Nhìn vào tiến trình thơ Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại, chúng ta thấy có hai nguồn ảnh hưởng lớn là thơ Trung Hoa và thơ Pháp. Thơ Trung Hoa đã có ảnh hưởng khá sớm trong truyền thống thơ ca trung đại. Đối với thơ Pháp, trong bài viết mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941, nhà phê bình Hoài Thanh đã đưa ra nhận xét; “ Mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”(1).....
1. Nhìn vào tiến trình thơ Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại, chúng ta thấy có hai nguồn ảnh hưởng lớn là thơ Trung Hoa và thơ Pháp. Thơ Trung Hoa đã có ảnh hưởng khá sớm trong truyền thống thơ ca trung đại. Đối với thơ Pháp, trong bài viết mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941, nhà phê bình Hoài Thanh đã đưa ra nhận xét; “ Mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”(1). Dù ở đây là nói về các nhà thơ của thời kỳ Thơ Mới, nhưng sự ảnh hưởng này còn kéo dài trong các sáng tác của họ cả những giai đoạn sau. Thơ ca Nga đến với nước ta muộn hơn. Độc giả Việt Nam biết đến bài thơ Nga đầu tiên là Đợi anh về của C.Simônov qua bản dịch nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu năm 1947(dịch qua tiếng Pháp). Khi sang thăm Việt Nam, Simônov đã rất cảm động khi biết về số phận bài thơ của mình: “Tôi biết thơ tôi nơi đây đang sống/Trong bản dịch tuỵêt vời của anh/Và sẽ sống khi còn bao người vợ/Đợi chờ chồng nơi chiến tuyến xa xôi…(Gửi đồng chí Tố Hữu, người dịch bài thơ “Đợi anh về”). Thơ Nga có cách thức đi vào lòng người đọc Việt Nam và có sức lan toả rộng rãi mà hiếm nền thơ nước ngoài nào có thể sánh được trong suốt mấy chục năm qua. Có một bộ phận lớn trong giới trí thức Việt Nam đã từng được đào tạo và trưởng thành ở Liên bang Xô viết. Đối với họ tiếng Nga đã trở thành một ngôn ngữ ruột thịt chỉ sau tiếng mẹ đẻ. Những bài thơ, những ca khúc Nga đã in sâu trong tiềm thức nhiều người ViệtNam. Những câu thơ tình đắm say, da diết của Olga Berggolts đã trở thành quà tặng một thời cho các đôi lứa yêu nhau. Công việc dịch thuật, giới thiệu thơ ca Nga và thơ ca Xô viết đã đạt được những kết quả nhất định. Một số nhà thơ Nga tiêu biểu như: Pushkin, Maiakovsky, Exenhin, Blok, Tiutchev, Onga Berggol, Eptusenko… được nghiên cứu, tìm hiểu khá kỹ và đã trở thành những cái tên quen thuộc đối với công chúng. Các giáo trình văn học Nga, văn học Xô viết cũng đã dành những chương mục nhất định cho thơ ca. Dẫu vậy, với tư cách là một nền thơ nước ngoài có vị trí quan trọng trong văn học thế giới, có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người đọc Việt Nam, lịch sử thơ ca Nga còn chưa được giới thiệu một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống. Chuyên luận Thơ ca Nga từ khởi thuỷ đến hiện đại của tác giả Trần Thị Phương Phương là một bổ sung cần thiết cho sự thiếu hụt đó.
2. Trước hết, ở công trình này, thơ ca Nga được nhìn nhận như một tiến trình, là sự vận hành và phát triển qua các thời kỳ từ trung đại, cận đại đến hiện đại; là quá trình xuất hiện và thay thế lẫn nhau của các loại hình tư duy nghệ thuật từ chủ nghĩa cổ điển, qua chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng và các khuynh hướng hiện đại khác. Đó cũng là sự phát triển từ thơ ca truyền miệng đến thơ ca thành văn, từ những hình thức nguyên hợp(thơ gắn với nghi lễ, với âm nhạc) đến khi trở thành hình thức nghệ thuật ngôn từ đặc biệt tuân thủ theo những hệ thống thi luật chặt chẽ. Tiến trình đó bao gồm tất cả những gì đã được sáng tác và lưu giữ.
