Chuẩn chính tả tiếng Việt: Việc đã cấp bách!

                Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, sau hơn sáu mươi năm trở thành chữ viết chính thức, cho đến nay chữ Quốc ngữ vẫn còn chưa được thật sự sử dụng thống nhất trong cộng đồng sử dụng tiếng Việt. Chắc chắn nó sẽ tạo ra những tiêu cực xã hội không đáng có…

Lỗi chính tả có trong một biển hiệu giao thông khuyến cáo người đi đường.
Lỗi chính tả có trong một biển hiệu giao thông khuyến cáo người đi đường.


Lỗi chính tả: từ sách học ra cuộc sống

Để chứng minh cho ý kiến này, Giáo sư Dõi đã đưa ra những ví dụ cụ thể.

Thứ nhất, theo thông tin của ông giáo sư có được, ở thành phố Nha Trang, có một trường trung học với bảng tên gọi ở cổng trường là “Lý Tự Trọng”. Nhưng sau Quyết định 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ Giáo dục về “chính tả” thì trong sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, giáo viên và học sinh lại có thể viết là “Lí Tự Trọng”.

Ở trường hợp này, sự tương phản như thế giữa tên gọi của trường và cách dùng ở sách giáo khoa có gây cho học sinh tác dụng tiêu cực không? Theo suy nghĩ của giáo sư, chắc chắn là có. Sự tiêu cực ở đây trước hết là học sinh sẽ “hàng ngày được làm quen với một thực tế bất nhất giữa cách dùng trong sách giáo khoa và thực tế”.

Ông cha ta có nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, với tình trạng hàng ngày làm quen với sự bất nhất như học sinh trường Lý Tự Trọng như vậy, giáo sư Dõi đặt cậu hỏi, liệu nó có gây cho các em học sinh thói quen nhờn với những gì được coi là “chính thức” hay không?

Ví dụ thứ hai được nêu ra là các chữ “bánh trưng”và “bánh giày” có trên phông chữ chính thức của hội liên hoan nghệ thuật ở Lễ hội đền Hùng ngày 14/4/2010.

Theo bình chú của báo Vnexpress.net thì“Học sinh tiểu học cũng có thể phát hiện ra lỗi chính tả này”. Nhưng xin thưa, đây là chữ ghi trên phông của một hội liên hoan nghệ thuật chính thức do “người lớn” ăn lương để làm.

Liệu người làm có nghĩ rằng đó là họ đã làm “sai chính tả” tiếng Việt hay không? Và điều quan trọng là có bao nhiêu người trong hàng vạn người đi hội đền Hùng “đọc” được những chữ này và sau đó có xem báo để biết đó là một hiện tượng viết sai chính tả tiếng Việt?

Ví dụ thứ ba được giáo sư đề cập là “tính nhiều quy định” của những cơ quan Nhà nước khác nhau về một hiện tượng đáng lý ra phải được “thống nhất” ngay từ đầu trong việc soạn thảo văn bản tiếng Việt.

Do trước đây phải tập trung trí và lực cho nhiệm vụ giải phóng và thống nhất đất nước, mãi đến năm 1983 Nhà nước ta mới có những can thiệp chính thức về vấn đề “chính tả” tiếng Việt. Ngày 1/7/1983, Hội đồng “Chuẩn hoá chính tả” và “Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ” đã ký chung một Quyết định có nội dung về “Những quy định về chính tả tiếng Việt”.
 

Lỗi chính tả trong một cuộc thi ở Hội Đền Hùng 2010.
Lỗi chính tả trong một cuộc thi ở Hội Đền Hùng 2010.


Một năm sau đó, chúng ta có Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt. Đến năm 2002, chúng ta lại có “”Quy định tạm thời về chính tả trong sách giáo khoa mới” và 2003 có thêm “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa” (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ngoài ra, Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam trong Hội nghị toàn thể ngày 3-4/5/2000, sau khi lấy ý kiến của các uỷ viên Hội đồng và được Ban thường trực thông qua, cũng đã ban hành “Quy tắc chính tả và phiên chuyển tiếng nước ngoài” của tiếng Việt của riêng mình.

