Họ và tên SV: Trần Thảo Linh
Lớp Văn khóa 2009 - 2013
Khái niệm liên văn bản từ khi ra đời đã mở rộng phạm vi nghiên cứu văn chương, đặt tác phẩm văn học dưới một góc nhìn toàn diện. Bằng phương pháp phê bình liên văn bản, bài viết này chủ yếu khám phá một vài yếu tố liên văn bản trong tác phẩm Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp.
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đương đại ở Việt Nam có cái nhìn đổi mới, đầy táo bạo. Nhiều tác phẩm của ông đã tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi trên văn đàn trong lẫn ngoài nước. Đặc biệt, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã gặt hái được nhiều thành tựu, có những cách tân, đổi mới trên cả phương diện tư tưởng lẫn nghệ thuật. Các tác phẩm của ông có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu, tiếp cận khác nhau trong đó có liên văn bản.
Phê bình liên văn bản quan niệm không có văn bản nào được sáng tạo một cách độc lập tuyệt đối, văn bản như một giao điểm trong mạng lưới vô cùng rộng lớn của những văn bản khác. Biểu hiện đầu tiên của liên văn bản trong tác phẩm dễ thấy nhất là ngay từ tiêu đề đã nói lên mối tương quan giữa truyện ngắn với một câu truyện cổ dân gian có cùng tên tương tự Trương Chi. Thế nhưng Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp không phải là sự tiếp nối, sao chép từ truyện cổ mà là một sự sáng tạo mới của tác giả.
Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đã dẫn một câu hát dân gian tựa trên truyện cổ Trương Chi-Mị Nương để khái quát phần nào về hình tượng Trương Chi.
“Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay”
Hình tượng Trương Chi đi từ truyện cổ dân gian đến truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã có một sự phá cách rất lớn. Nếu như trong truyện cổ, nhân vật Trương Chi đã được lí tưởng hóa, thiêng hóa trước tình yêu thủy chung, cao cả đối với mối tình tuyệt vọng của mình, thì ở Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật Trương Chi lại được tục hóa. Đó là một Trương Chi hay văng tục “cứt”, có thể trật quần đái xuống sông và tự cắn đứt một đốt ngón tay của mình.
Ở Trương Chi, đó còn là một con người mang tâm thức thời hiện đại. Con người tự đối diện với nỗi cô đơn của chính mình, con người dù sống giữa bầy đàn, với những thói đời thường tình vẫn cảm thấy lẻ loi, đơn độc, con người mang trong mình nỗi mặc cảm, sự hoài nghi đối với thân phận mình, đối với tình yêu, đối với mọi giá trị của cuộc sống đời thường. “Sự nhẫn nhục, thói hãnh tiến, lòng tham, tính thiện...Tất cả như nhau hết, vụn vặt và vô nghĩa hết. Chàng chỉ có một mình. Ngày cũng một mình. Đêm cũng một mình.”
Nếu như trong truyện cổ dân gian, bi kịch của Trương Chi xuất phát từ sự không cân xứng giữa sắc và tài thì bi kịch của Trương Chi hiện lên trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lại là bi kịch của con người không được sống với chính bản thân mình. Con người đó không được hát những khúc hát của chính bản thân mình mà phải hát theo yêu cầu của người đời như ca ngợi công danh, tiền bạc, sự nhẫn nhục, tình yêu. Đối với chàng, điều đáng lo sợ nhất là đánh mất chính mình, chàng “chỉ sợ khi chính bản thân chàng lâm vào tình thế phải tự hạ nhục bản tính mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát, không còn Trương Chi”.
Ngay cả tình yêu của Trương Chi cũng không phải thuộc về Mị Nương. Trong truyện cổ, hình ảnh viên ngọc mà Trương Chi khi chết hóa thành là biểu tượng cho tình yêu lí tưởng, tình yêu thủy chung đối với Mị Nương. Tình yêu của Trương Chi trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thì hướng về cái tuyệt đối. Cái tuyệt đối ở đây chính là sự chân thực, những đức tính cao đẹp trong cuộc sống. Còn hình ảnh Mị Nương hiện lên trong con mắt của Trương Chi ở đây chỉ là một con người rỗng tuếch và tẻ nhạt, tình yêu của nàng chỉ hướng về những thứ vật chất tầm thường, hão huyền.
