Tuần lễ Văn học dân gian - Nơi giới trẻ tìm về với bản sắc văn hóa dân tộc

Khởi đầu cho một năm 2022 đầy sôi động, dự án Có hẹn với Văn do Đoàn Khoa Văn học phối hợp cùng Câu lạc bộ học thuật Cây Bút Trẻ tiếp tục lên sóng với tuần lễ Văn học dân gian Việt Nam “Ngày xửa ngày xưa” vô cùng đặc sắc và ý nghĩa.

20220129 5

Tuần lễ Văn học dân gian Việt Nam “Ngày xửa ngày xưa” diễn ra trực tuyến trên fanpage Có hẹn với Văn từ ngày 17/01/2022 đến ngày 24/01/2022. Với sự xuất hiện của những ấn phẩm, chuyên mục mang đậm màu sắc dân gian và không khí ngày Tết cổ truyền, “Ngày xửa ngày xưa” đã giúp các bạn trẻ tìm đến sợi dây liên kết giữa văn học với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Xuyên suốt tuần lễ, dự án Có hẹn với Văn đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ những bạn sinh viên có niềm yêu văn chương, thích tìm hiểu, khám phá về những giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Tuần lễ văn học dân gian Việt Nam “Ngày xửa ngày xưa” đã diễn ra với nhiều chuyên mục hấp dẫn: (1) Minigame “Văn ta, Tết ta” – màn khởi động đầy hào hứng cho chặng đường khám phá văn học dân gian Việt Nam, (2) Chuyên mục “Dòng thời gian” – với 6 phân kỳ lịch sử, tái hiện lại toàn bộ lịch sử vận động của văn học dân gian Việt Nam, (3) Chuyên mục “Xuôi dòng văn chương” – xuôi miền ký ức với những thể loại đặc trưng của văn học dân gian, (4) Chuyên mục “Salon văn học” nơi thể hiện những suy tư về văn học dân gian với bài viết “Văn học dân gian Việt Nam và hai bờ thiện ác”, (5) Talkshow “Kể chuyện Tết xưa - Nhắc Văn ngày ấy” – trạm dừng chân để những người yêu Văn cùng ngồi lại với nhau và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc trong không khí chào đón một năm mới an lành, tràn đầy hy vọng.

Talkshow “Kể chuyện Tết xưa - Nhắc Văn ngày ấy” với chủ đề “Một số lễ hội – Tết của các dân tộc Tây Nguyên” đã được tổ chức vào 8g00 ngày 24/01/2022. Tiếp nối thành công của hai buổi talkshow được tổ chức vào tháng 11/2021 và tháng 12/2021, talkshow “Kể chuyện Tết xưa - Nhắc Văn ngày ấy” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình với gần 300 lượt tham dự từ phía các bạn trẻ lẫn các giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ Văn đến từ các trường Trung học phổ thông trên cả nước. Đồng hành cùng buổi talkshow lần này là TS. Nguyễn Tiến Dũng – giảng viên cao cấp trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong vai trò diễn giả khách mời. Đến với chương trình, không chỉ trong tư cách một chuyên gia nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, thầy còn mang tâm thế của một người say mê văn hóa Tây Nguyên, mong muốn truyền tải những giá trị đầy thiết thực, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ba chủ điểm chính của buổi tọa đàm bao gồm: (1) Năm mới và Tết của các dân tộc Tây Nguyên, (2) Lễ hội – Tết của một số dân tộc Tây Nguyên: Trình bày những nét đặc trưng trong lễ hội – Tết của người Jrai, người Bahnar, lễ hội Âu Pơleh của người Xơ – đăng Tơdră, Tết Chong õ bơn h’lư’’ của người Brâu, (3) Lễ hội – Tết của một số dân tộc Tây Nguyên trong sử thi, truyện cổ và lời nói vần. Xuyên suốt chương trình, diễn giả đã chia sẻ những kiến thức, những trải nghiệm đáng quý mà thầy đã tích lũy trong hơn 30 năm công tác tại Tây Nguyên. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian, TS. Nguyễn Tiến Dũng đã đem văn hóa Tây Nguyên đến gần hơn với những bạn trẻ yêu mến văn chương nói chung và văn hóa, văn học Tây Nguyên nói riêng.

Cũng trong buổi talkshow, các bạn trẻ đã được diễn giả giải đáp những thắc mắc để hiểu hơn về điểm giao nhau giữa phong tục ngày Tết của người Kinh và người Tây Nguyên. Thông qua buổi talkshow, diễn giả còn bộc bạch niềm yêu mến vùng đất – con người – văn hóa Tây Nguyên, niềm đam mê và sức hấp dẫn từ vùng đất của nắng và những câu chuyện sử thi hào hùng, khơi dậy sự hứng thú trong lòng các bạn trẻ để tìm hiểu và khám phá nhiều hơn miền đất huyền thoại này.

Như Khương                                                                                                            

Thông tin truy cập

60513904
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5415
12997
60513904

Thành viên trực tuyến

Đang có 912 khách và không thành viên đang online

Danh mục website