Sáng ngày 04/01/2017, tại hội trường C.105, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã phối hợp với Khoa Việt Nam học tổ chức buổi tọa đàm và giới thiệu công trình Ngôn ngữ học tiếp xúc và tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam của GS.TS.NGND. Bùi Khánh Thế; sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2016.
Tọa đàm về công trình của Giáo sư Bùi Khánh Thế là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động khoa học hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đại học Văn Khoa (nay là Trường ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh). Bởi Giáo sư là một nhà quản lý, một giảng viên từng công tác và giảng dạy tại Trường từ những ngày đầu xây dựng Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (sau 1975). Ông nguyên là Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM; Trưởng Khoa Đông phương học – Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Có thể nói, GS.TS.NGND. Bùi Khánh Thế là nhà ngữ học có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực: ngôn ngữ học tiếp xúc, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (ngôn ngữ các tộc người) Việt Nam. Trong đó, tiếp xúc ngôn ngữ là vấn đề ngữ học được Giáo sư dành nhiều tâm sức nhất: rất nhiều bài viết liên quan đến lĩnh vực này của ông được công bố rộng rãi trên các tạp chí chuyên ngành, nhiều tham luận được trình bày tại các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước từ nhiều năm nay. Các công trình nghiên cứu đó cũng được sử dụng làm giáo trình, tài liệu tham khảo cho nhiều thế hệ sinh viên, HVCH, NCS chuyên ngành Ngôn ngữ học, Việt Nam học, Dân tộc học, Văn hóa học,…
Công trình “Ngôn ngữ học tiếp xúc và tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam là một chuyên luận tập hợp các bài viết của tác giả về tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam và một số bài dịch từ bản tiếng Nga về tiếp xúc ngôn ngữ đã công bố trên thế giới. Sách dày 348 trang, ngoài Lời nói đầu, mục lục bao gồm:
- Phần thứ nhất: Các bài viết tiếng Việt (10 bài viết, tr. 3-176);
- Phần thứ hai: Các bài viết tiếng Anh (3 bài viết; tr. 177-260);
- Phần thứ ba: Một số bài dịch về Ngôn ngữ học tiếp xúc (5 bài; tr. 261-237);
- Phụ lục: Một số hình ảnh về hoạt động nghiên cứu của tác giả (tr. 339-348).
Cuốn sách là tâm huyết của GS.TS.NGND. Bùi Khánh Thế, được ra mắt khi ông đã ở tuổi xưa nay hiếm – tuổi 80. Vì thế, buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm, tham dự của rất nhiều nhà khoa học đầu ngành, các đồng nghiệp gần xa, cùng nhiều thế hệ học trò,…
Tại buổi tọa đàm, cử tọa đã được nghe các tham luận: “Phạm vi nghiên cứu và vị trí của Ngôn ngữ học tiếp xúc” của TS. Đinh Lư Giang (Khoa VH&NN);“Bùi Khánh Thế với ngôn ngữ học tiếp xúc và tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam” của TS. Lý Tùng Hiếu (Khoa Văn hóa học); “Về Pidgin và Creole” – TS. Nguyễn Thị Huệ, (Khoa NN-VH-NT Khmer Nam Bộ, ĐH Trà Vinh);… Các tham luận một lần nữa đã khẳng định những đóng góp to lớn của Giáo sư cho Ngôn ngữ học tiếp xúc trong nhiều năm qua.
Sau các tham luận, những người tham dự tọa đàm được lắng nghe những chia sẻ thân tình của GS.TS Nguyễn Đức Dân, người mà GS.TS Bùi Khánh Thế xem là “đồng môn, đồng tuế”. Giáo sư Nguyễn Đức Dân chúc mừng sự ra mắt của công trình, đồng thời kể lại một vài kỉ niệm về người đồng nghiệp mà ông quý mến. Tiếp sau đó, TS. Nguyễn Hoàng Tuấn (Trường ĐH Thủ Dầu Một), TS. Huỳnh Bá Lân (Khoa VH&NN), TS. Trần Kim Tuyến (Trường ĐH Sài Gòn), ThS. Trần Thị Kim Anh (Phòng QLKH-DA), TS.Trần Thị Thanh Diệu (Khoa Ngữ văn Anh), HVCH. Lê Huỳnh Như,… cũng chia sẻ thêm rất nhiều kỉ niệm và dành nhiều tình cảm trân trọng đối với GS.TS Bùi Khánh Thế. Trong đó, đáng lưu ý là chia sẻ của TS. Huỳnh Bá Lân, ông cho rằng “Giáo sư Bùi Khánh Thế là tấm gương về một con người vừa làm quản lý giỏi, vừa theo đuổi sự nghiệp chuyên môn, đạt được sự thăng hoa trong giảng dạy và nghiên cứu”.
Cũng nhân dịp này, từ Hà Nội, PGS.TS. Phạm Văn Tình – Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã gửi tặng Giáo sư Bùi Khánh Thế bài thơ với tựa đề “Tuổi tám mươi, hoa vẫn chưa ngừng nở”:
“Tám mươi năm, vẫn một trái tim này
Vốn bền bỉ, giờ lại thêm “chất thép”
Không chịu nghỉ, lại hành trình bước tiếp
Hoa từ đất lành phương Nam, vẫn cứ nở cho đời…”
Trước những ý kiến đóng góp, trao đổi, chia sẻ của các nhà khoa học, các đồng nghiệp, học trò dành cho mình, Giáo sư Bùi Khánh Thế đã rất xúc động. Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến toàn thể khách tham dự tọa đàm, chia sẻ thêm về những kỉ niệm, và giải đáp rất nhiều thắc mắc của cử tọa liên quan đến vấn đề “ngôn ngữ học tiếp xúc, tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam”. Điều đọng lại từ cuốn sách có thể gói gọn như những lời tâm huyết của tác giả ghi ở bìa cuối: “Sự phát triển của tiếng Việt từ miền đất khai nguyên đến vùng lãnh thổ mới đều được diễn tiến với các đặc điểm quan yếu: quy tụ, tinh tuyển và lan tỏa”.
Bế mạc tọa đàm, thay mặt cho Ban Tổ chức, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh (Phó Trưởng Khoa VH&NN, Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ học) nhấn mạnh về những đóng góp quan trọng trong “sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy Việt ngữ học, đặc biệt là trong lĩnh vực ngôn ngữ học tiếp xúc và tiếp xúc ngôn ngữ tại Việt Nam của GS.TS. NGND. Bùi Khánh Thế. Cuộc đời của Giáo sư là một tấm gương sáng về tự học để hoàn thiện bản thân, về giảng dạy và nghiên cứu khoa học”./.
Thùy Nương – My Sa