Khi tiến hành thực hiện công trình nghiên cứu của mình, tác giả chuyên luận đã ý thức và xác định một cách rõ rệt rằng tiến trình thơ ca Nga là một sự phát triển đi lên, một sự tiến bộ. Có nghĩa là, dẫu có những đỉnh cao khó vượt qua (như “mặt trời thi ca Nga” Pushkin), hay có những giai đoạn có thể gọi là “cao trào” và “thoái trào”(như trong “thời đại vàng” đầu thế kỷ XIX thơ ca rất thịnh vượng, nhưng đến giữa thế kỷ XX nó lại bị tiểu thuyết lấn át), nhưng trên bình diện chung, thơ ca thời đại sau luôn có đóng góp mới, là sự bổ sung và là bước đi lên so với thời đại trước.Theo chúng tôi, đó là một cách nhìn khoa học và biện chứng đối với tiến trình vận động của một nền thơ. Có thể tìm thấy ở đây nhiều điểm tương đồng khi nghiên cứu tiến trình thơ Việt Nam. Cũng trên tinh thần đó, thơ ca Nga đã được nhìn nhận như tập hợp của các giá trị: các khuynh hướng, các trào lưu, các thể loại, các tác gia tác phẩm…trong tiến trình phát triển chung.
3. Chuyên luận có dung lượng 543 trang, ngoài Quy ước chuyển tự, Lời nói đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo(gồm 105 đơn vị tư liệu tiếng Việt, Nga, Anh), Tác phẩm chọn lọc(chọn dịch tác phẩm của hơn ba chục tác giả tiêu biểu), nội dung trọng tâm được phân bố thành 4 chương.
Chương 1: Cội nguồn thơ ca Nga: văn chương trung đại và các sáng tác dân gian.
Chương 2: Thơ ca thế kỷ XVII – XVIII và sự khởi đầu của thơ ca Nga.
Chương 3: Thơ ca thế kỷ XIX và “thời đại vàng”.
Chương 4: Thơ ca thế kỷ XX và “thời đại bạc”, thời đại Xô viết, hậu Xô viết.
Nhìn chung, người viết đã trình bầy một cách khái quát nhưng tương đối đầy đủ, với một kết cấu chặt chẽ, sáng rõ theo thời gian tuyến tính, giúp cho người đọc nắm được tiến trình thơ ca Nga từ những bước đi đầu tiên đến thơ ca hậu Xô viết thời kỳ đương đại. Tiến trình thơ ca Nga đã trải qua một chặng đường khoảng 8 thế kỷ phát triển trong chiều dài lịch sử.
Ở chương 1 tác giả chuyên luận đã tập trung vào 4 vấn đề là: Các sử thi thành văn thời trung đại; các sử thi dân gian; thơ trữ tình dân gian và thơ ca tín ngưỡng. Một cội nguồn quan trọng của thơ ca Nga là những bài hát dân gian. Nghệ thuật thơ ca dân gian Nga rất đa dạng và phong phú. Không có một hệ thống thi luật thống nhất nào đối với thơ ca dân gian Nga. Mỗi thể loại sử dụng một thi luật riêng của mình. Bên cạnh việc khái quát để có một cái nhìn tổng thể, tác giả chuyên luận đã tập trung khá kỹ vào những điểm nhấn quan trọng, ví dụ như thiên sử thi “Bài ca về đạo quân Igo” – tác phẩm vĩ đại nhất của văn học trung đại Nga. Ở tác phẩm này từ những vấn đề về văn bản đến sự độc đáo về thể loại, từ ngôn ngữ Nga cổ thuần tuý đến những mối liên quan với truyền thống thơ ca truyền khẩu…đã được trình bầy và diễn giải một cách thấu đáo. Người đọc có thể nắm bắt được vấn đề tương đối trọn vẹn và sáng rõ. Mặc dù chỉ có thể nói đến một nền thơ ca Nga thực sự vào thế kỷ XVII, nhưng những cội nguồn của nó là từ thơ ca dân gian và thơ ca trung đại. Vai trò khởi nguồn của bộ phận sáng tác này có một ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển. Nền thơ Nga với những đại biểu ưu tú đã đi lên từ một bệ đỡ vô cùng chắc chắn. Đó là nguồn gốc thơ ca dân gian hồn nhiên và phóng khoáng.
