Gs có những nhầm lẫn cũng là điều đương nhiên. Một trong số những nhầm lẫn đó là trường hợp Gs chú giải chữ “luống” xuất hiện 9 lần trong các kết hợp “luống hãy”, “luống những”, “luống lần mơ canh dài”. Dựa trên văn cảnh và tra cứu các từ điển đối chiếu Nôm – Latinh, Nôm – Pháp đương thời Nguyễn Du và các từ điển tiếng Việt sau này, chúng tôi đã chỉ ra một cách cụ thể những khía cạnh cũng như nguyên do nhầm lẫn của cố học giả Đào Duy Anh.

Từ khóa: Nguyễn Du, Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều

 

1. Truyện Kiều từ khi hành thế đến nay, về nội dung, tư tưởng có thể có những ý kiến khen chê khác nhau nhưng về ngôn ngữ tác phẩm, về vẻ đẹp của tiếng Việt văn chương của nó, thì hầu như tất cả mọi người đều cho là “tuyệt diệu hảo từ”([1]). Để thưởng thức vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của ngôn từ Truyện Kiều, từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu đã và đang tiếp tục khảo đính và chú giải về chữ nghĩa của kiệt tác. Tuy nhiên, việc chú giải đến mức có thể tái hiện ở bình diện rộng nhất bức tranh chữ nghĩa của tác phẩm thì xưa nay mới chỉ có học giả Đào Duy Anh làm được trong công trình Từ điển Truyện Kiều của ông. Trong Lời nói đầu cuốn từ điển, Đào Duy Anh đã lưu ý độc giả: “Sách này không phải là sách từ điển thông thường mà chủ yếu là từ điển về một tác phẩm, nhằm phục vụ sự nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương của Nguyễn Du, cho nên nó không giải thích như các từ điển thường mà có những từ rất thông thường ai cũng hiểu thì nó không giải nghĩa, hoặc chỉ gợi ý để người ta nhận nghĩa mà thôi; đại khái thì nó chỉ chú trọng nêu lên những nghĩa do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm, còn những nghĩa khác thì không nói đến([2]). Nói cách khác, Từ điển Truyện Kiều không phải là từ điển tường giải, không phải là từ điển từ nguyên mà chủ yếu là tác giả căn cứ vào văn cảnh, văn ý, văn lý trong câu chữ, đoạn mạch của văn bản Truyện Kiều để giải thích, để chỉ ra ý nghĩa của từ ngữ trong quá trình hành chức của chúng trong văn bản. Tuy GS Đào Duy Anh là một học giả rất uyên bác và cẩn trọng, lại có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, biên khảo, kể cả lĩnh vực soạn từ điển, và ông đã nêu ra tiêu chí rõ ràng như vậy cho công trình của mình, nhưng trong quá trình biên khảo một khối lượng câu chữ đồ sộ, uyên súc và được sử dụng một cách tinh diệu như trong kiệt tác của Nguyễn Du, tất yếu không tránh khỏi những sai lầm, khiếm khuyết. Ông cũng ý thức được một cách sâu sắc điều đó nên về cuối đời đã có di nguyện cho PGS Phan Ngọc, một trong những cao đồ của ông, tìm cách hiệu đính, sửa chữa lại khi có dịp tái bản([3]).

2. Khi tìm hiểu câu chữ Truyện Kiều và tham khảo công trình Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh thì chữ 隴 “luống” là một trong những chữ mà nội dung diễn giải ý nghĩa của nhà biên khảo đã khiến chúng tôi rất băn khoăn. Cụ thể, trong cuốn từ điển của mình, ông giải thích như sau: “Luống” (9): Uổng, mất công, vô ích (có hàm ý tốn cả thì giờ). Vd. Luống những, 464, 1040, 1266, 1760, 2249, 2618, 2928, 2996, 3004 - //Luống hãy (2): Vẫn cứ uổng công. Vd. Tin sương luống hãy rày trông mai chờ, 1040, 3004 – Luống những (6): Chỉ uổng công. Vd. Luống những lắng tai Chung Kỳ, 464,1760, 2249, 2618, 2928, 2996 – Luống lần mơ canh dài, 1266: Chỉ uổng công lần hồi mơ mẩn suốt đêm dài thôi (Quảng tập chép luống mẩn mơ; Quan văn chép luống những mơ. Nhiều bản nôm chép luống lần mơ)([4]). Trong Từ điển Truyện Kiều, bản hiệu đính của Phan Ngọc, nội dung chú giải về chữ “luống” cơ bản vẫn giữ nguyên, người hiệu đính chỉ chú thêm “Nghĩa gốc là quá cái thời của nó như luống tuổi, do đó có nghĩa là uổng, tỏ ý làm khó nhọc mà vô ích ([5]). Như vậy, theo soạn giả Đào Duy Anh và Phan Ngọc, mặc dầu chữ “luống” xuất hiện 09 lần trong Truyện Kiều với các ngữ cảnh khác nhau nhưng đều có một nghĩa chung là “uổng, mất công, vô ích”.

