“Lịch sử văn học thế giới” là bộ sách đồ sộ được Viện Văn học thế giới mang tên A.M.Gorky thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Nga) thực hiện trong một quá trình lâu dài, với sự tham gia của một tập thể đông đảo các nhà khoa học của Nga và của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Đó là một ấn phẩm độc đáo, xem xét sự phát triển của văn học các dân tộc trên thế giới từ thời Cổ đại cho đến Hiện đại, mỗi tập đề cập một thời kỳ lịch sử: tập 1 là các nền văn học cổ đại (cho đến đầu công nguyên), tập hai là văn học các thế kỷ III – XIII, tập 3 là thời đại Phục hưng (thế kỷ XIV – XVI), tập 4 là thế kỷ XVII, tập 5 là thế kỷ XVIII, các tập 6 và 7 là thế kỷ XIX, còn tập 8 là về giai đoạn giao thời giữa hai thế kỷ XIX – XX. Nguyên tắc trình bày của các tập sách là theo khu vực địa lý-văn hóa.
Đây là một bộ sách thể hiện quan điểm và phương pháp luận của văn học so sánh Nga – Xô viết. Đóng góp quan trọng của nó đối với khoa nghiên cứu văn học so sánh thế giới là lý thuyết về loại hình lịch sử, dựa trên cơ sở của triết học nhất nguyên lịch sử Marxist, với học thuyết về các hình thái kinh tế - xã hội, từ đó hình thành khái niệm và quan niệm về các loại hình lịch sử của văn học các dân tộc và toàn thế giới qua các thời đại lịch sử khác nhau.
Trong nhiều năm qua, việc dịch thuật sang tiếng Việt bộ sách đồ sộ và có ý nghĩa quan trọng đối với khoa văn học so sánh này đã được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tiến hành. Bản dịch tập 1 và tập 2 đã được xuất bản vào các năm 2008 và 2012, và giờ đây là bản dịch tập 3 – một trong những phần quan trọng nhất của bộ sách.
Nếu như tập 1 và 2 đưa ra bức tranh tổng quan văn học thời cổ đại và trung đại, thì tập 3 là giai đoạn từ cuối thế kỷ XIII đến hết thế kỷ XVI (trong một số trường hợp là đến đầu thế kỷ XVII). Quy mô về không gian của tập sách này được mở rộng hơn so với hai tập trước, không chỉ tập trung vào Cựu thế giới, mà sang cả châu Mỹ (các nền văn học Mỹ Latin) và vùng Nam Thái Bình Dương (các nền văn học của các dân tộc Mã Lai, Philippines, Indonesia…). Các tác giả của tập sách đã đưa ra cách hiểu rộng rãi về “Phục hưng”, dù cũng rất cẩn trọng trong việc sử dụng thuật ngữ này, cả trong những giới thuyết ở phần Dẫn nhập, lẫn trong những phân tích các nền văn học không nằm trong khu vực “Phục hưng” đúng nghĩa của nó (tức Tây Âu và một phần Đông Âu). Họ đưa ra khái niệm “những quá trình tương đồng với thời đại Phục hưng” cho các khu vực khác trên thế giới, nhằm “tránh áp dụng quá rộng định nghĩa Phục hưng và đồng thời cho phép phân tích cặn kẽ đến tận cội nguồn khái niệm những hiện tượng trong văn hóa có các dấu hiệu Phục hưng, chẳng hạn như sự nảy sinh nghệ thuật cá nhân kiểu Phục hưng, sự gắn kết với chủ nghĩa nhân văn chống phong kiến và sự trở lại với thời cổ đại, cơ sở dân tộc mang tính chất trung gian đặc thù, nhưng do hoàn cảnh bên trong và bên ngoài không thuận lợi đã không tạo được thành một kỷ nguyên văn hóa riêng biệt” (Phần Dẫn nhập). Có thể thấy quan điểm loại hình lịch sử đã được thể hiện một cách nhất quán trong tập sách này.
Là thời kỳ trỗi dậy của các nền văn học dân tộc, mặc dù các văn học cổ điển mang tính khu vực như văn học tiếng Latin ở Tây Âu, tiếng Slav Nhà thờ ở Đông Nam Âu, tiếng Sanskrit và Pali ở Nam Á và Đông Nam Á, tiếng Arab ở Trung Cận Đông, Hán văn ở Đông Á… vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn học, nhưng các nền văn học viết bằng tiếng dân tộc đã được hình thành và khẳng định, với vô số những tác gia và tác phẩm có giá trị.
Nếu như nội dung của tập 2 phản ánh “thời đại tín ngưỡng” là thời trung đại, thì tập 3 cho thấy ở khắp các nền văn học các khu vực, với các mức độ khác nhau, đều có những xu hướng thẩm xét lại những tín điều tôn giáo, là “sự đả phá mang tính xã hội rộng lớn nền độc tài tinh thần” của nhà thờ Thiên Chúa giáo ở châu Âu, của Hồi giáo chính thống ở Trung Cận Đông, của Khổng giáo ở Đông Á, v.v… “Đó là một sự thay đổi đánh dấu sự kết thúc của thời trung đại và sự mở đầu của Thời đại Mới trong lĩnh vực văn hóa thế giới, xây dựng nền móng - nếu nhìn tổng thể trên phương diện quy mô - cho một nền văn học mới và cận đại” (Phần “Dẫn nhập”).
Thời kỳ lịch sử được phản ánh trong tập 3 cũng có thể được xem là thời đại của “những phát kiến” vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến số phận của cả thế giới: bên cạnh những “phát kiến địa lý” (mở ra những “vùng đất mới” ở châu Mỹ, ở Siberia, ở Nam Thái Bình Dương) và những “phát kiến lịch sử” (phát hiện lại các giá trị cổ đại) là “phát kiến về con người”. Đây là thời kỳ mà ở mọi khu vực văn học trên thế giới, với những mức độ và sắc thái biểu hiện đa dạng, khác nhau, đều khẳng định những phẩm chất, giá trị của con người, thần thánh hóa con người, hòa nhập con người với thần linh, khẳng định khả năng tương giao trực tiếp của con người với thần linh, hoặc thậm chí khẳng định cả con người như đối thủ của thần linh. Tinh thần chủ đạo của Phục hưng (trong nghĩa rộng) là chủ nghĩa nhân văn xuyên suốt các phần, các chương của bộ sách.
Hơn 800 trang nguyên bản tiếng Nga khổ lớn, bao trùm 10 khu vực văn học trên thế giới với hơn 50 nền văn học dân tộc, tập 3 là một công trình đồ sộ, công phu của một tập thể đông đảo các chuyên gia văn học Liên Xô (tập sách xuất bản năm 1985), trong đó có các tên tuổi lớn đã được biết đến nhiều ở Việt Nam như các viện sĩ N.I.Balashov (chủ biên tập sách), D.S.Likhachev, E.M.Meletinsky, B.L.Riftin,…
Bản dịch sang tiếng Việt được thực hiện bởi các dịch giả Trần Văn Cơ, Lê Sơn, Đào Tuấn Ảnh, Trần Thanh Đạm, Trần Thanh Bình, Trần Thị Phương Phương, Đỗ Hải Phong, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Thu Ngà.