Từ thế kỷ XVII – XVIII, thơ ca Nga bước vào cuộc hội nhập với châu Âu, mà chủ yếu là các nền thơ Ba Lan, Pháp, Anh, Đức. Thời đại của chủ nghĩa duy lý đã làm thay đổi tư duy thơ: từ ca hát tự do, giờ đây thơ ca đã bước sang giai đoạn của chủ nghĩa cổ điển với đặc trưng coi trọng sự chuẩn mực. Khi sáng tác nhà thơ phải tuân thủ những nguyên tắc và quy định chặt chẽ. Đó là cơ sở khoa học để tác giả chuyên luận triển khai đường hướng nghiên cứu của mình trong chương 2. Hai vấn đề lớn được tìm hiểu ở chương này là: Thơ ca thế kỷ XVII với sự hình thành hệ thống thi luật âm tiết và Thơ ca thế kỷ XVIII với sự hoàn thiện hệ thống thi luật và phong cách chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển.Đến thời kỳ này đã có một trường phái thơ Nga được thừa nhận và có thể coi là sự khởi đầu của thơ ca Nga. Giờ đây không còn là sự “hát ca” ngẫu hứng mà là “làm thơ” với ý thức về cấu trúc ngôn ngữ, đặc biệt trên phương diện ngữ âm và việc thể hiện nó bằng văn bản. Cùng với ý thức phân biệt thơ với văn xuôi và nhận thức vai trò của nhịp điệu và vần điệu, người Nga đã có ý thức về việc làm thơ như một công việc có trật tự, có quy luật riêng. Trên cơ sở đó thi luật Nga đã xuất hiện từ thế kỷ XVII và được phát triển dưới ảnh hưởng của các hình mẫu phương Tây. Qua sự khảo sát công phu và những phân tích hợp lý, tác giả chuyên luận đã cho người đọc thấy rằng: “Hệ thống thi luật cũng như hệ thống thể loại là kết quả của một quá trình “chuẩn mực hoá” thơ ca Nga của nhiều thế hệ nhà thơ, trong đó có công lao những nhà thơ lớn như Simeon Polotsky ở thế kỷ XVII, Mikhail Lômnốv, Alexandr Sumarokov, Gavrila Derzhavin ở thế kỷ XVIII. Đó cũng là quá trình vừa tiếp thu những kinh nghiệm của thơ ca cổ đại Hy Lạp – La Mã và thơ ca châu Âu thế kỷ XVII – XVIII, vừa khai thác, phát huy những đặc thù dân tộc(ngôn ngữ, đề tài, nội dung phản ánh…)”(tr.402)
Toàn bộ chương 3 dành để nói về thơ ca Nga thế kỷ XIX. Bước vào thế kỷ XIX là bước vào “thời đại vàng” của văn học Nga nói chung và của thơ ca Nga nói riêng. Nó đã được chuẩn bị bằng cả tiến trình văn học suốt những thế kỷ trước đó. Tiến trình thơ ca Nga, từ thế kỷ XVIII cho đến thế kỷ XX có thể được xem là sự thay thế lần lượt các trào lưu, các khuynh hướng. Nếu như