Tính liên văn bản không chỉ được xây dựng một cách có ý thức, mà còn được cố kết từ trong vô thức của chính tác giả. Ở đây mối tương quan của tác phẩm có thể được xét trên bình diện về văn hóa, cụ thể là biểu tượng văn hóa nước thể hiện qua hình ảnh của dòng sông. Cả trong truyện cổ lẫn truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, không gian xảy ra câu chuyện đều trên dòng sông. Dòng sông là nhân vật ẩn mình chứng kiến toàn bộ câu chuyện. Dòng sông là biểu tượng cho đời người. Dòng sông cuốn trôi nỗi buồn của chàng Trương Chi xấu xí khi những giá trị chân chính chỉ trở thành trò mua vui cho thiên hạ. Trong văn hóa của nhiều nước trên thế giới, dòng sông trở thành nơi linh thiêng để chôn cốt người chết. Không chỉ vậy, dòng sông còn gắn với sự tẩy rửa, thanh lọc trong tôn giáo. Cái chết của Trương Chi khi chàng “từ trên thuyền bước xuống xoáy nước giữa sông” là cái chết cho sự tự do, là sự giải thoát khỏi những thói phù phiếm, biểu trưng cho sự thanh tẩy mọi tội lỗi của cuộc đời. Nếu như Trương Chi trong truyện cổ chết vì sự mâu thuẫn giữa lí tưởng và thực tế trong tình yêu của Mị Nương thì Trương Chi ở đây chết vì chính sự quay lưng của con người đối với những giá trị đích thực.
Về hình thức, văn bản là sự kết hợp của rất nhiều chất liệu khác nhau. Tính liên văn bản còn được thể hiện trong thủ pháp nghệ thuật. Ranh giới giữa quá khứ và hiện tại bị xóa mờ. Tác phẩm tuy mượn lại tích cũ nhưng câu chuyện hoàn toàn mang diện mạo mới, ẩn chứa những vấn đề của thời đại. Tất cả các nhân vật đều được hiện lên dưới cái nhìn của Trương Chi. Nó có thể được xem như một bức phông nền làm nổi bật lên một điểm sáng trong đó. Bên cạnh đó, nó cũng tạo nên tính đa thanh trong tác phẩm. Tác phẩm không chỉ là tiếng nói của một cá nhân mà còn của rất nhiều nhân vật trong đó có cả chủ thể tác giả. Tựa trên cái nhìn của nhân vật trung tâm Trương Chi, nổi bật lên đó là giọng điệu đau xót, tự tra vấn, đối thoại. Với Trương Chi đó là tiếng nói của nỗi cô đơn, nỗi chua xót, đớn đau trước thực tại phũ phàng; với Mị Nương hay với bọn hoạn quan là tiếng nói những thói đời tầm thường. Ẩn đằng sau tiếng nói của các nhân vật, chính là tiếng nói của tác giả.
Tiếng nói của tác giả được thể hiện rõ nhất trong kết thúc tác phẩm. Tại đây, Nguyễn Huy Thiệp đã dẫn ra kết thúc trong câu truyện cổ để từ đó bày tỏ thái độ, quan niệm của mình cũng như đưa ra một kết thúc khác cho tác phẩm. Kết thúc như vậy đã đặt cao vai trò của người đọc, thể hiện mối liên hệ giữa người đọc và tác giả. Bằng việc đưa ra những suy nghĩ phủ nhận, đặt lại những giá trị, niềm tin đã cố kết trong con người từ xưa, Nguyễn Huy Thiệp đã để người đọc nhìn bằng một nhãn quan khác để từ đó người đọc có thể có một sự trải nghiệm mới, suy ngẫm lại.
Không chỉ vậy, ranh giới giữa các thể loại trong tác phẩm cũng bị xóa mờ. Trong Trương Chi, văn xuôi và thơ được sử dụng đan xen dày đặc với nhau. Dòng tự sự của nhân vật bên cạnh được bộc lộ dưới hình thức trần thuật còn được thể hiện dưới dạng thức thơ thông qua các khúc hát. Việc xóa mờ các kết cấu cũ như vậy không khiến cho tác phẩm trở nên tạp nham, vô nghĩa mà ngược lại nó là một phương thức quan trọng trong văn chương hiện đại, có thể tạo nên hiệu ứng đặc biệt, thúc đẩy ta phải kết nối, mở rộng khả năng liên tưởng.
Hình thức liên văn bản trong Trương Chi được sử dụng mang tính giễu nhại, chua xót. Bằng việc sáng tạo lại câu chuyện cổ nhằm mục đích phá vỡ những kết cấu có sẵn, phá vỡ những niềm tin hằng cố kết trong con người, Nguyễn Huy Thiệp đã đặt lại nhiều vấn đề mang tính thời đại. Đó là việc con người luôn bị lôi cuốn trước hình thức bề ngoài, vật chất, còn những giá trị cao đẹp thì bị vùi lấp, con người đơn độc giữa cuộc đời, con người đang dần đánh mất chính mình trước những thói đời.