Chúng tôi băn khoăn vì nếu căn cứ vào văn cảnh các câu thơ có chứa chữ “luống” trong Truyện Kiều mà học giả đã liệt kê và viện dẫn thì hầu như không đúng với văn ý, văn lý của thi hào Nguyễn Du. Lấy ngay ví dụ trường hợp câu 463-464 thì đã thấy cách hiểu này không hợp lý: 

Rằng nghe: nổi tiếng cầm đài,

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.

Đây là câu thơ nằm ở đoạn kết của màn Kim – Kiều đính ước. Sau khi đôi tình nhân đã: “Tiên thề cùng thảo một trương/Tóc mây một món dao vàng chia đôi”, trang trọng đính ước, hẹn non thề bể với nhau trong khung cảnh thiêng liêng và rất lãng mạn “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/Đinh ninh hai miệng một lời song song”, mặc dù đã gần gũi, mật thiết với nhau đến mức “Chén hà sánh giọng quỳnh tương/Dải là hương lộn bình gương bóng lồng” nhưng Kim Trọng vẫn còn rất dè dặt khi bày tỏ nguyện vọng của mình bằng những lời rào đón khách khí:

Sinh rằng: gió mát trăng trong

Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.

Chày sương chưa nện cầu Lam,

Sợ lần khân quá sẽ sàm sỡ chăng ?

Nguyện vọng của Kim, “chút lòng chưa cam”, chưa thỏa dạ của Kim là sau khi đã được hưởng cái tình ngây ngất mà Kiều trao gửi, chàng còn muốn “lần khân” được thưởng thức cái tài đàn của nàng, một trong hai phẩm chất làm nên sự cuốn hút của mỹ nhân. Sau khi được Kiều “bật đèn xanh”: “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia/Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai” thì Kim bèn chớp lấy cơ hội, trân trọng đề xuất: “Rằng: nghe nổi tiếng cầm đài/Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”. Lời lẽ của Kim vô cùng trang trọng, chứa chan thành ý, tuy chỉ nói một cách phiếm chỉ “Rằng: nghe nổi tiếng cầm đài”, nổi tiếng là tài đàn, nhưng khi tự nhận mình là Chung Kỳ thì Kim đã nâng Kiều lên ngang hàng với Bá Nha, tài tử đàn nổi tiếng đời xưa. Đã tự nhận mình là tri âm với Kiều, có thể hiểu thấu được tiếng đàn của tài nữ mà mình từ lâu đã hâm mộ, mong mỏi được thưởng thức (“nước non…lắng tai”), chẳng nhẽ, khi đang đối diện với giai nhân để cầu xin, tức là chưa được nghe Kiều đàn, mà Kim lại cho rằng Chung Kỳ (bản thân mình) đã “uổng công lắng tai” chờ đợi hay sao? Chẳng nhẽ Nguyễn Du sơ suất đến như vậy hay sao? Rõ ràng, việc hiểu mấy chữ “luống/luống những” như thế hoàn toàn không phù hợp với ngữ cảnh và văn lý trong câu thơ, đoạn thơ của tác giả Truyện Kiều. Lần lượt xem xét các ví dụ còn lại, ta sẽ thấy một tình hình tương tự.

Để tìm hiểu duyên do việc giải nghĩa thiếu thuyết phục chữ “luống” trong những câu Kiều đã dẫn của học giả Đào Duy Anh, thiết nghĩ, điều trước tiên, chúng ta phải xét xem người cùng thời với Nguyễn Du đã hiểu chữ “luống” như thế nào.

