Sáng 17.10, tọa đàm Câu chuyện nghề nghiệp “Con đường trở thành nhà văn” đã diễn ra với sự tham gia của hai khách mời: Nhà văn Trần Nhã Thụy - Giám đốc Chi nhánh Miền Nam Nxb. Hội Nhà văn, Nhà văn Phương Huyền - Phóng viên, Biên tập viên của Kênh FM99.9 - Đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM và hơn 200 người yêu văn chương tham dự*.
Đam mê đủ lớn, ắt vượt qua khó khăn
Vốn đã ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc qua những tác phẩm sâu lắng Khoảng biếc (2003), Nắng trong lòng thành phố (2005),... Nhà văn Phương Huyền chia sẻ con đường cô đến với văn chương bắt nguồn từ sở thích đọc sách từ khi còn nhỏ. “Mọi thứ tự nhiên thành từ đam mê đọc và viết. Văn chương xuất phát từ bên trong, từ những điều mình muốn trải lòng ra.” - Nữ tác giả trải lòng. Trong khi đó, chính không khí Sài Gòn cộng với nỗi nhớ nhà, nhớ quê vào những năm tháng đại học đã đưa nhà văn Nhã Thụy đến với con đường cầm bút từ lúc nào không hay. Ông được nhiều bạn đọc biết đến qua những tựa sách Lặng lẽ rừng mai, Thị trấn có tháp đồng hồ, Sự trở lại của vết xước,...
Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong giới thế nhưng với tác giả cuốn Lặng lẽ rừng mai, nghề viết sách vẫn là một công việc khó khăn. Chính ông cũng đã từng trải qua những thất bại như gửi bản thảo cho các tờ báo nhưng không được chọn đăng hay khoảng thời gian vô danh trong khi bạn bè xung quanh đã là những cây bút có tên tuổi. “Tuy nhiên, tôi không tự ti hay mặc cảm. Thay vào đó, tôi chọn con đường khổ luyện. Tôi cho rằng bản thân phải tự làm nên ngòi bút của mình.” - ông thẳng thắn chia sẻ.
Bằng nhiều năm kinh nghiệm trong nghề biên tập, nhà văn Nhã Thụy cho biết ông thường đánh giá được thái độ, công sức lao động của một cây bút trẻ thông qua cách người đó xử lý văn bản hơn là độ hay dở của tác phẩm. “Tòa soạn vẫn luôn có cảm tình hơn với những bản thảo có sự chỉn chu về mặt chữ nghĩa. Thậm chí, nếu số báo đó còn ‘đất trống’, họ vẫn có thể đăng bài của bạn.” Qua đó, ông mong sinh viên nên có sự nghiêm túc, chuẩn mực trong lao động dù đó là bất kỳ công việc nào.
Còn với nhà văn Phương Huyền, nếu sinh viên không có sự đồng cảm với con người thì sẽ khó viết được. “Nếu bạn biết tích lũy những gì mình có, biết mình mong muốn được chia sẻ thông qua những tác phẩm thì tôi tin bạn sẽ đi được trên con đường này và sống với nó.” - Tác giả cuốn sách Khoảng biếc chia sẻ.
Nữ tác giả cũng cho rằng, ở mỗi con người đều tiềm tàng tố chất của một nhà văn. Tuy nhiên, tố chất đó chỉ phát triển khi được con người trau dồi bằng niềm đam mê với con chữ. Đồng tình với suy nghĩ trên, nhà văn Nhã Thụy cho rằng không có một bí quyết nào để trở thành một nhà văn giỏi. “Nếu con đường của yêu thích của bạn là viết văn, là sáng tác thì tự nhiên bạn sẽ có động lực vượt qua những khó khăn. Đam mê phải đủ chín, nếu chưa chín thì làm sao đòi thu hoạch mùa màng tốt được!” - nhà văn Nhã Thụy khẳng định.
“Làm nhà văn, vẫn có thể sống được!”
Sinh viên Đinh Phạm Phương Thảo đặt câu hỏi cho hai vị diễn giả. (Ảnh chụp màn hình)
Bên cạnh phần trò chuyện về những khó khăn trong nghề, hai vị diễn giả cũng chia sẻ những góc nhìn xoay quanh công việc viết lách. Trả lời câu hỏi về vấn đề nhà văn có nên chiều lòng công chúng, nhà văn Nhã Thụy cho rằng vấn đề sáng tác luôn bao hàm hai vế. Trước tiên, nhà văn phải viết bằng những rung động, niềm yêu thích của mình, sau đó, mới hướng tới độc giả. Nếu nhà văn không hứng thú với tác phẩm của mình thì sẽ rất khó viết hay. Ngược lại, nếu muốn trở thành một cây bút chuyên nghiệp thì nhà văn không thể nói không cần người đọc. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả cuốn sách Lặng lẽ rừng mai, nhà văn vẫn nên xác định đối tượng độc giả cụ thể của mình là ai hơn là chạy theo thị hiếu đại chúng.
Bên cạnh đó, nhà văn Nhã Thụy cũng cho rằng, công việc sáng tác của nhà văn không thể dựa vào nguyên tắc đúng sai của thời cuộc, mà nó thuộc về lương tâm người cầm bút. Vì vậy, sinh viên phải không ngừng trau dồi tri thức, đọc nhiều sách để mở rộng kiến văn, xây dựng cho bản thân hệ thống đúng sai.
Ngoài ra, trước những băn khoăn của không ít sinh viên về vấn đề làm nhà văn là nghèo, Giám đốc Chi nhánh Miền Nam Nxb. Hội Nhà văn khẳng định đó là một quan niệm cũ và sai lầm. Nhà văn hoàn toàn sống được, thậm chí sống một cách đàng hoàng, tử tế. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng đã là nhà văn thì không thể lười biếng. Nhà văn cần phải dũng cảm bước ra bên ngoài để tìm kiếm chất liệu sáng tác thay vì nhìn cuộc sống qua khung cửa sổ. “Nếu các bạn không chịu khó thì các bạn chết chắc. Nhà văn phải là người có đầu óc tổ chức công việc, phải có sự siêng năng trong lao động.” - ông khẳng định.
“Nếu các bạn nghiêm túc và tôn trọng trang viết của mình thì các bạn sống tốt với công việc này. Thậm chí, nó sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều sau này.” - nhà văn Phương Huyền gửi lời khuyên tới những sinh viên có ý định trở thành nhà văn.
Tọa đàm “Con đường trở thành nhà văn” do Trung tâm TVHN&PTNNL kết hợp cùng CLB Cây Bút Trẻ, Khoa Văn học phối hợp tổ chức. Thông qua chương trình, sinh viên sẽ được trang bị thêm được kiến thức, kinh nghiệm cũng như được tiếp lửa từ hai diễn giả để tiếp tục vững bước trên con đường khám phá văn chương.
Linh Khánh
Nguồn: ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM.
---------
* Nhà văn Trần Nhã Thụy - cựu sinh viên khoa Văn học khóa 1991
Nhà văn Phương Huyền - cựu sinh viên khoa Văn học khóa 2001.