Rồi nữa, do tính “nhiều quy định” như vậy, Bộ Nội vụ vào tháng 6 năm 2006 đã phải đưa ra một “Dự thảo” về “Quy định về viết hoa và phiên chuyển tiếng nước ngoài trong văn bản” tiếng Viêt nhằm dùng nó trong địa hạt hành chính. Rõ ràng tình trạng nhiều quy định như vậy đã nói lên rằng chữ Quốc ngữ vẫn còn chưa được thật sự sử dụng thống nhất trong cộng đồng sử dụng tiếng Việt.

Chuẩn chính tả: Nhu cầu đã cấp bách

“Không còn nghi ngờ gì nữa, sự lộn xộn của chính tả Việt hiện nay là có thực. Nhưng tình trạng ấy có gây tác động tiêu cực cho xã hội hay không? Nếu nó không gây ra tiêu cực cho xã hội thì chúng ta không cần phải thống nhất; còn nếu nó gây ra tiêu cực cho xã hội thì nhất định chúng ta phải sửa, tức là phải thống nhất chính tả tiếng Việt” - Giáo sư Dõi khẳng định.
 
Trong một bài báo viết đăng trên Hồn Việt, sau khi than phiền về những “lộn xộn” hiện nay của chính tả tiếng Việt ở trường hợp về cách dùng “chữ i và chữ y”, tác giả Nguyễn Quảng Tuân cho rằng “Nếu quyết định chuẩn hóa chính tả tiếng Việt của Bộ Giáo dục hợp lý thì tất cả mọi người, nhất là báo chí và các hệ thống truyền tin trong cả nước đã áp dụng theo từ lâu rồi. Nhưng đến nay đã mấy chục năm trôi qua mà sự áp dụng ấy chỉ gây ra sự bất nhất trong cách viết chính tả tiếng Việt nên chúng tôi xin đề nghị với Bộ Giáo dục nên xem xét lại quyết định số 240 QĐ để chính tả tiếng Việt được sớm thống nhất” (Báo điện tử Hồn Việt, ngày 18/6/2010).

Đó là mong muốn của một người dân, một người bình thường sử dụng tiếng Việt hàng ngày. Nhưng tiếc thay, khi đọc lại Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ Giáo dục Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt chúng tôi không thấy có quy định gây ra sự lộn xộn này. Ấy vậy mà “sách giáo khoa” của Nxb Giáo dục lại có.

Vào thời điểm hiện nay, để góp phần tiến tới chuẩn hoá chính tả tiếng Việt khả dĩ cho cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chấp nhận, có lẽ chúng ta phải tiếp tục làm sáng tỏ một số khái niệm và những nội dung liên quan đến việc chuẩn chính tả tiếng Việt.

Chuẩn chính tả tiếng Việt cũng là một yêu cầu cấp bách của việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, để giữ gìn bản sắc văn hoá Việt trong xu thế hội nhập quốc tế, để chúng ta không bị “hoà lẫn” vào những cộng đồng khác.
 
“Trong điều kiện trình độ ngôn ngữ học và kỹ thuật của công nghệ thông nước ta đã phát triển, chúng tôi thấy rằng yêu cầu xã hội cấp bách nói trên là có thể đáp ứng được. Vấn đề là chúng ta phải đồng thuận và biết cách tổ chức thực hiện một cách có trách nhiệm và khoa học. Tôi xin nhắc lại rằng chúng ta sẽ thành công khi đồng thuận và biết cách tổ chức thực hiện một cách có trách nhiệm và khoa học”, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Trí Dõi nói.

                                                                                                                                                                             Hiền Mai

Nguồn:vnmedia.vn

Thông tin truy cập

63544354
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2785
12828
63544354

Thành viên trực tuyến

Đang có 314 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website