Một phút tự do- Tập truyện ngắn - Tùy bút của Elena Pucillo Truong
Nhà Xuất Bản Văn Hóa Văn Nghệ - 10-2014
Một bà mẹ chồng. Một ngày mưa. Một bàn tay trong một bàn tay. Một mùi thơm. Một chuyến tàu. Một món đồ chơi thời thơ ấu. Một phút tự do…Nói một cách hình ảnh, 10 truyện ngắn mảnh dẻ và rất xinh này người viết từ việc ngửi mà nên. Ngửi để phát hiện. Ngửi để cảm thông. Và ngửi để rung lên dù cái sự rung này có khi rất khẽ, rất thoáng, rất xa vắng.
Thật đặc biệt với tôi và dám chắc, với các bạn nữa. Vì sao? Vì Elena Pucillo Truong không như một nhà văn ngoại quốc thâm nhập qua đường biên của chúng ta bởi danh tiếng. Elena là một cô dâu Việt. Bạn đã thấy độc đáo rồi chứ. Giảng dạy tiếng Pháp và Văn minh Pháp ngót 30 năm ở Milano, bỗng dưng muốn cùng chồng – nhà văn Trương Văn Dân về sống hẳn ở Việt Nam. Chúng ta không dám chắc đất nước của chúng ta là đất lành nhưng nó được một tiến sĩ ngôn ngữ có thâm niên cao trong ngành giáo dục chọn làm nơi ẩn mình, thú vị quá đi. Và người đó bắt đầu viết văn, viết báo, làm dâu, làm con dân nước Việt cùng với đi dạy tiếng Ý tại phòng lãnh sự danh dự Ý và ở Nhạc Viện thành phố HCM, dạy tiếng Ý và Văn hóa Pháp tại Trường Đại học KH XH và Nhân Văn.
Người Ý khá giống người Việt ở sự nóng giòn với cuộc sống. Nếu người Pháp quá trữ tình, người Đức quá nghiêm lạnh, thì người Ý cởi mở, lạc quan và rộn rã, đôi khi phiêu lưu. Elena Pucillo Trương rất đậm chất Ý trong tính cách và cả trong cách chọn cho mình miền đất và công việc khi cuộc đời bắt đầu chinh xế. Từ châu Âu sang sống ở Đông Nam Á, không là người giòn và mở thì là gì? Đi dạy học với mức thù lao chỉ đủ chồng đổ xăng đưa đón, không lạc quan quá thể sao? Và chọn công việc viết văn, phiêu lưu lắm. Đã có một số truyện và bài in ở Ý, dĩ nhiên, chính quốc mà. Nhưng cũng đã in hầu hết ở Việt Nam nhờ có đức ông chồng dược sư cùng mê văn chương hơn mọi thứ trên đời.
Dễ dàng nhận ra ở Elena Pucillo Trương sự nhập cuộc trôi chảy với truyện ngắn. Do đâu? Không phải ai là tiến sĩ ngôn ngữ, đọc nhiều thứ sách và đam mê chữ nghĩa là viết được văn. Rõ rồi. Do đâu mà Elena không như vậy? Một trí thức châu Âu thường xem việc viết sách là nhu cầu tự thân, nhuần nhị như thể dục, nghe nhạc, thư giãn, hít thở. Họ không đặt nhiều tham vọng vào việc này. Viết hồi ký, viết tiểu luận, viết du ký…Viết, chăm chỉ, giải bày, thầm lặng. Truyện ngắn và cả 7 bài báo (đi, đất, và người) tập hợp trong tập này, cho thấy một đôi chân vừa đi vừa nghĩ và một gương mặt đăm chiêu của một con người có xê dịch nhưng ở đâu cũng nặng lòng khám phá, trắc ẩn.
Cùng dừng lại từng truyện để nghĩ về cách đặt vấn đề và xử lý vấn đề của một người viết từ một châu lục khác. Một khẩu súng lục trong căn nhà của đôi vợ chồng và ước nguyện dữ dội là chết cùng một lúc của họ (Bàn tay trong một bàn tay). Một người con về bên cha không với ý niệm nghĩa tử là nghĩa tận, không hề, và trái tim anh chàng chỉ rung lên với hộp quà rất cũ, trong đó là chiếc đầu máy xe lửa của tuổi thơ mình (Quá khứ dưới lớp tuyết mùa Giáng sinh). Một căn phòng qua tự sự của người phụ nữ hầu phòng, một nơi đặc biệt, một nơi được kín đáo cất giữ chỉ vì nơi đó từng được một đôi trai gái trẻ chọn làm nơi để từ giả cõi tạm, để bên nhau, để tuyệt vọng một cách rất ư bình thản và cảm động (Phòng số 3). Một phụ nữ hiện đại, là sản phẩm của cuộc sống công nghiệp, tự tin, thành đạt, tót vời nhưng cuộc sống ấy lại là nhà ngục với cô ta (Một phút tự do). Vậy đó, bạn cứ thả mình vào trang sách của Elena Pucillo Truong đi, bạn sẽ thấy lạ và rất khác với chúng ta.
Truyện nào cũng dung dị và có dư âm. Cũng dễ hiểu khi những truyện sâu sắc nhất nằm ở đáy ký ức và tâm hồn tác giả với bản quán, hay Paris, nơi in dấu của một nghiên cứu sinh. Trên hết, chúng ta nhìn thấy một trái tim hiểu biết, dịu dàng với một cách tư duy không như người Việt. Đó là điểm thú vị mà Elena Pucillo Truong muốn cống hiến.
Những bài viết của phần hai, đi, nghĩ và tả, trừ bài rất kỹ về Sophia Loren, một gương mặt, một giá trị, một tài sản của nước Ý, thảy đều tập trung cho nhận định vừa rồi: một tiến sĩ ngữ văn viết về những chiêm nghiệm đã chín của mình và mong muốn được độc giả VN đón nhận như một món quà tri ân cho đất nước mà người đó đã trao gửi và đã chọn làm quê hương yêu dấu thứ hai của mình.
Nhà văn Dạ Ngân
Sài Gòn 6/2014