3. Trong các từ điển được biên soạn ở giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX mà chúng tôi có trong tay, thì Từ điển Annam-Lustan-Latinh (Thường gọi là Từ điển Việt-Bồ-La) của Alechxandre de Rhodes, xuất bản tại Roma, năm 1651, không thấy xuất hiện mục từ này. Hơn 100 năm sau, trong Dictionarium Anamitico-Latinum (Tự vị Annam – Latinh) do Pierre Pigneaux De Béhaine biên soạn năm 1772-1773, được A.J.L. Taberd bổ chính và xuất bản tại Serampore (Ấn Độ) năm 1838, đã thấy xuất hiện chữ “luống” và được chú giải như sau: “  隴 Luống, vacuus, a, um; area hortensis. 功-: -công, ludere operam; -於: ở-, otiosus, a, um; -虛, hư-, vacuus, a, um; - 召: - chịu, incassùm pati; 仍 -: luống -, continuò; (de homine qui solus partutur, tristatur, &c.); 坦 -: - đất, areola hortensis”([6]). Nội dung chú giải này được Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch ra Việt ngữ như sau: “Luống: Trống không, luống vườn. Luống công: Mất công. Ở luống: Ở không làm gì. Hư luống: Hư không. Luống chịu: Chịu vô ích. Luống những: Liên tục (về người một mình chịu, một mình rầu rĩ…). Luống đất: Một mảnh đất vườn dài” ([7]). Nội dung chú giải nghĩa chữ “luống” và các tổ hợp của nó trong Tự vị của Pierre Pingeaux De Béhaine, về sau, được các nhà biên soạn từ điển đối chiếu và từ điển tiếng Việt trong và ngoài nước tiếp thu ở các mức độ khác nhau. Ví dụ: sách Grammaire annamite, suivie d'un vocabulaire français-annamite et annamite-français, G. Aubaret, Paris, 1857, chỉ chú một cách đơn giản: “Luống 隴 vide (khoảng chân không, không có gì); ở luống 於隴 oisif (ở không, không làm gì)”([8]). Như vậy, G. Aubaret chỉ lấy một nghĩa trong các nghĩa mà Pierre Pingeaux De Béhaine đã thu thập và chú giải. Trong Dictionnaire elementaire Annamite-Francais, Legrand De La Liraÿe, Sài gòn, 1868, chú thích có phần mở rộng hơn G. Aubaret: “Luống. Sillon (luống cày); - công. Perdre son temps, agir en vain (Lãng phí thời gian, vô ích); Một - . Un sillon (Một rãnh)([9])”. Có thể phỏng đoán rằng, G. Aubaret và Legrand De La Liraÿe do không tiếp cận được từ điển của Pierre Pingeaux De Béhaine và A.J.L. Taberd và cũng không có điều kiện thu thập, khảo cứu tư liệu như các vị tiền bối nên đã không có nội dung chú giải phong phú như họ.

Đến Dictionnaire Annamite – Français (Tự vị Annam – Pháp lang sa), J.M.J (Caspas), Tân Định, 1877 thì tình hình đã khác. Cuốn từ điển này đã kế thừa đầy đủ các ý nghĩa của chữ “luống” mà Pierre Pingeaux De Béhaine đã thu thập hơn 100 năm trước, đồng thời cập nhật thêm một số nghĩa mới xuất hiện ở giai đoạn sau. Cụ thể, cuốn từ điển này đã chú như sau: “LUỐNG. Vide (trống, rỗng, không; nhàn rỗi, không làm gì), ADJ (tính từ); plate-bande, (thảm hoa), F. – công. Sans profit (không có lợi gì); en vain (vô ích); peine perdue (một sự lãng phí). – xương, - lưng. Oisif (không hoạt động; nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi), paresseux (lười biếng), ADJ. Ở -. Être oisif (đang nhàn rỗi). Hư -. Vide (trống rỗng), vain (vô ích), ADJ; néant (hư vô), M. – chịu. Souffrir en vain. – những. Sans cesse (luôn luôn). – dối. Faux, trompeur, vain, (Sai sự thật, gây hiểu lầm, vô ích), ADJ”([10]). Và đến những năm cuối thế kỷ XIX, trong ba cuốn từ điển đồ sộ nhất lúc bấy giờ là Dictionnaire Annamite – Français của J.F.M. Génibrel, Sài Gòn, 1898; Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895-1896 và Dictionnaire Annamite - Français (langue officielle et langue vulgaire) par J.Bonet, Paris, 1899-1900 thì các nghĩa của chữ “luống” trong hành chức lúc bấy giờ đã được thu thập đầy đủ. Trong đó, một mặt, ba cuốn từ điển này vẫn tiếp tục kế thừa nội dung giải nghĩa của các từ điển trước, mặt khác, chúng ghi nhận thêm những nghĩa mới được thu thập cùng với ví dụ về các trường hợp sử dụng. Cụ thể, ba cuốn từ điển này đã giải nghĩa chữ “luống” như sau:

