Lời tiên tri

(Đọc Lời tiên tri của giọt sương tập truyện tuyệt ngắn của Nhật Chiêu, Nxb Hội Nhà văn và Phương Nam book, 2011).

Tôi tạm gọi thể loại này là Thể Sương trong truyện ngắn: Thứ nhất đương nhiên là vì cực hạn, thứ hai vì nó chứa một hiện thực vạn vật bình đẳng, nghĩa là Nhật Chiêu đã mang đến văn đàn một cái nhìn, góc nhìn không biên kiến, thậm chí có thể đảo chiều, phóng to, thu nhỏ, tự do đến vô cùng, nén chặt chỉ còn một, như hình soi trong một thấu kính đa diện mà với góc nhìn nào thì cái tâm nhất như của nhà Phật cũng trùm lợp, thấy cùng lúc nhiều góc độ nhưng chỉ là một. Tất nhiên con người, tính người vẫn giữ được là một sinh thể xã hội, chịu sự tương tác với các điều kiện sống. Cái nền để giọt sương chứa đựng hiện thực này trụ được là tư tưởng Phật giáo. Nhiều người cho rằng Nhật Chiêu ảnh hưởng rặt phương Đông, tôi đọc, nhất là trong tập này, thấy rằng ông đã chọn lọc qua lăng kính của mình tất cả, không nề hà Đông Tây, không định kiến, biên kiến, thời đoạn, chủ nghĩa. Có một thiền sư đã nói rằng: “Bao lâu mồ hôi chưa đẫm ướt lưng thì nhà ngươi chưa thể thấy chiếc thuyền trôi ngược gió, bao lâu mồ hôi chưa đẫm hết mình mẩy thì đừng có mong tìm ra điện ngọc trên đầu ngọn cỏ”. Truyện tuyệt ngắn của Nhật Chiêu khi thì như một công án thiền, khi thì như một “điện ngọc trên đầu ngọn cỏ”, khi thì như trò chơi tranh ảo giác, cái này lồng trong cái kia. Nheo mắt để nhìn, dồn hết tâm lực để đọc tưởng là kiến giải được hóa ra chỉ loay hoay ngoài cửa. Gấp sách đã lâu, đang làm việc khác chợt nhớ lại, liên tưởng, suy tưởng, bất ngờ mắt sáng lên, bất ngờ dòng điện hanh thông rần rật chảy chảy tuôn tuôn trong hồn, người đọc thoát nhanh khỏi anh thị giả ngây ngô trước đó.

Lời Tiên Tri Của Giọt Sương là tập mới nhất Nhật Chiêu dụng công khai phá Thể Sương, nếu cắt nghĩa theo các khái niệm cơ bản của thi pháp lí thuyết thì đây là một dạng thức sáng tác mới lạ trong văn học hiện đại Việt Nam, nhưng bản lai diện mục của nó nằm trong kinh Phật từ xưa. Nó là cuộc trở về, cuộc Lưu Lạc Trở Về của văn chương Việt.