chủ nghĩa cổ điển đánh dấu sự khởi đầu của thơ ca Nga thì chủ nghĩa lãng mạn đầu thế kỷ XIX dẫn đến sự bùng nổ của nó. Theo tác giả chuyên luận, chủ nghĩa lạng mạn Nga với vai trò khởi đầu của Zhukovsky và Batyushkov, nhưng thực sự nở rộ cùng với tên tuổi Pushkin và nhóm bạn thơ của ông- “Pushkin tao đàn”. Thời đại của chủ nghĩa lãng mạn đã trở thành “thời đại vàng”, một đỉnh cao của thơ ca Nga, mà đỉnh trong đỉnh đó là Pushkin. Người đã được tôn vinh bằng những danh xưng rất đỗi tự hào: “mặt trời thi ca Nga”, “cha đẻ của nền văn học mới”, “khởi đầu của mọi sự khởi đầu”…Bản thân Pushkin khi tổng kết sự nghiệp thơ ca của mình trong bài thơ Tôi dựng cho mình đài kỷ niệm cũng đã viết:
Danh tiếng tôi sẽ ở với thế nhân
Dẫu trần gian thi nhân còn chỉ một…
Bởi lẽ đó nên “thời đại vàng” của thơ ca Nga cũng còn được gọi là “thời đại Pushkin”. Ông có ảnh hưởng to lớn đối với toàn bộ nền thơ ca Nga sau đó, từ Lermontov đến các nhà thơ “thời đại bạc” và thơ ca Xô viết.
“ Thời đại hậu Pushkin” trong thơ ca Nga thế kỷ XIX là một khái niệm thường được dùng để chỉ sáng tác của các nhà thơ xuất hiện sau Pushkin, kế thừa những thành tựu của Pushkin, nhưng cũng đồng thời thể hiện những khuynh hướng mới mẻ khác với Pushkin và các nhà thơ của “Pushkin tao đàn”. Họ tiếp tục chiếm lĩnh ngôn ngữ Nga, làm nó trở nên sinh động tươi mới, khao khát chinh phục mọi lĩnh vực của đời sống nước Nga. Tác giả quan trọng nhất mở đầu cho thời đại thơ ca hậu Pushkin, người được coi là “Pushkin thứ hai” là nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà tiểu thuyết M.Yu. Lermontov. Thơ Lermontov gần gũi với Pushkin ở sự tập trung cao độ vào thế giới nội tâm của con người cá nhân, nhìn con người một cách toàn diện trong mối qua hệ với lịch sử, với xã hội, với tự nhiên, với vũ trụ. Đó cũng chính là những điều quan trọng mà thơ ca Nga các thế hệ sau đã kế thừa. Và một điều quan trọng nữa đã gắn kết hai người, đó là việc họ đã tạo ra những kiệt tác thơ tình trong kho tàng thơ ca Nga và thế giới. Cuộc đấu súng định mệnh và cái chết ở tuổi 27 đánh dấu chấm hết không chỉ sự nghiệp sáng tác của bản thân Lermontov mà còn của cả “thời đại vàng” trong thơ ca Nga với ý nghĩa là một thể loại chiếm lĩnh gần như tuyệt đối trên văn đàn.