*J.F.M. Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Sài Gòn, bản in lần thứ 2, 1898: “ Luống. 1.Vide (trống, rỗng, không; nhàn rỗi, không làm gì), adj. – công, Sans profit (không có lợi gì); en vain (vô ích), peine perdue (một sự lãng phí), dans une inaction complet (một việc làm không có kết quả). – xương, Oisif (không hoạt động; nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi), paresseux (lười biếng), adj. – cống, id. – lưng, id. Ở -, Être oisif (đang nhàn rỗi). Là như không – C’este comme rien (giống như không có gì). Hư -, Vide (trống rỗng), vain (vô ích), adj. Néant(hư vô), m. ). – dối, Faux, trompeur, vain, (sai sự thật, gây hiểu lầm, vô ích), adj. – chịu, Souffrir sans cesse (đau khổ không ngừng). – những. Sans cesse (luôn luôn, không ngừng). – những sầu bi, S’abandonner à son chagrin (chịu đựng nỗi đau khổ). Một mình – những bâng khuâng, Tout seul et plongé dans une tritesse profonde (Một mình với tất cả những nỗi buồn sâu sắc). Trở nên hư -, S’anéantir, se dissiper (tiêu tan, tiêu diệt), r. – hao, Consumé (thiêu hủy), adj. Mẹ cha – chịu sầu bi, Bien souvent les parents son plongés dans l’affliction (Cha mẹ thường đắm mình trong nỗi buồn). – những đứng ngồi, Tantôt assis tantôt debout (lúc đứng lúc ngồi không yên). 2.- , Plate-bande (thảm hoa, luống hoa), f. Carré (ô vuông), m. Planche (luống), f. Couche (tầng lớp), f. Compartiment (ô, ngăn), m. (de jardin: vườn). – đất, id. Hót – (T), (V. Hót, 3). Đánh – (T), id. – cải, Une planche de moutarde (một luống cải). Một –, Une planche. 3. – cuống, Stupéfait et come pétrifié (sững sờ đến đờ người ra).([11])

*Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, 1895-1896: “ Luống. n. Trống không, không không; những là. - công. Liều công, vô ích. – xương. Ăn ở không, không chịu làm công chuyện, nhớt xương, chỉ nghĩa là làm biếng. – lưng. id. Thả -. Bỏ liều, bỏ hoang, không ai coi sóc. Để -. id. Ở -. Ở không nhưng. Hư -. Trống không. – chịu. Những chịu, chịu lì, chịu một bề, chẳng khi hở, chẳng ai biết cho. – những. Hoài hoài, hủy hủy, chẳng khi hở. – không. Vốn không có chi cả, bỏ không. – nào. Lối nào. – đất. Dây đất, dãy đất. (Ghi chú: 弄 luồng. Một lối, một dây.)”([12])

*J.Bonet, Dictionnaire Annamite - Français (langue officielle et langue vulgaire), Paris, 1899-1900: “Luống . Ouvert (mở, rộng); Béant (há ra, há hốc; ngáp); Vacant (khuyết, trống, thiếu); Vide (trống, rỗng, không; nhàn rỗi, không làm gì); Nul (không, không tý gì; vô hiệu; bất tài, rất kém); Inutile (vô ích); Oisif (không hoạt động; nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi); Disponible (có sẵn). Ở luống 0. Demeurer oisif (vẫn ăn không ngồi rồi, hãy còn nhàn rỗi); Vivre en désoeuvré (sống nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi). Hư luống 0. Vain (vô ích), Vicié (hư hỏng đi), Perdu (Uổng phí). Luống chịu 0 . Souffrir en vain (chịu đựng trong vô vọng); Peiner inutilement (đau khổ một cách vô vọng). Luống những 0 . Sans cesse (luôn luôn). Luống công 0 . Travail inutile (việc làm không cần thiết); Peine perdue (sự lãng phí). Luống đất 0 . Espace vide (khoảng trống); Plate-bande (Thảm hoa)”([13])