Thử xét một truyện như là một chấn động trong tâm tư tác giả. Truyện chỉ gồm tên truyện “Godot nói”, nội dung: “TA LÀ MỘT SÂN KHẤU TRỐNG, tự chờ đợi.” Cái liên văn bản về vở kịch phi lí Waiting for Godot của Samuel Beckett là gốc đã đành. Từ vở kịch ấy, Nhật Chiêu đã không cố ý cô lại nội dung, ông ghi ra sự chấn động lớn của chính ông trong đời sống con người, không có gì bi kịch bằng, mơ hồ bằng, lừa mị bằng nỗi chờ đợi chính mình. Godot không chờ ai cả, ngay cả Chúa (God) cũng không có cuộc hẹn nào và cũng không chờ đợi gì, Godot chờ chính mình. Chờ chưa hẳn là để gặp mà chờ để chiến thắng, chiến thắng chính mình. Theo tư tưởng Phật giáo thì đây là chiến thắng khó khăn nhất- chiến thắng Phật. Ngay cả chờ đợi sự chết cũng có yếu tố từ bên ngoài, tức khả năng gặp là có thể, còn tự chờ đợi một điều thay đổi, tiến triển lên tới được điểm gặp gỡ nơi chính mình thì thật sự là khó, phi lí, thậm chí không thể. Lúc bấy giờ, nhận thức: TA LÀ MỘT SÂN KHẤU TRỐNG là một nhận thức tự kỷ ám thị nặng nề đau xót trong bi kịch xã hội. Vượt qua diễu nhại thông thường, làn sóng chấn động đó sẽ lan sang độc giả nắm được “độc pháp”, ta buông bỏ hoặc quên đi những kiến văn ban đầu mà không hay. “Godot nói” đã thêm một chiều nữa vào “Chờ Godot”. Gấp sách, ta hoang mang hơn về cái gọi là tự “hoang đảo” chính mình.

Truyện khác: Mĩ học. “NÀNG NGƯ NỮ HỎI MỘT CON CÁ GIÀ, ta có đẹp không, nó đáp “chỉ có nửa thân dưới là đẹp, cô là một con cá đẹp phải sống với quái vật ngay trong bản thân mình” và câu nói ấy đã làm Ngư nữ chết tươi cùng với niềm đam mê vô ích.”

Biểu hiện đặc thù của quan hệ giá trị con người đối với thế giới được đặt trong cái nhìn bình đẳng mà tôi đã nêu trên. (Quan điểm kinh điển: Thẩm mỹ không tự có, nó tồn tại, sinh thành nơi con người như là một cách tư duy thế giới). Trao cho “con cá già” hay là một sinh vật khác con người sự tự biểu hiện tức thừa nhận những tình cảm thẩm mỹ khác, những lý tưởng thẩm mỹ khác, những thị hiếu và quan điểm thẩm mỹ khác, nghĩa là ý thức thẩm mỹ khác, rộng mở. Truyện đánh thức chúng ta ra khỏi giấc ngủ mà ở đó chúng ta đã quen với hơi ấm của chiếc mền được dệt bằng thói quen, chúng ta mong muốn trở về với sự công bằng, bình đẳng, tất cả đều là tiểu vũ trụ và mong muốn nắm bắt được mối quan hệ đích thực trong tự nhiên mà tư tưởng Phật giáo gọi là “đế võng”. Hoàn toàn không suy lý, những cảm thức của Nhật Chiêu trong nhóm truyện mê này muốn nhấn mạnh một quan điểm mĩ học rộng mở, Ngư nữ chết chính là cái chết quy luật của những quan điểm mĩ học chưa toàn diện.

Truyện khác: Vong. “LÀ NGƯỜI CUỐI CÙNG được phóng vào vũ trụ, anh nhìn thấy trái đất nổ tan.”

Rất nhiều áng văn xưa nay nói về nỗi cô đơn nhưng xét cho cùng “mảnh đất” để quay về của những nỗi nhớ da diết, của những lạc loài đớn đau ấy vẫn còn, vẫn chưa mất, vẫn còn sợi dây bám víu, dù là mong manh như sợi khói, dù là xa ngái đến vạn dặm trùng khơi. “Vong” của Nhật Chiêu thì nỗi cô đơn đã được đẩy đến tận cùng: Vong quê hương, tức là những sợi dây cuối cùng cũng bị cắt đứt bởi cuộc “nổ tan” kinh hoàng cuối cùng. Đây là một truyện ngắn thâm hậu mà khi còn ở dạng phác thảo ban đầu, ông thường nói với tôi khi uống cà phê. Tôi nghĩ NGƯỜI CUỐI CÙNG ấy chính là biểu tượng của sự cô đơn tột cùng và nỗi tự do tột cùng. Trong cái khoảnh khắc tột cùng kia, mọi lời nói, mọi suy tư đều trở nên phi thực và chẳng mang một ý nghĩa gì. Nó như thơ mà không phải thơ. Nó ở giữa tiếng nổ của ý thức tự do và một cuộc đối mặt với thực tại biến động. Nó ở giữa cái ai cũng biết và cái chưa ai biết. Nó nhân danh con người- vừa là tác giả vừa là nạn nhân. Nó cho phép mọi suy luận liên quan đến điều này, bởi chưa từng có một kinh nghiệm trong sự mong manh đỉnh cao của thân phận con người. Không cần đến sự thăm dò, phóng chiếu này như một công án đánh thẳng tới sự “hốt ngộ”.