Thời đại hậu Pushkin thơ ca Nga được chia thành hai khuynh hướng rõ rệt; một gắn với chủ nghĩa hiện thực và mang tinh thần dân chủ - đó là phái thơ ca dân chủ, hay còn được gọi theo tên người dẫn đầu nó là “trường phái Nekrasov”. Nekrasov và những nhà thơ dân chủ đã đưa thơ ca hướng tới bao quát những vấn đề của đất nước, con người Nga, đồng thời hướng tới một chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần nhân dân sâu sắc. Khuynh hướng thứ hai là một dạng phản ứng, đối lập với hướng thứ nhất, có tên gọi là “trường phái nghệ thuật thuần tuý”, đưa thơ ca Nga hướng tới vẻ đẹp hoàn mỹ, với các đại diện tiêu biểu như F.Tyuchev, A.Fet, A.Maikov, Ya. Polonsky…Trong số này Tyuchev được coi là gương mặt sáng giá nhất. Thơ ca của ông được xếp vào hàng những sáng tạo hay nhất của thơ ca Nga. Về nhà thơ Tyuchev, tác giả Phạm Vĩnh Cư đã có công trình nghiên cứu giới thiệu rất công phu, kỹ lưỡng thế giới nghệ thuật và tư tưởng của ông(2). Ở chuyên luận của Trần Thị Phương Phương, qua những phần giới thiệu về tác giả với một số lượng trang không nhiều lắm nhưng người đọc cũng đã nắm bắt được những đặc điểm cơ bản và những đóng góp vào tiến trình thơ Nga của các nhà thơ tiêu biểu trong từng giai đoạn, ở từng khuynh hướng khác nhau. Một điểm nữa cần ghi nhận là trong khi nhấn mạnh vai trò của các nhà thơ lớn, người viết cũng không quên công lao đóng góp của các nhà thơ chưa thực sự nổi tiếng.
Thế kỷ XX tiếp tục những thành tựu của thế kỷ XIX, đồng thời mở ra một trang mới trong lịch sử thơ ca Nga. Dòng chảy của nó là một sự tiếp nối liên tục, không ngừng nghỉ. Chương 4 của chuyên luận với số lượng trang nhiều nhất(gồm 147 tr., từ tr. 253 đến tr. 400) đi vào tìm hiểu tiến trình thơ ca Nga ở 3 thời kỳ: Thơ ca “thời đại bạc”, thơ ca Xô viết và thơ ca hậu Xô viết. Những đặc trưng nghệ thuật và thành tựu của thơ ca các thời kỳ này đã được chuyên luận trình bày tương đối rõ, với những kiến giải xác đáng.
“Thời đại bạc” được tác giả nghiên cứu 4 khía cạnh qua 4 tiểu mục: Chủ nghĩa tượng trưng, Chủ nghĩa đỉnh cao, Chủ nghĩa vị lai, Những đại diện khác của “thời đại bạc”. Thơ ca thời kỳ này đã tao ra những bước đột phá về nội dung cũng như những cách tân táo bạo về hình thức. Ở mỗi trường phái đều có những đại diện tiêu biểu. Nhà thơ Nga đầu tiên thực sự mang tinh thần chủ nghĩa tượng trưng là K.D.Balmont. Nhà thơ lớn nhất trong phong trào này là A.Blok. Tiêu biểu cho phái đỉnh cao là ba nhà thơ tài năng Gumilyov, Mandelshtam và Akhmatova. Nhà vị lai Nga nổi bật hơn cả là V.V.Mayakovsky. Khởi đầu từ phong trào vị lai, Mayakovsky trở thành một trong những nhà thơ lớn thế kỷ XX, thơ ca của ông là biên niên sử của nước Nga thời đại Cách mạng Tháng Mười và những thập niên đầu tiên của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Thơ ca Xô Viết được tìm hiểu ở ba khía cạnh: Thơ ca chiến tranh vệ quốc, thơ ca “tạp hí”, thơ ca “thổ nhưỡng” hay thơ ca “làng quê”. Trong đó phần Thơ ca chiến tranh vệ quốc được khắc hoạ đậm nét nhất với những tên tuổi chói sáng như M.V. Isakovsky, K.M.Simonov, A.T.Tvardovsky,… Đặc biệt là Olga Berggolts, tác giả của câu thơ đã trở thành danh ngôn “Không ai có thể bị quên, không điều gì có thể bị quên lãng” được khắc trên bia nghĩa trang liệt sĩ Piskarevsky ở Leningrad (St.Petersburg) và nhiều đài tưởng niệm chiến tranh vệ quốc khác ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca chiến tranh vệ quốc. Mới đây tác giả Thuỵ Anh đã cho ra mắt người đọc một ấn phẩm khá đầy đủ về nữ thi sĩ này(3).