4. Như vậy, tính từ Dictionarium Anamitico-Latinum (Tự vị Annam – Latinh) của Pierre Pingeaux De Béhaine đến Dictionnaire Annamite – Français của J.Bonet, các cuốn từ điển này đã trưng ra khá nhiều dẫn dụ phong phú về các trường hợp sử dụng từ “luống” và nghĩa từ “luống” đã được định hình với 3 nghĩa cơ bản: 1. Nghĩa danh từ: vồng đất dài được vun lên, trên đó có thể đã trồng cây cỏ (luống đất, luống cày, luống khoai, luống hoa,..); 2. Nghĩa tính từ: trống không, uổng công, vô ích (luống công, ở luống, luống tuổi…); 3. Nghĩa phó từ: hằng thường, luôn luôn, xảy ra nhiều lần (luống những, luống thương, luống chịu, luống sợ, luống hãy,...). Điều đáng lưu ý là ba nghĩa này đều có mặt trong nội dung định nghĩa từ “luống” của Pierre Pingeaux De Béhaine ở Dictionarium Anamitico-Latinum. Tuy nhiên, ở nghĩa tính từ, trong các tổ hợp được dẫn ra cùng với ngữ cảnh của chúng như “luống công”, “hư luống”, “thả luống”, “ở luống”, “luống tuổi” thì đã bao hàm ý nghĩa “luôn luôn, nhiều”. Về sau, các từ điển đối chiếu và từ điển tiếng Việt như Việt Nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức (1931), Từ điển Việt – Hoa – Pháp của Gustav Hue (1937), Từ điểnViệt Nam của Thanh Nghị (1958), Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ (1960), Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức (1970),…về cơ bản vẫn ghi nhận những nghĩa nói trên nhưng nội dung diễn giải có thêm bớt. Đến Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, bộ từ điển phổ thông quốc ngữ được xem là đáng tin cậy nhất hiện nay, ngoài ba nghĩa nói trên, nhóm biên soạn đã tách nghĩa “uổng phí” thành nghĩa động từ. Riêng nghĩa “luôn luôn, nhiều” (phó từ), Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chú như sau: “Luống.4 (cũ; vch; thường dùng đi liền với những) Từ biểu thị mức độ nhiều, không phải chỉ một lần, mà là nhiều lần, luôn luôn diễn ra không dứt (Thường nói về trạng thái tâm lý, tình cảm) Đêm ngày luống những trông chờ.([14]). Gần đây, Từ điển chữ Nôm dẫn giải của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng, có lẽ là cuốn từ điển đã tập hợp tương đối đầy đủ các nghĩa của từ “luống” có trong các ngữ cảnh văn bản Hán – Nôm từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX trở về trước([15]):

20250419 2

Căn cứ vào phần dẫn giải 06 chữ “luống” của Nguyễn Quang Hồng trong Từ điển chữ Nôm dẫn giải mà chúng tôi đã trích trong bảng trên, chúng ta thấy chỉ có chữ thứ 3 là được dùng với nghĩa danh từ chỉ “Vồng đất đắp lên để gieo trồng”, 05 chữ còn lại đều được dùng với nghĩa phó từ “Vẫn thường, mãi mãi, những là”, đây cũng là nghĩa mà Pierre Pigneaux De Béhaine và A.J.L. Taberd đã đề cập đến trong bộ Dictionnairium Anamitico - Latinum với lời chú “…-luống, continuò (liên tục)…”.

5. Có thể thấy, hầu hết các từ điển đối chiếu Latinh – Việt, Pháp – Việt, Hán – Nôm, Nôm – Quốc ngữ của các soạn giả phương Tây và Việt Nam biên soạn từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX chủ yếu là căn cứ vào ngữ cảnh khẩu ngữ và nội dung giải thích của người Việt phương Nam. Từ những chứng tích văn bản mà nhà Hán Nôm học Nguyễn Quang Hồng trưng dẫn ở bảng trên, chúng ta thấy trong sáng tác của các tác giả cùng thời với Nguyễn Du hầu như đều dùng từ “luống” với nghĩa phó từ chỉ mức độ như Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê đã giải thích. Sở dĩ cố học giả Đào Duy Anh có những lầm lẫn khi chú giải chữ “luống” trong 09 lần xuất hiện ở Truyện Kiều là vì cố học giả đã quá câu nệ khi sử dụng nội dung giải thích của các từ điển đối chiếu của các học giả phương Tây mà chúng tôi đã dẫn ở trên.

Từ điển Truyện Kiều là một công trình nghiên cứu và biên soạn công phu của học giả Đào Duy Anh, từ khi được xuất bản đến nay, cuốn từ điển này đã trở thành cẩm nang cho học sinh, sinh viên, những người yêu thích Truyện Kiều và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, dù tài giỏi, công phu đến đâu thì không có ai có thể cho ra đời một sản phẩm toàn bích. Vì thế, việc chỉ ra những “hạt sạn”, những lầm lẫn để cho cuốn sách này ngày càng trở nên hữu ích là một việc làm cần thiết.