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền…

Có lẽ ai cũng nhớ mang máng hoặc thấm đẫm tiếng chuông của tinh thần thoát tục Phong Kiều dạ bạc này, bởi thế khi đọc truyện Vào của Nhật Chiêu, ta không thể không liên tưởng. Ông đã đặt đỉnh điểm thăng hoa của tâm trong cái đỉnh điểm thăng hoa của thân và ngược lại. Truyện Vào chỉ gói gọn trong một câu 13 từ: “Tiếng chuông nửa đêm vọng đến thuyền khi anh vào sâu trong nàng” nhưng khả năng diễn đạt bằng hình thức liên văn bản này đã vượt khỏi sự giễu nhại thông thường, nó nhấn mạnh đến sự hợp nhất theo tinh thần nhà Phật, theo tinh thần thiền học.

Tiện Nghi cũng là truyện thú vị trong nhóm truyện Mê:

“Ra khỏi chuồng nhờ chấn song xiêu vẹo, con khỉ gầy tự do dạo chơi nhưng chỉ một chốc sau lại quay về chuồng, con khỉ béo hỏi, có gì lạ không, nó đáp “Sinh vật bên ngoài khốn khổ lắm, họ luôn phải đi tìm mọi thứ ở ngoài chuồng mà không hiểu rằng trong chuồng đã có sẵn mọi thứ rồi.”

Truyện này thấm đẫm tinh thần Trang Tử, tức là cái bi kịch tự do cốt lõi bị đánh mất qua con đường thuần dưỡng vật chất và giam giữ đã tạo thành một hài kịch nhập nhằng trong ý thức. Chính ngụ ngôn về con khỉ đã gợi những suy tư triết học mà đối tượng là người, vì khỉ gần với người nhất…

Tập truyện Lời Tiên Tri Của Giọt Sương có rất nhiều cách đọc và suy giải, cảm thụ. Trên đây chỉ là những gì tôi đọc trong phạm vi kiến văn hẹp hòi của mình, kính mong bạn đọc đừng phân tâm. Tập có tất cả 109 truyện được phân thành nhiều nhóm nhỏ: Truyện nhỏ (small-sized stories): 10 truyện, truyện lạ (stories of the strange): 12 truyện, truyện đêm (stories of the night): 14 truyện, truyện đâu (stories of somewhere): 14 truyện, truyện hư (stories of emptiness): 15 truyện, truyện mê (stories of enchantment): 14 truyện, truyện ai (stories of somebody): 12 truyện, truyện chơi (stories of jokes): 10 truyện, truyện thời (stories of time): 8 truyện. Trong phần tiếng Anh, tập truyện có tên là: A dewdrop’s foretelling (Bản dịch của Từ Lê Tâm). Nó là một thế giới tâm tư rộng mở nhiều chiều nhưng được nén gọn như cách nén tinh tế của giọt sương. Đọc tức là giải nén bằng chính mình vậy!

Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/the-gioi-sach/loi-tien-tri-cua-giot-suong-nhat-chieu.html

Thông tin truy cập

63735166
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
33260
22198
63735166

Thành viên trực tuyến

Đang có 369 khách và không thành viên đang online

Danh mục website