Tính chất đại chúng là một đặc trưng của thơ ca những năm chiến tranh. Báo chí là phương tiện phổ biến thơ rộng rãi và nhanh chóng nhất. Hầu như trên mỗi trang báo phát hành khắp các mặt trận đều có đăng thơ. Các bài thơ được đọc trong các cuộc mít tinh, các buổi họp, phát trên đài phát thanh… Nhà thơ không chỉ làm thơ, họ còn là những người làm công tác tuyên truyền, cổ động. Đặc điểm này cũng giống với thơ ca thời kì chống Mỹ cứu nước của Việt Nam.
Đối với thơ ca hậu Xô Viết chuyên luận đã tập trung vào hiện tượng “thơ ca mạng”. Tác giả cho rằng: “Trong thế giới hiện đại, khoa học kĩ thuật phát triển, thơ ca ngày càng gắn với âm nhạc, với điện ảnh, với các phương tiện truyền thông đại chúng. Bước sang thời kỳ hậu Xô viết (thơ ca đương đại), công nghệ Internet đã đưa đến một hiện tượng gọi là “thơ ca mạng”. Mặc dù còn gây nhiều tranh cãi (cũng như mọi hiện tượng thơ ca đương đại – luôn cần có một độ lùi thời gian để có được những đánh giá đích đáng), nhưng “thơ ca mạng” rõ ràng đang đóng góp vào với thơ ca Nga một tiếng nói mới, một hình dạng mới.”(tr.405). Đây là những đánh giá sát hợp với thực tế đời sống thơ ca đương đại. Nhưng nhìn trong tổng thể, phần viết này còn mỏng nhẹ, chưa tương xứng với vấn đề nghiên cứu cần giải quyết, hơn nữa so với hai phần kia còn sơ sài, thiếu sự cân đối.
Điều đáng tiếc nữa ở chuyên luận này là còn thiếu vắng một số gương mặt thơ ca tiêu biểu, nổi tiếng không chỉ ở nước Nga mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới như B.Pasternak, I.Brodski. Sự nghiệp sáng tác và cuộc đời của Brodski gắn bó với nhiều nhà thơ Nga nổi tiếng(4). Họ là hai trong số năm nhà thơ, nhà văn Nga được nhận giải Nobel văn chương. Mặc dù có thời gian bị Tổ quốc chối bỏ và phải sống lưu vong ở nước ngoài, nhưng di sản thơ ca của họ cũng cần phải được ghi nhận như một phần giá trị của nền thơ ca Nga. Có như vậy chúng ta mới có được một cái nhìn đầy đủ và trọn vẹn về diện mạo thơ ca Nga.
4. Có thể khẳng định chuyên luận của tiến sĩ Trần Thị Phương Phương là một công trình có giá trị khoa học, nghiên cứu một cách đầy đủ và chuyên sâu về toàn bộ lịch sử phát triển thơ ca Nga từ khởi thuỷ đến đương đại. Sáng tác thơ ca Nga qua các thời đại chính là ký ức lịch sử văn hoá, lịch sử xã hội và lịch sử tâm hồn của dân tộc Nga. Cuốn sách không chỉ cung cấp cho chúng ta những tri thức về một nền thơ lớn trên thế giới mà còn đem lại một cái nhìn đối sánh khi tìm hiểu tiến trình thơ ca Việt Nam. Đó cũng là một hướng đi cần thiết trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hoá.
1.Hoài Thanh-Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam 1932-1941, NXB Văn học, 1988,tr.37.
2. Phạm Vĩnh Cư. Tiuchev: khuôn mặt một thi sĩ - triết gia. Sách Sáng tạo và giao lưu, NXB Hội nhà văn,2004, tr.384.
3. Thuỵ Anh. Olga Berggoltz của tôi, NXB Trẻ, 2010.
4. Đào Tuấn Ảnh. “Ở nước Nga nhà thơ còn lớn hơn…nhà thơ”. Tạp chí Văn học, số 12/2000, tr.35