Mặc dù kiến thức còn nông cạn, nhưng qua nhiều năm tìm hiểu về áng văn chương tuyệt tác này, chúng tôi mạnh dạn góp phần đính chính về cách hiểu một từ được dùng khá nhiều lần trong tác phẩm ngõ hầu cùng mọi người hiểu và thưởng thức sâu sắc hơn về tài năng nghệ thuật ngôn từ của thi hào Nguyễn Du.

Phạm Quang Ái

 

Tài liệu tham khảo

[1] G. Aubaret, Grammaire annamite, suivie d'un vocabulaire français-annamite et annamite-français, Paris, 1857;

[2] Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, H, 1974;

[3] Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Phan Ngọc hiệu đính,NXB Giáo dục Việt Nam, H, 2009;

[4] Pierre Pingeaux de Béhaine, Dictionarium Anamitico-Latinum (1772-1773), Serampore, 1838;

[5] Pierre Pingeaux de Béhaine, Tự vị Annam-Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum 1772-1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, NXB Trẻ, 1999;

[6] J.Bonet, Dictionnaire Annamite - Français (langue officielle et langue vulgaire), Paris, 1899;

[7] J.M.J (Caspas), Dictionnaire Annamite – Français (Tự vị Annam – Pháp lang sa), Tân Định, 1877;

[8] Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, 2 tập, Sài Gòn, 1895-1896;

[9] Tản Đà, Vương Thúy Kiều tân truyện chú giải, NXB Hương Sơn, HN, 1952;

[10] J.F.M. Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Sài Gòn, bản in lần thứ 2, 1898;

[11] Lê Văn Hòe, Truyện Kiều chú giải, NXB Á châu tái bản, Sài Gòn, 1956;

[12] Lê Văn Hòe, Chữ nghĩa Truyện Kiều, Quốc học thư xã xuất bản, HN, 1952;

[13] Hội Khai trí Tiến đức, Việt Nam từ điển, Trung Bắc tân văn ấn quán, HN, 1931;

[14] Nguyễn Quang Hồng, http://www.nomfoundation.org/nom-tools/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai?uiLang=vn

[15] L’Abbé Legrand De La Liraÿe, Dictionnaire elementaire Annamite-Francais,

Sài gòn, 1868;

[16] Thanh Nghị, Việt Nam từ điển, NXB Thời thế, SG, 1958;

[17] Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nằng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 2003;

[18] Lê Ngọc Trụ, Việt ngữ chánh tả tự vị, NXB Thanh tân, SG, 1959;

 


[1] Tản Đà, Vương Thúy Kiều tân truyện chú giải, NXB Hương Sơn, HN, 1952; tr. 4

[2] Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, HN, 1974; tr. 9. (Ngữ đoạn được gạch chân là do tác giả bài viết muốn nhấn mạnh)

[3] Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Phan Ngọc hiệu đính, NXB Giáo dục Việt Nam, HN, 2009

[4] Đào Duy Anh, Sđd, tr. 229

[5] Đào Duy Anh, Sđd, bản Phan Ngọc hiệu đính, tr. 301

[6]Pierre Pingeaux de Béhaine, Dictionarium Anamitico-Latinum (1772-1773), Serampore, 1838; tr.286;

[7]Pierre Pingeaux de Béhaine, Tự vị Annam-Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum 1772-1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, NXB Trẻ, 1999; tr. 274-275;

[8]G. Aubaret, Grammaire annamite, suivie d'un vocabulaire français-annamite et annamite-français, Paris, 1857; tr. 470 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết);

[9]Dictionnaire elementaire Annamite-Francais, L’Abbé Legrand De La Liraÿe, Sài gòn, 1868; tr. 87 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết);

[10]J.M.J (Caspas), Dictionnaire Annamite – Français (Tự vị Annam – Pháp lang sa), Tân Định, 1877; tr. 440 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết);

[11] J.F.M. Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Sài Gòn, bản in lần thứ 2, 1898; tr. 424 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết);

[12] Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, 1895-1896; tr.604;

[13] J.Bonet, Dictionnaire Annamite - Français (langue officielle et langue vulgaire), Paris, 1899-1900; tr.388 (phần chú thích Việt ngữ trong ngoặc đơn là của tác giả bài viết);

[14] Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nằng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 2003; tr.595;

[15] Nguyễn Quang Hồng http://www.nomfoundation.org/nom-tools/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai?uiLang=vn

Danh mục website